Pfizer và Moderna thu lợi nhuận khổng lồ từ sản xuất vaccine COVID-19. (Ảnh: Reuters)
>> 12 điểm cần lưu ý để đảm bảo thành công khi nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine covid-19
>> Đình chỉ bảo hộ bằng độc quyền sáng chế vaccine Covid-19 dưới góc độ Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam
>> Miễn trừ bản quyền - Chìa khóa mở 'nút thắt' trong sản xuất vaccine phòng Covid-19?
Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 10/8 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 204.015.005 ca, trong đó có 4.314.590 người tử vong. Nhiều quốc gia trên thế giới đang ráo riết thử nghiệm và cho đưa vào sử dụng các loại vaccine với hi vọng sẽ sớm đạt được miễn dịch cộng đồng và bước đầu có nhiều khả quan.
Tờ Financial Times cuối tuần trước đưa tin Pfizer-BioNTech và Moderna dự kiến tăng giá vaccine vì họ đã điều chỉnh cho phù hợp với các biến thể virus mới. Vaccine Pfizer sẽ tăng từ 15,5 EUR lên 19,5 EUR (18,35 USD lên 23 USD) và Moderna từ 19 EUR lên 21,5 EUR (22,5 USD lên 25,45 USD), Financial Times cho biết, trích dẫn hợp đồng hai hãng đã ký với Liên minh châu Âu. Quyền sở hữu trí tuệ (IPRs) là một trở ngại quan trọng cho việc tiếp cận vắc-xin toàn cầu. Thay vì cung cấp vắc-xin một cách công khai, IPRs bảo vệ lợi nhuận của ngành hơn sức khỏe và hạnh phúc của con người.[1]
Như Việt Nam, mỗi người cần tiêm ít nhất 2 liều vaccine, chúng ta sẽ cần khoảng 200 triệu liều để tiêm cho 100 triệu dân. Nếu dùng Vaccine Pfizer (23 USD/liều) thì Việt Nam cần chi ra 4,6 tỷ USD (quy đổi tương tương khoảng hơn 100 nghìn tỷ đồng). Quả thật đây sẽ là khoản tiền khổng lồ đối với các quốc gia kém hay đang phát triển.
Quyền sở hữu trí tuệ ảnh hưởng như thế nào đến giá vaccine ngừa Covid -19?
IPRs đã hợp pháp ngành công nghiệp dược phẩm để đưa ra quyết định độc quyền cho vắc-xin được bán và ở mức giá nào. Theo Hiệp định quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến thương mại (TRIPS) của WTO, các công ty có quyền độc quyền sản xuất vắc-xin mà không bị cạnh tranh với các sản phẩm chung trên thị trường. Bằng cách này, họ có thể giữ chỗ đứng của thị trường với mức giá cao, vì có rất ít sự cạnh tranh so với các sản phẩm tương tự. Giá cả cũng có thể thay đổi tùy thuộc vào hợp đồng: chẳng hạn vắc-xin AstraZeneca đã được bán cho Nam Phi với giá 5,25 đô la mỗi liều nhưng cho EU với tỷ lệ thấp hơn là 2,16 đô la.[2]
Hiện nay, các công ty sản xuất vaccine thường lập luận rằng, họ phải định giá vaccine mới ở mức cao nhằm thu hồi chi phí đầu tư cho nghiên cứu và triển khai. Điều này sẽ ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận các vaccine mới này của người bệnh ở các nước đang và kém phát triển bởi việc định giá độc quyền như vậy vi phạm quyền con người trong việc tiếp cận vaccine, nhất là khi Hiệp định TRIPS buộc các nước đang phát triển phải bảo hộ quyền sáng chế đối với vaccine từ 1/1/2005, và các nước kém phát triển (sau khi được gia hạn) phải bảo hộ từ 1/1/2016.[3]
Hiện nay, bằng sáng chế vaccine ngừa COVID-19 thuộc về các phòng thí nghiệm (thường của các hãng dược) đã phát triển chúng và được bảo hộ trong vòng 20 năm. Trong thời gian này, chỉ công ty đó mới có thể đưa ra phương pháp điều trị dựa trên những phát hiện biệt dược của họ. Trong bối cảnh thế giới đang cần đẩy nhanh sản xuất vaccine ngừa COVID-19 nhằm đối phó với sự biến đổi nhanh chóng của virus, rất nhiều quốc gia và tổ chức, chủ yếu là các nước đang phát triển đã kêu gọi tạm thời từ bỏ các quyền sở hữu trí tuệ, bao gồm cả bằng sáng chế đối với vaccine ngừa COVID-19, theo đó các nước đang phát triển có thể sản xuất hoặc nhập khẩu các liều vaccine gốc mà không cần sự cho phép của các công ty sở hữu bằng sáng chế.[4]
Quyền được tiếp cận vaccine trên góc độ nhân quyền
Quyền được tiếp cận vaccine nằm trong tập hợp quyền về sức khỏe của con người. Chi phí cho vaccine chiếm một tỷ trọng đáng kể trong tổng chi phí bảo vệ và chăm sóc sức khỏe. Nếu người bệnh không được sử dụng vaccine đúng, đầy đủ và hợp lý, việc bảo vệ và chăm sóc sức khỏe của họ sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Có nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến việc tiếp cận vaccine như giá thành, khả năng của ngành công nghiệp dược, nguồn nhân lực liên quan, khoảng cách địa lý, việc mua sắm (đấu thầu), hệ thống bảo hiểm y tế…; trong đó, giá thành là cản trở lớn nhất đối với quyền tiếp cận vaccine, đặc biệt đối với người nghèo.[5] Tại điều 12 ICESCR (Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa) đã quy định một cách toàn diện nhất về quyền về sức khỏe thì mọi người đều có quyền được hưởng một tiêu chuẩn sức khoẻ về thể chất và tinh thần ở mức cao nhất có thể được.
Các quốc gia thành viên Công ước cần thi hành các biện pháp để thực hiện đầy đủ quyền này, trong đó bao gồm những biện pháp cần thiết nhằm giảm bớt tỷ lệ tử vong của trẻ sơ sinh và trẻ em; ngăn ngừa, xử lý và hạn chế các dịch bệnh, bệnh ngoài da, bệnh nghề nghiệp và các loại bệnh khác; và tạo các điều kiện để bảo đảm mọi dịch vụ và sự chăm sóc y tế khi đau yếu,....và phải bảo đảm rằng việc tư nhân hóa ngành y tế không tạo ra mối đe dọa đến khả năng sẵn có, có thể tiếp cận, có thể chấp nhận và chất lượng của các cơ sở, hàng hoá và dịch vụ y tế; bảo đảm sự kiểm soát hoạt động tiếp thị thiết bị y tế và thuốc của bên thứ ba….[6]Như vậy, trong bối cảnh đại dịch Covid khi mà có quá nhiều người chết và nhiễm Covid mỗi ngày, muốn đảm bảo được quyền sức khỏe thì quyền tiếp cận vaccine phải được đáp ứng. Đó không phải là vấn đề của một quốc gia mà là vấn đề chung của toàn nhân loại bởi nếu vẫn còn Covid thì thế giới vẫn luôn phải đối mặt với làn sóng dịch bệnh bùng lên bất cứ lúc nào!
Những tranh cãi và hướng mở cho vấn đề
Trong khi các nước phương Tây lên tiếng phản đối hành động đình chỉ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine Covid - 19 với lo ngại về tính hiệu quả thì ngay từ ngày 2/10/2020, Ấn Độ và Nam Phi đã đệ trình đề xuất lên WTO tạm thời đình chỉ quyền cấp bằng sáng chế đối với vắc-xin COVID-19 trên toàn thế giới, Hoa Kỳ sau nhiều lần phản đối cũng bất ngờ tuyên bố ủng hộ miễn trừ bằng sáng chế vaccine Covid - 19. Có thể thấy, việc miễn trừ bằng sáng chế sẽ mở ra một cơ hội tiếp cận vaccine cho các quốc gia kém phát triển trong đó có Việt Nam, nhất là trong bối cảnh Covid - 19 diễn ra phức tạp tại các quốc gia này và đại dịch Covid -19 là mối lo ngại toàn cầu. [7]
Nếu công thức vắc-xin được cấp bằng sáng chế được tiết lộ và được sản xuất ở nước thứ ba, theo nguyên tắc chung, việc tăng nguồn cung sẽ mang lại lợi ích cho người tiêu dùng khi việc loại bỏ độc quyền làm giảm giá. Có thể thấy trước đây, việc áp dụng việc miễn áp dụng Hiệp định TRIPS của WTO đối với thuốc điều trị HIV/AIDS vào năm 2001 đã làm cho giá thuốc được cấp bằng sáng chế giảm xuống dưới một phần mười so với mức trước đó trong một năm, cải thiện khả năng tiếp cận với các loại thuốc trên toàn thế giới.
Tuy nhiên, vẫn có những rủi ro như ngành công nghiệp dược phẩm lập luận, các nước đang phát triển thiếu công nghệ cần thiết để sản xuất và quản lý vắc-xin, nếu sự gia tăng nhanh chóng nhu cầu về nguyên liệu thô của vắc-xin làm gián đoạn sản xuất trên toàn thế giới. Hơn nữa, ngay cả khi việc miễn trừ bằng sáng chế được áp dụng, việc phân tán các địa điểm sản xuất sẽ làm cho chi phí cố định (chi phí của các nhà máy, cơ sở lưu trữ, v.v.) để sản xuất vắc-xin là rất lớn. Phương pháp hiệu quả nhất có lẽ sẽ là tập trung sản xuất ở một số ít quốc gia cụ thể có đủ năng lực sản xuất và xuất khẩu vắc-xin từ đó.[8]
Trương Diệu
[2] Salla Sariola(2021),Intellectual property rights need to be subverted to ensure global vaccine access
[3] PGS, TS. Nguyễn Thanh Tú - Khoa Luật, Đại học Lund, Thụy Điển; TS. Phan Huy Hồng - Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh,Quyền sở hữu trí tuệ và quyền tiếp cận dược phẩm dưới góc độ quyền con người, Tạp chí Đại học kiểm sát.
[4] Phương Hà 10/06/2021,Miễn trừ quyền sở hữu trí tuệ: Chìa khóa mở kho vaccine thế giới truy cập tại :Miễn trừ quyền sở hữu trí tuệ: Chìa khóa mở kho vaccine thế giới (msn.com)
[5] PGS, TS. Nguyễn Thanh Tú - Khoa Luật, Đại học Lund, Thụy Điển; TS. Phan Huy Hồng - Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh,Quyền sở hữu trí tuệ và quyền tiếp cận dược phẩm dưới góc độ quyền con người, Tạp chí Đại học kiểm sát.
[6] Giáo trình lý luận và pháp luật về quyền con người, Khoa Luật- ĐHQG Hà Nội.
[7] Suspend intellectual property rights for covid-19 vaccines truy cập tại https://www.bmj.com/content/373/bmj.n1344
[8] Banri Yto, Impacts of the vaccine intellectual property rights waiver on global supply