Phân biệt cơ chế bảo hộ sáng chế và bí mật kinh doanh

(PLBQ). Sáng chế và bí mật kinh doanh đều là hai đối tượng bảo hộ của quyền sở hữu công nghiệp được quy định trong Luật sở hữu trí tuệ 2005, nhưng đến năm 2009 và 2019 Luật này đã được sửa đổi, bổ sung một số điều để làm rõ hơn so với Luật 2005.

Hai đối tượng này có những sự khác biệt về cơ chế bảo hộ khiến cho không ít doanh nghiệp hay cá nhân còn gặp nhiều vướng mắc, cho nên để có thể lựa chọn chính xác cơ chế bảo hộ đối với từng nhóm đối tượng cần chỉ ra được điểm khác biệt giữa chúng.

Ví dụ hai đối tượng bảo hộ:

Sáng chế

Bí mật kinh doanh

PHƯƠNG PHÁP Ủ BIA

Phương pháp và thànhphần sản xuất nước giải khát COCACOLA

Tác giả: PAJUNEN ESKO (FI), LINKO MATTI (FI), KRONLOF JUKKA (FI), VIRKAJARVI ILKKA (FI)

Tác giả: Công ty Cocacola

Cùng là phương pháp sản xuất sản phẩm đồ uống nhưng đối tượng bảo hộ được hai doanh nghiệp bảo hộ theo các phương thức khác nhau: Sáng chế - Bí mật kinh doanh.

Để độc giả hiểu sự khác biệt, ưu nhượcđiểm của hai phương thức bảo hộ từ đửaút kinh nghiệm cho bản thân hoặc tổ chức. Cụ thể:

1. Căn cứ pháp lý

Luật sở hữu trí tuệ 2005 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019) gọi tắt là Luật SHTT

2. Phân biệt

Tiêu chí

Sáng chế

Bí mật kinh doanh

Khái niệm

Sáng chế là giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình nhằm giải quyết một vấn đề xác định bằng việc ứng dụng các quy luật tự nhiên.(Khoản 12 Điều 4 Luật SHTT)

Bí mật kinh doanh là thông tin thu được từ hoạt động đầu tư tài chính, trí tuệ, chưa được bộc lộ và có khả năng sử dụng trong kinh doanh.(Khoản 23 Điều 4 Luật SHTT)

Căn cứ xác lập quyền

- Quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu được xác lập trên cơ sở quyết định cấp văn bằng bảo hộ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo thủ tục đăng ký quy định tại Luật này hoặc công nhận đăng ký quốc tế theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

- Quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu nổi tiếng được xác lập trên cơ sở sử dụng, không phụ thuộc vào thủ tục đăng ký.

- Quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý được xác lập trên cơ sở quyết định cấp văn bằng bảo hộ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo thủ tục đăng ký quy định tại Luật này hoặc theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

=> Phải đăng ký

(Điểm a Khoản 3 Điều 6 Luật SHTT)

Quyền sở hữu công nghiệp đối với bí mật kinh doanh được xác lập trên cơ sở có được một cách hợp pháp bí mật kinh doanh và thực hiện việc bảo mật bí mật kinh doanh đó.

=> Không phải đăng ký

(Điểm c Khoản 3 Điều 6 Luật SHTT)

Tính bảo mật thông tin

Thông tin phải được mô tả rộng rãi trong bản mô tả sáng chế, người có trình độ trung bình trong lĩnh vực tương ứng có thể tạo ra sáng chế khi đọc bản mô tả. (Điều 102 Luật SHTT)

Thông tin không phải bộc lộ một cách công khai.

Chi phí

Mất phí đăng ký và duy trì hiệu lực văn bằng nhưng không mất chi phí để bảo mật thông tin.

Không mất phí đăng ký và duy trì hiệu lực văn bằng nhưng mất chi phí rất lớn để bảo mật thông tin.

Điều kiện bảo hộ

Đáp ứng tính mới, trình độ sáng tạo và khả năng áp dụng công nghiệp. (Khoản 1 Điều 58 Luật SHTT)

- Không phải là hiểu biết thông thường và không dễ dàng có được;

- Khi được sử dụng trong kinh doanh sẽ tạo cho người nắm giữ bí mật kinh doanh lợi thế so với người không nắm giữ hoặc không sử dụng bí mật kinh doanh đó;

- Được chủ sở hữu bảo mật bằng các biện pháp cần thiết để bí mật kinh doanh đó không bị bộc lộ và không dễ dàng tiếp cận được.

(Điều 84 Luật SHTT)

Đối tượng không được bảo hộ

- Phát minh, lý thuyết khoa học, phương pháp toán học;

- Sơ đồ, kế hoạch, quy tắc và phương pháp để thực hiện các hoạt động trí óc, huấn luyện vật nuôi, thực hiện trò chơi, kinh doanh; chương trình máy tính;

- Cách thức thể hiện thông tin;

- Giải pháp chỉ mang đặc tính thẩm mỹ;

- Giống thực vật, giống động vật;

- Quy trình sản xuất thực vật, động vật chủ yếu mang bản chất sinh học mà không phải là quy trình vi sinh;

- Phương pháp phòng ngừa, chẩn đoán và chữa bệnh cho người và động vật.

(Điều 59 Luật SHTT)

- Bí mật về nhân thân;

- Bí mật về quản lý nhà nước;

- Bí mật về quốc phòng, an ninh;

- Thông tin bí mật khác không liên quan đến kinh doanh.

(Điều 85 Luật SHTT)

Chủ sở hữu

- Chủ sở hữu sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là tổ chức, cá nhân được cơ quan có thẩm quyền cấp văn bằng bảo hộ các đối tượng sở hữu công nghiệp tương ứng.

- Chủ sở hữu nhãn hiệu là tổ chức, cá nhân được cơ quan có thẩm quyền cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu hoặc có nhãn hiệu đã đăng ký quốc tế được cơ quan có thẩm quyền công nhận hoặc có nhãn hiệu nổi tiếng.

(Khoản 1 Điều 121 Luật SHTT)

Chủ sở hữu bí mật kinh doanh là tổ chức, cá nhân có được bí mật kinh doanh một cách hợp pháp và thực hiện việc bảo mật bí mật kinh doanh đó. Bí mật kinh doanh mà bên làm thuê, bên thực hiện nhiệm vụ được giao có được trong khi thực hiện công việc được thuê hoặc được giao thuộc quyền sở hữu của bên thuê hoặc bên giao việc, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác. (Khoản 3 Điều 121 Luật SHTT)

Thời hạn bảo hộ

Bằng độc quyền sáng chế có hiệu lực từ ngày cấp và kéo dài đến hết hai mươi năm kể từ ngày nộp đơn. (Khoản 2 Điều 93 Luật SHTT).

Hết thời hạn, sáng chế sẽ được cộngđồng sử dụng rộng rãi.

Không xác định thời hạn cho đến khi còn đáp ứng được các điều kiện bảo hộ.

Phạm vi quyền được bảo hộ

Chủ sở hữu có quyền ngăn cấm chủ thể khác sử dụng giải pháp kĩ thuật trùng với sáng chế, kể cả trong trường hợp do họ tạo ra một cách độc lập hoặc do phân tích ngược trong thời hạn bảo hộ, trừ trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 125 Luật SHTT.

Chủ sở hữu không có quyền ngăn cản chủ thể khác bộc lộ, bí mật kinh doanh được tạo ra một cách độc lập hoặc tạo ra do phân tích ngược mà có. (Điểm d,đ Khoản 3 Điều 125 Luật SHTT)

Hành vi xâm phạm

- Sử dụng sáng chế được bảo hộ, kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ hoặc kiểu dáng công nghiệp không khác biệt đáng kể với kiểu dáng đó, thiết kế bố trí được bảo hộ hoặc bất kỳ phần nào có tính nguyên gốc của thiết kế bố trí đó trong thời hạn hiệu lực của văn bằng bảo hộ mà không được phép của chủ sở hữu;

- Sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mà không trả tiền đền bù theo quy định về quyền tạm thời quy định tại Điều 131 của Luật này.

(Điều 126 Luật SHTT)

- Các hành vi sau đây bị coi là xâm phạm quyền đối với bí mật kinh doanh:

+ Tiếp cận, thu thập thông tin thuộc bí mật kinh doanh bằng cách chống lại các biện pháp bảo mật của người kiểm soát hợp pháp bí mật kinh doanh đó;

+ Bộc lộ, sử dụng thông tin thuộc bí mật kinh doanh mà không được phép của chủ sở hữu bí mật kinh doanh đó;

+ Vi phạm hợp đồng bảo mật hoặc lừa gạt, xui khiến, mua chuộc, ép buộc, dụ dỗ, lợi dụng lòng tin của người có nghĩa vụ bảo mật nhằm tiếp cận, thu thập hoặc làm bộc lộ bí mật kinh doanh;

+ Tiếp cận, thu thập thông tin thuộc bí mật kinh doanh của người nộp đơn theo thủ tục xin cấp phép kinh doanh hoặc lưu hành sản phẩm bằng cách chống lại các biện pháp bảo mật của cơ quan có thẩm quyền;

+ Sử dụng, bộc lộ bí mật kinh doanh dù đã biết hoặc có nghĩa vụ phải biết bí mật kinh doanh đó do người khác thu được có liên quan đến một trong các hành vi quy định tại các điểm a, b, c và d khoản này;

+ Không thực hiện nghĩa vụ bảo mật quy định tại Điều 128 của Luật này.

- Người kiểm soát hợp pháp bí mật kinh doanh quy định tại khoản 1 Điều này bao gồm chủ sở hữu bí mật kinh doanh, người được chuyển giao hợp pháp quyền sử dụng bí mật kinh doanh, người quản lý bí mật kinh doanh.

(Điều 127 Luật SHTT)

Nhiệm vụ chứng minh khi có tranh chấp

Chủ sở hữu được giảm nhẹ nghĩa vụ chứng minh (không phải chứng minh) do đã được cấp văn bằng bảo hộ.

Chủ sở hữu có nghĩa vụ chứng minh thông tin đáp ứng đủ điều kiện để bảo hộ là bí mật kinh doanh và hành vi xâm phạm.

Cơ chế thực thi quyền

Cơ chế thực thi quyền mạnh hơn do có văn bằng bảo hộ.

Cơ chế thực thi quyền hạn chế hơn.

Hiệu lực của hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu

Hợp đồng chỉ có hiệu lực khi đã được đăng kí tại cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp. (Khoản 1 Điều 148 Luật SHTT)

Hợp đồng chuyển nhượng không cần phải đăng kí tại cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp để có hiệu lực.

Ví dụ

Phát minh ra máy ATM trong hệ thống ngân hàng đó là ông Đỗ Đức Cường

Bí mật công thức pha chế nước ngọt Coca - Cola

 

Trên đây là những phân tích sự khác biệt giữa sáng chế và bí mật kinh doanh.

 

NGUYỄN HOÀI NAM

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin.