Kế hoạch của Bộ Y tế thực hiện Hiệp định EVFTA

Ngày 17/05/2021, căn cứ vào Nghị định số 75/2017/NĐ-CP ngày 20/6/2017 và Quyết định số 1201/QĐ-TTg ngày 06/8/2020. Cũng theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế - Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế ban Quyết định số 2442/QĐ-BYT.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 17/05/2021. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch của Bộ Y tế thực hiện Hiệp định Thương mại tự do giữa Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA).

Hiệp định Thương mại tự do giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA) đã được ký kết vào ngày 30 tháng 6 năm 2019 tại Hà Nội; Hiệp định EVFTA đã được Nghị viện Châu Âu và Quốc hội Việt Nam phê chuẩn và chính thức có hiệu lực từ ngày 01/8/2020.

EVFTA là một Hiệp định thế hệ mới, có mức độ cam kết cao, tầm ảnh hưởng rộng, hứa hẹn mang lại nhiều cơ hội mới nhưng cũng không ít thách thức to lớn cho nền kinh tế cả nước nói chung và ngành y tế nói riêng.

Mục tiêu và yêu cầu

Kế hoạch thực hiện EVFTA của Bộ Y tế dựa trên Kế hoạch thực hiện EVFTA của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm phân công nhiệm vụ, trách nhiệm cho các cơ quan, tổ chức liên quan của ngành y tế quyết định biện pháp chỉ đạo, điều hành và các biện pháp triển khai hiệu quả đầy đủ và hiệu quả Hiệp định này.

Về yêu cầu, Bộ Y tế yêu cầu cần kịp thời cập nhật các hoạt động liên quan trong suốt thời gian hiệu lực của EVFTA. Đồng thời xác định rõ nhiệm vụ tương ứng với các đơn vị chủ trì, đơn vị đầu mối, phối hợp và yêu cầu chủ động thực hiện; phối hợp chặt chẽ, trách nhiệm để đạt được kết quả theo đúng yêu cầu và đúng tiến độ.

Những nhiệm vụ chủ yếu

Công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về EVFTA và thị trường của các nước đối tác EVFTA

Tổ chức hội thảo Phổ biến nội dung cơ bản của EVFTA và Kế hoạch thực thi EVFTA của Bộ Y tế;

Tổ chức phổ biến, tuyên truyền các nội dung của Hiệp định EVFTA liên quan đến lĩnh vực dược, mỹ phẩm; an toàn thực phẩm cho các đối tượng liên quan;

Giải đáp các vướng mắc về EVFTA cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế;

Tập huấn hoặc đào tạo chuyên sâu về EVFTA cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ trong các lĩnh vực trang thiết bị y tế;

Xây dựng và duy trì trang thông tin điện tử, tài khoản xã hội về EVFTA để cung cấp thông tin nhanh chóng, kịp thời và đa dạng cho các cơ quan quản lý, cộng đồng doanh nghiệp và người dân;

Thiết lập đầu mối cung cấp thông tin liên quan đến EVFTA trong lĩnh vực y tế;

Đẩy mạnh các chương trình xúc tiến thương mại – đầu tư tại các nước EU nhằm thông tin cho cộng đồng doanh nghiệp các nước về cơ hội và lợi thế môi trường kinh doanh đầu tư của Việt Nam.

Xây dựng pháp luật, thể chế

Rà soát, đối chiếu các quy định của Hiệp định EVFTA trong quá trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, các chính sách, hướng dẫn trong lĩnh vực an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế để phù hợp với các cam kết liên quan tại Hiệp định EVFTA;

Tiếp tục thực hiện rà soát các quy định quản lý trang thiết bị y tế tại các Nghị định sửa đổi Nghị định 36/2016/NĐ-CP ; Nghị định 169/2018/NĐ-CP ; Nghị định 03/2020/NĐ-CP về quản lý trang thiết bị y tế để phù hợp với EVFTA trong quá trình thực thi;

Hướng dẫn các đơn vị mua sắm theo Hiệp định EVFTA;

Xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 95/2020/NĐ-CP bổ sung hướng dẫn cho các gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của EVFTA;

Trong phạm vi chức năng nhiệm vụ, tiếp tục tham mưu Lãnh đạo Bộ hướng dẫn các đơn vị trực thuộc Bộ thực hiện mua sắm theo EVFTA;

Rà soát, sửa đổi các Văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực dược, mỹ phẩm để phù hợp cam kết trong EVFTA;

Sửa đổi Thông tư 32/2018/TT-BYT quy định việc đăng ký thuốc và nguyên liệu làm thuốc;

Xây dựng Thông tư hướng dẫn việc mua sắm dược phẩm theo cam kết tại Hiệp định EVFTA;

Đóng góp ý kiến dự thảo Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi; Nghị định hướng dẫn về những gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của EVFTA;

Quy định về nhập khẩu thiết bị y tế tân trang;

Xây dựng bộ tiêu chuẩn quốc gia về truy xuất nguồn gốc đối với trang thiết bị y tế phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc theo quy định tại Quyết định 100/QĐ -TTg ngày 19/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ.

Nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển nguồn nhân lực

Xây dựng các chương trình hỗ trợ, đề án nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp sản xuất trang thiết bị y tế, phù hợp với cam kết quốc tế; hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu;

Tổ chức tập huấn cho các cán bộ nhằm tránh việc phải đền bù cho chủ sở hữu sáng chế do sự chậm trễ trong việc thực hiện thủ tục này khi các quy định đăng ký thuốc đã được sửa đổi theo Hiệp định EVFTA.

Trong quá trình tổ chức thực hiện Kế hoạch này, nếu cần sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung các nội dung cụ thể, các đơn vị liên quan chủ động đề xuất gửi Vụ Hợp tác Quốc tế tổng hợp để báo cáo Bộ trưởng xem xét, quyết định.

NGUYỄN LAN (tổng hợp)

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin.