Khởi kiện để bảo vệ thương hiệu: Những tình huống pháp lý và bài học rút ra cho doanh nghiệp Việt

Kỹ thuật Web

Mới đây, Công ty CP Tập đoàn Đất Xanh (TĐĐX) có trụ sở tại TP.HCM phát đi thông tin cho biết đang tiến hành các thủ tục pháp lý khởi kiện Công ty TNHH Một thành viên Bất động sản Đất Xanh Long An (ĐXLA) có trụ sở tại Long An để bảo tên thương mại và nhãn hiệu “Đất Xanh”.

Công ty TNHH MTV Bất động sản Đất Xanh Long An đã tự ý sử dụng tên thương hiệu của Tập đoàn Đất Xanh gây nhầm lẫn cho khách hàng

Theo một số chuyên gia pháp lý cho biết, nếu diễn ra vụ kiện bảo vệ thương hiệu thì đây không chỉ là cuộc tranh chấp thương hiệu giữa 2 DN , mà sẽ còn là khuyến cáo đối với các DN Việt cần chuẩn bị hành trang pháp lý để bước vào sân chơi toàn cầu …

Thực trạng các thương hiệu BĐS lớn bị mạo danh thương hiệu

Kết luận thanh tra của ngành chức năng đã chỉ ra nhiều hành vi vi phạm đối với ĐXLA: Dự án chỉnh trang khu dân cư Đất Xanh tại xã Mỹ Hạnh Nam, huyện Đức Hòa do DN “cầm đèn chạy trước ô tô” triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật trên phần đất đã san lấp. DA được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư là xây dựng nhà ở nhưng DN lại ký hợp đồng nguyên tắc chuyển nhượng QSD đất trả góp với sản phẩm là đất nền.

Nghiêm trọng hơn, DA chỉnh trang Khu dân cư Hưng Thịnh Cát Tường 2 không hề có trong thực tế, nhưng người đại diện pháp luật của ĐXLA đã ngang nhiên cho rao bán và ký các hợp đồng nguyên tắc chuyển nhượng QSD đất đối với khách hàng… Hành vi cố ý làm trái của ĐXLA hiện đang được Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Long An điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Điều đáng nói là, trong suốt quá trình quảng cáo, giới thiệu đưa sản phẩm “bất thường” trên ra thị trường, ĐXLA đã sử dụng tên thương mại và nhãn hiệu “Đất Xanh” của TĐĐX làm “bình phong”, trong khi giữa 2 Công ty hoàn toàn không có bất cứ mối quan hệ nào. Ngoài ra, ĐXLA còn mượn tên thương hiệu của TĐĐX vào việc quảng cáo và bán hàng dự án Hưng Thịnh Cát Tường do Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Bất động sản Hưng Thịnh (không liên quan đến Hưng Thinh Corp tại TP.HCM ) làm chủ đầu tư, gây nên sự nhầm lẫn cho khách hàng…

Thực trạng các thương hiệu BĐS lớn (Đất Xanh, Phú Mỹ Hưng, Him Lam, Hưng Thịnh, Nam Long…) bị nhái thương hiệu hoặc mạo danh thương hiệu để đẩy khách hàng nhẹ dạ vào “bẫy” mua nhà đất đặc biệt là các dự án “ma” đã và đang diễn ra khá phổ biến trên thị trường BĐS Việt Nam.

Trước đó thị trường BĐS trong nước, cũng từng biết đến sự kiện Công ty CP Địa ốc Him Lam là nạn nhân của các công ty môi giới vì thương hiệu của Him Lam Land bất ngờ bị gắn trong các tờ rơi môi giới phát tán trên địa bàn TP HCM. Hồi Quý 3/2018, Công ty CP đầu tư Nam Long (Công ty Nam Long) cũng từng phát thông cáo “kêu cứu” vì bị Công ty CP đầu tư phát triển Nam Long Real (Nam Long Real) sử dụng trái phép và xâm phạm quyền sở hữu với nhãn hiệu “Nam Long” đã được bảo hộ độc quyền…

Vụ việc may mắn được Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ và đại diện Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng thuộc Bộ Công an vào cuộc kịp thời. Sự thật được làm rõ, Nam Long Real bị phạt hành chính 20 triệu đồng về hành vi xâm phạm quyền SHTT với nhãn hiệu đang được bảo hộ độc quyền tại Việt Nam và bị buộc chấm dứt sử dụng, loại bỏ yếu tố “Nam Long” hay “Namlong” trên tất cả phương tiện kinh doanh, các biển hiệu, giấy tờ giao dịch mà đơn vị này đang sử dụng trái phép.

Tuy nhiên sự kiện Nam Long Real bị pháp luật chế tài kịp thời là rất hiếm.

Tình huống pháp lý xảy ra khi TĐĐX khởi kiện ?

Được biết TĐĐX đang hoàn thành thủ tục pháp lý khởi kiện ĐXLA vì cho rằng DN này đã tự ý sử dụng tên thương mại và nhãn hiệu “Đất Xanh” của DN để quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Trong trường hợp này, ĐXLA sẽ đối mặt với những tình huống pháp lý như thế nào ? Luật sư Lưu Bá Khiết (Văn phòng Luật sư Hồng Nguyên & Associates – Đoàn Luật sư TP.HCM), cho biết: Theo quy định tại Điều 198 Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) 2005, trước khi xúc tiến khởi kiện, TĐĐX có quyền tự bảo vệ mình bằng các biện pháp như: Áp dụng biện pháp công nghệ nhằm ngăn ngừa hành vi xâm phạm quyền SHTT; yêu cầu ĐXLA phải chấm dứt hành vi xâm phạm, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại; đồng thời có văn bản yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền (trong trường hợp này có thể gửi đơn đến Thanh tra Bộ KHCN, nếu đối tượng bị xâm hại đã đăng ký bảo hộ) xử lý hành vi xâm phạm quyền SHTT theo quy định của Luật SHTT và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Theo đó, nếu có căn cứ xác định hành vi vi phạm về tên thương mại và nhãn hiệu, thì mức phạt hành chính mà ĐXLA sẽ bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý (theo quy định tại khoản 15 Điều 11 Nghị định 99/2013/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp): “Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng dấu hiệu xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại trên biển hiệu, giấy tờ giao dịch kinh doanh, phương tiện kinh doanh, phương tiện dịch vụ, bao bì hàng hóa”.

Thứ hai, TĐĐX có quyền lựa chọn giải pháp khởi kiện ra tòa án (trong trường hợp này TAND tỉnh Long An là cơ quan có thẩm quyền thụ lý vụ tranh chấp theo quy định tại điểm a, khoản 1 Điều 37 và khoản 1 Điều 39 BLTTDS 2015) để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Khi đó (theo quy định tại Điều 200), TAND tỉnh Long An có quyền áp dụng các biện pháp dân sự hoặc hình sự để chế tài và ngăn ngừa. Nếu áp dụng biện pháp dân sự, Tòa sẽ buộc ĐXLA có hành vi xâm phạm thương hiệu: Chấm dứt hành vi xâm phạm; buộc xin lỗi, cải chính công khai; buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự; buộc bồi thường thiệt hại…

Trong lúc hành lang pháp lý chưa hoàn thiện, các DN phải tự bảo vệ mình bằng việc chủ động đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu, trước khi xảy ra các trường hợp bị vi phạm, làm nhái thương hiệu.

Tuy nhiên để có căn cứ yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết, theo quy định tại Điều 203 Luật SHTT 2005, TĐĐX phải có nghĩa vụ chứng minh được mình là chủ thể quyền SHTT đối với nhãn hiệu và tên thương mại bằng các chứng cứ (gồm: Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan, văn bằng bảo hộ; hoặc chứng cứ cần thiết để chứng minh căn cứ phát sinh quyền tác giả, quyền liên quan trong trường hợp không có Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan; chứng cứ cần thiết để chứng minh quyền đối với bí mật kinh doanh, tên thương mại, nhãn hiệu nổi tiếng…). Thứ hai, phải cung cấp các chứng cứ về hành vi xâm phạm quyền SHTT hoặc hành vi cạnh tranh không lành mạnh của ĐXLA.

Trong khi đó theo quy định tại Điều 5 Nghị định 105/2006/NĐ-CP của Chính phủ về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật SHTT 2005 về bảo vệ quyền SHTT và quản lý nhà nước về SHTT, hành vi bị coi là hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu và tên thương mại, khi có đủ các căn cứ sau đây: “Đối tượng bị xem xét thuộc phạm vi các đối tượng đang được bảo hộ quyền SHTT; có yếu tố xâm phạm trong đối tượng bị xem xét; người thực hiện hành vi bị xem xét không phải là chủ thể quyền SHTT và không phải là người được pháp luật hoặc cơ quan có thẩm quyền cho phép theo các trường hợp ngoại lệ; hành vi bị xem xét xảy ra tại Việt Nam. Hành vi bị xem xét cũng bị coi là xảy ra tại Việt Nam nếu hành vi đó xảy ra trên mạng internet nhưng nhằm vào người tiêu dùng hoặc người dùng tin tại Việt Nam”.

Như vậy điều kiện để TAND tỉnh Long An xem xét, trước hết tên thương mại và nhãn hiệu “Đất Xanh” của TĐĐX phải nằm trong diện đang được bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp. Hay nói cách khác, TĐĐX đã đăng ký xác lập quyền SHTT thương hiệu tại Cục SHTT theo quy định tại Điều 6 Luật SHTT. Nếu nhãn hiệu “Đất Xanh” của TĐĐX chưa đăng ký xác lập quyền SHTT thì không có cơ sở để yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Trong trường hợp này, đơn khởi kiện của TĐĐX sẽ bị TAND Long An trả lại vì chưa có đủ điều kiện khởi kiện theo quy định cả pháp luật được quy định tại điểm b, khoản 1 Điều 192 BLTTDS 2015.

Thậm chí tại thời điểm khởi kiện nếu TĐĐX chưa có văn bằng bảo hộ nhãn hiệu “Đất Xanh”, trong khi đó ĐXLA chủ động có được văn bằng bảo hộ nhãn hiệu “Đất Xanh”. Trong trường hợp này, TĐĐX phải chấp nhận nhãn hiệu của mình bị xâm phạm mà không có cơ chế để xử lý thỏa đáng vì theo Luật SHTT hiện hành, nhãn hiệu được bảo hộ theo nguyên tắc nộp đơn đầu tiên: “văn bằng bảo hộ chỉ có thể được cấp cho đơn hợp lệ có ngày ưu tiên hoặc ngày nộp đơn sớm nhất trong số những đơn đáp ứng các điều kiện để được cấp văn bằng bảo hộ” (khoản 1 Điều 90).

Liên quan đến việc yêu cầu bồi thường thiệt hại, LS Lưu Bá Khiết cho biết, TĐĐX phải chứng minh thiệt hại thực tế đã xảy ra và nêu căn cứ xác định mức bồi thường thiệt hại theo quy định. Trường hợp không chứng minh được hành vi xâm phạm quyền SHTT đã gây thiệt hại về vật chất cho mình, theo quy định tại Điều 205 Luật SHTT, TĐĐX có quyền yêu cầu Toà án quyết định mức bồi thường theo một trong các căn cứ sau đây: Tổng thiệt hại vật chất tính bằng tiền cộng với khoản lợi nhuận mà ĐXLA đã thu được do thực hiện hành vi xâm phạm quyền SHTT, nếu khoản lợi nhuận bị giảm sút của TĐĐX chưa được tính vào tổng thiệt hại vật chất. Trong trường hợp không thể xác định được mức bồi thường thiệt hại về vật chất theo các căn cứ quy định thì mức bồi thường thiệt hại về vật chất do Toà án ấn định, tuỳ thuộc vào mức độ thiệt hại, nhưng không quá năm trăm triệu đồng.

Ngoài khoản bồi thường thiệt hại, theo quy định tại khoản 3 Điều 205 Luật SHTT 2005, TĐĐX còn có quyền yêu cầu Toà án buộc tổ chức (tức ĐXLA) có hành vi xâm phạm QSHTT phải thanh toán chi phí hợp lý để thuê luật sư.

Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA): “Lời khuyên cho các doanh nghiệp BĐS là đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”. Ngoài các cách tự bảo vệ mình như chủ động đăng ký, bảo hộ thương hiệu một cách chuyên nghiệp; đầu tư vào hoạt động truyền thông xây dựng nhãn hiệu, hình ảnh… thì các doanh nghiệp phải có biện pháp mạnh để xử lý các trường hợp vi phạm sở hữu trí tuệ”.

Bài học rút ra cho doanh nghiệp Việt ?

Như vậy hành trình khởi kiện bảo vệ thương hiệu của TĐĐX chắc chắn sẽ còn trải qua nhiều chông gai. Tuy nhiên từ sự kiện này, sẽ trở thành tiếng chuông cảnh báo thức tỉnh các DN Việt phải chuẩn bị đầy đủ hành trang pháp lý, nếu muốn bước vào sân chơi toàn cầu.

Mặc dù hàng lang pháp lý cho việc bảo vệ tên thương mại và nhãn hiệu đã có nhưng soi từ thực tiễn, thị trường BĐS nội địa đã từng chứng kiến một số tranh chấp lớn liên quan đến việc vi phạm nhãn hiệu, hình ảnh doanh nghiệp. Chẳng hạn như vụ Tràng An hay các trường hợp công ty trùng tên như Nam Tiến, Hưng Thịnh, Vincom…) cho thấy, con đường đi tìm công lý của các khổ chủ không dễ dàng. Trong khi đó để xây dựng được một thương hiệu nói chung và thương hiệu doanh nghiệp trong lĩnh vực BĐS nói riêng đòi hỏi cả một quá trình và tốn rất nhiều công sức, thậm chí đó là trí tuệ của cả một tập thể.

Có thể lý giải nguyên nhân trên từ nhận định của ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Trung tâm phát triển tài sản trí tuệ – Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KHCN), thương hiệu là một chủ đề rất rộng. Trong khi hiện nay chưa có một văn bản pháp lý nào nói về việc nhà nước bảo vệ thương hiệu, mà chỉ có các đối tượng được quyền SHTT từ sáng chế, giải pháp hữu ích, thương mại, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu, bí quyết thương mại… Hay nói cách khác, trong những trường hợp bị nhầm lẫn thương hiệu, Nhà nước sẽ không thay thế DN trong việc bảo hộ thương hiệu.

Vì vậy trong lúc hành lang pháp lý chưa hoàn thiện, các DN phải tự bảo vệ mình bằng việc chủ động đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu, trước khi xảy ra các trường hợp bị vi phạm, làm nhái thương hiệu. Điều này không chỉ bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp mà còn là bảo vệ khách hàng. Bản thân mình phải tự cứu mình và phải biết đâu là nơi xử lý nhanh nhất. Nếu muốn cơ quan nhà nước giúp mình thì phải tự lo cho mình trước.

Luật sư Lê Hoài Sơn (Đoàn Luật sư Bình Định), khuyến cáo: “Việc bảo vệ những tài sản trí tuệ của mình không chỉ bằng đăng ký bảo hộ, sử dụng các biện pháp công nghệ mà các doanh nghiệp phải chủ động phối hợp với các cơ quan thực thi. Doanh nghiệp cũng bảo vệ quyền lợi của mình thông qua con đường tố tụng, bởi đây là cách giải quyết triệt để nhất, tốt nhất và hiệu quả nhất”. Từ sự phân tích đó, LS Sơn kiến nghị, các nhà làm luật cần kiện toàn điều luật xử lý hình sư đối với mọi hành vi gian lận thương mại. Cụ thể là sử dụng tên doanh nghiệp gây nhầm lẫn, tạo lập sử dụng các trang thương mại điện tử, website giả mạo các doanh nghiệp khác, cùng các hành vi tự mạo nhận doanh nghiệp uy tín khác để lừa dối khách hàng là điều cấp thiết.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng tài sản hữu hình của doanh nghiệp chỉ chiếm khoảng 1/4 tổng giá trị tài sản của doanh nghiệp. Điều đó có nghĩa là, giá trị tài sản vô hình hay giá trị thương hiệu của doanh nghiệp chiếm đến 3/4, cá biệt chiếm đến trên 90% giá trị tài sản của doanh nghiệp. Chính vì vậy, doanh nghiệp Việt cần nâng cao nhận thức về thương hiệu, cách thức xây dựng, bảo vệ và phát triển thương hiệu để nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững.

 

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin.