Nhận diện rủi ro và một số vấn đề pháp lý khi xuất khẩu hàng hóa và thanh toán quốc tế

Đinh Văn Chiến

Chính phủ Việt Nam đang tích cực hỗ trợ doanh nghiệp và tận dụng lợi thế từ các Hiệp định thương mại quốc tế, nổi bật là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) để đưa các ngành sản xuất của Việt Nam dần trở lại với thị trường kinh tế của thế giới sau đại dịch Covid-19. Trong đó, hoạt động xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp Việt được đẩy mạnh nhằm cân bằng cán cân xuất nhập khẩu và tạo ra nguồn thu ngoại tệ lớn cho nền kinh tế. Trước bối cảnh đó, chúng tôi cho rằng việc trang bị một số kiến thức cơ bản cho doanh nghiệp để nhận biết các rủi ro pháp lý khi xuất khẩu hàng hoá và thanh toán quốc tế là điều vô cùng cần thiết.

 

1-1689827493.png

Những vấn đề pháp lý về xuất khẩu hàng hoá là một phạm trù rộng lớn, vì vậy trong phạm vi giới hạn của bài viết này, nhóm tác giả Nguyễn Anh Thư, Hồ Thị Cẩm Nhung (Công ty Luật TNHH Passio Lawyers); Thạc sĩ Trần Minh Pháp (Ngân hàng TMCP Phát triển TP. HCM, Chuyên gia Công ty Luật TNHH Passio Lawyers) sẽ nghiên cứu, phân tích một số vấn đề pháp lý mà chúng tôi cho rằng cần được doanh nghiệp xuất khẩu cũng như các tổ chức có liên quan quan tâm, đặc biệt là sau vụ việc một số doanh nghiệp ngành sản xuất, xuất khẩu hạt điều trong năm 2022 bị lừa.

Từ sự việc doanh nghiệp xuất khẩu hạt điều bị lừa

Năm 2022, khi kênh xuất khẩu đang gặp khó khăn, các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu hạt điều Việt Nam nhận được lời đề nghị từ một số kênh môi giới nhằm xuất khẩu hạt điều nhân với số lượng lớn sang thị trường Thổ Nhĩ Kỳ, Italia. Bên bán - các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu làm việc, trao đổi thông qua bên môi giới và gần như không có thông tin về Bên mua tại thị trường nước ngoài. Trong giao dịch này, các Bên thống nhất lựa chọn phương thức thanh toán là phương thức nhờ thu.

Sau khi giao hàng cho hãng tàu để vận chuyển, Bên bán đã chuẩn bị các chứng từ cần thiết như đã thỏa thuận và cung cấp cho Ngân hàng để các Ngân hàng thực hiện nghiệp vụ nhờ thu tiền hàng theo quy định. Khi nhận được bộ chứng từ từ Bên bán, Ngân hàng của Bên bán đã chuyển bộ chứng từ bản gốc cho Ngân hàng của Bên mua để yêu cầu thanh toán. Sự việc xảy ra đối với các doanh nghiệp xuất khẩu hạt điều nhân của Việt Nam là bộ chứng từ bản gốc đã bị tráo trong quá trình chuyển phát, Ngân hàng của Bên mua chỉ nhận được bộ chứng từ bản sao (bản copy). Khi xem xét thỏa thuận giữa Bên bán và Bên mua thì loại vận đơn (Bill of Lading - B/L) được phát hành là vận đơn vô danh, theo đó người cầm vận đơn trong tay là chủ sở hữu vận đơn và có quyền yêu cầu hãng tàu giao hàng cho họ. Khi phát hiện sự việc, Bên bán đã dùng nhiều biện pháp để liên lạc với bên môi giới và Bên mua theo thông tin đã thỏa thuận nhằm thông báo về sự việc này nhưng hầu như không được phản hồi từ bất kỳ Bên nào. Do đó Bên bán, Hiệp hội Điều Việt Nam và Đại sứ quán Việt Nam tại Italia đã xác định đây là sự việc có dấu hiệu lừa đảo mà nạn nhân là các doanh nghiệp Việt Nam. Trường hợp này bộ chứng từ đã bị đánh tráo và lấy cắp trong quá trình chuyển phát nên Bên bán có khả năng rất cao là vừa mất hàng (do không rõ bộ chứng từ gốc do bên nào đang giữ) và vừa không được thanh toán do Ngân hàng của Bên mua không nhận được bộ chứng từ gốc nên không thể yêu cầu thanh toán. Rất may mắn là sự việc lừa đảo quy mô lớn này được lãnh đạo Nhà nước quan tâm và được các Ngân hàng liên quan hỗ trợ nên sau một thời gian gấp rút xử lý các công việc cần thiết, hàng hóa đã được các hãng tàu giao lại cho Bên bán là các doanh nghiệp Việt Nam.

Nhìn từ sự việc này có thấy được các doanh nghiệp Việt Nam có năng lực sản xuất nhưng lại thiếu kiến thức, kinh nghiệm trong giao dịch thương mại quốc tế, từ đó dẫn đến chưa có sự đánh giá cẩn trọng về bên mua hàng cũng như là các biện pháp để hạn chế rủi ro khi xuất khẩu hàng hóa.

Một số vấn đề pháp lý cơ bản các doanh nghiệp cần lưu ý

Trong sự việc trên, có hai nội dung pháp lý cơ bản mà doanh nghiệp cần phải lưu ý trong quá trình hoạt động kinh doanh nói chung và thực hiện các giao dịch tương tự là (i) quá trình giao kết, đàm phán hợp đồng có sự tham gia của bên môi giới và (ii) phương thức thanh toán trong giao dịch là nhờ thu.

1. Một số vấn đề pháp lý xoay quanh hoạt động môi giới, bản chất của hoạt động môi giới và vai trò của môi giới.

Về khái niệm của hoạt động môi giới: (i) Dưới góc độ ngôn ngữ thì môi giới là từ để chỉ người làm trung gian để hai bên tiếp xúc, giao thiệp với nhau; (ii) Dưới góc độ kinh tế:  môi giới là cá nhân, tổ chức có trách nhiệm để kết nối người mua và người bán lại với nhau và trở thành trung gian hỗ trợ, giúp sắp xếp giao dịch giữa người mua và người bán; (iii) Dưới góc độ pháp lý, môi giới trong thương mại được định nghĩa tại Điều 150 Luật Thương mại 2005.

Như vậy, dưới các góc độ nêu trên thì môi giới đều có điểm chung là bên trung gian hỗ trợ các Bên có vai trò chính yếu trong giao dịch mua bán hàng hoá là Bên bán và Bên mua trong việc đàm phán và giao kết hợp đồng. Thông qua khái niệm, chúng ta có thể thấy được vai trò của môi giới là bên trung gian hỗ trợ các bên trong giai đoạn giao kết hợp đồng. Môi giới là cầu nối giữa bên bán và bên mua, giúp cho hoạt động thương mại được sôi động, nhiều giao dịch được giao kết, góp phần tích cực cho nền kinh tế.

Theo quy định tại Điều 151 Luật Thương mại 2005 thì một trong các nghĩa vụ của môi giới là không được tham gia thực hiện hợp đồng giữa các bên được môi giới (bên bán và bên mua), trừ trường hợp có ủy quyền của bên được môi giới. Trên thực tế, bên môi giới thường không tham gia thực hiện hợp đồng, điều này đảm bảo bên môi giới tránh được các rủi ro phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng giữa các bên được môi giới.

Như đã phân tích về môi giới và vai trò của môi giới, thì trách nhiệm của bên môi giới là khá hẹp và thông thường chỉ dùng lại ở giai đoạn đàm phán, giao kết hợp đồng, giai đoạn thực hiện hợp đồng thì sẽ không có sự tham gia của bên môi giới. Tuy nhiên, trên thực tế các Bên được môi giới thường đặt niềm tin rất nhiều vào họ, tin tưởng những thông tin mà bên môi giới cung cấp, từ đó sinh ra sự chủ quan và không thu thập, kiểm tra thông tin của Bên còn lại trong giao dịch, tương tự như trong giao dịch bất động sản, bên mua thường sẽ rất tin tưởng môi giới bất động sản mà ít khi tìm hiểu đầy đủ pháp lý, thông tin của dự án bất động sản mà mình đầu tư. Như sự việc của doanh nghiệp xuất khẩu hạt điều tại Việt Nam, khi Cơ quan Nhà nước tại Italia điều tra thì Bên mua là các công ty đăng ký kinh doanh ở địa phương, rất nhỏ, không hoạt động, chỉ có 1-2 người làm việc. Nếu kiểm tra, xác minh, chắc hẳn chúng ta sẽ nhận thấy sự bất thường khi các công ty này lại đặt nhiều lô hàng hạt điều với giá trị lớn như thế. Tuy nhiên, do quá tin tưởng Bên môi giới, Bên bán hoàn toàn không hề biết về các thông tin này và gần như xem Bên môi giới là Bên còn lại trong giao dịch, mặc dù giữa các bên không có thỏa thuận bên môi giới được ủy quyền thực hiện hợp đồng từ Bên mua. Vì vậy khi mất liên lạc với Bên môi giới, các doanh nghiệp Việt Nam cũng không thể liên lạc được với Bên mua.

Do đó, để hạn chế phần nào rủi ro khi giao dịch thông qua môi giới, đặc biệt đối với các giao dịch xuyên biên giới, đa quốc gia, được thiết lập lần đầu, chúng tôi cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý những vấn đề sau:

Thứ nhất, doanh nghiệp cần chủ động hơn trong việc tìm kiếm, đánh giá, kiểm tra, xác minh thông tin nhận được từ Bên môi giới thông qua các nguồn thông tin chính thống (như thông qua Hiệp hội ngành nghề, cơ quan đại diện ngoại giao/lãnh sự của Việt Nam tại nước sở tại của Bên mua). Đồng thời, doanh nghiệp cũng cần chủ động hơn trong quá trình trao đổi, đàm phán để không mất đi vai trò trọng yếu của mình và Bên còn lại trong giao dịch mua bán hàng hoá, tránh trường hợp phụ thuộc hoàn toàn vào bên môi giới. Bên cạnh đó, trên cơ sở quy định tại Luật Thương mại như dẫn chiếu nêu trên thì các Bên có thể thỏa thuận bên môi giới là cũng được ủy quyền để thực hiện hợp đồng giữa các bên, từ đó ràng buộc trách nhiệm của bên môi giới trong việc thực hiện hợp đồng được giao kết giữa các Bên.

2-1689827512.png

Ảnh minh họa

Thứ hai, trong bất kỳ giao dịch mua bán hàng hóa, để ràng buộc chặt chẽ trách nhiệm của các Bên thì hợp đồng mua bán phải được thiết kế với những điều khoản chặt chẽ tương ứng, trong đó, Bên bán có thể sử dụng một số biện pháp sau:

(i)  Yêu cầu Bên mua đặt cọc một phần giá trị hàng hoá và tuỳ theo đối tác mà giá trị khoản đặt cọc sẽ được ấn định cụ thể. Việc đặt cọc sẽ đảm bảo một phần quyền lợi của Bên Bán, trong trường hợp Bên mua không thực hiện hợp đồng hoặc có vi phạm thì Bên bán có thể xử lý số tiền đặt cọc này.

(ii) Bên bán có thể đàm phán với Bên mua để yêu cầu một Ngân hàng hoặc một bên thứ ba có năng lực tài chính phù hợp phát hành thư/cam kết bảo lãnh thanh toán. Theo đó Bên bảo lãnh sẽ bảo lãnh cho nghĩa vụ của Bên được bảo lãnh (Bên mua) theo yêu cầu của Bên nhận bảo lãnh (Bên bán). Trường hợp Bên mua không thanh toán đúng như thoả thuận trong hợp đồng, Bên bán lúc này có thể yêu cầu Ngân hàng thực hiện thay cho nghĩa vụ thanh toán mà Bên mua phải thực hiện. Như vậy thì sẽ đảm bảo an toàn hơn cho Bên bán. Ngược lại, về phía Bên mua, Bên mua cũng có thể yêu cầu một Ngân hàng phát hành bảo lãnh cho nghĩa vụ của Bên bán, nếu Bên bán vi phạm nghĩa vụ tài chính theo thỏa thuận thì Bên mua có thể yêu cầu Ngân hàng thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh đối với các nghĩa vụ tài chính mà Bên bán đã vi phạm với Bên mua.

Thứ ba, giao dịch mua bán hàng hóa quốc tế thường được bổ trợ bởi các nghiệp vụ hậu cần, ví dụ như nghiệp vụ vận tải đường biển, hàng không.... Để tiết kiệm chi phí vận tải, các doanh nghiệp thường lựa chọn phương thức vận tải đường biển thông qua các hãng tàu có chức năng vận chuyển. Đặc trưng của ngành vận tải đường biển là nhiều rủi ro nên pháp luật và tập quán quốc tế sẽ có những quy định đặc thù để giới hạn trách nhiệm cho bên vận chuyển. Việc giới hạn này sẽ tỷ lệ thuận với mức độ rủi ro của các Bên trong giao dịch mua bán hàng hóa, bởi lẽ nếu rủi ro phát sinh trong quá trình vận chuyển mà bên vận chuyển không chịu trách nhiệm thì thiệt hại sẽ hoàn toàn thuộc về Bên bán, Bên mua trong giao dịch. Vì thế chúng tôi cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu hàng hóa cũng cần có kiến thức nhất định về lĩnh vực vận tải, đặc biệt là các quy định về giới hạn trách nhiệm của bên vận chuyển để lường trước được những rủi ro phát sinh, cũng như chuẩn bị sẵn phương án xử lý.

Với một số đặc điểm nêu trên, chúng tôi cho rằng giao dịch mua bán hàng hóa quốc tế thông qua kênh môi giới vừa mang lại lợi ích, vừa tiềm ẩn rủi ro cho Bên bán và Bên mua. Vì vậy, việc nhìn nhận các điểm lợi ích, rủi ro này để lựa chọn nội dung giao dịch cũng như dự phòng phương án xử lý khi sự cố, thiệt hại phát sinh là hoàn toàn cần thiết để tạo cho các doanh nghiệp Việt Nam vị thế chủ động trong giao dịch nói riêng và kể cả hoạt động kinh doanh của mình nói chung.

2. Cơ sở pháp lý, bản chất và các rủi ro được rút ra khi nghiên cứu các quy định về phương thức thanh toán nhờ thu. 

Nhờ thu (Collection) là một trong những phương thức thanh toán phổ biến trong giao dịch thương mại quốc tế và hiện đang được điều chỉnh bởi Quy tắc Thống nhất về Nhờ thu (The ICC Uniform rules for collections - URC). Quy tắc này được Phòng Thương mại Quốc tế (ICC) phát hành lần đầu tiên vào năm 1956 và sau nhiều lần tái bản, vào năm 1995, ICC đã ban hành bản URC 522 có hiệu lực từ ngày 01/01/1996. Từ năm 1996 đến nay, URC 522 vẫn là tập quán quốc tế có hiệu lực thi hành và được áp dụng phổ biến khi lựa chọn thanh toán bằng phương thức nhờ thu.

Tương tự như tập quán quốc tế cho các phương thức thanh toán khác, URC 522 được được chia thành nhiều phần với nhiều điều khoản cụ thể, trong đó là những điều khoản quy định về nguyên tắc chung, hình thức và nội dung của nhờ thu, hình thức xuất trình, nghĩa vụ và trách nhiệm của các Bên khi thanh toán bằng phương thức nhờ thu…

Về bản chất, URC nói chung và URC 522 nói riêng được xem là tập quán quốc tế và việc áp dụng tập quán quốc tế trong giao dịch được quy định tại Bộ luật Dân sự 2015 như sau: Tập quán là quy tắc xử sự có nội dung rõ ràng để xác định quyền, nghĩa vụ của cá nhân, pháp nhân trong quan hệ dân sự cụ thể, được hình thành và lặp đi lặp lại nhiều lần trong một thời gian dài, được thừa nhận và áp dụng rộng rãi trong một vùng, miền, dân tộc, cộng đồng dân cư hoặc trong một lĩnh vực dân sự. Trường hợp các bên không có thỏa thuận và pháp luật không quy định thì có thể áp dụng tập quán nhưng tập quán áp dụng không được trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của Bộ luật này”. Các bên được lựa chọn tập quán quốc tế trong trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 664 của Bộ luật này. Nếu hậu quả của việc áp dụng tập quán quốc tế đó trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam thì pháp luật Việt Nam được áp dụng”.

Như vậy Bộ luật Dân sự 2015 có thừa nhận giá trị pháp lý của tập quán, từ đó các Bên trong giao dịch có thể lựa chọn việc áp dụng tập quán (kể cả tập quán quốc tế) trong trường hợp thỏa các điều kiện theo quy định pháp luật để áp dụng. Quy định pháp luật về các điều kiện chọn áp dụng tập quán quốc tế khá phức tạp nên trong phạm vi bài viết này, chúng tôi không tập trung phân tích về các điều kiện này mà chỉ nêu nguyên tắc như trên để đọc giả có góc nhìn tổng quan về việc lựa chọn áp dụng tập quán quốc tế.

Về bản chất của nhờ thu: Điểm a Điều 2 URC 522 quy định rằng nhờ thu là phương thức thanh toán mà trong đó, Ngân hàng tiếp nhận chứng từ theo đúng các chỉ thị đã nhận được để:  (1) Tiến hành thu tiền và/hoặc để yêu cầu chấp nhận thanh toán; hoặc (2) Giao các chứng từ nếu được thanh toán và/hoặc chấp nhận thanh toán và/hoặc nếu được chấp nhận thanh toán; hoặc (3) Giao các chứng từ khi các điều kiện khác đặt ra được thực hiện.

Từ quy định nêu trên, chúng tôi có thể khái quát rằng trong nhờ thu, Ngân hàng sẽ thực hiện theo các yêu cầu từ được thể hiện trong chỉ thị/lệnh nhờ thu. Hay như GS. TS. Nguyễn Văn Tiến – TS. Nguyễn Thị Hồng Hải trong Giáo trình thanh toán quốc tế và tài trợ ngoại thương đã từng nêu, nhờ thu thực chất là quy trình ngân hàng thu hộ tiền từ người mua để trả cho người bán.

Như vậy, trong giao dịch thanh toán, ngân hàng chỉ có chức năng trung gian là chính, ngoài ra đối với các vấn đề khác sẽ hoàn toàn thuộc về trách nhiệm của các Bên mà chủ yếu là Bên bán và Bên mua.

3-1689827512.png

Ảnh minh họa

Rủi ro của phương thức nhờ thu: Phương thức nhờ thu thường được các Bên trong giao dịch thương mại quốc tế lựa chọn để áp dụng vì chi phí thấp, đơn giản, dễ thực hiện, thủ tục không phức tạp như thanh toán thông qua thư tín dụng. Tuy nhiên vì tính đơn giản này mà nhờ thu cũng được xem là phương thức tiềm ẩn nhiều rủi ro cho Bên bán. Bởi lẽ, trong phương thức này, các Ngân hàng chỉ đóng vai trò “thu hộ” nên sẽ không có trách nhiệm thanh toán thay cho Bên mua, kể cả khi Ngân hàng nhận được bộ chứng từ hợp lệ và việc thanh toán sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào ý chí của Bên mua. Trường hợp Bên mua không thiện chí hoặc không có năng lực tài chính, rủi ro không được thanh toán của Bên bán là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Ngoài ra, việc giao hàng còn kéo theo các vấn đề về vận chuyển, kho bãi lưu hàng nên nếu Bên mua chậm trễ trong việc thanh toán và nhận hàng thì Bên bán vừa phải chịu các chi phí nêu trên, vừa phải chịu rủi ro đối với việc lưu trữ, bảo quản hàng hóa. Bên cạnh đó, nếu Bên bán lựa chọn thủ tục khởi kiện để giải quyết tranh chấp về nghĩa vụ thanh toán của Bên mua thì việc khởi kiện còn kéo theo các chi phí, thủ tục phát sinh, đặc biệt nếu là giao dịch thương mại quốc tế thì chi phí sẽ rất lớn, thủ tục để khởi kiện sẽ rất phức tạp. Với những rủi ro nêu trên, hiện nay phương thức nhờ thu chỉ thường được sử dụng trong giao dịch mà các Bên đã chắc chắn về sự uy tín của nhau hoặc trong các giao dịch mà các Bên là thành viên trong cùng một tập đoàn, tổ chức kinh tế. Nếu không thuộc các trường hợp này, chúng tôi cho rằng doanh nghiệp xuất khẩu nên lựa chọn phương thức thanh toán khác chặt chẽ và an toàn hơn như tín dụng chứng từ (L/C). Như chúng tôi đã có phân tích ở một số bài viết khác, L/C là một cam kết thanh toán từ Ngân hàng khi được xuất trình một bộ chứng từ phù hợp nên nếu Bên bán thực hiện đúng nghĩa vụ giao hàng của mình theo quy định hợp đồng mua bán và chuẩn bị được bộ chứng từ phù hợp thì rủi ro không được thanh toán sẽ được hạn chế đến mức tối đa.

Ngược lại, về phía Bên mua, phương thức nhờ thu được xem là phương thức thanh toán có lợi vì Bên mua không phải thực hiện thủ tục nào để ràng buộc nghĩa vụ thanh toán, kể cả đối với Bên bán hay với Ngân hàng. Tuy nhiên do nhờ thu cũng là phương thức thanh toán dựa trên chứng từ và Bên mua buộc phải thanh toán khi nhận được bộ chứng từ phù hợp nên nếu có vấn đề phát sinh ở bộ chứng từ, Bên mua cũng không thể nhận bộ chứng từ để làm thủ tục nhận hàng từ đơn vị vận chuyển.

- Bên cạnh những vấn đề pháp lý cần lưu ý trong vụ việc này mà chúng tôi đã phân tích nêu trên, chúng tôi cho rằng vai trò của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và hiệp hội ngành nghề là khá cần thiết  và quan trọng trong bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp nhằm hạn chế thấp nhất việc xảy ra các rủi ro, cũng như ngăn chặn, hạn chế thiệt hại xảy ra. Sự hỗ trợ lớn nhất mà các doanh nghiệp Việt Nam đạt được vào thời điểm đó chính là sự hỗ trợ về mặt ngoại giao và cũng nhờ vậy mà các cơ quan cảnh sát, điều tra tại Italia đã vào cuộc để điều tra và ngăn chặn hành vi lừa đảo này. Từ đó có thể thấy được rằng việc các doanh nghiệp cùng nhau liên kết lại kèm với sự hỗ trợ từ Nhà nước sẽ tạo nên tiếng nói, sức ảnh hưởng đến các cơ quan có thẩm quyền ở nước ngoài. Giả sử nếu đơn lẻ từng doanh nghiệp Việt Nam lựa chọn tự xử lý vụ việc này thì vụ việc sẽ không đạt đến mức độ nghiêm trọng của toàn ngành sản xuất, từ đó sẽ khó nhận được sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời từ các cơ quan có thẩm quyền. Vì vậy, chúng tôi cho rằng các doanh nghiệp cùng ngành, nghề nên có sự liên kết, chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau trong quá trình hoạt động, đặc biệt là các kinh nghiệm, rủi ro mà doanh nghiệp đã trải qua khi thực hiện hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế.

Kết luận

Với một số phân tích trên, chúng tôi mong muốn cung cấp cho các doanh nghiệp một số vấn đề pháp lý nhìn nhận từ sự việc các doanh nghiệp xuất khẩu hạt điều của Việt Nam suýt bị lừa vào năm 2022 để doanh nghiệp có thể trang bị kiến thức, kinh nghiệm cần thiết để ngày càng tự tin, vững chắc khi thực hiện giao dịch mua bán hàng hóa quốc tế, từ đó góp phần tăng trưởng kinh tế, cũng như khẳng định vị thế của Việt Nam trên bản đồ thế giới. 

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin.