Nhãn hiệu và tên thương mại trong sở hữu trí tuệ, nhận biết sự khác nhau dưới góc độ pháp lý

Kỹ thuật Web

(PLBQ) Nhãn hiệu, Tên thương mại là những đối tượng đặc biệt được quan tâm trên thị trường và pháp luật về Sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, hiểu và sử dụng đúng loại tài sản này không đơn giản bởi nhiều khi hai đối tượng có thể được nhập làm một

Trong những năm qua, tài sản trí tuệ xuất hiện và được đánh giá là một trong những yếu tố cơ bản tạo nên giá trị và tính cạnh tranh cho các doanh nghiệp trên thị trường. Chính vì tầm quan trọng đó mà vấn đề bảo hộ sở hữu trí tuệ được coi là chìa khoá cho sự phát triển bền vững không chỉ của doanh nghiệp mà còn cả của quốc gia. Trong những đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp, Nhãn hiệu, Tên thương mại và Kiểu dáng công nghiệp là những đối tượng đặc biệt được quan tâm trên thị trường và pháp luật về Sở hữu trí tuệ.

Trước hết, để có thể so sánh được sự tương đồng và khác nhau giữa nhãn hiệu và tên thương mại cần xác định, định nghĩa thế nào là nhãn hiệu. Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau (Khoản 16 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ). Từ định nghĩa nói trên, cho thấy nhãn hiệu mang một số đặc điểm là:

 Thứ nhất, Nhãn hiệu có thể được thể hiện thông qua các dấu hiệu chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều hoặc kết  hợp các yếu tố chữ cái, từ ngữ và các dấu hiệu hình, được thể hiện bằng một hay nhiều màu sắc;

Thứ hai, Nhãn hiệu có chức năng phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các chủ thể khác nhau. Bên cạnh đó, nhãn hiệu còn mang chức năng thông tin giúp người tiêu dùng có thêm thông tin để lựa chọn hàng hóa, dịch vụ của mình. Hơn nữa, nhãn hiệu còn có chức năng chỉ dẫn nguồn gốc, thông tin về nơi sản xuất, chất lượng hàng hóa, dịch vụ và chức năng quảng cáo, tiếp thị sản phẩm;

Thứ ba, nhãn hiệu được xác lập quyền là dựa trên căn cứ chủ thể tiến hành đăng kí và được cấp văn bằng bảo hộ;

Thứ tư, về phân loại nhãn hiệu, theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ thì trên cơ sở của hai loại nhãn hiệu chính và cơ bản là nhãn hiệu dùng cho hàng hóa và dịch vụ thì có thể chia ra thành các loại nhãn hiệu khác nhau như: Nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu liên kết, nhãn hiệu nổi tiếng.

Trong khi đó, dưới góc độ khoa học pháp lý có thể định nghĩa khái quát nhất, Tên thương mại là tên gọi của tổ chức, cá nhân dùng trong hoạt động kinh doanh để phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên gọi đó với chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh (Khoản 21 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ). Bản thân định nghĩa về Tên thương mại cho chúng ta nhìn nhận một số đặc điểm cơ bản của Tên thương mại như:

Thứ nhất, về cấu tạo của Tên thương mại bao gồm thành phần mô tả và thành phần phân biệt. Tên thương mại không được trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với tên thương mại của chủ thể khác;

Thứ hai, về chức năng chính của tên thương mại là phân biệt, cá thể hóa các chủ thể kinh doanh trong cùng một lĩnh vực hoạt động kinh doanh;

Thứ ba, về căn cứ xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với tên thương mại được xác lập trên cơ sở sử dụng hợp pháp tên thương mại đó.

Dựa vào khái niệm và đặc điểm của Nhãn hiệu cũng như các định nghĩa và đặc điểm của Tên thương mại, chúng ta có thể  thấy rằng giữa Tên thương mại và Nhãn hiệu có một số điểm chung giống nhau thể hiện gồm: Cả 2 đều là các chỉ dẫn thương mại xuất hiện trên hàng hóa, giúp người tiêu dùng phân biệt rõ hàng hóa và chủ thể kinh donah; Cả hai đều phải đáp ứng và thể hiện dưới dạng phải là những dấu hiệu nhìn thấy được, con người có thể nhận thức được, nắm bắt được qua khả năng thị giác của con người. Nhãn hiệu và tên thương mại phải có khả năng phân biệt, không được trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu, tên thương mại đã được công nhận trươc đó.

Về cơ bản, Nhãn hiệu và tên thương mại là hai đối tượng hoàn toàn khác nhau, được bảo hộ và định nghĩa, xác định dưới những góc độ pháp lý khác nhau. Tuy nhiên, do những điểm giống nhau nhất định về mặt hình thức nên thường gây nhầm lẫn. Để có thể so sánh một cách đầy đủ chúng ta cần phải căn cứ vào các quy định của pháp luật một cách chặt chẽ nhất. Sự khác nhau giữa nhãn hiệu và tên thương mại được thể hiện thông qua những góc độ dưới đây:

Thứ nhất, về khái niệm: Nhãn hiệu dùng để phân biệt hàng hóa dịch vụ giữa các cá nhân, tổ chức với nhau thì Tên Thương Mại lại là tên gọi của chính 1 cá nhân, tổ chức nào đó và định danh tổ chức cá nhân đó trên thị trường hoặc trong cùng 1 lĩnh vực kinh doanh.

Thứ hai, về chức năng: Nhãn hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ giữa các tổ chức, cá nhân khác nhau và thông tin giúp người tiêu dùng sử dụng để lựa chọn sản phẩm cho phù hợp nhu cầu của họ. Trong khi đó, Tên hương mại dùng chỉ để phân biệt các chủ thể kinh doanh trên thị trường. Nhiều lúc người tiêu dùng chỉ quan tâm đến nhãn hiệu mà không quan tâm đến chỉ thể kinh doanh là ai.

Thứ ba, về cấu tạo hình thức: Nhãn hiệu được thể hiện dưới dạng hình thức và được cấu tạo nên từ các thông tin như chữ cái, số, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, hình không gian đa chiều hoặc có thể kết hợp giữa các thành phần nói trên. Trong khi đó Tên Thương mại thường là tên gọi bằng hình thức pháp lý (Cổ phần, TNHH, Tư nhân…) lĩnh vực kinh doanh, phạm vi địa lý…..

Thứ tư, về phạm vi không gian bảo hộ: Đối với nhãn hiệu, các nhãn hiệu được đăng ký hợp phap và được nhận diện đều được bảo hộ trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam và một số vùng tùy thuộc các quy định pháp luật. Đối với tên thương mại, phạm vi bảo hộ thường chỉ được bảo hộ trong phạm vi địa lý hành chính nhất định (tỉnh, thành phố…) mà không bảo hộ được trên phạm vi toàn quốc.

Thứ năm, về căn cứ xác lập: Nhãn hiệu và Quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu được xác lập trên cơ sở quyết định cấp văn bằng bảo hộ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo thủ tục đăng ký quy định theo pháp luật hoặc công nhận đăng ký quốc tế theo quy định của điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; đối với nhãn hiệu nổi tiếng, quyền sở hữu được xác lập trên cơ sở sử dụng, không phụ thuộc vào thủ tục đăng ký (điểm a Khoản 3, Điều 6, Luật Sở hữu trí tuệ). Đối với tên thương mại Quyền sở hữu công nghiệp đối với tên thương mại được xác lập trên cơ sở sử dụng hợp pháp tên thương mại đó ( điểm b Khoản 3, Điều 6, Luật Sở hữu trí tuệ). Ví dụ như việc Công ty TNHH xây dựng Thành Đô sử dụng tên của mình trong card visit, trong hợp đồng cung cấp dịch vụ với khách hàng,... thì sẽ trở thành tên thương mại của Công ty đó.  

Ngoài những đặc điểm chung giống nhau và những điểm khác nhau, giữa Tên thương mại và Nhãn hiệu vẫn còn một số các quy định pháp lý dùng để phân biệt đối với 02 lại hình quyền sở hữu trí tuệ này như là phạm vi, sản phẩm không được bảo hộ, quy trình bảo hộ. Pháp luật Việt Nam đang ngày càng tiến bộ và có sợ phát triển trong lĩnh vực Sở hữu trí tuệ. Xác định được tên thương mại hoặc Nhãn hiệu là điều kiện để các chủ thể trong quan hệ này xác lập quyền của mình trên thị trường một cách chắc chắn và phù hợp sự phát triển của thị trường.

Phương Chi – Đình Đức

 

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin.