Hoàn thiện khung pháp luật về tiền ảo tại Việt Nam

Tại nhiều quốc gia trên thế giới, tiền ảo đã được chấp nhận như một phương tiện để thanh toán và được thừa nhận là một sản phẩm dịch vụ, hàng hóa đặc biệt…

… Còn ở Việt Nam, tiền ảo có được xác định là tài sản hợp pháp, được quy định là một phương tiện thanh toán hay không? Trong bài viết, tác giả phân tích thực trạng pháp luật về vấn đề này, qua đó đưa ra một số gợi mở góp phần hoàn thiện pháp luật về tiền ảo tại Việt Nam trong thời gian tới.

Theo định nghĩa của Cơ quan Giám sát Ngân hàng châu Âu (EBA), tiền ảo (virtual currency) không phải một đơn vị tiền kỹ thuật số (digital money) do ngân hàng trung ương hoặc cơ quan công quyền phát hành, cũng không nhất thiết phải gắn liền với tiền pháp định [1]. Theo nhóm nghiên cứu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tiền ảo là đại diện số có giá trị do các nhà phát triển tư nhân phát hành và có đơn vị tính toán của riêng mình. Tiền ảo có thể chứa đựng, lưu trữ, truy cập và giao dịch điện tử, có thể được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau, miễn là các bên giao dịch đồng ý sử dụng chúng. Tiền ảo là một khái niệm rộng về các loại tiền tệ, từ chứng từ nợ của các nhà phát hành, đến các loại tiền ảo được bảo đảm bằng tài sản hay vàng, và các loại tiền mã hóa (crypto-currencies) như là Bitcoin [2]. Tiền ảo được nhóm, cộng đồng cụ thể chấp nhận làm phương tiện thanh toán và có thể chuyển nhượng, lưu trữ hoặc giao dịch điện tử.

1. Thực trạng pháp luật về tiền ảo

Về phương diện là phương tiện thanh toán, khoản 1 và khoản 2 Điều 17 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2010 quy định: Ngân hàng Nhà nước là cơ quan duy nhất phát hành tiền giấy, tiền kim loại của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tiền giấy, tiền kim loại do Ngân hàng Nhà nước phát hành là phương tiện thanh toán hợp pháp trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Khoản 6 và khoản 7 Điều 4 Nghị định số 101/2012/NĐ-CP ngày 22/11/2012 của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt, được sửa đổi, bổ sung năm 2016 (hiện nay đang được nghiên cứu thay thế) quy định: Phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt sử dụng trong giao dịch thanh toán (sau đây gọi là phương tiện thanh toán), bao gồm: Séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng và các phương tiện thanh toán khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước; phương tiện thanh toán không hợp pháp là các phương tiện thanh toán không thuộc quy định tại khoản 6 Điều này. Đồng thời, khoản 6 Điều 6 Nghị định số 101/2012/NĐ-CP quy định về các hành vi bị cấm bao gồm: Phát hành, cung ứng và sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp.

Tại điểm h khoản 1 Điều 206 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định: Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây gây thiệt hại cho người khác về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm, trong đó bao gồm hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng phương tiện thanh toán không hợp pháp, làm giả chứng từ thanh toán, phương tiện thanh toán; sử dụng chứng từ thanh toán, phương tiện thanh toán giả. Bên cạnh đó, nhận thức được những rủi ro, hệ lụy của Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác, tháng 02/2014, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có những cảnh báo về những rủi ro, nguy cơ đối với các hoạt động, giao dịch liên quan tới Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác, trong đó khẳng định quan điểm không công nhận Bitcoin và các loại tiền ảo khác là tiền hợp pháp và phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam [3]. Đồng thời, ngày 13/4/2018, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-NHNN về các biện pháp tăng cường kiểm soát các giao dịch, hoạt động liên quan đến tiền ảo, trong đó chỉ đạo cụ thể các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, dịch vụ trung gian thanh toán không được thực hiện các giao dịch trung gian thanh toán, giao dịch thẻ, cấp tín dụng qua thẻ, hỗ trợ xử lý, thanh toán, chuyển tiền, bù trừ và quyết toán, chuyển đổi tiền tệ, thực hiện giao dịch thanh toán, chuyển tiền qua biên giới liên quan tới giao dịch tiền ảo cho khách hàng do có thể phát sinh những rủi ro về rửa tiền, tài trợ khủng bố, gian lận, trốn thuế.
Từ các quy định nêu trên, việc sử dụng tiền ảo làm phương tiện thanh toán tại Việt Nam là hành vi vi phạm pháp luật và có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự theo quy định của pháp luật.

Về phương diện là một loại tài sản, qua rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan như Bộ luật Dân sự năm 2015, Luật Thương mại năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2017, 2019), Luật Chứng khoán năm 2019, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), Luật Thuế giá trị gia tăng năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2013, 2014 và 2016), Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2013, 2014 và 2020), Luật Thuế thu nhập cá nhân năm 2007 (sửa đổi, bổ sung năm 2012, 2014, 2016), Luật Phá sản năm 2014... thì chưa có quy định phân loại và định danh một cách dứt khoát, rõ ràng các loại tài sản mã hóa, trong đó có tiền ảo thuộc loại hình nào trong các khái niệm pháp lý như: Chứng khoán (khoản 1 Điều 4 Luật Chứng khoán năm 2019), hàng hóa (khoản 2 Điều 3 Luật Thương mại năm 2005), tài sản (khoản 1 Điều 105 Bộ luật Dân sự năm 2015). Trong khi đó, cũng có quan điểm cho rằng, điểm mấu chốt mà thực tiễn đang đặt ra là các loại tài sản mã hóa đang tồn tại và lưu hành như Bitcoin và ETH cùng một số loại tài sản mã hóa khác có đích thực được xem là tài sản theo nghĩa pháp lý được quy định tại khoản 1 Điều 105 Bộ luật Dân sự năm 2015 hay không? Điều này sẽ làm cho việc áp dụng các quy định pháp luật hiện hành để điều chỉnh việc bảo hộ các quyền hoặc lợi ích của cá nhân trong việc nắm giữ, chuyển nhượng, để thừa kế, bị đánh cắp hoặc bị tước đoạt đối với các loại tài sản mã hóa - sản phẩm ứng dụng công nghệ của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trở nên không chắc chắn. Bên cạnh đó, việc thực hiện nghĩa vụ thuế phát sinh từ các giao dịch liên quan tới chuyển nhượng tài sản mã hóa cũng chưa được Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2013, 2014 và 2020), Luật Thuế thu nhập cá nhân năm 2007 (sửa đổi, bổ sung các năm 2012, 2014, 2016) đặt ra.

Thực tiễn này, dẫn đến vẫn còn sự nhầm lẫn giữa khái niệm tiền điện tử và khái niệm tiền ảo, gây nên nhiều khó khăn trong công tác quản lý nhà nước của các cơ quan có thẩm quyền. Vì vậy, cần có những quy định pháp luật để phân định rõ tiền điện tử với các hình thức khác vốn không được coi là phương tiện thanh toán hợp pháp.

2. Một số khó khăn, thách thức và gợi mở

2.1. Khó khăn, thách thức

Hiện nay, do còn thiếu nhiều quy định pháp luật về tài sản mã hóa, một số quy định chưa rõ ràng, nhận thức còn khác nhau nên đã phát sinh những vấn đề như: Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền chưa có cơ sở để đề xuất biện pháp phòng, chống, xử lý các vi phạm hành chính liên quan đến tài sản mã hóa. Bên cạnh đó, những vấn đề mới được đặt ra như công nghệ tài chính (Fintech), Dự án đồng Libra (Diem) của Facebook, sự phát triển của các đồng tiền kỹ thuật số do Ngân hàng Trung ương phát hành (CBDC) là thách thức không nhỏ trong việc quản lý của các cơ quan chức năng Việt Nam. Ngoài ra, công tác nghiên cứu nhằm đề xuất khuôn khổ pháp lý đối với các hoạt động liên quan đến tiền ảo đối mặt với một số khó khăn, thách thức như:

Một là, sự phức tạp về tiền ảo cũng như công nghệ nền tảng của tài sản mã hóa: Việc xây dựng khung pháp lý quản lý các hoạt động liên quan đến tài sản mã hóa đòi hỏi cơ quan xây dựng chính sách phải có hiểu biết sâu sắc về bản chất của tài sản mã hóa, cách thức hoạt động cũng như các lợi ích và rủi ro tiềm năng của chúng. Đây là một thách thức do tài sản mã hóa là sản phẩm mới, đòi hỏi sự hiểu biết nhất định về lĩnh vực công nghệ. Ngay bản thân việc định nghĩa thế nào là tài sản mã hóa, cả về thuật ngữ và nội hàm cũng chưa có sự thống nhất. Chính vì vậy, để hiểu được bản chất cũng như cách thức vận hành, giao dịch của tài sản mã hóa cần sự hiểu biết về công nghệ nền tảng, qua đó mới có thể xây dựng cơ chế quản lý, giám sát phù hợp. 

Hai là, vấn đề nhân lực trong công tác nghiên cứu, trong thời gian vừa qua, Bộ Tài chính đang tập trung xây dựng các văn bản hướng dẫn Luật Chứng khoán năm 2019. Tuy công tác nghiên cứu, đánh giá về các hình thức, sản phẩm đầu tư mới và các xu thế phát triển trên thị trường chứng khoán và tài chính, trong đó có tài sản mã hóa cũng được quan tâm triển khai, song với khối lượng lớn công việc cần triển khai trong thời gian vừa qua cũng đặt ra bài toán khó về phân bổ nguồn lực triển khai công tác nghiên cứu, đặc biệt là đối với một số vấn đề phức tạp, đòi hỏi kiến thức chuyên sâu như tài sản mã hóa.

Ba là, phạm vi ảnh hưởng rộng lớn của tài sản mã hóa, tài sản mã hóa thực chất là một loại tài sản kỹ thuật số không được phát hành hoặc bảo đảm bởi Ngân hàng Trung ương hoặc cơ quan quản lý nhà nước nào khác, và/có thể được sử dụng như một phương tiện thanh toán và/hoặc vì mục đích đầu tư và/hoặc dùng để tiếp cận một hàng hóa hoặc dịch vụ nào đó [4]. Như vậy, xuất phát từ Bitcoin và các đồng tiền tương tự có mục đích sử dụng như một phương tiện thanh toán, tài sản mã hóa giờ đây có thể được phát hành dưới dạng chứng khoán với mục đích huy động vốn hoặc dưới dạng xu tiện ích với mục đích đem lại cho người sở hữu khả năng tiếp cận và sử dụng một dịch vụ nhất định, hoặc thậm chí là một dạng kết hợp của các nhóm trên. Do vậy, tài sản mã hóa không chỉ tác động, ảnh hưởng đến một lĩnh vực của nền kinh tế mà còn đòi hỏi sự hợp tác, phối hợp của nhiều bộ, ngành và các cơ quan liên quan.

2.2. Gợi mở cho Việt Nam

Trên cơ sở những khó khăn, vướng mắc được đánh giá nêu trên, tác giả đưa ra một số gợi mở để hoàn thiện pháp luật về tiền ảo tại Việt Nam như sau:

Thứ nhất, về hoàn thiện hệ thống pháp luật, tác giả cho rằng, cần nghiên cứu, xây dựng nghị quyết của ủy ban Thường vụ Quốc hội về giải thích pháp luật để thống nhất xác định một số sản phẩm ứng dụng công nghệ kể trên (tài sản mã hóa hoặc tiền mã hóa) thuộc phạm trù tài sản theo nghĩa pháp lý mà Bộ luật Dân sự năm 2015 (khoản 1 Điều 105) đã quy định. Do tính chất đặc biệt của loại tài sản này cùng những rủi ro có thể đi kèm khi cho phép lưu hành rộng rãi, Nhà nước nên nghiên cứu ban hành văn bản quy phạm pháp luật để kiểm soát chặt chẽ việc phát hành hoặc giao dịch loại tài sản này (bằng cách đặt ra các điều kiện để một người hoặc một tổ chức có thể tham gia thị trường giao dịch tiền mã hóa, những cá nhân, tổ chức không được phép tham gia, việc tổ chức các sàn giao dịch và các biện pháp chế tài xử lý chủ thể có hành vi vi phạm). Ngoài ra, cần nghiên cứu, trình cơ quan có thẩm quyền xem xét ban hành một số văn bản như: (i) Văn bản về huy động vốn qua phát hành tài sản mã hóa (ICO/ITO hay STO) và quản lý sàn giao dịch tài sản mã hóa là chứng khoán[5] theo chuẩn mực, thông lệ quốc tế và yêu cầu của thực tiễn, trong đó cần tập trung nghiên cứu các quy định về chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của các cơ quan chịu trách nhiệm quản lý, cấp phép, giám sát, thanh tra đối với các nhà cung ứng dịch vụ tài sản ảo, tiền ảo (tài sản mã hóa, tiền mã hóa); các chế tài xử phạt đối với các tổ chức cung ứng dịch vụ tài sản ảo, tiền ảo (tài sản mã hóa, tiền mã hóa) không được cấp phép hoặc không đăng ký, không tuân thủ các biện pháp phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố… trình Chính phủ trong năm 2021; triển khai các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn giao dịch của các sàn giao dịch tài sản mã hóa, tiền mã hóa; (ii) Xây dựng Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), trong đó tập trung sửa đổi các quy định liên quan đến giao dịch điện tử trong Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số.

Thứ hai, về tổ chức thi hành các quy định của pháp luật, trong đó, đặc biệt tập trung vào thực hiện các nhiệm vụ chính như: (i) Tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, về tài sản mã hóa, các phương thức thủ đoạn hoạt động phạm tội liên quan đến tài sản mã hóa, tiền mã hóa để có biện pháp phòng tránh; đồng thời, tăng cường cảnh báo về những rủi ro, nguy cơ và hệ lụy của việc tham gia mua bán, giao dịch, đầu tư, kinh doanh tài sản mã hóa bất hợp pháp và sử dụng tài sản mã hóa cho hoạt động tội phạm (rửa tiền, tài trợ khủng bố, chuyển tiền bất hợp pháp, trốn thuế, lừa đảo…); (ii) Đẩy mạnh triển khai Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia hỗ trợ nghiên cứu, phát triển và ứng dụng thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó, tăng cường hỗ trợ việc nghiên cứu và ứng dụng công nghệ blockchain để tạo ra các sản phẩm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh; (iii) Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền tích cực, thường xuyên phối hợp chặt chẽ công tác nghiên cứu, xây dựng khung pháp lý và quản lý, giám sát các hoạt động liên quan đến tài sản mã hóa, tiền mã hóa; đồng thời, chủ động nghiên cứu, đánh giá các tiềm năng của công nghệ blockchain để triển khai các ứng dụng cụ thể phục vụ công tác quản lý nhà nước của mình.

Thứ ba, nghiên cứu, theo dõi diễn biến việc ứng dụng công nghệ blockchain của ngân hàng trung ương các nước, nhất là việc phát hành tiền kỹ thuật số của một số ngân hàng trung ương và sự phát triển của các đồng tiền ổn định (stablecoin - như dự án đồng Libra (Diem) của Facebook) để đề xuất giải pháp phù hợp. Đặc biệt, huy động và khuyến khích các tổ chức nghiên cứu (trường đại học, các viện nghiên cứu) cùng tổ chức đào tạo và nghiên cứu các vấn đề liên quan công nghệ blockchain.

Trần Thị Thu Hằng
Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp
 

 
[1]. Https://www.eba.europa.eu/sites/default/documents/files/documents/10180/2545547/67493daa-85a8-4429-aa91-e9a5ed880684/EBA%20Report%20on%20crypto%20assets.pdf.
[2]. Http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/tien-ao-va-thuc-trang-quan-ly-tien-ao-o-mot-so-quoc-gia-tren-the-gioi-53772.htm.
[3]. Thể hiện tại Thông cáo báo chí ngày 27/02/2014, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã yêu cầu các tổ chức tín dụng không được phép sử dụng Bitcoin (và các loại tiền ảo tương tự khác) như một loại tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán khi cung ứng dịch vụ cho khách hàng; đồng thời, cảnh báo, khuyến cáo các tổ chức, cá nhân cần thận trọng và không nên đầu tư, nắm giữ, tham gia thực hiện các giao dịch liên quan đến Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác.
[4]. Báo cáo số 255/BC-BTP ngày 29/10/2018 của Bộ Tư pháp về việc rà soát, đánh giá toàn diện thực trạng pháp luật, thực tiễn về tài sản ảo, tiền ảo ở Việt Nam và quốc tế; nhận diện, đề xuất các định hướng hoàn thiện, tr. 114.
[5]. Nhiệm vụ này được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1255/QĐ-TTg ngày 21/8/2017 phê duyệt Đề án Hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo (Mục II.3 của Điều 1) và Văn bản số 11633/VPCP-KTTH ngày 29/11/2018 (Mục 1.a), Văn bản số 9721/VPCP-KTTH ngày 25/10/2019 của Văn phòng Chính phủ về việc lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về tài sản ảo, tiền ảo; Quyết định số 242/QĐ-TTg ngày 28/02/2019 phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025” (Mục 1.i Điều 1 Quyết định; Mục B.I.1, B.I.3.a, B.I.5.a Đề án). Các chính sách cơ bản của 02 vấn đề này đã được phân tích chi tiết tại điểm 2.2 và 2.3 Mục II.2 Phần 4 Báo cáo số 255/BC-BTP ngày 29/10/2018 của Bộ Tư pháp.

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin.