Liên tục đưa ra ánh sáng những vụ án lớn
Năm 2019, các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương và địa phương đã đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xác minh các vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo; nhiều vụ án được mở rộng điều tra, khởi tố thêm nhiều bị can, làm rõ bản chất hành vi chiếm đoạt, tham nhũng của các bị can, bị cáo để xử lý theo quy định của pháp luật; đã xử lý dứt điểm 13 vụ án, 24 vụ việc; khởi tố mới 10 vụ án, phục hồi điều tra 07 vụ án; kết thúc điều tra 21 vụ án/127 bị can; ban hành cáo trạng truy tố 18 vụ án /98 bị can; xét xử sơ thẩm 12 vụ án/41 bị cáo; xét xử phúc thẩm 13 vụ án/156 bị cáo; đã tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, ngăn chặn giao dịch tài sản giá trị trên 10.000 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Bắc Son (trái) và Phạm Nhật Vũ
Các vụ đại án được đưa ra xét xử trong năm 2019 có thể kể đến:
– Vụ án “Nhận hối lộ, đưa hối lộ, vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tổng Công ty viễn thông MobiFone. Vụ án có hai bị cáo là cựu Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn. Ngoài ra, còn có ông Phạm Nhật Vũ phạm tội đưa hối lộ cùng các cựu lãnh đạo của doanh nghiệp MobiFone vì việc nâng khống giá trị của thương vụ mua AVG (do ông Vũ làm Chủ tịch HĐQT). Đến nay, hơn 7.000 tỉ đồng thiệt hại của Nhà nước trong vụ này đã được thu hồi nhưng trách nhiệm của các cá nhân liên quan đang được các cơ quan tiến hành tố tụng xem xét.
– Vụ án “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty Cổ phần Hóa dầu và nhiên liệu sinh học dầu khí (PVB), Phú Thọ 5. Số vốn đầu tư ban đầu của Dự án khoảng 1.700 tỉ đồng, sau điều chỉnh lên hơn 2.400 tỉ đồng. Kết quả điều tra ban đầu xác định trong hồ sơ chỉ định thầu, chủ đầu tư không yêu cầu về kinh nghiệm, năng lực của nhà thầu. Tính đến tháng 4/2018, PVB đã chi cho dự án số tiền vay từ ngân hàng là 772 tỉ đồng, thiệt hại tính bằng lãi suất là hơn 600 tỉ đồng. Tháng 1/2019, cơ quan điều tra khởi tố thêm ông Đinh La Thăng, cựu Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, vì những sai phạm liên quan đến dự án.
– Vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Tổng Công ty CP Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco). Tháng 11/2018, trong số bị can bị khởi tố có ông Nguyễn Hữu Tín, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP.HCM. Vụ án liên quan đến khu đất rộng hơn 6.000m2 tại số 2-4-6 Hai Bà Trưng, Q.1, TP.HCM, ông Tín đã ký quyết định chấp thuận cho Công ty Cổ phần đầu tư Sabeco Pearl thuê đất 50 năm, trả tiền một lần, trái với quyết định của Bộ Tài chính.
– Vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí” liên quan đến dự án tại số 8-12 Lê Duẩn, Q.1, TP.HCM. Ông Nguyễn Thành Tài, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP.HCM bị khởi tố về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Năm 2011, ông Tài đã ký quyết định giao lô đất vàng này cho Công ty Lavenue mà không thông qua đấu giá, đấu thầu, trái quy định của Thủ tướng Chính phủ.
– Vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
– Vụ án “Vi phạm quy định về quản lý đất đai; vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Đà Nẵng.
Và tại phiên họp thứ 16 mới đây, Ban Chỉ đạo đã bổ sung hai vụ án vào diện theo dõi, giám sát là vụ “Buôn lậu, Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, Rửa tiền” xảy ra tại Công ty Nhật Cường và các đơn vị có liên quan; Vụ án “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi.
Những vụ án được phanh phui và xử lý trên đây là liền mạch với năm 2018, trên tinh thần chống tham nhũng không có vùng cấm. Trong năm 2018, Cấp ủy, Uỷ ban Kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 650 đảng viên do tham nhũng, cố ý làm trái. Ngoài ra, Ban Chấp hành T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra T.Ư đã thi hành kỷ luật 38 cán bộ, đảng viên diện T.Ư quản lý. Tính từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay đã thi hành kỷ luật hơn 60 cán bộ thuộc diện T.Ư quản lý.
Trong năm 2018, qua thanh tra, kiểm toán đã kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính gần 108 ngàn tỷ đồng, hơn 1.000 ha đất; kiến nghị xử lý trách nhiệm đối với 2080 tập thể và nhiều cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý 101 vụ, 151 đối tượng.
Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến hết năm 2018, đã kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính gần 319 ngàn tỷ đồng, hơn 7.200ha đất; kiến nghị xử lý trách nhiệm đối với 5.932 tập thể và nhiều cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý 311 vụ, 481 đối tượng. Nhất là, đã tập trung thanh tra, công khai kết luận thanh tra, xử lý nghiêm sai phạm tại nhiều dự án gây thất thoát, thua lỗ lớn, dư luận xã hội quan tâm.
Riêng năm 2018, đã kết thúc điều tra 23 vụ/222 bị can (tăng 43,75% số vụ so với năm 2017); đã truy tố 20 vụ/251 bị can (tăng 66,7% số vụ so với năm 2017); đã xét xử sơ thẩm 23 vụ/304 bị cáo (gấp gần 5 lần số vụ so với năm 2017)…
Có thể kể đến Đại án kinh tế tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng Công ty xây lắp Dầu khí (PVC). Phiên xử phúc thẩm tháng 5/2018, y án 13 năm tù giam với ông Đinh La Thăng (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”; Đại án kinh tế ở ngân hàng Oceanbank, theo cáo trạng, trong quá trình làm Chủ tịch HĐQT Oceanbank, Hà Văn Thắm cùng các đồng phạm đã có nhiều vi phạm trong hoạt động tín dụng, gây thiệt hại cho ngân hàng gần 2.000 tỷ đồng; Vụ đánh bạc nghìn tỷ qua mạng liên quan đến hai cựu tướng công an là Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa; Vụ đại án ngân hàng Đông Á (DAB) liên quan đến Phan Văn Anh Vũ; Đại án Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB) xét xử Phạm Công Danh và đồng phạm đã gây thiệt hại hơn 6.100 tỷ đồng cho VNCB; Vụ án ở Tổng Công ty Thái Sơn (thuộc Bộ Quốc phòng) xét xử Út “trọc” Đinh Ngọc Hệ và đồng phạm; Vụ lừa đảo ở Housing Group, liên quan đến cựu Đại biểu Quốc hội Châu Thị Thu Nga và đồng phạm được đưa ra xét xử.
Nhận diện sai phạm
Qua những vụ án được phanh phui và xử lý cho thấy tội phạm nói chung và tội phạm trong lĩnh vực kinh tế, tội phạm tham nhũng đang có diễn biến phức tạp, hậu quả thiệt hại ngày càng nghiêm trọng hơn.
Nếu như những năm trước, thiệt hại có thể đến hàng trăm tỉ đồng, thì những vụ án gần đây, con số thiệt hại đã lên đến hàng ngàn tỉ đồng.
Tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật trên một số lĩnh vực như tài chính, ngân hàng, thuế, hải quan, đầu tư, xây dựng, công thương, y tế, giáo dục, quản lý, sử dụng đất đai khá nổi cộm.
Những vụ án trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng cho thấy có nhiều thủ đoạn lắt léo được sử dụng để qua mặt cơ quan kiểm tra, giám sát, đến khi bị phát hiện thì thiệt hại có vụ lên đến hàng ngàn tỉ đồng. Chủ thể phạm tội thường là những người có chức vụ, quyền hạn, từ cấp Trưởng phó phòng lên đến Tổng Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng thành viên.
Riêng tội phạm tham nhũng, thì những chủ thể phạm tội được phát hiện là những quan chức cấp cao, Bộ trưởng, Thứ trưởng, Tướng lĩnh, Ủy viên Trung ương, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị… Điều đó cho thấy, tham nhũng đã tấn công và làm băng hoại nhiều cán bộ cao cấp, nên hậu quả họ gây ra cũng nghiêm trọng hơn trước đây rất nhiều. Trong đó, vụ khai nhận 3 triệu USD của cựu Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Bắc Son trong vụ Mobifone – AVG là vụ tài sản hối lộ lớn nhất từ xưa đến nay được phát hiện.
Phan Văn Anh Vũ và hai cựu Thứ trưởng Bộ Công an là Bùi Văn Thành và Trần Việt Tân tại phiên tòa
Qua vụ Phan Văn Anh Vũ, vụ Đinh Ngọc Hệ, có thể thấy một số cá nhân, doanh nghiệp đã móc ngoặc với cán bộ có chức vụ, quyền hạn tại một số địa phương để tạo các “nhóm lợi ích” hoặc lợi dụng công tác nghiệp vụ, các “tổ chức bình phong” nhằm dùng ảnh hưởng để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, gây thiệt hại rất lớn cho Nhà nước.
Như Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga từng phát biểu: Chỉ một chi tiết nhỏ trong vụ án Vũ “nhôm” cho thấy áp lực của các “nhóm lợi ích” được che đậy bởi tổ chức bình phong ghê gớm tới mức nào. Ông Trần Phương Bình – Tổng Giám đốc ngân hàng Đông Á, trong khoảng hai năm rưỡi (tháng 10/2012 đến tháng 3/2015 ) chỉ đạo cấp dưới xuất chi 12 khoản tiền để mua 13,9 triệu USD cho Phan Văn Anh Vũ “vay”, mà cho tới tận lúc bị bắt vẫn chưa trả một xu. Việc ông Bình buộc phải cho Vũ “vay” một khoản tiền lớn như vậy chắc chắn chịu một sức ép lớn từ những “cái ô” che chắn cho Vũ “nhôm”. Một loạt tướng tá ở Bộ Công an bị khởi tố hoặc mất chức vì liên quan đến Vũ “nhôm” đã minh chứng điều này.
Có thể nói cuộc chiến chống tội phạm và tham nhũng hiện nay ngày càng phức tạp và nghiêm trọng hơn trước đây cả về quy mô, thủ đoạn, giá trị tài sản bị chiếm đoạt và chức vụ ngày càng cao của các đối tượng có liên quan.
Bài học về phòng, chống tham nhũng được rút ra
Nhìn từ góc độ chống tham nhũng hai năm qua và những năm gần đây, có một số điều có thể rút ra.
Không có vùng cấm
Có thể nói, kể từ năm 2016 đến nay, một số lượng lớn chưa từng có các quan chức cấp cao đã bị truy tố trong chiến dịch chống tham nhũng. Những nhân vật đáng chú ý nhất bao gồm cựu Ủy viên Bộ Chính trị và Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Đinh La Thăng, hai cựu Bộ trưởng TT-TT Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn, và hai cựu Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Thành và Trần Việt Tân bên cạnh nhiều tướng lĩnh Công an, Quân đội bị xử lý kỷ luật. Ngoài các quan chức Chính phủ, nhiều chủ ngân hàng và Giám đốc điều hành cấp cao tại các doanh nghiệp Nhà nước lớn và tư nhân cũng đã bị xử lý những sai phạm.
Thực tiễn đó khẳng định quan điểm đấu tranh chống tham nhũng “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai” như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói. Trong Quy định 102-QĐ/TW ngày 15/11/2017 còn nêu rõ rằng “tất cả đảng viên đều bình đẳng trước kỷ luật của Đảng. Đảng viên ở bất cứ cương vị nào, nếu vi phạm kỷ luật của Đảng đều phải được xem xét, xử lý kỷ luật nghiêm minh, kịp thời”. Quy định này còn nói rằng ngay cả các quan chức đã qua đời vẫn có thể bị xử lý kỷ luật nếu vi phạm của họ đặc biệt nghiêm trọng.
Thận trọng và nghiêm minh
Với tinh thần quyết liệt chống tham nhũng nhưng “bình tĩnh, tỉnh táo, rất khôn ngoan, có con mắt chiến lược,” để làm sao “đánh con chuột đừng để vỡ bình”, những vụ án trên đây đều được điều tra, truy tố xét xử một cách thận trọng, nghiêm minh, đạt hiệu quả cao.
Một số vụ án, vụ việc đặc biệt nghiêm trọng, mà lâu nay được cho là “vùng cấm, nhạy cảm”, và nhiều vụ việc kéo dài từ những năm trước đã được chỉ đạo xử lý dứt điểm, có tác dụng cảnh tỉnh, răn đe, phòng ngừa tham nhũng có hiệu quả.
Siết chặt kỷ luật, kỷ cương bên cạnh đấu tranh chống tham nhũng
Công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh các sai phạm, siết chặt kỷ luật, kỷ cương góp phần đắc lực nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng.
Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay đã thi hành kỷ luật hơn 500 tổ chức đảng và 35 ngàn đảng viên vi phạm, trong đó 1.300 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng, cố ý làm trái; nhất là Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 56 cán bộ, đảng viên thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có 11 Ủy viên Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương, khai trừ Đảng 01 Ủy viên Trung ương – nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nhiều tướng lĩnh trong lực lượng vũ trang. Đây là bước đột phá trong công tác kiểm tra, kỷ luật của Đảng, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy Nhà nước.
Đinh Ngọc Hệ tại phiên tòa
Hoàn thiện thể chế
Chính sách và pháp luật về kinh tế – xã hội và phòng, chống tham nhũng được đẩy mạnh; từng bước hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể tham nhũng”. Nhiều quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, quản lý kinh tế – xã hội và phòng, chống tham nhũng được ban hành và tổ chức thực hiện quyết liệt, đi vào cuộc sống, vừa để giáo dục, phòng ngừa, ngăn chặn, vừa là căn cứ để phát hiện và xử lý các sai phạm, tham nhũng.
Tăng cường công khai, minh bạch
Công tác cán bộ, cải cách hành chính, công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị và các giải pháp phòng ngừa tham nhũng được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và đạt những kết quả tích cực. Trung ương, Bộ chính trị, Ban Bí thư đã có nhiều đổi mới, nhất quán, rõ ràng, chỉ đạo giải quyết được nhiều vấn đề tồn đọng trước đây trong công tác cán bộ; “không chạy chức, chạy quyền” đã trở thành tuyên ngôn mạnh mẽ; đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường công khai, minh bạch, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế và phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng. Cấp ủy, chính quyền, cán bộ lãnh đạo các cấp đã quan tâm hơn việc tiếp nhận, đối thoại, giải quyết những phản ánh, kiến nghị, những vướng mắc, bức xúc của người dân, doanh nghiệp.
Khắc phục những kẽ hở của chính sách pháp luật
Mặc dù các cơ quan chức năng đã có nhiều cố gắng nhưng kết quả phát hiện vi phạm pháp luật và tội phạm trên một số lĩnh vực vẫn chưa tương xứng với tình hình trên thực tế. Bên cạnh những thành quả tích cực, có thể thấy những sai phạm liên quan đến Phan Văn Anh Vũ, Đinh Ngọc Hệ đều được dư luận bàn tán từ lâu, thậm chí có đơn thư tố cáo, nhưng mọi diễn biến mua, bán đất đai, công sở, dự án đều được các “nhóm lợi ích” che chắn để thực hiện trót lọt. Điều đó cho thấy có những kẽ hở khiến các thiết chế kiểm tra, thanh tra giám sát bị giảm hiệu quả. Đây là điều cần khắc phục.
Thái Đăng