Khó khăn, bất cập khi bảo hộ quyền tác giả tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian

(PLBQ). Tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian là loại tác phẩm có các đặc điểm đặc biệt so với các tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học khác. Do đó, việc bảo hộ tác phẩm văn học nghệ thuật dân gian cũng sẽ có những điểm khác biệt so với loại hình tác phẩm khác

Sau đây, Pháp luật và Bản quyền  sẽ phân tích các quy định của pháp luật về bảo hộ đối với tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian. Và những khó khăn, bất cập khi bảo hộ quyền tác giả tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian

Thứ nhất: Tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian là sáng tạo tập thể trên nền tảng truyền thống của của một nhóm hoặc cá nhân nhằm phản ánh khát vọng của cộng đồng thể hiện tương xứng đặc điểm văn hóa và xã hội của họ, do đó rất khó xác định được ai là tác giả của loại tác phẩm này. Nên khác với quy định về bảo hộ đối với Tác phẩm thông thường qui định tại Khoản 4, Điều 19 Luật sở hữu trí tuệ “Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả” thì tại Khoản 2, Điều 23 Luật Sở hữu trí tuệ có quy định “Tổ chức, cá nhân khi sử dụng tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian phải dẫn chiếu xuất xứ của loại hình tác phẩm đó và bảo đảm giữ gìn giá trị đích thực của tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian

Thứ hai: cũng vì đặc tính không xác định được tác giả nên các quyền nhân thân như đặt tên cho tác phẩm, đứng tên thật hoặc bút danh cho tác phẩm không được đề cập đến trong các quy định bảo hộ tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian. Mặt khác, tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian chủ yếu tồn tại dưới hình thức truyền miệng được lưu truyền từ đời này qua đời khác, do vậy việc bảo hộ tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian phải đảm bảo tính nguyên gốc là khó thực hiện được.

Thứ ba: Tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian có nhiều dị bản và chúng có một số chi tiết khác nhau nên tất cả các dị bản đó sẽ được tự động bảo hộ mà không cần đảm bảo tính nguyên gốc của tác phẩm. Tính dị bản của tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian là do sáng tác tập thể và nó không được cố định trong một văn bản nên khi lưu truyền sang các vùng không gian khác nhau thì nó dần dần thay đổi.

Những điểm khác biệt trên đã tạo nên nét đặc trưng của tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian. Để độc giả dễ nắm bắt và hiểu rõ hơn về vấn đề, chúng tôi xin đưa ra ví dụ và một vài phân tích về một tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian đã được bảo hộ sau đây:

 


Tác phẩm: “Hình thức thể hiện tranh tết dân gian” của tác giả Nguyễn Văn Lộc, được cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả số 169/2013/QTG ngày 07/01/2013.

Quyền tác giả được ghi nhận cho các tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học như sách, bài giảng, tác phẩm âm nhạc, tác phẩm sân khấu, tác phẩm điện ảnh, tác phẩm tạo hình và mỹ thuật ứng dụng, tác phẩm nhiếp ảnh, tác phẩm kiến trúc, phần mềm máy tính.

Tác phẩm “Hình thức thể hiện tranh tết dân gian” thuộc một trong mười hai loại hình được bảo hộ quyền tác giả theo quy định tại Khoản 1 Điều 14 Luật sở hữu trí tuệ và thỏa mãn các điều kiện để tác phẩm được bảo hộ: Là kết quả của hoạt động sáng tạo; Được ấn định trên hình thức vật chất hoặc được thể hiện thông qua hình thức nhất định; Thuộc lĩnh vực văn học, nghệ thuật, khoa học. Do đó tác phẩm trên đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả số 169/2013/QTG ngày 07/01/2013.

Từng “cụm hình ảnh” trong tác phẩm “Hình thức thể hiện tranh tết dân gian” có được bảo hộ quyền tác giả không ?

Về nguồn gốc, các cụm hình ảnh được thể hiện trong tác phẩm là những hình ảnh đã được lưu truyền trong văn hóa dân gian từ lâu đời, các tác giả chỉ thay đổi một số đường nét và sắp xếp theo một bố cục và hình thức thể hiện để tạo nên tác phẩm riêng của mình. Những biểu tượng quen thuộc trong đời sống của người Việt Nam (như thầy đồ viết chữ, múa lân, liễn chúc tết, hoa mai, hoa đào, trẻ em vui chơi với pháo....) thì mỗi người có sự hình dung và thể hiện riêng của mình nhưng bản thân mỗi một biểu tượng riêng rẽ không thể tự thân tạo nên một tác phẩm để thể hiện không khí tết dân gian mà các biểu tượng này phải được sắp xếp, thể hiện trong những bố cục chỉnh thể thì mới có hình thành nên tác phẩm mang thông diệp và nội dung cụ thể. Quyền tác giả đối với tác phẩm ở đây được xác định chính là bố cục sắp xếp, hình thức thể hiện trong một tổng thể thống nhất không thể tách rời ra theo từng bộ phận để xác định quyền tác giả.

Theo đó từng “cụm hình ảnh” trong tác phẩm “Hình thức thể hiện tranh tết dân gian” sẽ không được bảo hộ quyền tác giả.

Trường hợp khác, có thể bảo hộ quyền tác giả cho từng cụm hình ảnh không?

Tác giả hoàn toàn có thể đăng ký bảo hộ quyền tác giả cho từng cụm hình ảnh trong tác phẩm. Theo trình tự đăng ký quyền tác giả nếu muốn bảo hộ cho từng cụm hình ảnh, tác giả phải lập từng hồ sơ tương ứng với từng cụm hình ảnh (ở đây là 05 cụm hình ảnh tương ứng với 05 hồ sơ) để đăng ký quyền tác giả. Tuy việc này mất nhiều thời gian và công sức, nhưng tác giả sẽ có những cơ sở pháp lý chắc chắn để bảo vệ quyền tác giả của mình khi có tranh chấp xảy ra.

Bảo hộ tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian ngoài việc công nhận về nguồn gốc sáng tạo ra tác phẩm còn là sự bù đắp xứng đáng cho tác giả vì những công sức sáng tạo họ đã bỏ ra. Việc bảo hộ này làm tăng sự chắc chắn và ổn định về mặt pháp lý và mang lại lợi ích không chỉ cho những người nắm giữ vốn văn học nghệ thuật dân gian mà cả những người sử dụng tác phẩm đó.

KỲ ANH

 

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin.