Kiến nghị bít lỗ hổng pháp luật trong công tác quản lý thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Đinh Văn Chiến

Mấy năm gần đây, trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) là kênh đầu tư hấp dẫn với mức sinh lời tương đối cao, nên việc giao dịch cũng có các quy định nghiêm ngặt để ổn định thị trường, hạn chế thấp nhất rủi ro cho nhà đầu tư. Tuy nhiên qua vụ Uỷ ban Chứng khoán nhà nước (UBCKNN) ra quyết định hủy bỏ 9 đợt phát hành trái phiếu trị giá hơn 10.000 tỷ của nhóm công ty thuộc tập đoàn Tân Hoàng Minh (THM) mới thấy bộc lộ nhiều lỗ hổng trong quy định pháp luật về quản lý thị trường TPDN.

bo-lo-nhieu-lo-hong-trong-quy-dinh-phap-luat-ve-quan-ly-thi-truong-tpdn-1649325162.jpg
Bộc lộ nhiều lỗ hổng trong quy định pháp luật về quản lý thị trường TPDN

Chưa có tổ chức bảo lãnh trái phiếu nào lên tiếng

Liên quan đến 9 đợt phát hành trái phiếu của Tập đoàn THM bị UBCKNN ra quyết định hủy bỏ, lần lượt các tổ chức có liên quan đã lên tiếng. Theo đó, ngân hàng SHB - một trong 2 ngân hàng làm đại lý quản lý tài sản đảm bảo của trái phiếu - cho biết trong các giao dịch phát hành trái phiếu của Công ty CP Đầu tư và Dịch vụ Khách sạn Soleil và Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi sao Việt với tổng giá trị 1.600 tỷ đồng, ngân hàng chỉ đứng vai trò cung cấp dịch vụ quản lý tài khoản và tài sản bảo đảm.

Với phạm vi này, SHB khẳng định nghĩa vụ của SHB chỉ giới hạn trong nghiệp vụ cung cấp dịch vụ thanh toán và không tham gia vào giao dịch giữa các bên mua - bán trái phiếu.

Với dịch vụ quản lý tài sản bảo đảm, SHB chỉ có trách nhiệm thực hiện dịch vụ quản lý hồ sơ tài sản bảo đảm, kiểm tra, theo dõi tình trạng tài sản và đại diện cho các trái chủ xử lý tài sản theo hợp đồng đã ký với tổ chức phát hành và quy định của pháp luật.

“SHB không bảo lãnh phát hành, bảo lãnh thanh toán, không đầu tư và không phân phối 2 lô trái phiếu nêu trên. Ngân hàng chỉ là tổ chức cung cấp dịch vụ quản lý tài khoản và quản lý tài sản bảo đảm”, đại diện SHB nhấn mạnh.

Tương tự, ngân hàng VietinBank cũng đã lên tiếng rằng chỉ thực hiện cung ứng dịch vụ quản lý tài khoản và quản lý tài sản cho các đợt phát hành trái phiếu của Công ty cổ phần Đầu tư và dịch vụ khách sạn Soleil, Công ty cổ phần Đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt và Công ty cổ phần Cung Điện Mùa Đông với tổng số tiền 6.530 tỉ đồng. Ngân hàng này khẳng định không bảo lãnh phát hành, không bảo lãnh thanh toán, không thực hiện dịch vụ phân phối các lô trái phiếu này.

ong-do-anh-dung-va-6-nguoi-khac-bi-khoi-to-1649325156.jpg
Ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh và 6 người khác bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra do liên quan đến các lô trái phiếu bị huỷ bỏ.

Trong khi đó, 2 công ty chứng khoán đứng vai trò tư vấn, đại lý lưu ký một số lô trái phiếu của nhóm Tân Hoàng Minh là Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) và Công ty Chứng khoán An Bình (ABS) cũng lên tiếng khẳng định không tham gia đầu tư hay bảo lãnh phát hành.

Theo đó, BVSC đã tư vấn hồ sơ chào bán lô trái phiếu 800 tỷ đồng của Công ty Ngôi Sao Việt và ABS tham gia tư vấn phát hành lô trái phiếu 800 tỷ của Công ty Soleil. Cả 2 khoản trái phiếu này đều có bên mua là Tập đoàn Tân Hoàng Minh.

Cả 2 công ty chứng khoán đều khẳng định việc tư vấn chào bán được thực hiện trên cơ sở các thông tin, tài liệu do tổ chức phát hành (Ngôi Sao Việt và Soleil) cung cấp. Trong đó, các công ty bất động sản này chịu trách nhiệm về những thông tin công bố trong hồ sơ chào bán.

BVSC và ABS không thực hiện chào bán, chuyển nhượng quyền sở hữu trái phiếu thứ cấp giữa Tập đoàn Tân Hoàng Minh và các nhà đầu tư. Ngoài ra, 2 công ty chứng khoán này đều cho biết không liên quan đến bất kỳ sản phẩm hợp tác đầu tư trái phiếu nào do Tân Hoàng Minh chào bán.

BVSC và ABS cam kết sẽ sẽ nỗ lực phối hợp tích cực với các tổ chức liên quan để đảm bảo quyền lợi cho các trái chủ của trái phiếu. Còn 2 ngân hàng quản lý tài sản cũng đều cam kết sẽ thực hiện đầy đủ trách nhiệm đối với dịch vụ quản lý tài khoản và dịch vụ quản lý tài sản bảo đảm cho các lô trái phiếu trên theo quy định của pháp luật.

Điều đáng nói là tất cả 9 lô trái phiếu của THM điều có tài sản đảm bảo và được các tổ chức tín dụng uy tín bảo lãnh. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, thông tin về các tổ chức bảo lãnh cho những lô trái phiếu này vẫn đang là ẩn số trong khi các tổ chức liên quan đều lần lượt lên tiếng.

Liên quan đến vụ việc, Đại diện Ủy ban chứng khoán Nhà nước thông tin, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Ủy ban chứng khoán Nhà nước phối hợp chặt chẽ, cung cấp đầy đủ hồ sơ, tài liệu cho cơ quan có thẩm quyền để xem xét. Đồng thời, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Uỷ ban Chứng khoán kiểm tra các tổ chức tư vấn, hồ sơ chào bán, đại lý phát hành cho các đợt chào bán của 3 công ty nêu trên thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh. Trong trường phát hiện vi phạm, các đơn vị chức năng của Bộ xử lý nghiêm theo đúng thẩm quyền và quy định của pháp luật.

Bộc lộ nhiều lỗ hổng

Thực tế hiện nay, nhằm tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạt động phát hành TPDN của doanh nghiệp đồng thời tăng cường hiệu quả quản lý của cơ quan chức năng, khung khổ pháp lý đối với việc phát hành TPDN được ban hành khá đầy đủ và đồng bộ.

Tuy nhiên, nghiên cứu các quy định pháp luật về phát hành TPDN chúng tôi nhận thấy, còn tồn tại không ít lỗ hổng lớn, trong đó đặc biệt các quy định về cơ chế giám sát dường như đang bỏ ngỏ.

Chính điều này đang tạo điều kiện cho một số DN  “lách luật”, chào mời, phân phối TPDN không đúng đối tượng. Đáng chú ý, một số doanh nghiệp, nhất là DN bất động sản phát hành trái phiếu với lãi suất cao; chất lượng tài sản đảm bảo của trái phiếu hạn chế do chủ yếu là các dự án đầu tư, tài sản hình thành trong tương lai hoặc cổ phiếu của doanh nghiệp bất động sản, có sự tham gia của nhà đầu tư cá nhân nhỏ, lẻ...

1. Đầu tiên phải kể đến, đó là đối với việc công bố thông tin của doanh nghiệp phát hành trái phiếu. Theo quy định hiện hành, DN phát hành trái phiếu có trách nhiệm thực hiện công bố thông tin đầy đủ, kịp thời và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin công bố.

Cụ thể, đối với chào bán TPDN tại thị trường trong nước, doanh nghiệp phát hành trái phiếu có trách nhiệm Công bố thông tin trước đợt chào bán trái phiếu của doanh nghiệp cho các nhà đầu tư đăng ký mua trái phiếu và gửi nội dung công bố thông tin đến Sở Giao dịch Chứng khoán theo quy định tại Điều 19, Nghị định số 153/2020/NĐ-CP (Nghị định 153). Doanh nghiệp phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế phải thực hiện công bố thông tin theo quy định tại Điều 29, Điều 31 Nghị định 153 và quy định của thị trường phát hành.

Đối với công bố thông tin về kết quả phát hành trái phiếu, DN phát hành trái phiếu tại thị trường trong nước thực hiện công bố thông tin về kết quả phát hành trái phiếu theo quy định tại Điều 20. DN phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế thực hiện công bố thông tin về kết quả phát hành trái phiếu theo quy định tại Điều 30 Nghị định 153.

Đối với công bố thông tin định kỳ, DN phát hành trái phiếu tại thị trường trong nước thực hiện công bố thông tin định kỳ theo năm tài chính. Cụ thể, trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày kết thúc 6 tháng đầu năm tài chính, DN thực hiện công bố thông tin định kỳ 6 tháng. Trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính, DN thực hiện công bố thông tin định kỳ hàng năm.

Trường hợp công bố thông tin bất thường, DN phát hành trái phiếu tại thị trường trong nước công bố thông tin bất thường theo quy định tại Điều 24 Nghị định 153.

Bên cạnh các quy định trên, Thông tư số 122/2020/TT-BTC cũng quy định chi tiết về việc công bố thông tin trên Chuyên trang thông tin về trái phiếu DN; báo cáo của tổ chức tư vấn phát hành trái phiếu; báo cáo của tổ chức lưu ký trái phiếu; báo cáo định kỳ của Sở Giao dịch chứng khoán…

Có rất nhiều quy định về công bố thông tin của DN phát hành trái phiếu cũng như tổ chức tư vấn phát hành trái phiếu, tổ chức lưu ký trái phiếu… chủ yếu quy định chỉ DN phát hành các tổ chức liên quan đế phát hành TPDN tự chủ động thực hiện công bố thông tin đầy đủ, kịp thời và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin công bố.

Điều đáng nói ở chỗ, dù rất nhiều quy định về công bố thông tin, nhưng lại vắng bóng những quy định cụ thể về cơ chế kiểm soát thông tin công bố như: ai – đơn vị nào giám sát việc công thông tin; kiểm tra tính trung thực của thông tin được công bố; quy trình kiểm tra giám sát như thế nào…?

Có thể khẳng định, đây chính là lỗ hổng lớn nhất để nhiều DN nhỏ lẻ, mới thành lập, hoạt động trong các lĩnh vực có tính rủi ro cao, có kết quả kinh doanh không rõ ràng, thực chất, phát hành trái phiếu với lãi suất cao, chất lượng tài sản đảm bảo của trái phiếu hạn chế hoặc không có tài sản đảm bảo lợi dụng để đưa ra những thông tin nhập nhằng không đầy đủ thậm chí sai sự thật nhằm mục đích tạo lòng tin đối với nhà đầu tư mà không bị phát hiện ngăn chặn ngay từ đầu.

Đáng nói, đến khi phát hiện ra hành vi vi phạm thì sự việc đã rồi điển hình như trường hợp trái phiếu của nhóm THM vừa qua. Cụ thể Lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước  cho biết, qua rà soát hồ sơ, 3 công ty nhóm Tân Hoàng Minh đều không phải công ty đại chúng. Nhóm công ty này không báo cáo UBCKNN về các đợt phát hành, và chỉ đăng ký thông tin qua cổng thông tin TPDN của Sở GDCK Hà Nội (HNX).

Các công ty nhóm Tân Hoàng Minh đã có hành vi công bố thông tin sai lệch, sai sự thật hoặc che giấu sự thật trong hoạt động chào bán trái phiếu riêng lẻ. Tuy nhiên, Các công ty chứng khoán BVSC và ABS - tổ chức tư vấn phát hành khẳng định thực hiện tư vấn hồ sơ chào bán trên cơ sở các thông tin, tài liệu do DN phát hành cung cấp, DN phát hành chịu trách nhiệm về những thông tin công bố trong hồ sơ chào bán.

de-tpdn-thuc-su-tro-thanh-kenh-huy-dong-von-1649325156.jpg
Để TPDN thực sự trở thành kênh huy động vốn cũng như kênh đầu tư hiệu quả, đồng thời giảm thiểu và hạn chế các hành vi vi phạm pháp luật, cần sớm “bít” lại những lỗ hổng trong các quy định pháp luật.

2. Hiện nay pháp luật quy định đối với việc giám sát việc sử dụng vốn huy động từ TPDN rất lỏng lẻo. Theo đó, DN phát hành trái phiếu theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng vốn và đảm bảo khả năng trả nợ. Việc sử dụng vốn huy động từ phát hành trái phiếu của doanh nghiệp phải đảm bảo đúng mục đích theo phương án phát hành và nội dung công bố thông tin cho nhà đầu tư (Điều 5, Nghị định 153). DN phát hành phải quản lý, sử dụng vốn từ phát hành trái phiếu theo đúng phương án phát hành trái phiếu đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và theo quy định của pháp luật (Điều 34, Nghị định 153).

Tuy nhiên việc giám sát việc sử dụng vốn lại chỉ quy định Hội đồng quản trị, Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, chủ sở hữu công ty có trách nhiệm giám sát việc huy động, sử dụng vốn phát hành trái phiếu, thanh toán lãi, gốc trái phiếu theo quy định tại Nghị định này và Điều lệ công ty (Điều 41,Nghị định 153).

Điều này có thể dẫn đến việc DN phát hành trái phiếu không sử dụng vốn đúng mục đích như đã cam kết mà sử dụng vào nhiều mục đích khác. Thậm chí cam kết huy động vốn cho dự án đầu tư xây dựng nhưng thực tế lại sử dụng vốn huy động để đảo nợ, mua cổ phần doanh nghiệp khác, kinh doanh chứng khoán… tiềm ẩn nguy rủi ro rất lớn cho nhà đầu tư.

3. Tiếp đó, khung pháp lý đối với thị trường trái phiếu thứ cấp giao dịch trái phiếu riêng lẻ dành cho nhà đầu tư chưa hiện thực sự hoàn thiện dẫn đến khó quản lý. Mặc dù Nghị định số 153 của Chính phủ về chào bán và giao dịch TPDN riêng lẻ, chào bán TPDN ra thị trường quốc tế, có quy định về việc tổ chức thị trường giao dịch thứ cấp đối với TPDN phát hành riêng lẻ. Đồng thời, giao Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể về vấn đề này.

Chính điều này tạo điều kiện để nhà đầu tư không đủ tiêu chuẩn - đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân nhỏ, lẻ “lách luật”  tham gia mua TPDN phát hành riêng lẻ. Theo quy định trái phiếu phát hành riêng lẻ chỉ được phát hành cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp. Nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp khi mua TPDN riêng lẻ tự đánh giá, tự chịu trách nhiệm về các rủi ro. Tuy nhiên, sau khi mua TPDN riêng lẻ, các nhà đầu tư chuyên nghiệp lại có thể giao dịch bán lại cho các nhà đầu tư cá nhân, không chuyên trên thị trường sơ cấp tiềm ẩn rủi ro cho nhà đầu tư riêng lẻ.

4. Một lỗ hổng nữa, hiện pháp luật chưa quy định đối với phát hành trái phiếu riêng lẻ phải có tài sản đảm bảo, xếp hạng tín nhiệm... điều này dẫn đến tình trạng phổ biến loại hình TPDN “3 không”, tức không tài sản đảm bảo - không xếp hạng tín nhiệm - không bảo lãnh trong thời gian qua. Điều này không chỉ gây rủi ro lớn cho nhà đầu tư mà cho cả nền kinh tế. Về phía cơ quan quản lý đã có nhiều biện pháp để giảm thiểu rủi ro. Năm 2021, Bộ Tài chính liên tục cảnh báo và yêu cầu thanh, kiểm tra, giám sát hoạt động phát hành TPDN, nhất là nhóm doanh nghiệp nhỏ phát hành riêng lẻ.

Hiện, Bộ Tài chính công bố Dự thảo Nghị định sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 153/2020 về phát hành TPDN riêng lẻ. Dự thảo này bổ sung nhiều nội dung mới như bổ sung quy định xếp hạng tín nhiệm đối với một số loại trái phiếu, đẩy nhanh việc thiết lập thị trường giao dịch TPDN riêng lẻ tại Sở Giao dịch Chứng khoán cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp.

Kết mở

Từ những phân tích trên đây, chúng tôi cho rằng, để TPDN thực sự trở thành kênh huy động vốn cũng như kênh đầu tư hiệu quả, đồng thời giảm thiểu và hạn chế các hành vi vi phạm pháp luật, cần sớm “bít” lại những lỗ hổng trong các quy định pháp luật.

Cần bổ sung quy định, điều kiện, trách nhiệm cụ thể đối DN phát hành trái phiếu riêng lẻ, tổ chức tư vấn phát hành, bảo lãnh… đặc biệt bổ sung các quy định cụ thể về cơ chế giám sát hoạt động của các đơn vị này trong phát hành TPDN tránh việc DN lợi dụng kẽ hở để che giấu thông tin hoặc sử dụng dòng tiền sai với nội dung công bố.

Đồng thời nghiên cứu hoàn thiện khung pháp lý đối với thị trường trái phiếu thứ cấp trong đó có giao dịch trái phiếu riêng lẻ.

Đặc biệt cần nghiên cứu sửa đổi bổ sung các quy định pháp luật liên quan đến chế tài xử phạt đối với hành vi vi phạm theo hướng tăng nặng chế tài hành chính, bổ sung chế tài hình sự để có cơ sở áp dụng các biện pháp mạnh tay, tăng cường xử lý hình sự đối với những vụ việc có liên quan đến vấn đề phát hành TPDN để răn đe.

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin.