Lưu Đức Hoa bị tố đạo nhái bản quyền phim – Ranh giới giữa phái sinh và đạo nhái

Ky Anh

(PLBQ). Mới đây, ngày 11/08, tài tử Lưu Đức Hoađã bị một công ty khởi kiện do vi phạm bản quyền với mức bồi thường gần 100 triệu NDT (hơn 15 triệu USD).

Poster phim Bão trắng 2: Trùm á phiện có sự góp mặt của Lưu Đức Hoa

>> Góc nhìn pháp luật đối với sự việc liên quan đến Chúng ta của hiện tại, Có chắc yêu là đây…

>> Người nước ngoài sao chép kiểu dáng áo dài truyền thống của Việt Nam, pháp luật Việt Nam điều chỉnh thế nào?

>> Từ bức xúc của Nhạc sĩ Nguyễn Phúc Thiện vì bị sử dụng nhạc trái phép… đến những khó khăn bất cập trong việc bảo vệ Quyền tác giả hiện nay

Đạo, nhái trong nghệ thuật, chuyện không mới, nhưng chưa khi nào cũ. Đôi khi, sự vay mượn ý tưởng để sáng tạo của người nghệ sĩ nếu không cẩn thận sẽ rất dễ biến tác phẩm của mình trở thành một tác phẩm đạo, nhái

Cụ thể, công ty này đã tố cáo Bão Trắng 2 sao chép kỹ thuật quay, dàn dựng cảnh hành động, nội dung kịch bản với cách thức xử lý kết phim, mối quan hệ và nghề nghiệp của nhân vật... giống với dự án Người Tình Hoàn Mỹ được công ty này sản xuất năm 2006. Hiện Tòa án Bắc Kinh (Trung Quốc) đã nhận đơn kiện cùng các bằng chứng do phía Global Bona cung cấp. Câu hỏi được đặt ra lúc là liệu bộ phim có sự góp mặt của tài tử Lưu Đức Hoa chỉ là tác phẩm phái sinh có mượn ý tưởng từ dự án Người Tình Hoàn Mỹ hay đó thật sự là một tác phẩm đạo, nhái?

Tác phẩm phái sinh là gì ?

Trên thế giới, khái niệm phái sinh được hiểu một cách đơn giản và rõ ràng. Đó là tác phẩm dựa trên hoặc phát xuất từ một hoặc nhiều tác phẩm đã tồn tại trước đó. Tại Khoản 3, điều 2 Công ước Berne về Quyền Bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật quy định tác phẩm phái sinh cũng được bảo hộ dù không nêu rõ khái niệm này, viết: “các bản dịch, mô phỏng, chuyển soạn âm nhạc và các chuyển thể khác của tác phẩm văn học hay nghệ thuật sẽ được bảo vệ như tác phẩm gốc mà không ảnh hưởng đến quyền tác giả của tác phẩm gốc”.

Hiện nay tại Việt Nam, Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) ở khoản 8, điều 4 cũng nêu rõ: “Tác phẩm phái sinh là tác phẩm dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, tác phẩm phóng tác, cải biên, chuyển thể, biên soạn, chú giải, tuyển chọn”. Như vậy, có thể hiểu tác phẩm phái sinh là tác phẩm do cá nhân/những cá nhân trực tiếp sáng tạo, được hình thành trên cơ sở một/những tác phẩm đã tồn tại (tác phẩm gốc) trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật và khoa học, được thể hiện bằng bất kỳ phương thức hay hình thức nào khác biệt với phương thức hay hình thức thể hiện của tác phẩm gốc, thông qua một dạng vật chất nhất định.

Từ quy định trên, có thể thấy xuyên suốt lịch sử văn học thế giới, có không ít tác phẩm phái sinh nổi tiếng đã được hình thành trên cơ sở những tác phẩm đã tồn tại, có thể kể đến như Đoạn Trường Tân Thanh được phóng tác từ Kim Vân Kiều Truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, nhạc kịch Những Người Khốn Khổ được chuyển soạn từ tiểu thuyết cùng tên của Victor Hugo hay bộ ba album Classics In The Air của Paul Mauriat chơi lại các trích đoạn cổ điển nổi tiếng theo phong cách hòa tấu hiện đại. Tất cả các tác phẩm trên đều là tác phẩm phái sinh và được công chúng đón nhận vì ở đó, công chúng thấy được câu chuyện gốc, giai điệu gốc nhưng đã được thay đổi về cách thức biểu đạt, loại hình nghệ thuật với nhiều sáng tạo và sắc thái mới mẻ.

Tác phẩm “đạo, nhái” là gì ?

Theo pháp luật Sở hữu trí tuệ nước ta hiện hành thì hiện không hề có khái niệm "đạo" tác phẩm và căn cứ đánh giá thế nào là "đạo" xâm phạm bản quyền. Dựa theo từ điển tiếng việt, “đạo, nhái” có thể hiểu là việc bắt trước lại một phần hoặc toàn bộ đối tượng nào đó.

Trên cơ sở đó, ta có thể hiểu hành vi “đạo, nhái” một tác phẩm chính là hành vi sao chép, làm lại, phân phối… trái phép một phần, hoặc toàn bộ tác phẩm gây ảnh hưởng đến các quyền nhân thân và quyền tài sản của tác giả và chủ sở hữu tác phẩm bị đạo nhái.  Mục đích của việc đạo, nhái tác phẩm không gì khác ngoài việc trục lợi về mặt danh tiếng, tiền bạc. Hành vi đạo, nhái trong nghệ thuật rất đa dạng, ví dụ như sửa tên từ tác giả nọ sang tác giả kia, với lý do để tên tác giả mới thì tác phẩm sẽ bán được với giá tiền lớn hơn, hay có khi người ta chép lại một tác phẩm có giá trị của một nghệ sĩ nổi tiếng nào đó, rồi có thể ký tên một họa sĩ khác để đưa ra bán ngoài thị trường,…

Hiện nay ở Việt Nam, việc “đạo nhái” trong nghệ thuật đã không còn xa lạ, gây bức xúc không chỉ trong xã hội nói chung mà còn đối với những người làm nghệ thuật chân chính nói riêng. Có thể kể đến như tác phẩm tranh cổ động của họa sĩ D.N.H được chính tác giả thừa nhận đã vi phạm bản quyền nhưng vẫn tham dự cuộc thi sáng tác tranh cổ động Tuyên truyền - Văn hóa năm Chủ tịch ASEAN 2020, khiến dư luận bất bình. Hay gần đây, một blogger có tên “Kim Ngư Cơ đợi gió” tại Trung Quốc đã chỉ trích ê-kíp phim Phượng khấu đã đạo nhái từ trang phục, bối cảnh… của phim cung đấu Trung Quốc là Diên Hi công lược đã khiến nhiều cư dân mạng bức xúc khi một tác phẩm mang văn hóa, lịch sử Việt Nam lại bị đem ra chế giễu, mỉa mai…

Bức tranh gốc (bên trái) và bức tranh đạo nhái được giải thưởng (bên phải)

Phái sinh có phải là đạo, nhái ?

Từ những phân tích ở trên, có thể thấy hiển nhiên là phái sinh sẽ không bị xem là sao chép, đạo nhái bởi một tác phẩm phái sinh chỉ được thực hiện sau khi mà tác giả tác phẩm phái sinh đã hoàn tất những thỏa thuận pháp lý về quyền tác giả (nếu có) với tác phẩm gốc. Còn đối với những tác phẩm mà không thuộc trường hợp không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút thù lao nhưng lại được tạo ra với sự giống nhau gần như 90% so với tác phẩm gốc mà không có sự đồng ý của tác giả thì những tác phẩm đó đều sẽ bị coi là những tác phẩm đạo, nhái.

Tuy nhiên, nếu tác phẩm phái sinh và tác phẩm đạo, nhái dễ dàng được phân biệt như vậy thì đã chẳng có những vụ kiện tụng, đấu tố nhau trong giới nghệ sĩ.

Mới ngay đầu năm 2021, nghệ sĩ Bảo Nam - một nghệ sĩ cắm hoa nổi tiếng kiêm đạo diễn nghệ thuật của một số bộ phim như Gái già lắm chiêu V, Hạnh phúc máu,.. đã bị vướng nghi vấn sao chép tác phẩm từ những nghệ sĩ nước ngoài rồi gom vào triển lãm cá nhân.  Đáng chú ý, phía nghệ sĩ Bảo Nam lại biện minh rằng nghệ thuật giống như một cái áo, 100 người thiết kế cái áo, người thêm cái nút, kẻ thêm cái này cái kia thì nó ra cái áo khác, nghệ thuật rất mông lung và vô biên.

Hình ảnh so sánh tác phẩm của Jamie North năm 2014 (trái) và tác phẩm của Bảo Nam năm 2021

Đứng từ góc độ pháp luật bản quyền, rõ ràng lời biện minh của Bảo Nam là một tư duy vô cùng sai lầm của đa số nghệ sĩ hiện nay. Mặc dù pháp luật sở hữu trí tuệ hiện hành của nước ta hiện nay không bảo hộ ý tưởng mà chỉ bảo hộ hình thức thể hiện ý tưởng. Chính vì thế, việc “ý tưởng lớn gặp nhau” khi sáng tạo tác phẩm cũng là điều dễ hiểu. Hơn thế nữa, ở trong nghệ thuật, với những chuyện liên quan đến chất xám, ý tưởng hay là sản phẩm sáng tạo, thực sự việc phân định xem đó là đạo nhái hay chỉ là mượn ý tưởng làm cảm hứng, vẫn còn quá mơ hồ và dựa phần nhiều vào yếu tố cảm quan nhìn nhận của mỗi người. Tuy nhiên, thiết nghĩ rằng sáng tạo trong nghệ thuật là một quá trình đòi hỏi cái mới, cái lạ, cái hay chứ nó không phải là việc “thấy người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào”.

Từ vụ tranh chấp của Lưu Đức Hoa, nhìn lại thực tế thẩm định các tác phẩm phái sinh tại Việt Nam.

Quay trở lại vụ việc của Lưu Đức Hoa, giới chuyên môn ở Trung Quốc hiện nay đánh giá việc Bão trắng 2: Trùm á phiện và Người tình hoàn hảo sẽ khó mà sớm có kết luận. Tòa án có lẽ sẽ phải phân tích nhiều yếu tố để có thể đưa ra nhận định công bằng. Đáng nói hơn, tại làng phim ảnh Trung Quốc, dạng tác phẩm ân oán thù hận và kiểu nhân vật đứng giữa ranh giới chính nghĩa - cái ác… được khai thác rất nhiều. Vì thế, khán giả cũng khó mà chỉ ra được phim nào “copy” phim nào. Suy cho cùng, đối với những tranh chấp như này, tất cả đều phải dựa trên ý kiến của các tổ chức, cá nhân có chuyên môn cao và quan trọng nhất phán quyết cuối cùng của Tòa án. 

Hiện nay trong hệ thống pháp luật Việt Nam, chưa có một tiêu chuẩn cụ thể nào của pháp luật để đánh giá một tác phẩm là tác phẩm phái sinh hay là tác phẩm đạo nhái. Chính vì thế, khi có tranh chấp xảy ra, các cơ quan xét xử thường bị lúng túng do nghệ thuật là một phạm trù rất mênh mông, để có thể phán xét những vấn đề liên quan đến tính sáng tạo trong nghệ thuật thì ngoại trừ những tổ chức, cá nhân có chuyên môn cao trong nghề, còn lại, rất khó để các cơ quan xét xử nhận định mà chỉ dựa trên những quy định của Luật Sở hữu trí tuệ hiện nay. Bên cạnh đó, những tổ chức, cá nhân thẩm định tác phẩm còn phải là những tổ chức, cá nhân có thẩm quyền và chức năng giám định được quy định trong Luật Sở hữu trí tuệ.

Một án lệ khá nổi tiếng đối với tranh chấp kiểu này chính là tranh chấp liên quan đến kịch bản “Ngày xưa”, vở diễn thực cảnh đầu tiên tại Việt Nam do đạo diễn Việt Tú xây dựng và Công ty Tuần Châu là chủ đầu tư. Đáng chú ý, ngay từ giai đoạn xử án sơ thẩm, tòa án đã dựa trên công văn của Hội nghệ sỹ sân khấu Việt Nam và đưa ra nhận định Tinh hoa Bắc bộ là tác phái sinh.

Về trình tự, thủ tục tố tụng thì rõ ràng việc vận dụng công văn này vào bản án là trái pháp luật. Vì một công văn trả lời không phải là kết luận giám định thì không thể được coi là nguồn chứng cứ. Chưa kể Hội nghệ sỹ sân khấu không phải là cá nhân, tổ chức có chức năng thẩm định về luật sở hữu trí tuệ, vì thế văn bản ý kiến của hội chỉ là ý kiến chuyên môn để các cơ quan xét xử có thể tham khảo, chứ không thể dựa vào đó để đưa ra nhận định cuối cùng.

Sau đó, Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội đã xét xử phúc thẩm vụ tranh chấp này và đã phải yêu cầu phải thành lập một Hội đồng thẩm định và Hội đồng này có nhiệm vụ là đưa ra những ý kiến chuyên môn xoay quanh tranh chấp này để đảm bảo tính khách quan và đúng trình tự, thụ tục tố tụng.

Từ đó, có thể thấy rằng, việc thẩm định một tác phẩm để xác định đó có phải tác phẩm phái sinh hay không là việc khá khó khăn và cần nhiều tham vấn từ ý kiến của Hội đồng thẩm định. Chứ không chỉ đơn thuần chỉ dựa vào những quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ như hiện nay.

Tác giả tác phẩm phái sinh tại Việt Nam cần làm gì để tránh việc bị coi là đạo, nhái?

Trong những năm qua ở Việt Nam, chính sách bảo hộ quyền tác giả, trong đó có chính sách bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm đã phát huy hiệu quả tích cực. Các quy định của pháp luật Việt Nam về quyền tác giả đối với tác phẩm đã được ban hành tương đối đồng bộ, có hệ thống, đủ để điều chỉnh các quan hệ xã hội về quyền tác giả đối với tác phẩm điện ảnh trong nước và tạo môi trường pháp lý cho hội nhập quốc tế, góp phần quan trọng trong việc phát huy năng lực sáng tạo, khuyến khích cạnh tranh lành mạnh, thu hút đầu tư để phát triển đất nước.

Một tác phẩm phái sinh khác các tác phẩm đạo, nhái ở chỗ là có sự đồng ý của tác giả tác phẩm gốc. Chính vì thế, để tránh việc tác phẩm của mình bị coi là bị đạo, nhái, ảnh hưởng đến uy tín cá nhân thì các tác giả cần phải đảm bảo đồng thời các yêu cầu sau:

Thứ nhất, phải được sự đồng ý của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả.

Thứ hai, không làm phương hại tới quyền tác giả.

Thứ ba, tự sáng tạo tác phẩm phái sinh, không sao chép từ người khác.

Thứ tư, dấu ấn của tác phẩm gốc phải được thể hiện trong tác phẩm phái sinh.

Ngoài ra, để bảo vệ quyền lợi của chính mình thì ngay khi được sự đồng ý của tác giả tác phẩm gốc, tác giả tác phẩm phái sinh cần phải đăng ký quyền tác giả với Cục Bản quyền tác giả. Đây là phương pháp hữu ích khi có tranh chấp xảy ra, bởi lẽ, theo quy định tại Khoản 3 Điều 49 Luật Sở hữu trí tuệ, tổ chức, cá nhân đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, không có nghĩa vụ chứng minh quyền tác giả, quyền liên quan thuộc về mình khi có tranh chấp, trừ trường hợp có chứng cứ ngược lại.

Tạm khép lại vụ việc của Lưu Đức Hoa vì tác phẩm điện ảnh Bão trắng: Trận chiến Á phiện 2 có phải là tác phẩm đạo, nhái hay không còn phải chờ phán quyết cuối cùng của Tòa án. Tuy nhiên, thiết nghĩ đối người làm nghệ thuật đích thực thì dù với lý do và mục đích gì thì việc đạo nhái tác phẩm là việc không thể chấp nhận. Bởi đây là hành vi vừa xâm phạm bản quyền, đồng thời cũng cho thấy đạo đức làm nghề yếu kém của không ít nghệ sĩ hiện nay. Công chúng đến với một tác phẩm nghệ thuật là để thưởng thức yếu tố khác biệt, mới mẻ, độc đáo mà mỗi tác giả đem lại. Còn khi tác phẩm chỉ là “nhái”, vay mượn từ tác phẩm của người khác thì sớm muộn cũng bị đào thải, dư luận tẩy chay.

Hà Hằng

Lưu ý: Bài viết dựa trên quan điểm khoa học và thực tiễn, không nhằm quảng bá cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào.

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin.