Người dân các nước ăn gì trong những ngày Tết cổ truyền, bánh chưng dưa hành của Việt Nam đã đặc biệt nhất chưa?

Đinh Văn Chiến

Văn hóa ẩm thực vô cùng đa dạng và phong phú, nếu người Việt mình gói bánh chưng đón Tết thì người dân các nước nấu gì, ăn gì trong dịp đầu năm?

Ẩm thực là một phần được chú trọng trong những ngày Tết, không chỉ ở Việt Nam chúng ta mà còn ở tất cả các quốc gia có truyền thống đón Năm mới theo lịch âm. Ăn gì dịp đầu năm để cả năm được may mắn, sức khỏe tràn trề và mọi sự thuận buồm xuôi gió? Đối với dân Việt chúng ta, đáp án chính là bánh chưng ăn kèm dưa hành chua chua đúng không? Bánh chưng được gói vuông vức thể hiện sự quy tụ của trời, đất và vạn vật cỏ cây. Với sự kết hợp hài hòa của gạo nếp, đỗ xanh và thịt lợn, bánh chưng quả là món ăn đặc sản mang đậm dấu ấn của đất nước ta.

Người dân các nước ăn gì trong những ngày Tết cổ truyền, bánh chưng dưa hành của Việt Nam đã đặc biệt nhất chưa? - Ảnh 1.

Vậy còn với các quốc gia khác thì sao, người dân họ ăn những "sơn hào hải vị" nào trong dịp Tết, cùng nhau khám phá nhé!

Trung Quốc và món ăn đêm Giao thừa

Nếu người Việt tụ họp lại để canh nồi bánh chưng ăn mấy ngày Tết thì người Trung sẽ cùng nhau gói sủi cảo trong đêm Giao thừa để tạo nên không khí sum vầy, gắn kết. Họ thích ăn sủi cảo khi còn nóng hổi. Đối với tín ngưỡng của người dân tại đây, sủi cảo là món ăn tượng trưng cho sự sung túc, thuận lợi cả năm. Sủi cảo là món ăn nổi tiếng, được làm từ vỏ bánh bằng bột mì, nhân sủi cảo được làm từ thịt trộn lẫn với rau xanh.

Người dân các nước ăn gì trong những ngày Tết cổ truyền, bánh chưng dưa hành của Việt Nam đã đặc biệt nhất chưa? - Ảnh 2.

Hàn Quốc và bữa ăn đầu năm mới

Giống như Việt Nam, Hàn Quốc cũng đón Tết cổ truyền. Bữa ăn đầu tiên của người Hàn sẽ luôn có sự xuất hiện của món ăn truyền thống Tteokguk hay còn gọi là canh bánh gạo. Tteokguk mang ý nghĩa về một năm mới tràn đầy thành công và niềm vui. Màu trắng của bánh gạo tượng trưng cho sự trường thọ, thanh khiết của con người và vạn vật xung quanh. Ngoài ra, người dân xứ sở kimchi thích uống poricha sau bữa ăn nhưng thức uống bắt buộc trong ngày Tết là rượu gui balki sool để lấy may mắn.

Người dân các nước ăn gì trong những ngày Tết cổ truyền, bánh chưng dưa hành của Việt Nam đã đặc biệt nhất chưa? - Ảnh 3.

Nhật Bản: Dù đã bỏ tục đón Tết nguyên đán nhưng vẫn giữ phong vị xa xưa

Mặc dù Nhật Bản đã chuyển sang đón Tết Dương lịch nhưng vào những ngày đầu năm, người Nhật vẫn duy trì các phong tục truyền thống. Những món ăn ngày đầu năm của người Nhật được gọi chung là Osechi ryori, có ý nghĩa giúp các gia đình có thể sống tốt qua những ngày đầu năm mới khi mà các cửa hàng đều đã đóng cửa.

Osechi ryori là các sản phẩm được chế biến từ đậu đen, cá và hải sản - những nguyên liệu nấu ăn phổ biến ở Nhật Bản. Theo quan niệm của người Nhật Bản, đậu đen, cá và hải sản sẽ giúp họ có sự năng động, hoạt bát hơn, trí não sáng suốt hơn để làm việc hiệu quả.

Tất cả những món ăn trong năm mới thường được người Nhật bảo quản trong những chiếc hộp gỗ sơn mài màu đỏ. Họ quan niệm hộp gói thức ăn càng đẹp bao nhiêu thì niềm hy vọng bội thu trong năm mới càng lớn bấy nhiêu.

Người dân các nước ăn gì trong những ngày Tết cổ truyền, bánh chưng dưa hành của Việt Nam đã đặc biệt nhất chưa? - Ảnh 4.

Lào và món "Lạp" ngày Tết

Trong ngôn ngữ của người Lào, "Lạp" có nghĩa là lộc, vì vậy món ăn ngày Tết được xem là lời chúc dành tặng nhau đầu năm mới. Trong văn hóa Lào, gia đình nào nhận được nhiều món Lạp trong năm mới thì cả năm họ sẽ gặp được nhiều may mắn, rước được thêm tài lộc về nhà. Người Lào chế biến món "Lạp" bằng thịt gà hay thịt bò tươi đem trộn với gia vị ăn kèm với xôi nóng.

Người dân các nước ăn gì trong những ngày Tết cổ truyền, bánh chưng dưa hành của Việt Nam đã đặc biệt nhất chưa? - Ảnh 5.

Campuchia và món ăn cúng bái tổ tiên

Trong những ngày Tết, cari là món mà người dân nước này phải ăn để lấy hên. Bữa cơm đầu năm trong các gia đình Campuchia không thể thiếu cari. Họ nấu cari để mang lên chùa cúng bái tổ tiên, thần thánh.

Người dân các nước ăn gì trong những ngày Tết cổ truyền, bánh chưng dưa hành của Việt Nam đã đặc biệt nhất chưa? - Ảnh 6.

Mông Cổ - đặc sản ngày Tết

Ẩm thực Mông Cổ rất khác lạ và độc đáo. Dịp Tết nguyên đán, các gia đình Mông Cổ sẽ nấu các loại bánh từ bột và sữa ngựa. Nổi tiếng nhất chính là những chiếc bánh bao nhân thịt cừu nóng hổi, thịt cừu cũng là đặc sản ở đây. Bánh được hấp chín, ăn khi còn nóng và được thưởng thức với sữa ngựa lên men hoặc bánh ngọt và trà sữa.

Người dân các nước ăn gì trong những ngày Tết cổ truyền, bánh chưng dưa hành của Việt Nam đã đặc biệt nhất chưa? - Ảnh 7.

 

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin.