Netflix là công ty công nghệ nước ngoài đầu tiên sẽ bị truy thu thuế
Tại buổi họp báo về chống buôn lậu quý III của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia tại Hà Nội ngày 20/10, ông Vũ Mạnh Cường, Vụ trưởng Vụ thanh tra kiểm tra (Tổng cục Thuế) cho biết, cơ quan thuế đang phối hợp với Cục Phòng, chống rửa tiền (Ngân hàng Nhà nước) để rà soát, thống kê doanh thu của Netflix phát sinh từ khi cung cấp dịch vụ tại Việt Nam năm 2016 để truy thu thuế.
Theo ông Cường, Luật An ninh mạng đã có hiệu lực nên các doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh có thu nhập tại Việt Nam từ hoạt động trên mạng phải lưu trữ dữ liệu tại Việt Nam. Đồng thời, họ phải có nghĩa vụ chuyển cho cơ quan thuế những dữ liệu này để quản lý thuế.
Với Netflix, Tổng cục Thuế đã phối hợp với Cục Phòng chống tội phạm rửa tiền của Ngân hàng Nhà nước để thống kê 3 năm qua phát sinh bao nhiêu tiền thuế để truy thu.
Tổng cục Thuế đang phối hợp các bên liên quan thống kê doanh thu để truy thu thuế Netflix.
Netflix là dịch vụ phát trực tuyến các chương trình truyền hình, phim cùng nhiều nội dung khác trên các thiết bị có kết nối internet. Hiện tại, ứng dụng này có khoảng 300.000 thuê bao tại Việt Nam. Mỗi tháng, người dùng trả 180.000 – 260.000 mỗi tháng để sử dụng dịch vụ của Netflix.
Lãnh đạo Netflix cũng đã làm việc với Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế để đặt văn phòng dữ liệu tại Việt Nam và nộp thuế.
Cho đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa biết tổng số tiền Netflix phải nộp sẽ là bao nhiêu? Song đây là một tín hiệu tích cực đối với ngành thuế. Bởi, cho đến thời điểm hiện tại dù pháp luật về thuế đối với các công ty công nghệ nước ngoài đã có những thay đổi đáng kể nhằm “bít” những “lỗ hổng”. Nhưng trên thực tế cơ quan thuế tỏ ra khó khăn trong việc buộc các công ty công nước ngoài như Google, Facebook, Amazon… có doanh thu tại Việt Nam thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế.
Pháp luật thuế đối với dịch vụ công nghệ kỹ thuật số của Việt Nam
Theo tìm hiểu của PV, đối tổ chức, cá nhân nước ngoài không có trụ sở tại Việt Nam nhưng có kinh doanh hoặc phát sinh thu nhập tại Việt Nam phải thực hiện nghĩa vụ thuế theo quy định tại thông tư 103/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện nghĩa vụ thuế áp dụng đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập tại Việt Nam.
Thực tế, việc kinh doanh của các công ty công nghệ như Facebook, Google… tại Việt Nam thường chia thành 2 kênh bao gồm: Kênh thứ nhất là thông qua các doanh nghiệp là đại lí của các công ty này tại Việt Nam. Kênh thứ hai là khách hàng sử dụng dich vụ trực tiếp từ Google và Facebook mà không qua trung gian đại lí. Trong trường hợp này, khách hàng thanh toán qua thẻ tín dụng.
Luật Thuế mới buộc các công ty công nghệ nước ngoài có nghĩa vụ trực tiếp hoặc ủy quyền thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam
Theo quy định tại thông tư 103/2014/TT-BTC, tổ chức, cá nhân nước ngoài không có trụ sở tại Việt Nam nhưng có kinh doanh hoặc phát sinh thu nhập tại Việt Nam phải nộp thuế nhà thầu (bao gồm thuế GTGT từ 2 đến 5% và thuế TNDN từ 1 đến 5%) thông qua các đại lý, cá nhân tổ chức sử dụng dịch vụ tại Việt Nam.
Dù vậy, “kẽ hở” lớn nhất của các quy định này lại giao trách nhiệm kê khai đóng thuế cho các tổ chức, cá nhân chi trả kê khai doanh thu và nộp thuế thay cho nhà thầu nước ngoài. Trách nhiệm kê khai phụ thuộc vào tính tự giác của các tổ chức, cá nhân chi trả là khách hàng dụng dịch vụ. Chính điều này đã gây nhiều khó khăn, bởi cơ quan thuế rất khó kiểm soát được doanh thu của các “ông lớn” công nghệ nếu như đơn vị chi trả không kê khai nộp thay.
Tuy nhiên, “kẽ hở” này phần nào đã được “trám” lại. Theo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) năm 2019, vừa có hiệu lực thi hành từ 1/7 /2020 đã bổ sung quy định liên quan đến quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử. Trong đó, Điều 42 quy định đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác được thực hiện bởi nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam thì nhà cung cấp ở nước ngoài có nghĩa vụ trực tiếp hoặc ủy quyền thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam theo quy định của Bộ Tài chính.
Ngoài ra, Luật còn quy định rõ trách nhiệm của các bộ ngành liên quan như Bộ Thông tin – Truyền thông, Ngân hàng… phối hợp với cơ quan thuế cung cấp, xác định thông tin giao dịch đối với hoạt động thương mại điện tử.
Theo đó, Điều 27 quy định, ngân hàng thương mại có nghĩa vụ khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế phải nộp theo quy định pháp luật về thuế của tổ chức, cá nhân ở nước ngoài có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử có phát sinh thu nhập từ Việt Nam. Đây được coi là biện pháp mạnh mẽ của Việt Nam nhằm chống thất thu thuế đối với các dịch vụ thương mại xuyên biên giới.
Bên cạnh đó, Điều 26, Luật An ninh mạng có quy định, doanh nghiệp trong nước và ngoài nước cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng Internet, các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam có hoạt động thu thập, khai thác, phân tích, xử lý dữ liệu về thông tin cá nhân, dữ liệu về mối quan hệ của người sử dụng dịch vụ, dữ liệu do người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam tạo ra phải lưu trữ dữ liệu này tại Việt Nam trong thời gian theo quy định của Chính phủ. Đối với doanh nghiệp nước ngoài phải đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam.
Theo quy định này thì các công ty công nghệ như Google, Facbook, Amazon, Netflix… khi cung cấp các dịch vụ công nghệ tại Việt Nam sẽ phải đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam. Điều này sẽ tạo thuận lợi cho công tác quản lý thuế.
Theo Luật gia Nguyễn Văn Hậu – Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Thương mại Luật gia Việt Nam (VLCAC), Luật An ninh mạng có qui định buộc các Cty như Facebook, Google đặt văn phòng đại diện tại Việt Nam. Việc thực hiện nghiêm qui định này sẽ tạo cơ sở để dần đi đến chế tài về những vấn đề khác, trong đó có vấn đề doanh thu dịch vụ xuyên biên giới và nộp thuế.
Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, sau gần 2 năm Luật có hiệu lực vẫn chưa ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện quy định này. Do vậy đến nay, cơ quan chức năng vẫn khá lúng trong việc buộc các công ty công nghệ đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam, ảnh hưởng rất lớn tới việc quản lý thuế đối với các công ty công nghệ nước ngoài.
Nhiều nước thu thuế đối công ty công nghệ nước ngoài.
Trước đây, việc thu thuế đối với công ty công nghệ thường chỉ đặt ra đối với các doanh nghiệp có trụ sở tại nước sở tại. Điều này khiến nhiều công ty công nghệ nước ngoài không phải nộp thuế khi cung cấp dịch vụ công nghê cho khách hàng tại nước sở tại. Nhưng, thời gian gần đây nhiều nước trên thế giới đã và đang đưa ra những quy định buộc các doanh nghiệp công nghệ đa quốc gia phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế đối với các khoản doanh thu từ thị trường nước mình.
Gần đây nhất, Indonesia đã yêu cầu 8 công ty công nghệ nước ngoài, trong có Microsoft và Alibaba Cloud phải trả 10% thuế GTGT đối với các sản phẩm và dịch vụ kỹ thuật số được giao dịch tại Indonesia kể từ ngày 1/11 tới đây.
Kể từ năm ngoái, Chính phủ Indonesia đã nhắm đến việc thu thuế GTGT từ các công ty công nghệ nước ngoài như Google, Facebook, Amazon, Twitter và Netflix, vốn không đăng ký kinh doanh tại Indonesia song có doanh thu từ người tiêu dùng ở nước này.
Tháng 4 vừa qua, Chính phủ Indonesia đã ban hành quy định thuế kỹ thuật số đối với các công ty công nghệ toàn cầu trong khuôn khổ Luật số 1/2020 về các chính sách tài chính nhằm ứng phó với đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Trước Indonesia, nhiều nước khác trong khu vự Đông Nam Á như Malaysia, Thái Lan, Philippines, Singapore đã triển khai thu thuế đối với các dịch vụ công nghệ xuyên quốc gia.
Tại châu Âu, ngay từ cuối năm 2018, các nước thành viên EU đã đề xuất đánh thuế nhằm vào các tập đoàn lớn trong lĩnh vực công nghệ. Nghị viện châu Âu cũng đã bỏ phiếu về hai dự luật, dự luật về cách đánh thuế các dịch vụ kỹ thuật số và dự luật về cải cách cơ sở thuế của các dịch vụ kỹ thuật số.
Quốc gia đi đầu trong việc áp thuế dịch vụ kỹ thuật số là Pháp. Theo tính toán, nếu Pháp đánh thuế kỹ thuật số với tỷ lệ 3% doanh thu, nước này sẽ thu về khoản ngân sách dự kiến là 650 triệu EUR trong năm 2020. Sau Pháp, Anh cũng công bố dự thảo luật thuế dịch vụ kỹ thuật số đối với các công ty công nghệ có doanh thu toàn cầu vượt quá 556 triệu EUR và có mức thu tối thiểu 25 triệu EUR từ các hoạt động thương mại tại Anh.
Tại châu Mỹ Latinh, Chile, Mexico và một số nước khác cũng đang xem xét các dạng thuế mới tương tự nhằm vào các công ty công nghệ nước ngoài. Các nước này tìm cách đánh thuế vào các dịch vụ số hóa mà các công ty công nghệ nước ngoài bán tại nước của họ. Trong một số trường hợp, thuế đánh vào các dịch vụ thu thập dữ liệu về người dân địa phương để phục vụ hoạt động quảng cáo trực tuyến.
Có thể nói, Việt Nam đã tiến hành thu thuế đối với các công ty công nghệ nước ngoài nhưng thực sự chưa triệt để, tạo ra sự bất bình đẳng đối với các công ty trong nước. Bởi, dù có doanh thu hàng nghìn tỉ mỗi năm nhưng các doanh nghiệp công nghệ nước ngoài tại Việt Nam mới chỉ phải nộp thuế nhà thầu bằng một phần rất nhỏ.
Trên cơ sở Luật Quản lý thuế (sửa đổi) năm 2019, các cơ quan chức năng đang nghiên cứu xây dựng cơ chế thu thuế hiệu quả đối với doanh nghiệp nước ngoài; xây dựng quy trình đăng ký thuế để hướng dẫn tổ chức, cá nhân nước ngoài có hoạt động kinh doanh trên mạng phát sinh thu nhập tại Việt Nam thực hiện đăng ký thuế để được cấp mã số thuế và kê khai, nộp thuế qua mạng. Điều này mang đến nhiều hi vọng về sự bình đẳng trong vấn đề thuế đối với các công ty trong nước và những “ông lớn” như Facebook, Google, Amazon…
Văn Chiến