Phân biệt hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ?

(PLBQ). Trong những năm gần đây, tình trạng sản xuất, buôn bán hàng hóa xâm phạm quyền Sở hữu trí tuệ (SHTT) nói chung và hàng hóa giả mạo về SHTT nói riêng ngày càng gia tăng ở Việt Nam cả về tính chất và quy mô vi phạm. Nạn sản xuất, buôn bán hàng hóa giả mạo về SHTT không chỉ gây thiệt hại cũng như có ảnh hưởng xấu về nhiều mặt cho người tiêu dùng, cho các chủ sở hữu có quyền SHTT bị xâm phạm mà còn có tác dụng tiêu cực đến sự phát triển của nền kinh tế.

Mới đây, một doanh nghiệp ở Hải Dương sản xuất hàng nghìn chiếc áo phông các loại, giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng như Adidas, Nike, Gucci, Lascote... đã bị xử phạt 500 triệu đồng. Các nhãn hiệu trên đều là các đối tượng đã được bảo hộ quyền SHTT.

Hàng nghìn chiếc áo phông giả các nhãn hiệu nổi tiếng như Adidas, Lascote, Nike, Gucci, Lascote... (Nguồn: soha.vn)

Vậy một câu hỏi đặt ra là hàng hóa giả mạo về SHTT và hàng hóa xâm phạm quyền SHTT khác nhau ở điểm nào?

Trước khi Luật SHTT được ban hành, hàng hóa xâm phạm quyền SHTT và hàng hóa giả mạo về SHTT chưa được quy định một cách cụ thể trong hệ thống văn bản pháp luật về SHTT của Việt Nam. Thay vào đó là việc đánh đồng hai loại hàng hóa nói trên cùng với các hàng hóa giả mạo khác bằng việc quy định về hàng giả nói chung.

Ví dụ: hàng giả về nhãn hiệu, kiểu dáng, hàng giả về chất lượng, công dụng...

Chính điều này đã ít nhiều gây nên sự khó khăn cho các chủ thể quyền SHTT và cho cả những cơ quan bảo vệ pháp luật trong việc phòng ngừa và đấu tranh chống lại các hành vi xâm phạm quyền SHTT.

Để phân biệt hàng hóa giả mạo về SHTT và hàng hóa xâm phạm quyền SHTT, chúng ta có thể dựa vào hai tiêu chí cơ bản sau đây:

Về phạm vi đối tượng

Theo quy định tại Điều 213 của Luật SHTT, hàng hóa giả mạo về SHTT được quy định như sau:

Hàng hóa giả mạo về SHTT bao gồm hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, giả mạo chỉ dẫn địa lý và hàng hóa sao chép lậu, trong đó:

  • Hàng hóa giả mạo nhãn hiệu là hàng hóa, bao bì của hàng hóa có gắn nhãn hiệu, dấu hiệu trùng hoặc khó phân biệt với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ dùng cho chính mặt hàng đó mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý.
  • Hàng hóa sao chép lậu là bản sao được sản xuất mà không được phép của chủ thể quyền tác giả và quyền liên quan.

Trong khi đó căn cứ vào Luật SHTT và theo quy định tại các Điều 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14 của Nghị định số 105/2006/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật SHTT về bảo vệ quyền SHTT có quy định:

Hàng hóa xâm phạm quyền SHTT là các hàng hóa có chứa yếu tố xâm phạm đến quyền tác giả, quyền liên quan, sáng chế, thiết kế bố trí mạch tích hợp bản dẫn, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại và giống cây trồng.

Như vậy, sự khác nhau về đối tượng giữa hai loại hàng hóa nói trên là:

  • Đối tượng của hàng hóa giả mạo về SHTT hẹp hơn rất nhiều so với đối tượng của hàng hóa xâm phạm quyền SHTT, bao gồm các đối tượng đó là nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý và đối tượng quyền tác giả và quyền liên quan.
  • Trong khi đó, đối tượng của hàng hóa xâm phạm quyền SHTT rất rộng, tất cả các đối tượng SHTT đều có thể trở thành đối tượng của hàng hóa xâm phạm quyền SHTT.

Ngoài ra, với những quy định về đối tượng của hàng hóa giả mạo về SHTT và hàng hóa xâm phạm quyền SHTT, chúng ta nhận thấy:

 

Tất cả các đối tượng của hàng hóa giả mạo về SHTT đều có thể trở thành đối tượng của hàng hóa xâm phạm quyền SHTT nhưng không phải đối tượng của hàng hóa xâm phạm quyền SHTT nào cũng có thể trở thành đối tượng của hàng hóa giả mạo về SHTT.

Về tính chất và mức độ xâm phạm

Mặc dù, hàng hóa xâm phạm quyền SHTT và hàng hóa giả mạo về SHTT đều là những sản phẩm của hành vi xâm phạm quyền SHTT, tuy nhiên xét về tính chất và mức độ xâm phạm, thì chủ thể có hành vi sản xuất, kinh doanh, buôn bán... loại hàng hóa giả mạo về SHTT thường là nguy hiểm và nghiêm trọng hơn so với chủ thể có hành vi sản xuất, kinh doanh, buôn bán... hàng hóa xâm phạm quyền SHTT.

Điều này được thể hiện qua các phương diện sau đây:

Mức độ lỗi của chủ thể thực hiện hành vi xâm phạm

Đối với loại hàng hóa giả mạo về SHTT, lỗi của chủ thể thực hiện hành vi xâm phạm luôn là lỗi cố ý. Tại vì khi thực hiện họ đã nhận thức rất rõ rằng đối tượng SHTT mà họ xâm phạm là thuộc quyền SHTT của người khác nhưng vẫn cố ý thực hiện hành vi xâm phạm để trục lợi.

Sự cố ý này được thể hiện qua các hành vi sao chép lậu các đối tượng đang được bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan hoặc thể hiện thông qua hành vi cố ý sử dụng dấu hiệu trùng hoặc khó phân biệt về mặt tổng thể. Điều này làm cho người tiêu dùng bị nhầm lẫn với một nhãn hiệu hoặc một chỉ dẫn địa lý nào đó đang được bảo hộ để tiêu thụ được nhiều hàng hóa hơn.

Ví dụ: Nhà sách A mặc dù đã biết được bản quyền của cuốn sách Giáo trình lý luận chung về nhà nước và pháp luật là của Trường Đại học Luật Hà Nội, nhưng nhà sách này vẫn cố tình in lậu cuốn sách này để bán.

Một ví dụ khác, công ty sản xuất phụ tùng xe máy A mặc dù đã biết nhãn hiệu "Honda" là nhãn hiệu nổi tiếng của Công ty Honda Nhật Bản, nhưng công ty này vẫn cố ý gắn nhãn hiệu này trên lên sản phẩm phụ tùng xe máy do mình sản xuất để bán trên thị trường Việt Nam để khiến cho người tiêu dùng bị nhầm tưởng rằng đó là sản phẩm chính hãng của Honda.

Trong khi đó, đối với loại hàng hóa xâm phạm quyền SHTT, lỗi của chủ thể thực hiện hành vi có thể là lỗi cố ý hoặc cũng có thể là lỗi vô ý.

Ví dụ: Công ty A mặc dù đã biết trên thị trường đã có sản phẩm thuốc giảm đau hạ sốt “Panadol” là của Công ty Sanofi. Nhưng tin rằng việc sử dụng nhãn hiệu "Hapadol" cho sản phẩm cùng loại là không xâm phạm quyền SHTT đối với nhãn hiệu trên của Công ty Sanofi. Tuy nhiên, khi Công ty Sanofi yêu cầu cơ quan thực thi xử lý và tiến hành giám định SHTT thì hai nhãn hiệu trên bị kết luận là có khả năng gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.

Mức độ gây thiệt hại

Đối với loại hàng hóa giả mạo về SHTT, chủ thể thực hiện hành vi xâm phạm luôn có lỗi cố ý nên thông thường mức độ gây thiệt hại của hành vi này gây ra cho chủ thể quyền SHTT và cho xã hội luôn cao hơn so với thiệt hại từ hành vi sản xuất, kinh doanh buôn bán hàng hóa xâm phạm quyền SHTT.

Do tính chất và mức độ xâm phạm của hai loại hàng hóa giả mạo về SHTT và hàng hóa xâm phạm quyền SHTT khác nhau nên pháp luật hiện hành quy định về hình phạt và chế tài áp dụng đối với hai loại hàng hóa này cũng khác nhau.

Cụ thể, tùy theo tính chất và mức độ vi phạm, chủ thể thực hiện hành vi sản xuất, kinh doanh, buôn bán... hàng hóa giả mạo về SHTT có thể bị xử lý bằng các biện pháp hình chính, dân sự hoặc có thể bị xử lý hình sự theo như quy định tại Điều 225 và Điều 226 của Bộ luật hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Trong khi đó, đối với chủ thể thực hiện hành vi sản xuất, kinh doanh, buôn bán... hàng hóa xâm phạm quyền SHTT thì chủ thể thực hiện hành vi xâm phạm chủ yếu bị áp dụng hình thức xử lý hành chính hoặc dân sự, ít khi bị áp dụng biện pháp hình sự.

Hiện nay, ở hầu hết các vụ việc xử lý hành vi sản xuất loại hàng hóa giả mạo về SHTT là những hàng hóa gắn lên mình nhãn hiệu, kiểu dáng bao bì của hàng thật. Các cơ quan thực thi pháp luật đều đưa ra kết luận rằng, chất lượng của loại hàng giả này thường rất thấp, gần như không có chất lượng, hoặc thậm chí nếu sử dụng loại hàng hóa này có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng nên đều buộc phải tiêu hủy.

Ví dụ: Năm 2010, Cục Quản lý thị trường tại Thành phố Hồ Chí Minh đã phát hiện và xử phạt hành vi lưu thông loại hàng hóa giả mạo nhãn hiệu bột ngọt Ajinomoto.

Sau khi kiểm tra và mang mẫu sản phẩm của lô hàng giả này đi kiểm định chất lượng, Cục Quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh nhận thấy lô hàng giả nói trên không chỉ bị làm giả toàn bộ về nhãn hiệu và bao bì mang sản phẩm, mà chúng còn bị làm giả y trang cả về tên và địa chỉ của nhà sản xuất chính hãng.

Đặc biệt, lô hàng hóa giả mạo này không hề có chất lượng sử dụng bởi chúng được sản xuất từ các chất hóa học rất độc hại, nếu sử dụng sẽ gây nguy hiểm cho sức khỏe của người tiêu dùng.

Thay lời kết

Hành vi sản xuất, buôn bán hàng hóa xâm phạm quyền SHTT nói chung, đặc biệt là hàng hóa giả mạo về SHTT luôn gây ra những thiệt hại rất lớn cho các chủ sở hữu quyền SHTT, người tiêu dùng và xã hội. Thực tiễn cho thấy, nạn sản xuất, buôn bán hàng hóa giả mạo về SHTT có thể khiến cho các doanh nghiệp là chủ sở hữu quyền SHTT có thể phải tạm dừng hoạt động sản xuất kinh doanh, thậm chí bị phá sản do không bán được hàng hóa.

Do đó, bên cạnh các cơ quan nhà nước cũng như các chủ sở hữu và người sử dụng hợp pháp quyền SHTT, thì người tiêu dùng cần nâng cao ý thức trách nhiệm của mình trong việc phát hiện và tố cáo kịp thời các hành vi vi phạm quyền SHTT. Qua đó, góp phần chung sức cùng với các cơ quan nhà nước, các chủ thể quyền SHTT  tạo ra một môi trường kinh doanh thật sự lành mạnh, an toàn.

Kỳ Anh

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin.