Khoa học công nghệ mở: Từ góc nhìn sở hữu trí tuệ

Ky Anh

(PLBQ). Khoa học và công nghệ mở phát triển, với những phát minh và sáng chế giúp chúng ta vượt qua những thách thức, đi xa và bền vững hơn trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu. Bên cạnh những lợi ích trên, vấn đề về sở hữu trí tuệ trong khoa học mở cũng được đặt ra.

>> Trên con đường hội nhập khoa học công nghệ, Việt Nam cần thúc đẩy bảo hộ sáng chế là công nghệ

>> Mạng lưới TISC và IP-HUB: Thúc đẩy hoạt động sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ trong các viện nghiên cứu, trường đại học

Khoa học và công nghệ mở

Khoa học và công nghệ mở đại diện cho tiếp cận mới về quy trình khoa học dựa vào công việc tập thể và các cách thức mới khuếch tán tri thức bằng việc sử dụng các công nghệ số và các công cụ cộng tác mới (Ủy ban châu Âu, 2016b:33). OECD định nghĩa Khoa học mở như là “làm cho các kết quả đầu ra chính của các kết quả nghiên cứu được nhà nước cấp vốn - các xuất bản phẩm và dữ liệu nghiên cứu - truy cập được công khai ở định dạng số không có hạn chế hoặc có hạn chế giới hạn” (OECD, 2015:7), nhưng điều đó là nhiều hơn thế. Khoa học và công nghệ mở là về việc mở rộng các nguyên tắc của tính mở tới toàn bộ vòng đời nghiên cứu, thúc đẩy việc chia sẻ và cộng tác càng sớm có thể càng tốt vì thế kéo theo sự thay đổi một cách có hệ thống tới cách thức khoa học và nghiên cứu được làm.

Đại hội đồng lần thứ 40 UNESCO (tháng 11/2019), 193 quốc gia thành viên đã giao cho UNESCO xây dựng một bộ công cụ tiêu chuẩn hóa về khoa học mở ở dạng Khuyến nghị Khoa học mở của UNESCO, bao gồm 07 nhóm khuyến nghị của UNESCO gồm: Nâng cao nhận thức và hiểu biết chung về khoa học mở, các lợi ích và thách thức, tạo lập môi trường chính sách thúc đẩy khoa học mở, đầu tư cho hạ tầng và dịch vụ khoa học mở, giáo dục và đào tạo mở, thúc đẩy văn hóa khoa học mở, tiếp cận mở trong các khâu của quy trình nghiên cứu (đánh giá, bình duyệt; dữ liệu nghiên cứu mở cho đến các kết quả đầu ra), thúc đẩy hợp tác quốc tế trong khoa học mở. Vào cuối tháng 11/2021, gần 200 quốc gia thành viên của UNESCO đã nhất trí thông qua Khuyến nghị về Khoa học Mở.

Công nghệ mở và sở hữu trí tuệ (Ảnh: Wiki)

Khoa học, công nghệ mở và sở hữu trí tuệ

Giữa sở hữu trí tuệ và khoa học, công nghệ mở tồn tại sự mâu thuẫn. Cụ thể, "tính độc quyền khai thác thương mại các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ là một trong những yếu tố hợp thành hệ thống bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Trong khi đó, bản chất của khoa học mở lại là chia sẻ", ông Trần Văn Hải, Chủ nhiệm bộ môn Quản lý Sở hữu trí tuệ, trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội phát biểu tại hội thảo "Thực trạng và đề xuất phát triển khoa học và công nghệ mở tại Việt Nam" do Trung tâm Công nghệ thông tin - Bộ Khoa học và công nghiệp tổ chức.

Trong Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam, hai quyền sở hữu trí tuệ có ảnh hưởng quan trọng đến khoa học và công nghệ mở là quyền tác giả đối với sản phẩm và quyền đối với sáng chế. Dù tồn tại mâu thuẫn, tuy nhiên quy định về hai quyền này nói riêng và các quy định trong Luật Sở hữu trí tuệ nói chung vẫn có phần phù hợp với khoa học mở, thậm chí còn hỗ trợ cho khoa học và công nghệ mở phát triển.

Thứ nhất, về quyền tác giả. Quyền tác giả là quyền được thực hiện trên nguyên tắc bảo hộ tự động, được phát sinh từ thời điểm tác phẩm được định hình dưới một hình thức vật chất nhất định mà không phân biệt nội dung, giá trị hay thủ tục đăng ký bảo hộ tác phẩm. Theo Công ước Berne, nguyên tắc bảo hộ tự động còn được hiểu là tại thời điểm một tác phẩm được công bố tại một quốc gia thành viên của Công ước Berne thì ngay lập tức và vô điều kiện, tác phẩm này cũng được các quốc gia thành viên khác của Công ước Berne bảo hộ. Thêm vào đó, quyền này chỉ bảo hộ hình thức thể hiện tác phẩm chứ không bảo hộ về mặt nội dung, nên dù tác phẩm đó được bảo hộ bản quyền nhưng "không ngăn cản người khác học các ý tưởng hay làm theo nội dung tác phẩm", ông Trần Văn Hải nhận định.

Thứ hai, về quyền đối với sáng chế. Căn cứ theo điểm a khoản 1 Điều 14 và khoản 1 Điều 2 Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật, nội dung của kết quả nghiên cứu cơ bản không được bảo hộ theo pháp luật về sáng chế, mà chỉ bảo hộ bản viết dưới dạng nghiên cứu khoa học. Đồng thời, quy định về sáng chế cũng không bảo hộ kết quả nghiên cứu ứng dụng trong lĩnh vực khoa học thuộc nhóm tự nhiên, kỹ thuật và công nghệ, y dược (trừ phương pháp chẩn đoán, chữa bệnh cho người và động vật), nông nghiệp có thể thương mại hóa độc quyền. “Như vậy, tính "mở" trong khoa học là đương nhiên đối với kết quả nghiên cứu cơ bản trong tất cả mọi lĩnh vực khoa học, kết quả nghiên cứu ứng dụng trong các lĩnh vực khoa học thuộc nhóm xã hội và nhân văn…”, ông Hải cho biết.

Thêm vào đó, sáng chế còn được bảo hộ dựa trên lý thuyết "phần thưởng" - dành cho chủ sở hữu sáng chế độc quyền khai thác thương mại trong một thời gian nhất định (ở Việt Nam là 20 năm). Khi thời hạn này kết thúc, sáng chế thuộc về công chúng và bất kỳ ai cũng có quyền khai thác thương mại. Và để được bảo hộ sáng chế, bản chất của sáng chế cần đầy đủ và rõ ràng đến mức căn cứ vào đó người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực kỹ thuật tương ứng có thể thực hiện được. “Điều này đem lại nhiều ý nghĩa cả về khoa học và kinh tế - xã hội khi từ sáng chế đã biết, mọi người có thể tiếp tục nghiên cứu, cải tiến sáng chế, phát triển sáng chế, đồng thời không lãng phí thời gian, chi phí để nghiên cứu lặp lại”, ông Hải cho biết.

Tuy nhiên, giữa tính mở của khoa học mở và tính “đóng” (trong thời điểm nhất định) của sở hữu trí tuệ có một số điểm không tương đồng. Hiện tại, quy định chủ sở hữu phải bộc lộ công khai chi tiết bản chất của sáng chế dù có vẻ phù hợp với khoa học và công nghệ mở trên lý thuyết, nhưng trên thực tế chỉ dừng lại ở quy định pháp luật. “Trên thực tế, chủ sở hữu sáng chế có nhiều cách để người khác không thể thực hiện được sáng chế”, ông Hải cho biết. Đó cũng là lý do tại sao nếu các hãng sản xuất vaccine COVID-19, chẳng hạn như Pfizer, có đồng ý bộc lộ thông tin về vaccine như kêu gọi của “Cam kết COVID mở”, thì các hãng dược phẩm dù có đủ năng lực công nghệ cũng chỉ có thể tiếp cận được thông tin về chất thể (ví dụ vaccine Pfizer cần hơn 280 nguyên liệu và thành phần khác nhau từ 19 quốc gia) chứ khó có thể giải mã được quy trình hay phương pháp để giải quyết bài toán về mối quan hệ giữa 280 nguyên liệu và thành phần khác nhau để tạo nên vaccine Pfizer, trừ trường hợp hãng Pfizer đồng ý chuyển giao công nghệ ấy.

Đối với quyền tác giả, quy định mà ông Trần Văn Hải cho là “điểm khó khăn lớn nhất” trong việc thực hiện các nội dung của khoa học mở chính là quy định tại Điều 22 Nghị định 22/2018/NĐ-CP. Theo đó, thư viện không được sao chép và phân phối bản sao tác phẩm tới công chúng, kể cả bản sao kỹ thuật số. Quy định trên đã cụ thể hóa độc quyền của chủ sở hữu tác phẩm trong việc sao chép, ngăn cấm/cho phép người khác sao chép tác phẩm. Như vậy, thư viện (kể cả thư viện số) - đóng vai trò như một tổ chức trung gian truyền đạt tác phẩm đến công chúng lại không được phép phân phối bản sao tác phẩm (kể cả bản sao kỹ thuật số) đến công chúng.

Giải quyết "bài toán" sở hữu trí tuệ trong khoa học và công nghệ mở

Trong khuôn khổ buổi hội thảo, ông Trần Văn Hải đề xuất, “Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nên nghiên cứu ban hành thông tư để hướng dẫn thi hành Điều 22.2 Nghị định 22/2018/NĐ-CP, trong đó cần bổ sung: quy định này không áp dụng đối với tác phẩm khoa học là có thể đáp ứng được yêu cầu của khoa học mở”. Đối với các tác phẩm không thỏa mãn khái niệm tác phẩm khoa học (giáo trình, bài giảng, sách tham khảo, bài báo khoa học,...), ông cho rằng nên thực hiện theo quy định của WIPO về cấp phép sử dụng tác phẩm, chẳng hạn như với các giấy phép Creative Commons.

Từ góc nhìn của ông Trần Văn Hải, nhìn chung vấn đề nằm ở chỗ, chủ sở hữu kết quả nghiên cứu cần thu hồi chi phí cho nghiên cứu trong quá khứ để tiếp tục đầu tư cho nghiên cứu trong tương lai, trong khi đó cộng đồng xã hội lại có nhu cầu tiếp cận kết quả nghiên cứu để phục vụ lợi ích hiện tại, phát triển và cải tiến công nghệ. Thế nên, “chỉ khi nào trung hòa được quyền và lợi ích của chủ sở hữu kết quả nghiên cứu với cộng đồng xã hội thì vấn đề sở hữu trí tuệ trong khoa học mở mới được giải quyết”, ông Hải nhận định.

Từ góc độ của một chuyên gia nghiên cứu về “mở”, ông Lê Trung Nghĩa - Phó Trưởng Ban Tư vấn Phát triển Giáo dục Mở (Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam) cho rằng “nếu không có chính sách về mở, mỗi bên sẽ chỉ quan tâm đến lợi ích của mình. Phải có người có thể đứng ra tập hợp, hài hòa hóa lợi ích của các bên liên quan và trong trường hợp này, tôi cho rằng "người" đó phải là Bộ Khoa học và công nghiệp”. Theo ông, cần phải xây dựng và ban hành càng sớm càng tốt chính sách cấp phép mở ở mức quốc gia, dựa trên cơ sở hệ thống cấp phép mở Creative Commons - một hệ thống cấp phép mở được thế giới thừa nhận và sử dụng rộng rãi hiện nay cho các tài nguyên mở, bao gồm cả dữ liệu mở. Do quy định về quyền tác giả đã phân tích ở trên, “nếu chúng ta không có chính sách cấp phép mở, chẳng hạn như với các đề tài nghiên cứu sử dụng kinh phí của nhà nước và làm rõ các quyền của người dùng đối với các kết quả ấy ở mức độ nào, thì người dùng lúc nào cũng bị "treo trên đầu" nguy cơ vi phạm bản quyền, và như vậy khó có tài nguyên mở được”, ông Lê Trung Nghĩa nói./.

Bài viết tổng hợp quan điểm của các chuyên gia trong khuôn khổ buổi Hội thảo “Thực trạng và đề xuất phát triển khoa học và công nghệ mở tại Việt Nam” do Trung tâm Công nghệ thông tin (Bộ KH&CN) tổ chức.

Lưu ý: Bài viết dựa trên thông tin thực tiễn và quan điểm khoa học, không nhằm quảng bá cho bất kỳ, cá nhân tổ chức nào.

Hà Trung

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin.