NFT: định hình sức mạnh tài sản trí tuệ (kỳ 1)

Đinh Văn Chiến

Một trong những dấu ấn công nghệ nổi bật nhất của năm 2021 là sự gia tăng phổ biến của Non-fungible token (NFT). Công nghệ đột phá này đưa giá trị thế giới nghệ thuật và tài sản trí tuệ kỹ thuật số lên cao như vũ bão.

Nhận diện NFT trong nền kinh tế kỹ thuật số

Trong bối cảnh cách mạng công nghệ 4.0 trên toàn thế giới, Việt Nam đang đặc biệt quan tâm thực hiện chính sách về phát triển nền kinh tế số, tài chính số, đặc biệt là giai đoạn phát triển mới sau đại dịch Covid-19. Để thực hiện được chính sách trên, đòi hỏi các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức phải tận dụng thành tựu công nghệ để thay đổi cách thức vận hành, mô hình kinh doanh và cung cấp các giá trị mới cho khách hàng. 

NFT là một trong những thành tựu công nghệ bùng nổ năm 2021, khi chứng kiến khối lượng giao dịch các NFT đạt 25 tỷ USD, tăng hơn nhiều lần so với 100 triệu USD của năm trước đó, theo DappRadar. NFT đã xuất hiện từ năm 2014 nhưng gần đây mới trở nên phổ biến hơn trong các lĩnh vực tài sản kỹ thuật số.

Từ việc CEO Jack Dorsey của Twitter bán NFT trong bài tweet đầu tiên của mình với giá tương đương 2,5 triệu USD, cho đến bức ảnh nghệ thuật “The first 5,000 days” của Beeple được bán với giá kỷ lục 69,3 triệu USD. Thị trường thực sự đã bùng nổ. Theo các chuyên gia, nguyên nhân chính thúc đẩy thị trường NFT phát triển mạnh là việc thu hút nhiều tập đoàn lớn tham gia đầu tư. Như hãng Coca-Cola đã thu về hơn 575.000 USD từ việc bán vật phẩm như áo khoác cho khách ‘mặc’ vào vũ trụ ảo Decentraland.  

 

xu-huong-mua-va-tang-vat-pham-nft-trong-vu-tru-ao-ngay-cang-pho-bien-1644572769.jpg
Xu hướng mua và tặng vật phẩm NFT trong vũ trụ ảo ngày càng phổ biến

Ngay tại Việt Nam, tựa game NFT Axie Infinity do CEO Nguyễn Thành Trung cùng các cộng sự sáng lập cũng gặt hái được nhiều thành công vang dội. Tựa game này từng được trang Coinmartketcap định giá lên tới 8 tỷ USD và trở thành game NFT đắt giá nhất mọi thời đại. 

Không chỉ dừng lại ở lĩnh vực game, mới đây họa sĩ nhí Xèo Chu cũng thu về gần 23.000 USD từ bức tranh ‘Hoa mai may mắn’ trên sàn giao dịch NFT. Trước Xèo Chu, Phong Lương và Tú Na là hai họa sĩ cũng từng tham gia triển lãm tranh trên sàn giao dịch Binance NFT.

Tại lĩnh vực du lịch, một số doanh nghiệp như Vacation Paradise, Crystal Bay tại Việt Nam cũng bắt đầu triển khai xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng, khách sạn theo mô hình NFT hóa. Bằng việc chia nhỏ các khu nghỉ dưỡng, nhà đầu tư sẽ được hưởng nhiều lợi ích hơn bao gồm việc đi nghỉ dưỡng tại các khu resort và các resort được liên kết. Chủ sở hữu NFT có thể tự do thay đổi, giao dịch và được đảm bảo ưu đãi khác trong thời gian sở hữu. 

Công cụ phát triển tài sản trí tuệ 

NFT là một mật mã không thể thay thế được liên kết với một đối tượng, thường là một tác phẩm nghệ thuật kỹ thuật số, một sản phẩm âm nhạc hay vật phẩm có thể sưu tầm hoặc trong trò chơi. 

Về quy trình, những sản phẩm này sẽ được upload lên blockchain, đi kèm với nhiều dữ liệu, nhưng quan trọng nhất trong đó là quyền sở hữu. Công đoạn đẩy lên blockchain này chính là lúc NFT được tạo nên và nó sẽ đi theo đối tượng mãi mãi. 

Hiểu một cách đơn giản, NFT giống như một giấy chứng nhận quyền sở hữu đối với ngôi nhà. Về bản chất, giấy chứng nhận không phải là bản thân ngôi nhà đó, nó chỉ đóng vai trò xác định ai đang có quyền sở hữu ngôi nhà đó. NFT cũng như vậy, bản thân NFT không phải là tài sản kỹ thuật số mà nó chỉ là một bản ghi điện tử thể hiện quyền sở hữu tài sản đó.

Điểm khác biệt là NFT mang tính duy nhất (không thể thay thế) và được đảm bảo bởi công nghệ chuỗi khối blockchain. Chính điều này mở ra một phương pháp xác thực minh bạch các loại tài sản trí tuệ trên nền tảng kỹ thuật số.  

Đối với doanh nghiệp, trong các tài sản trí tuệ thì nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp và tên thương mại có tác động rõ nét nhất. Khi một sản phẩm đến tay khách hàng, đó là những dấu hiệu quan trọng giúp khách hàng nhận biết sản phẩm của doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay các mặt hàng sản phẩm, thậm chí nhãn hiệu, logo của doanh nghiệp cũng có thể bị làm giả, làm nhái tràn lan với mức độ đáng báo động. Điều này gây nên tác động tiêu cực đối với sự phát triển bền vững giá trị tài sản trí tuệ của các doanh nghiệp.

Trong khi các công cụ chống hàng giả thông thường đã bị kẻ xấu “bắt kịp”, NFT có thể là một công cụ mới giúp doanh nghiệp bảo vệ và phát huy tài sản trí tuệ của họ. Nhờ NFT, người dùng có thể dễ dàng truy vấn nguồn gốc và xác thực một loại hàng hóa. Hơn thế nữa, trong thế giới số đầy tiềm năng ở Việt Nam, việc triển khai kế hoạch NFT hóa các loại sản phẩm có cơ hội lớn nhận được sự ủng hộ từ giới trẻ. 

Chẳng hạn như, công ty LVMH - chủ sở hữu của hãng thời trang xa xỉ Louis Vuitton, được cho là đang sử dụng chuỗi khối AURA để cho phép khách hàng sử dụng NFT nhằm theo dõi tính xác thực hàng hóa của họ. 

 

nft-giup-doanh-nghiep-phat-trien-tai-san-tri-tue-ben-vung-tren-nen-tang-ky-thuat-so-1644572833.jpg
NFT giúp doanh nghiệp phát triển tài sản trí tuệ bền vững trên nền tảng kỹ thuật số

Bên cạnh đó, các bằng sáng chế kết nối với NFT đã xuất hiện và chắc chắn sẽ còn nhiều bằng sáng chế khác nữa. Ví dụ: Nike đã nhận được bằng sáng chế cho việc ‘Tạo ra mã tài sản kỹ thuật số cho giày dép’, điều này cho phép người mua giày đảm bảo giày của họ là hàng thật và cũng có thể tận hưởng phiên bản sưu tập kỹ thuật số của giày như một ưu đãi. Tại Hoa Kỳ, mỗi năm có hàng nghìn bằng sáng chế về blockchain như vậy được nộp để đăng ký.

Ngay cả khi một tổ chức không sở hữu tài sản trí tuệ có giá trị, các trường hợp sử dụng NFT vẫn rất lớn. Trong tương lai vé sự kiện thể thao và giải trí, đã từng được lưu trong sổ lưu niệm, có thể được lưu lại lần nữa trên nền tảng số. Các giấy tờ hành chính, văn bằng có thể được lưu trữ và gắn với NFT nhằm tránh nạn làm bằng giả, giảm thiểu việc phải công chứng… Các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cũng không cần phải xây dựng database center tốn kém để lưu trữ các loại giấy tờ hành chính, giấy chứng nhận. Mọi thứ trở nên minh bạch và nhanh chóng hơn nhờ công nghệ này. 

Cần hiểu đúng để tận dụng ‘trúng’ 

Bên cạnh khía cạnh về công nghệ, NFT hiện được biết đến nhiều hơn như một loại tài sản dùng để đầu tư. Có rất nhiều tác phẩm nghệ thuật được bán trực tuyến mỗi ngày. Người sáng tạo nội dung thậm chí có thể kiếm được hàng triệu USD chỉ trong vài giây khi NFT của họ được bán trong không gian kỹ thuật số.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, thị trường mua đi, bán lại NFT chứa đựng đầy rủi ro. Đó là bởi vì về bản chất, người mua NFT chỉ có quyền sở hữu đối với NFT, chứ không phải bản thân tài sản số hay tác phẩm nghệ thuật. Nói cách khác, người mua chỉ đơn giản là đang sở hữu một đoạn code trong sổ cái blockchain mà không có giá trị cơ bản. Việc các NFT đang được rao bán với giá cao ngất ngưỡng là vì niềm tin sẽ bán được giá trong tương lai của các nhà đầu cơ. Họ mua NFT với hy vọng giá sẽ tiếp tục tăng và sẽ có lợi nhuận khi càng nhiều người vào sau tham gia mua đi, bán lại. 

Thị trường NFT vẫn đang trong quá trình định hình và trưởng thành. Mặc dù vậy, các dự án NFT đã thành công đưa ra một số ý tưởng về việc tận dụng ‘trúng’ công nghệ này để phát triển sức mạnh tài sản trí tuệ của doanh nghiệp. 

Giá trị của NFT đối với doanh nghiệp nằm ở chỗ nó có thể được mã hóa và là một trong những thứ độc nhất. Vì vậy, điều này mang lại cho doanh nghiệp cơ hội tương tác với người tiêu dùng và tạo ra trải nghiệm độc đáo cho họ. Tầm quan trọng của khía cạnh độc nhất vô nhị đảm bảo rằng khách hàng không thể có được trải nghiệm tương tự tại một doanh nghiệp khác do kết quả của NFT và tính cá nhân của nó. 

Trong thời gian gần đây, cách chúng ta đánh giá giá trị tài sản trí tuệ liên tục thay đổi do kết quả của công nghệ. Do đó, trong tương lai NFT có thể đóng một vai trò quan trọng trong bối cảnh nền kinh tế kỹ thuật số. Niềm tin này bắt nguồn từ bước tiến mà NFT đã đạt được trên phương tiện truyền thông xã hội và thế giới kỹ thuật số. Do đó, việc đầu tư vào NFT có thể giúp doanh nghiệp trở nên khác biệt với các đối thủ cạnh tranh trong những năm tới vì mức độ phổ biến của chúng được dự đoán sẽ tăng lên. 

Thay lời kết 

NFT là nền tảng xu hướng hiện tại trong không gian kỹ thuật số. Áp dụng chiến lược phát triển NFT trong doanh nghiệp có thể đem lại mức lợi nhuận và phần thưởng to lớn. Đặc biệt, trong ngành công nghiệp trò chơi, NFT đang đóng vai trò là chiếc thuyền đưa Việt Nam ra bản đồ công nghệ thế giới. Tiếp nối phần này, chúng ta sẽ cùng thảo luận về giá trị pháp lý và khả năng áp dụng các loại tài sản NFT ở Việt Nam hiện nay. 

Khắc Vinh

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin.