Mở nhạc tại quán café, nhà hàng có phải trả phí bản quyền?

Ky Anh

(PLBQ). Xã hội không ngừng phát triển, các dịch vụ ngày càng được mở ra nhiều để kinh doanh hơn. Đặc biệt là quán cafe view đẹp hay nhà hàng, siêu thị, khách sạn,.... phục vụ cho việc giải trí học tập, chụp ảnh, sống ảo.

Sự việc cần đề cập đến ở đây là những địa điểm này đều sẽ sử dụng hay mở nhạc trong suốt quá trình kinh doanh. Âm nhạc là nguồn cảm hứng cũng như là điểm thu hút khách hàng và không thể thiếu được. Tuy nhiên, việc các địa điểm này mở nhạc có cần xin phép hay trả tiền bản quyền tác phẩm âm nhạc hay không lại đang là thắc mắc của khá nhiều người. Qua bài viết này PLBQ sẽ phân tích rõ vấn đề.

Thực trạng của vấn đề

Âm nhạc là nguồn cảm hứng bất tận và không thể thiếu trong cuộc sống. Sử dụng âm nhạc để giải trí là việc khó thể thiếu mỗi ngày đối với chúng ta, nhưng khi sử dụng trong kinh doanh có tính chất thương mại thì cần bàn đến một khía cạnh khác đó chính là bản quyền.

Thực tế khi chúng ta đi uống café thư giãn, giải trí, nhà hàng để ăn uống mọi nơi đều có sự hiện hữu của âm nhạc. Một quán cà phê sang trọng, thiết kế đẹp, không gian dễ chịu mà lại thiếu âm nhạc thì cũng giảm sự thu hút khách hàng. Hoặc siêu thị mở nhạc truyền thống khá hay được khách hàng cảm thấy thích, thường xuyên tìm đến mua hàng… Đó cũng là “chiêu” thu hút khách hàng, cũng nhằm gia tăng thị phần, nhằm "mục đích thương mại”.

Vậy việc mở nhạc trong quá trình kinh doanh thế này có bị thu phí bản quyền không? Có rất nhiều ý kiến trái chiều đưa ra:

“Ông Nguyễn Văn Hạnh, giám đốc siêu thị Maximark Cộng Hòa, cũng bức xúc: “Khách hàng đến siêu thị mua hàng. Họ quan tâm đến chất lượng sản phẩm, giá cả, chất lượng phục vụ… chứ không quan tâm đến việc siêu thị có mở nhạc hay không. Âm nhạc chỉ là một dịch vụ đi kèm rất nhỏ nhằm tạo không khí tươi vui, tại sao lại thu phí?”.

 

Vấn đề là làm sao xác định được việc mở nhạc trong hàng quán có nhằm mục đích thương mại hay không? Mục đích thương mại là gì?

Mục đích thương mại được hiểu theo nghĩa rộng. Có thể nguồn thu chính là từ việc sử dụng trực tiếp tác phẩm được thu âm, thu hình. Ví dụ: kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ bưu chính viễn thông hay sử dụng tác phẩm nhằm quảng cáo sản phẩm khác trên các phương tiện giao thông. Ngoài ra, tuy không thu phí từ khách hàng nhưng hàng quán sử dụng tác phẩm như một dịch vụ cộng thêm để thu hút khách hàng đến với mình thì cũng phải trả phí bản quyền

Như vậy các khách sạn, nhà hàng, quán cà phê, hãng du lịch… cứ mở nhạc phục vụ khách thì được coi là “có mục đích thương mại” và phải trả phí bản quyền

Quy định xử phạt theo Luật Sở hữu trí tuệ sẽ như thế nào?

Việc hàng quán mở nhạc để kinh doanh bản chất là một trường hợp sử dụng quyền liên quan không phải xin phép nhưng phải trả nhuận bút, thù lao.

Điều 32 NĐ 22/2018 quy định về việc sử dụng bản ghi âm, ghi hình:

1. Sử dụng trực tiếp bản ghi âm, ghi hình đã được công bố nhằm mục đích thương mại để thực hiện chương trình phát sóng có tài trợ, quảng cáo hoặc thu tiền dưới bất kỳ hình thức nào theo quy định tại khoản 1 Điều 33 của Luật sở hữu trí tuệ là việc tổ chức phát sóng dùng chính bản ghi âm, ghi hình đó để phát sóng bằng phương tiện vô tuyến hoặc hữu tuyến, bao gồm cả việc truyền qua vệ tinh, môi trường kỹ thuật số.

2. Sử dụng gián tiếp bản ghi âm, ghi hình đã được công bố nhằm mục đích thương mại để thực hiện chương trình phát sóng có tài trợ, quảng cáo hoặc thu tiền dưới bất kỳ hình thức nào theo quy định tại khoản 1 Điều 33 của Luật sở hữu trí tuệ là việc tiếp sóng, phát lại chương trình đã phát sóng; chuyển chương trình trong môi trường kỹ thuật số lên sóng.

3. Sử dụng bản ghi âm, ghi hình đã được công bố trong hoạt động kinh doanh, thương mại theo quy định tại khoản 2 Điều 33 của Luật sở hữu trí tuệ là việc tổ chức, cá nhân sử dụng trực tiếp hoặc gián tiếp bản ghi âm, ghi hình đã được công bố để sử dụng tại nhà hàng, khách sạn, cửa hàng, siêu thị; cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ bưu chính, viễn thông, môi trường kỹ thuật số; trong các hoạt động du lịch, hàng không, giao thông công cộng.

4. Việc hưởng tiền thù lao của người biểu diễn trong trường hợp bản ghi âm, ghi hình được sử dụng theo quy định tại Điều 33 của Luật Sở hữu trí tuệ tùy thuộc vào thoả thuận của người biểu diễn với nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình khi thực hiện chương trình ghi âm, ghi hình.

Tại Điều 33 Luật Sở hữu trí tuệ đã quy định về các trường hợp này, cụ thể:

Điều 33. Các trường hợp sử dụng quyền liên quan không phải xin phép nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao[16]

1. Tổ chức, cá nhân sử dụng trực tiếp hoặc gián tiếp bản ghi âm, ghi hình đã công bố nhằm mục đích thương mại để phát sóng có tài trợ, quảng cáo hoặc thu tiền dưới bất kỳ hình thức nào không phải xin phép, nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao theo thỏa thuận cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng kể từ khi sử dụng; trường hợp không thỏa thuận được thì thực hiện theo quy định của Chính phủ hoặc khởi kiện tại Tòa án theo quy định của pháp luật.

Tổ chức, cá nhân sử dụng trực tiếp hoặc gián tiếp bản ghi âm, ghi hình đã công bố nhằm mục đích thương mại để phát sóng không có tài trợ, quảng cáo hoặc không thu tiền dưới bất kỳ hình thức nào không phải xin phép, nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng kể từ khi sử dụng theo quy định của Chính phủ.

2. Tổ chức, cá nhân sử dụng bản ghi âm, ghi hình đã công bố trong hoạt động kinh doanh, thương mại không phải xin phép, nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao theo thỏa thuận cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng kể từ khi sử dụng; trường hợp không thỏa thuận được thì thực hiện theo quy định của Chính phủ hoặc khởi kiện tại Tòa án theo quy định của pháp luật.

3. Tổ chức, cá nhân sử dụng quyền quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này không được làm ảnh hưởng đến việc khai thác bình thường cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng và không gây phương hại đến quyền của người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng.

Luật quy định là như vậy, nhưng nhiều ý kiến cho rằng làm sao định lượng được có bao nhiêu thời lượng, bao nhiêu tác phẩm... được sử dụng để yêu cầu hàng quán trả tiền tác quyền? Mặc dù là tượng trưng nhưng số tiền nếu thu được của tất cả các địa điểm, cơ sở lưu trú là không hề nhỏ.

Pháp luật có quy định là trả tiền nhuận bút, thù lao cho chủ sở hữu quyền tác giả. Tuy nhiên, trong thực tế việc liên hệ với các tác giả để xin phép và trả thù lao nhiều trường hợp khá bất tiện. Đặc biệt trong trường hợp quán cafe sử dụng nhiều tác phẩm âm nhạc thì việc này sẽ trở nên khá phức tạp.

Như vậy việc quán cafe mở nhạc khi kinh doanh tuy không phải xin phép tác giả, chủ sở hữu nhưng cần phải trả tiền thù lao, tiền nhuận bút cho tác giả, chủ sở hữu và cách thức để trả thì chủ quán nên trả qua các trung tâm có chức năng, họ là đơn vị hợp tác, liên kết trực tiếp với các tác giả chính vì vậy việc kết nối giữa họ và tác giả sẽ thuận tiện hơn mà hiệu quả công việc lại cao.

Trước vấn đề này chúng ta cần nhận định rằng: đến lúc quyền sở hữu trí tuệ trong đó có quyền tác giả phải được đặc biệt coi trọng. Không thể có một cái gì tốt mà miễn phí cả. Không thu được phí tác quyền thì sẽ triệt tiêu động lực sáng tạo của tác giả và chúng ta sẽ không thể có những tác phẩm hay, chất lượng, sống mãi với thời gian nếu quyền tác giả vẫn tiếp tục bị xâm phạm, bị coi nhẹ như hiện nay.

Cần nhìn nhận rằng sự ủng hộ đồng lòng của tất cả mọi người là yếu tố cốt lõi nhất để tạo nên một văn hóa không vi phạm tới vấn đề bản quyền. Bên cạnh đó chúng ta cần xây dựng một lộ trình hợp lý cho việc thu các khoản phí này. Muốn xây dựng được lộ trình đó cần sự đồng thuận sự dũng cảm trong chính những tác giả nói chung (nhạc sỹ nói riêng) trong việc dám đứng lên để bảo vệ, đòi lại quyền lợi chính đáng, hợp pháp của mình. Việc pháp Luật sẽ được đưa vào thực thi và hiện hữu hơn nữa.

HỒNG VUI

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin.