Những dấu ấn của doanh nghiệp Việt trên trường quốc tế năm 2023

Đinh Văn Chiến

Trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, ngày càng có nhiều doanh nghiệp Việt mở rộng thị trường ra thế giới và tạo dựng được vị thế, thương hiệu Việt Nam. Năm 2023 đánh dấu sự thành công trong hành trình "vươn ra biển lớn" của một số doanh nghiệp Việt như Viettel, FPT, VinFast hay Vinamilk… thể hiện vai trò quan trọng trong dẫn dắt doanh nghiệp Việt Nam phát triển và hội nhập ngày một mạnh mẽ hơn.

Những bước chân tiên phong

VinGroup - VinFast

Năm 2023, Vingroup vẫn là một trong số những cái tên được nhắc tới một cách đầy tự hào khi lần đầu tiên "thương hiệu con" VinFast vươn ra thương trường quốc tế với sự kiện VinFast niêm yết tại sàn giao dịch chứng khoán Mỹ diễn ra tại Mỹ ngày 15/8. Sự kiện này không chỉ là bước tiến đột phá của riêng Vingroup mà còn là bước tiến đáng tự hào của các doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam trên con đường toàn cầu hóa.

"Cột mốc lịch sử" niêm yết cổ phiếu VFS của VinFast Auto Ltd. tại Mỹ đã trở thành câu chuyện truyền cảm hứng cho nhiều doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình phát triển và hòa mình vào dòng chảy quốc tế hóa - xu thế của thời đại ngày nay.

CEO VinFast Lê Thị Thu Thủy cho biết, việc trở thành công ty niêm yết tại Mỹ là cột mốc quan trọng trong hành trình phát triển toàn cầu của VinFast. Không chỉ đơn thuần là việc đưa cổ phiếu giao dịch trên thị trường chứng khoán, mà đây còn là niềm tin mạnh mẽ vào tầm nhìn và tiềm năng của VinFast. Theo bà Lê Thị Thu Thủy, việc niêm yết thành công này mở ra khả năng tiếp cận thị trường vốn lớn và hướng đi quan trọng cho sự phát triển của công ty trong tương lai.

anh-1-1705304886.png

Thời khắc VinFast rung chuông ra mắt trên sàn Nasdaq - Mỹ

Theo giới phân tích, việc niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ không chỉ là cột mốc ấn tượng của riêng VinFast vì đây là lần đầu tiên một doanh nghiệp lớn của Việt Nam niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán Mỹ, Vingroup đã mở ra cánh cửa chinh phục thị trường quốc tế. Đó là một thế giới rộng lớn hứa hẹn đầy "hoa thơm trái ngọt" nhưng cũng đầy thách thức, nhưng khi vượt qua nó sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường.

Có thể thấy, kể từ thời điểm thành lập tháng 6/2017 tới nay, VinFast là một trong những doanh nghiệp có bước phát triển nhanh chóng mang tính bứt tốc và trở thành một trong những nhà sản xuất ô tô và xe điện danh tiếng tại Việt Nam và quốc tế.

Theo đó, năm 2017, Vingroup chính thức khởi công xây dựng tổ hợp nhà máy sản xuất ô tô, xe máy điện tại Cát Hải, Hải Phòng. Sau 21 tháng kể từ ngày khởi công, tổ hợp nhà máy sản xuất ô tô, xe máy điện VinFast đã chính thức khánh thành. Các dòng sản phẩm của VinFast hiện bao gồm xe ô tô chạy xăng, xe ô tô điện và xe máy điện.

Đặc biệt, ngày 29/7/2023 theo giờ Việt Nam, VinFast đã chính thức khởi công dự án nhà máy sản xuất xe điện tại hạt Chatham, thuộc Bắc Carolina, đánh dấu ngoặc quan trọng trong chiến lược mở rộng thị trường, phát triển thương hiệu xe điện ra toàn cầu cũng như tự chủ nguồn cung của hãng tại khu vực Bắc Mỹ.

Dự án nhà máy của VinFast là cơ sở sản xuất xe điện đầu tiên tại Bắc Carolina, đồng thời là dự án phát triển kinh tế lớn nhất trong lịch sử của bang cho đến thời điểm hiện tại. Dự án có diện tích khoảng 733 ha với công suất dự kiến 150.000 xe/năm trong giai đoạn 1. Nhà máy sẽ gồm 2 khu vực chính: sản xuất - lắp ráp xe điện, và khu công nghiệp phụ trợ.

Sau kế hoạch xây dựng nhà máy tại Mỹ, VinFast công bố kế hoạch sẽ đầu tư 1,2 tỷ USD và sẽ xây dựng nhà máy sản xuất xe điện ở Indonesia với công suất ban đầu khoảng 30.000-50.000 xe/năm, dự kiến đi vào vận hành từ năm 2026.

Mới đây nhất, trong một thông báo về kế hoạch kinh doanh của VinFast trong thời gian tới, công ty cho biết dự kiến phát triển kinh doanh tại ít nhất 50 thị trường mới trên toàn cầu vào cuối năm 2024.

Đáng chú ý, VinFast cũng thông tin về kế hoạch xây dựng nhà máy lắp ráp tại Ấn Độ, thị trường ô tô lớn thứ 3 thế giới, sau kế hoạch xây dựng nhà máy tại Mỹ và Indonesia đã được công bố trước đó. Tổng vốn đầu tư nhà máy tại Ấn Độ dự kiến khoảng 150-200 triệu đô la Mỹ, công suất giai đoạn 1 tới 50.000 xe/năm.

FPT

Không chỉ là câu chuyện của VinFast, nhiều doanh nghiệp công nghệ số của Việt Nam cũng đã vươn ra thế giới với thành công đáng kể. Một trong những doanh nghiệp nổi bật là Tập đoàn FPT với mạng lưới trụ sở, văn phòng lớn trên toàn cầu là đối tác quan trọng của nhiều tập đoàn lớn như Microsoft, Amazon, Airbus…Việc đầu tư nước ngoài đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong chiến lược toàn cầu của FPT.

Đáng chú ý, ngày 21/12 mới đây, FPT Software - đơn vị chuyên cung cấp dịch vụ CNTT tại thị trường nước ngoài của tập đoàn FPT (mã chứng khoán: FPT) đã chính thức cán cột mốc 1 tỷ USD doanh thu. FPT trở thành doanh nghiệp công nghệ đầu tiên của Việt Nam đạt doanh thu tỷ USD từ xuất khẩu phần mềm, ghi dấu ấn trí tuệ Việt trên toàn cầu và đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của nền kinh tế.

anh-2-1705304896.png

FPT là doanh nghiệp công nghệ Việt đầu tiên mang về 1 tỷ USD dịch vụ CNTT từ nước ngoài

Từ năm 2014, FPT đã thực hiện mua bán - sáp nhập (M&A) với công ty RWE IT Slovakia để mở rộng tập khách hàng trong lĩnh vực hạ tầng công ích. Đây là thương vụ M&A đầu tiên trong lĩnh vực công nghệ thông tin của Việt Nam tại thị trường nước ngoài.

Năm 2018, FPT mua lại 90% cổ phần của Intellinet, công ty chuyên tư vấn lộ trình chuyển đổi số có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất tại Mỹ, do Consulting Magazine đánh giá năm 2017.

Trong năm 2023, FPT đã đạt được nhiều bước tiến quan trọng trong việc nâng tầm đẳng cấp trên thị trường toàn cầu thông qua các thương vụ M&A, hợp tác với các đối tác lớn trong nhiều lĩnh vực và nâng cao năng lực công nghệ trong các lĩnh vực chuyên ngành.

Chỉ trong vòng 1 năm, FPT đã thực hiện 4 thương vụ M&A và đầu tư vào các công ty công nghệ có tên tuổi tại Mỹ, Pháp như Intertec International, Cardinal Peak, AOSIS, Landing AI. Các thương vụ này giúp FPT nhanh chóng nâng cao năng lực công nghệ trong các mảng mới như SAP, Dữ liệu, Cloud, IoT, AI, phần mềm nhúng, các giải pháp thông minh…; bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao từ sự gia nhập của các chuyên gia công nghệ người nước ngoài giàu kinh nghiệm; mở rộng tập khách hàng mới tại khu vực châu Mỹ và châu Âu; từ đó nhanh chóng nắm bắt cơ hội đang rộng mở toàn cầu.

FPT cũng đã mở rộng và nâng tầm hợp tác với nhiều đối tác tên tuổi nhất thế giới như SAP, Microsoft, AWS, Salesforce, Adobe, gia nhập Liên minh AI do IBM và Meta khởi xướng..., tạo lợi thế cạnh tranh khác biệt để công ty tham gia các dự án chuyển đổi số quy mô lớn; cạnh tranh sòng phẳng với những đối thủ sừng sỏ đến từ Ấn Độ, châu Âu, Mỹ… đem về những hợp đồng quy mô hàng chục, hàng trăm triệu USD.

Bên cạnh đó, FPT đã tổ chức hàng trăm chuyến thăm, làm việc với các đoàn doanh nghiệp lớn, mở ra các cơ hội kinh doanh mới trong tương lai. Tại FPT Techday 2023 vừa qua, lần đầu tiên, Việt Nam đón cùng lúc lãnh đạo cấp cao nhất của 600 doanh nghiệp từ mọi châu lục đến tìm hiểu cơ hội hợp tác.

Chiến lược mở rộng quy mô và đầu tư theo chiều sâu cũng được triển khai mạnh mẽ trong năm qua để khai thác tối đa cơ hội trong những lĩnh vực có tiềm năng tăng trưởng cao như phần mềm ô tô, tài chính ngân hàng, năng lượng, chăm sóc sức khỏe… FPT đã thành lập công ty FPT Automotive với mục tiêu 1 tỷ USD năm 2030, để chinh phục thị trường công nghiệp phần mềm ô tô có quy mô dự kiến 116,62 tỷ USD năm 2032.

Với vị thế công ty công nghệ đẳng cấp thế giới, FPT sẽ tiếp tục đưa Việt Nam trở thành trung tâm công nghệ mới của thế giới với mục tiêu đạt được các cột mốc quy mô doanh thu và lợi nhuận hàng tỷ đô la từ một thị trường, một ngành và một hợp đồng duy nhất. Trong đó, Chip và AI được FPT xem là những hướng đi trọng tâm trong thời gian tới, là một trong những yếu tố then chốt để Việt Nam đuổi kịp các nước tiên tiến trên thế giới.

Mới đây, lãnh đạo tập đoàn đã có những buổi làm việc tìm kiếm cơ hội hợp tác với Nvidia - tập đoàn Top đầu về chip bán dẫn, với mong muốn sẽ đồng hành cùng với Nvidia đưa Việt Nam thành cứ điểm thu hút nhân tài AI và bán dẫn trên khắp thế giới để góp phần phát triển hệ sinh thái bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, thúc đẩy các công ty khởi nghiệp, thiết kế, phát triển các siêu máy tính...

Chủ tịch HĐQT FPT Trương Gia Bình chia sẻ: "Hơn hai thập kỷ trước, FPT khát vọng đem trí tuệ và công nghệ Việt Nam ra toàn cầu và FPT Software được thành lập để hiện thực hóa tầm nhìn đó. Sau 2 thập kỷ, Việt Nam đã xếp thứ 2 trong danh sách các quốc gia, điểm đến toàn cầu về dịch vụ CNTT, được thế giới biết tới như một trung tâm cho đầu tư kinh doanh và đổi mới số. Chúng tôi đã chứng minh được vai trò tiên phong trong việc thúc đẩy cơn sóng này, đưa trí tuệ Việt toả sáng khắp năm châu. Trên hành trình phía trước, chúng tôi sẽ vẫn có một giấc mơ đưa đất nước lên tầm cao nhất bằng công nghệ, vì một tương lai bền vững và hạnh phúc."

anh-3-1705304897.png

Viettel Việt Nam là một ví dụ điển hình thành công về việc đưa thương hiệu Việt Nam vươn ra tầm quốc tế

Viettel

Viettel đi ra nước ngoài từ sớm với việc thành lập Viettel Global năm 2006. Sau 3 năm nỗ lực tìm kiếm cơ hội hợp tác, xin giấy phép, xây dựng hạ tầng mạng lưới, tháng 2/2008 Viettel chính thức khai trương thị trường tại Campuchia với thương hiệu Metfone và cũng là thị trường nước ngoài đầu tiên. Đồng thời, năm 2009, Viettel tiếp tục khai trương tại thị trường Lào với thương hiệu Unitel.

Để học hỏi và cạnh tranh với các "ông lớn" trên thế giới và để có thị trường rộng lớn hơn, năm 2010, Viettel đã quyết định chọn những nước nghèo, thậm chí thuộc diện nghèo nhất thế giới, để đầu tư là vì "những nơi dễ thì không còn nữa".

Năm 2011, Viettel khai trương dịch vụ tại Haiti. Một năm sau đó, Viettel tiếp tục khai trương tại thị trường Mozambique, sau đó là thị trường Đông Timor và Peru năm 2014 và thị trường Cameroon và Tanzania tại châu Phi năm 2015. Cuối cùng là thị trường Myanmar được Viettel đầu tư năm 2018.

Suốt chặng đường 17 năm đầu tư ra nước ngoài, Viettel đã mở được 10 thị trường, chưa kể các văn phòng đại diện tại Mỹ, Pháp, Nga, Nhật… Năm 2023, Viettel được Brand Finance (tổ chức hàng đầu thế giới của Vương Quốc Anh về định giá thương hiệu) định giá gần 9 tỉ USD. Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội chính thức trở thành hương hiệu giá trị nhất Việt Nam đồng thời là thương hiệu viễn thông giá trị nhất Đông Nam Á theo đánh giá của Brand Finance.

Vinamilk

Những bài học thành công còn được nối dài trong hành trình của Vinamilk đưa sữa Việt Nam vươn tầm thế giới. Sau khi đạt được thành công tại thị trường nội địa, công ty sữa hàng đầu Việt Nam tích cực khai thác các cơ hội để mở rộng kinh doanh tại các thị trường quốc tế, thông qua hoạt động đầu tư vào các chi nhánh nước ngoài và xuất khẩu nhằm từng bước gia tăng doanh thu, hướng tới mục tiêu trở thành 1 trong Top 30 công ty sữa lớn nhất thế giới.

Cụ thể, trong nhiều năm qua, Vinamilk liên tục đẩy mạnh đầu tư vào các chi nhánh nước ngoài như Driftwood (Mỹ), Lao-Jagro Development (Lào), Angkormilk (Campuchia) và công ty liên doanh Del Monte - Vinamilk (Philippines). Các dự án này được kỳ vọng nâng cao mối quan hệ hợp tác toàn diện, bền vững, lâu dài giữa Việt Nam và các quốc gia khác, góp phần mang đến những bước tiến lớn cho ngành sữa và chăn nuôi bò sữa trong khu vực Đông Nam Á.

Các dự án đầu tư của Vinamilk đều ghi nhận kết quả tích cực, ngay cả trong thời điểm thế giới gặp khó khăn vì đại dịch và khủng hoảng kinh tế vừa qua. Tổ hợp trang trại bò sữa Lao-Jagro đã gần hoàn thành giai đoạn 1, nhập hơn 1000 con bò sữa từ Mỹ về Lào. Dự án này có vốn đầu tư dự kiến lên đến 100 triệu USD. Đây là dự án hợp tác “Việt-Lào-Nhật” có ý nghĩa lớn về kinh tế, chính trị và góp phần phát triển cho nông nghiệp địa phương. Hay tại Campuchia, Vinamilk tiếp tục đầu tư thêm 42 triệu USD cho nhà máy và trang trại tại đây, sau khi nhà máy Angkor Milk của Vinamilk cho thấy hiệu quả hoạt động, mang đến nhiều lợi ích kinh tế.

Bên cạnh đầu tư ra các chi nhánh nước ngoài, Vinamilk cũng tích cực trong các hoạt động xuất khẩu. Ngoài thị trường truyền thống là Trung Đông, Vinamilk cũng đẩy mạnh hoạt động kinh doanh tại các thị trường lớn như Nhật Bản, Canada, Hàn Quốc, Úc, Trung Quốc… và có mặt tại hầu hết các nước Đông Nam Á... Xuất khẩu hiện đang đóng góp gần 15% doanh thu của Vinamilk và tiếp tục gia tăng về cả sản lượng và giá trị.

anh-4-1705304897.png

Năm 2023, các sản phẩm của Vinamilk liên tục được gọi tên tại các giải thưởng danh giá về chất lượng và hương vị sản phẩm

Năm 2023, Vinamilk đã liên tục ghi tên mình trong các danh sách giải thưởng danh giá hàng đầu thế giới như Purity Award, Clean Label Project, Superior Taste Award, Monde Selection, The World Dairy Innovation Awards 2023… Đây đều là những giải thưởng/chứng nhận quốc tế hàng đầu trong lĩnh vực thực phẩm – đồ uống, với các tiêu chuẩn nghiêm ngặt và cạnh tranh gay gắt từ hàng nghìn ứng cử viên khắp thế giới.

Sau 47 năm hình thành và phát triển, Vinamilk đang tiến gần hơn đến mục tiêu chiến lược vào Top 30 công ty sữa lớn nhất thế giới về doanh thu và nâng tầm giá trị thương hiệu Vinamilk nói riêng, thương hiệu quốc gia nói chung theo các xu hướng tiên tiến nhất của thế giới.

Đấy là những ví dụ rất điển hình cho các doanh nghiệp Việt tiên phong mang “hộ chiếu Việt” ra thị trường quốc tế. Ngoài ra còn rất nhiều doanh nghiệp khác trong các lĩnh vực như: Tập đoàn cà phê Trung Nguyên; Golf Long Thành, VietJet Air; Tập đoàn Hòa Phát… đang nỗ lực từng ngày, từng giờ để mang thương hiệu của Việt Nam ra thị trường quốc tế.

Việt Nam cần nhiều hơn nữa những doanh nghiệp tầm cỡ khu vực và quốc tế

Có thể thấy, quốc gia nào cũng vậy, muốn giàu mạnh thì phải phát triển lực lượng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân của chính mình; trong đó các doanh nghiệp lớn, doanh nhân lớn là tài sản và nguồn lực quý giá.

Để hội nhập thế giới và phát triển như là một "đối tác đẳng cấp, được tôn trọng trên sân chơi thế giới", Việt Nam cần những doanh nghiệp có tầm cỡ tương ứng. 

Mặc dù thời gian qua, Việt Nam cũng đã hình thành được một số doanh nghiệp lớn, kinh doanh ở quy mô khu vực và bắt đầu đi ra thế giới. Nhưng, như vậy là chưa đủ. Bởi thực tế, hiện nay Việt Nam có gần 900.000 doanh nghiệp đang hoạt động, tuy nhiên số doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tới 97%.

anh-5-1705304897.png

Phối cảnh nhà máy VinFast tại Mỹ. Ảnh: VinFast

Mới đây, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 41-NQ/TW về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới đã nêu: Phần lớn doanh nghiệp có quy mô nhỏ, sức cạnh tranh, hiệu quả hoạt động, năng lực kinh doanh, kỹ năng quản trị còn hạn chế; số doanh nghiệp quy mô lớn, có năng lực dẫn dắt các chuỗi cung ứng còn ít; tính liên kết, hợp tác, khả năng tận dụng cơ hội từ hội nhập kinh tế quốc tế và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư còn yếu.

Nghị quyết 41-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đề ra mục tiêu đến năm 2030: Phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam có quy mô, năng lực và trình độ đáp ứng mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Phấn đấu ngày càng có nhiều doanh nghiệp đạt tầm khu vực, một số doanh nghiệp đạt tầm thế giới; một số doanh nghiệp lớn có vai trò dẫn dắt trong các ngành, lĩnh vực then chốt; một số doanh nghiệp có vị thế, vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu, làm chủ một số chuỗi giá trị công nghiệp, nông nghiệp, có năng lực cạnh tranh quốc tế trong các ngành công nghiệp nền tảng, ưu tiên, mũi nhọn…

Theo các chuyên gia, muốn phát triển được các doanh nghiệp lớn tầm cỡ khu vực và thế giới, Chính phủ cần thay đổi cách tiếp cận trong mục tiêu hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp tư nhân theo hướng ban hành chính sách riêng để hình thành các tập đoàn tư nhân lớn. Bài học kinh nghiệm từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… cho thấy, trong giai đoạn đầu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, các quốc gia này đã có những chính sách đặc biệt để hỗ trợ hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân hùng mạnh, tạo nên “xương sống” cho nền kinh tế.

Đối với tình hình phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam, doanh nghiệp tư nhân còn rất trẻ, chủ yếu ra đời sau đổi mới cho nên cách thức hỗ trợ của Nhà nước cần đi vào thực chất và đủ mạnh để có thể thúc đẩy hình thành các doanh nghiệp quy mô lớn, trở thành “sếu đầu đàn” kéo theo các doanh nghiệp nhỏ, tạo thành chuỗi sản xuất, cung ứng.

Theo Tiến sĩ Trần Đình Thiên - Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, để Việt Nam có thể "biến hình", thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cần một sự thay đổi về cấu trúc, tăng cường vai trò của khối tư nhân trong nền kinh tế.

Tiến sĩ Trần Đình Thiên nhận định, việc chú trọng phát triển khối doanh nghiệp nhỏ và vừa là đúng, nhưng chưa đủ, để Việt Nam hùng cường thì không thể dựa vào sức của số doanh nghiệp này, mà phải dựa vào những tập đoàn tư nhân lớn và coi đây là lực lượng tiên phong giúp Việt Nam bứt phá trong tương lai. Để khu vực này trở thành trụ cột cho nền kinh tế, Việt Nam cần có một lực lượng những "người khổng lồ" trong giới tư nhân, điều mà Hàn Quốc đã làm được và đưa nền kinh tế bứt phá trong hàng chục năm qua.

Thay lời kết

Không phải bây giờ chúng ta mới nói đến khát vọng xây dựng ngày càng nhiều doanh nghiệp đạt tầm khu vực, trong đó có những doanh nghiệp đạt tầm thế giới. Nhưng để hiện thực hóa thì như thực tế những năm qua đã chứng minh, con đường là vô cùng gian nan. Điều này đòi hỏi các cơ quan chức năng khẩn trương rà soát, thể chế hoá kịp thời, đầy đủ, đồng bộ đường lối, chủ trương của Đảng về phát triển đội ngũ doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp.

Theo đó, tập trung hoàn thiện thể chế phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, pháp luật về sở hữu, quyền tự do kinh doanh, bảo hộ quyền tài sản hợp pháp, khởi nghiệp, bổ sung chế tài kinh tế phù hợp để xử lý vi phạm, không hình sự hoá quan hệ kinh tế... Bảo đảm khuôn khổ pháp luật ổn định, đồng bộ, thống nhất, minh bạch, bình đẳng, kiểm soát, xoá bỏ đặc quyền, độc quyền trong sản xuất, kinh doanh, phát triển đồng bộ các loại thị trường.

Đặc biệt cần có cơ chế tạo điều kiện cho doanh nhân, doanh nghiệp có bước đột phá trong một số lĩnh vực mới, có lợi thế, tiềm năng; Có chính sách đột phá để hình thành, phát triển doanh nghiệp dân tộc, doanh nghiệp quy mô lớn, có vai trò dẫn dắt một số ngành, lĩnh vực then chốt, trọng yếu, có vị thế quan trọng trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu…

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin.