Trong hai hệ thống này, liên quan đến việc bảo hộ quyền đối với tác phẩm văn học nghệ thuật, tồn tại hai hệ thống nhỏ : Pháp luật về Quyền tác giả (PLQTG) của hệ thống luật lục địa và Pháp luật về Bản quyền (PLBQ) của hệ thống thông luật. Các nước pháp dụng PLBQ như Hoa Kỳ, Anh, Canada, Úc,… Các nước áp dụng PLQTG tiêu biểu như Pháp, Đức, Việt Nam… Cùng với xu thế hội nhập các nước đã xây dựng nên các điều ước quốc tế với những quy định mang tính hài hòa. Tuy nhiên, giữa hai hệ thống vẫn còn một số điểm khác biệt quan trong.
So sánh giữa hai hệ thống, đặt các quy định của Pháp luật Việt Nam về quyền tác giả trong hệ so sánh là cách thức hiệu quả để hiểu rõ hơn về quy định cũng như tư tưởng của các nhà làm luật, đánh giá mức độ phù hợp của quy định với thực tế. Bài viết sử dụng những quy định của Bộ luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) Pháp và Luật Bản quyền Hoa Kỳ – những văn bản pháp luật tiêu biểu cho mỗi hệ thống để minh họa.
Bài viết sẽ đi theo các nội dung sau :
1. Hình thức thể hiện tác phẩm
2. Tác giả
3. Nội dung quyền
1. HÌNH THỨC THỂ HIỆN TÁC PHẨM
Nói đến tác phẩm được bảo hộ là ta nhớ đến các tiêu chí : là sản phẩm của con người, được thể hiện dưới một hình thức nhất định và hình thức đó mang tính sáng tạo.
Về hình thức thể hiện tác phẩm, CƯ Berne cho phép các quốc gia lựa chọn việc tác phẩm bảo hộ phải được thể hiện dưới hình thức vật chất nhất định hay không (K2Đ2).
So sánh giữa hai hệ thống PLQTG và PLBQ, ta thấy các nước theo hệ thống PLBQ yêu cầu tác phẩm phải được thể hiện dưới một hình thức hữu hình (« any tangible medium of expression » – §102 LBQ Hoa Kỳ, « material form » – Đ3 phần I LBQ Canada, …) trong khi các nước thuộc hệ thống PLQTG bảo hộ các tác phẩm được thể hiện dưới hình thức bất kì (Điều L112-1 Bộ luật SHTT Pháp). Như vậy, một bài phát biểu, bài giảng muốn được bảo vệ quyền tác giả theo Luật bản quyền của Hoa Kỳ thì phải thể hiện dưới hình thức vật chất nhất định như văn bản, còn theo Bộ luật SHTT của Pháp thì chỉ cần bài phát biểu, bài giảng được nói ra, đã được bảo hộ.
Về điểm này, Luật SHTT Việt Nam quy định giống Luật bản quyền của Hoa Kỳ hay Canada, tác phẩm phải được thể hiện dưới hình thức vật chất nhất định (Đ6). Tác phẩm được thể hiện dưới hình thức nhất định sẽ là bằng chứng cho tác giả bảo vệ quyền của mình, nhất là khi tác giả phản đối hành vi của người khác tự ý sửa chữa tác phẩm.
2. TÁC GIẢ
A. Xác định tác giả
Sự khác biệt đáng kể giữa hai hệ thống là ở nội dung xác định tác giả cho tác phẩm do người lao động sáng tác, tác phẩm được sáng tác theo hợp đồng hay tác phẩm điện ảnh. K2Đ14 bis CƯ Berne để cho pháp luật các quốc gia thành viên tự xác định tác giả cho tác phẩm điện ảnh.
PLBQ quy định tác giả có thể là thể nhân trực tiếp sáng tác, nhà sản xuất, người đặt hàng làm tác phẩm… Như vậy, tác giả có thể là thể nhân, có thể là pháp nhân. Nếu tác phẩm làm theo hợp đồng thì theo PLBQ người thuê được coi như tác giả, người thuê có tất cả quyền bản quyền – « work made fore hire » – mục b § 201 Luật Bản quyền của Hoa Kỳ (trừ khi các bên có thỏa thuận khác).
PLQTG lại quy định tác giả phải là thể nhân trực tiếp sáng tạo hoặc tham gia sáng tạo lên tác phẩm vì chỉ có thể nhân mới có thể tư duy sáng tạo. PLQTG trong đó có luật Việt Nam quy đinh người giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng theo hợp đồng không phải là tác giả mà chỉ là chủ sở hữu đối với tác phẩm.
Tuy quyền tài sản đối với một tác phẩm là quyền quan trọng, do đó ta có thể coi đây là sự hài hòa nhất định giữa hai hệ thống. Nhưng sự không trùng khớp trong quy định của hai hệ thống có thể đưa tới những kết quả áp dụng pháp luật rất khác nhau : ví dụ, trong một trường hợp tương tự như vụ họa sĩ Lê Linh kiện công ty Phan Thị, sau khi ông đã thôi không làm ở Công ty Phan Thị, yêu cầu không được tiếp tục ra số mới của truyện Thần đồng đất Việt do ông là họa sĩ, nếu áp dụng Luật bản quyền của Hoa Kỳ thì yêu cầu của họa sĩ Lê Linh sẽ không được chấp nhận vì Công ty Phan Thị là người thuê sáng tác được coi như là tác giả của tác phẩm, có quyền cho viết tiếp tác phẩm. Nhưng nếu áp dụng PLQTG, phương án giải quyết không hề dễ dàng, khi họa sĩ mới là tác giả, họa sĩ có quyền nhân thân bao gồm quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm. Ta sẽ tiếp tục phân tích về vấn đề này ở phần nội quyền nhân thân dưới đây.
Rõ ràng, PLBQ quy định dựa trên lô-gíc kinh tế, coi nhà đầu tư làm trung tâm, hạn chế sự độc quyền của tác giả. Quy định này khuyến khích nhà đầu tư, khuyến khích việc quảng bá sản phẩm tinh thần. Lợi nhuận từ việc khai thác sản phẩm quay lại bù đắp sáng tạo của nghệ sĩ. Nghệ sĩ sẽ phụ thuộc vào nhà đầu tư. Chính vì vậy nghệ sĩ phải bảo vệ mình bằng các thỏa thuận cụ thể trong hợp đồng hay gia nhập các Nghiệp đoàn… Ở Hoa Kỳ, các nghiệp đoàn sẽ đại diện cho các nghệ sĩ đàm phán với các nhà xuất bản, nhà làm phim để ấn định thù lao tối thiểu trong hợp đồng (hợp đồng lao động tập thể) dựa theo quy mô kinh phí xây dựng tác phẩm, thời gian… Hợp đồng kí kết giữa nghệ sĩ và nhà đầu tư hay nhà làm phim phải cao hơn mức thù lao tối thiểu trên[1]. Trong khi đó, PLQTG chú trọng mối liên hệ giữa tác giả và sáng tác của mình, tác giả giành quyền độc quyền đôi khi có thể làm tê liệt việc xuất bản, phổ biến tác phẩm của chủ sở hữu. Với quyền độc quyền này, tác giả bảo vệ được tác phẩm khỏi những thay đổi làm ảnh hưởng đến danh dự uy tín nhân phẩm của mình. Các nhà xuất bản, các nhà sản xuất, đối tác của các tác giả cũng cần đưa những quy định cụ thể vào hợp đồng hoặc khởi kiện về việc tác giải lạm dụng quyền.
B. Thủ tục đăng kí giấy chứng nhận quyền tác giả
Trước đây, các nước trong hệ thống PLBQ yêu cầu chủ thể quyền phải đăng kí thì mới được công nhận quyền tác giả. Chính công ước Berne đã đem lại sự hài hòa hóa giữa hai hệ thống : các nước thành viên phải chấp nhận một nguyên tắc cơ bản – nguyên tắc bảo hộ tự động – tác phẩm được bảo hộ ngay từ khi được thể hiện dưới một hình thức nhất định mà không phụ thuộc vào bất kì thủ tục đăng kí nào (Điều 5.2 CƯ Berne). Quy định này theo tư tưởng lấy quyền lợi của tác giả làm trung tâm, tạo điều kiện cho tác giả có được quyền một cách dễ dàng.
Tuy nhiên, việc đăng kí giúp cho tác giả có được bằng chứng khi xảy ra tranh chấp. Ở Anh, không có cơ quan đăng kí Bản quyền chính thức[2], cơ quan SHTT còn hướng dẫn các tác giả gửi cho chính mình một bản copy của tác phẩm bằng bưu điện (với ngày tháng rõ ràng trên phong bì), không mở phong bì khi nhận lại (cần phải ghi nhớ nội dung bên trong phong bì nếu tác giả làm việc này nhiều lần). Hay tác giả có thể gửi tác phẩm tại ngân hàng…. Việc gửi này không chứng minh được rằng tác phẩm có sự sáng tạo trong hình thức thể hiện hay được sáng tác bởi người gửi, nhưng nó có thể chứng minh cho thẩm phán xét xử (trong trường hợp có tranh chấp liên quan) thời điểm mà người gửi sở hữu bản sao này.[3]
Ở Việt Nam, việc đăng kí là không bắt buộc tuy nhiên các tác giả có thể đăng kí tác phẩm của mình tại Cục bản quyền (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) – một bằng chứng quan trọng về mốc thời gian sở hữu tác phẩm. Tuy nhiên Giấy chứng nhận quyền tác giả không đảm bảo tính hợp pháp của tư cách chủ sở hữu cũng như tính sáng tạo trong hình thức thể hiện tác phẩm. Giấy có thể bị Cục bản quyền hủy nếu không đáp ứng yêu cầu về đối tượng được bảo hộ (K2, K3 Đ55 Luật SHTT).
3. NỘI DUNG QUYỀN
Theo cách tiếp cận truyền thống, ta sẽ phân tích sự khác nhau giữa hai hệ thống ở từng nội dung quyền : quyền nhân thân và quyền tài sản.
A. Quyền nhân thân
Trước đây, các nước theo hệ thống PLBQ không thừa nhận quyền nhân thân của tác giả đối với tác phẩm của mình. Công ước toàn cầu về quyền tác giả đã được kí kết ngày 6 tháng 9 năm 1952 theo sáng kiến của Hoa Kỳ và các nước không đồng ý với Công ước Berne. Công ước này không yêu cầu các quốc gia phải thừa nhận quyền nhân thân cho tác giả. Tuy nhiên, sự gia nhập mạnh mẽ của các quốc gia vào Công ước Berne đã làm công ước này mất đi tầm quan trọng. Hoa Kỳ cũng phải tham gia vào Công ước Berne năm 1989 (sau khi công ước đã ra đời được 103 năm).
Điều 6 bis của Công ước Berne quy định : ngoài quyền tài sản, tác giả còn có quyền được đứng tên trên tác phẩm, quyền phản đối mọi sửa chữa, thay đổi tác phẩm làm hại đến danh dự, uy tín của tác giả. Quyền nhân thân này được duy trì sau khi tác giả qua đời, ít nhất là đến hết thời hạn bảo hộ quyền tài sản, thực hiện bởi các chủ thể do pháp luật các quốc gia thanh viên quy định. Tuy nhiên, Công ước Berne cũng thể hiện tính mềm dẻo ở chỗ : Pháp luật của các quốc gia thành viên của Công ước mà vào thời điểm phê chuẩn hay gia nhập công ước chưa thừa nhận quyền nhân thân cho tác giả sau khi tác giả qua đời thì có thể quy định rằng một số quyền thuộc quyền nhân thân không được duy trì sau khi tác giả qua đời.
Vậy là Công ước Berne đã thành công và các nước lần lượt đưa quy định về quyền nhân thân của tác giả vào luật của mình : Anh (1988), Hoa Kỳ (1990)…
Tuy nhiên, quy định về quyền nhân thân giữa hai hệ thống còn nhiều cách biệt :
Về nội dung quyền : Bộ luật SHTT của Pháp quy định, quyền nhân thân bao gồm : quyền công bố tác phẩm, quyền đứng tên tác phẩm, quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm và quyền sửa chữa tác phẩm hoặc rút tác phẩm ra khỏi lưu thông. Luật SHTT của Việt Nam quy định các quyền tương tư : quyền công bố tác phẩm, quyền đặt tên tác phẩm, quyền đứng tên trên tác phẩm và quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm. Quyền được nêu chung chung nhưng thực chất là những quyền có tầm ảnh hưởng quan trong trong khai thác tác phẩm.
Trong khi đó, theo Luật Bản quyền của Hoa Kỳ, quyền nhân thân hẹp hơn, chỉ bao gồm : quyền đứng tên trên tác phẩm, quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm. Đối với quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, tác giả chỉ có quyền cấm những thay đổi gây thiệt hại đến uy tín, danh dự, nhân phẩm của tác giả. Quy định rõ ràng này tránh trường hợp các tác giả lạm dụng quyền nhân thân cản trở việc khai thác tác phẩm của chủ sở hữu, hạn chế khả năng tiếp cận của người sử dụng đối với tác phẩm.
Phạm vi quyền :
Luật Bản quyền của Hoa Kỳ chỉ thừa nhận quyền nhân thân cho tác giả của một số loại tác phẩm như : tác phẩm hội họa, điêu khắc, ảnh triển lãm. Thể nhân trực tiếp sáng tác ra các tác phẩm như áp –phích, biểu đồ, bản vẽ kĩ thuât, tác phẩm nghệ thuật ứng dụng, báo, tạp chí, cơ sở dữ liệu và đặc biệt là các tác phẩm của người lao động hay tác phẩm làm theo đơn đặt hàng… không được thừa nhận quyền nhân thân. Quy định này đã giới hạn quyền nhân thân trên các tác phẩm có số lượng người sử dụng lớn. Trong khi đó, hệ thống PLQTG quy định rộng rãi cho tác giả của tất cả các tác phẩm.
Ví dụ, nhà sản xuất muốn chuyển bộ phim đen trắng thành phim màu để phù hợp với thị hiếu của khán giả. Nếu áp dụng LQTG, nhà sản xuất phim phải xin ý kiến của đạo diễn cùng một số nghệ sĩ khác được coi là tác giả của tác phẩm điện ảnh, tránh có những khiếu kiện về sau liên quan đế quyền nhân thân, nhưng nếu áp dụng LBQ Hoa Kỳ thì nhà sản xuất phim không cần phải hỏi ý kiến những nghệ sĩ này do LBQ Hoa Kỳ không thừa nhận quyền nhân thân cho tác phẩm được làm theo hợp đồng. Từ đây ta có thể thấy luật áp dụng có ảnh hưởng quyết định đến kết quả giải quyết một tranh chấp có yếu tố nước ngoài.
Thời hạn quyền nhân thân : Luật Bản quyền của Hoa Kỳ chỉ thừa nhận quyền nhân thân cho đến hết năm mà tác giả qua đời. Trong khi đó, theo LQTG, quyền nhân thân (trừ quyền công bố tác phẩm) là vô thời hạn.
Khả năng chuyển nhượng hay từ chối quyền : Theo luật Bản quyền của Hoa Kỳ, quyền nhân thân không thể chuyển nhượng nhưng tác giả có thể khước từ quyền này bằng văn bản. Bộ luật SHTT của Pháp và Luật SHTT của Việt Nam quy định đây là quyền gắn liền với tác giả không thể chuyển nhượng và sau khi tác giả qua đời quyền này được thực hiện bởi người được hưởng thừa kế theo quy định của pháp luật về thừa kế.
B. Quyền tài sản
Nói về quyền tài sản đối với tác phẩm văn học nghệ thuật, pháp luật hai hệ thống vẫn còn một số quy định khác nhau.
i. Thu nhập từ việc chuyển quyền sở hữu tác phẩm gốc
Công ước Berne có ghi nhận loại thu nhập đặc biệt dành cho tác giả khi chủ sở hữu của tác phẩm gốc, bản thảo gốc chuyển nhượng tác phẩm cho chủ thể khác (tác giả không đồng thời là chủ sở hữu tác phẩm). Loại thu nhập này được ghi nhận đầu tiên ở Pháp trước một thực tế các tác phẩm vốn chỉ có bản gốc đem lại cho các chủ sở hữu lợi nhuận khổng lồ khi chủ sở hữu chuyển nhượng tác phẩm vậy mà tác giả hay gia đình tác giả lại sống trong khó khăn. Quy định về loại thu nhập này sẽ khuyến khích các nghệ sĩ yên tâm sáng tác. Công ước Berne đã quy định về loại thu nhập này ở một mức độ khiêm tốn : một tác giả chỉ có thể đòi hỏi khoản thu nhập này tại một nước thành viên công ước khi nước mà tác giả là công dân cũng có quy định về thu nhập này, khoản thu nhập sẽ chỉ được tính trong giới hạn quy định của Pháp luật nước mà tác giả yêu cầu.
Các nước thành viên Liên Minh Châu Âu đã thừa nhận thu nhập này trong Chỉ thị 2001/84/CE. Nước Anh đã cụ thể hóa Chỉ thị với Quy chế ban hành năm 2006. Tuy nhiên ở Mỹ, quy định này chỉ có trong pháp luật một số bang như California…
ii. Ngoại lệ của Quyền tài sản
Trong thời hạn bảo hộ quyền tài sản đối với tác phẩm, chủ sở hữu tác phẩm nắm độc quyền cho phép hay không cho phép việc khai thác tác phẩm. Tuy nhiên để cân bằng giữa quyền của tác giả và quyền của công chúng, pháp luật mỗi nước có quy định một số trường hợp ngoại lệ. Đ25 Luật SHTT của Việt Nam quy định các trường hợp sử dụng tác phẩm không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút thù lao với điều kiện không làm ảnh hưởng đến việc khai thác bình thường của tác phẩm, không được gây phương hại đến quyền của tác giả. Bộ luật SHTT của Pháp cũng đã quy định các trường hợp ngoại lệ mà quan trọng nhất là quyền sao chép nhằm phục vụ việc sử dụng cá nhân. Nói chung, các trường hợp ngoại lệ được liệt kê cụ thể, người sử dụng chỉ được viện dẫn ngoại lệ khi ngoại lệ này được nêu trong luật.
Các trường hợp ngoại lệ trong Luật Bản quyền của Hoa Kỳ không bị giới hạn cụ thể mà khi có tranh chấp phát sinh, tòa án sẽ xem xét việc sử dụng có vi phạm quyền bản quyền của chủ thể quyền hay không, với các căn cứ như: mục đích, bản chất việc sử dụng tác phẩm có liên quan hoạt động thương mại hay tìm kiếm lợi nhuận không ? Tác phẩm thuộc thể loại nào ? Số lượng bản sao tác phẩm đã được thực hiện ? Khả năng ảnh hưởng tới thị trường tác phẩm và giá trị tác phẩm (mục 107 Luật Bản quyền Hoa Kỳ).
Công ước Berne là công ước đầu tiên về quyền tác giả với sự tham gia của 164 thành viên. Công ước có các quy định về Nguyên tắc đối xử quốc gia, quy định coi các điều khoản của công ước là những nội dung cơ bản tối thiểu mà các quốc gia thành viên cần đảm bảo… Những lý do này giúp công ước Berne tạo ra một sự hài hòa giữa hệ thống pháp luật lớn vốn nhiều mâu thuẫn. Các nước trong hệ thống thông luật ghi nhận việc bảo vệ quyền tác giả không thông qua thủ thục đăng kí, ghi nhận quyền nhân thân cho tác giả của một số loại tác phẩm… Các nước trong hệ thống luật lục địa ghi nhận Quyền liên quan đến quyền tác giả để bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư… Tuy nhiên, như phân tích ở trên, trong một số nội dung quan trọng, CƯ Berne nhường quyền định đoạt cho Pháp luật các quốc gia thành viên. Vì vây, Pháp luật Việt Nam với ưu tiên bảo vệ các tác giả, khuyến khích sáng tạo nghệ thuật, khoa học cần tiếp nhận thêm một số quy định mang tính tích cực của mỗi hệ thống, phù hợp với quy định của các Điều ước quốc tế : ghi nhận quy định tại K2Đ14 bis của CƯ Berne về việc hạn chế khả năng các tác giả tham gia xây dựng tác phẩm điện ảnh lạm dụng quyền nhân thân, cản trở việc khai thác tác phẩm của nhà sản xuất phim ; ghi nhận cho tác giả của một số loại hình tác phẩm được hưởng một tỉ lệ nhất định thu nhập của chủ sở hữu bản gốc tác phẩm khi người này chuyển nhượng bản gốc tác phẩm cho người khác…
Tài liệu
Công ước Berne 1986 về bảo vệ các tác phẩm văn học nghệ thuật 1886
Luật bản quyền Hoa Kỳ
Luật bản quyền Anh
Bộ luật sở hữu trí tuệ Pháp
Luật sở hữu trí tuệ Việt Nam (năm 2005, sửa đổi 2009)
Michel Vivant, Jean Michel Bruguière, « Quyền tác giả », Dalloz, 2009
Website :
http://thongtinphapluatdansu.wordpress.com
http://fr.jurispedia.org/index.php/Copyright_et_droit_d%27auteur_%28int%29
http://www.sacd.fr/Droit-d-auteur-et-copyright.201.0.html
Chú thích:
[1] http://www.sacd.fr/Droit-d-auteur-et-copyright.201.0.html
[2] http://www.ipo.gov.uk/types/copy/c-about/c-auto/c-register.htm
[3] http://www.ipo.gov.uk/types/copy/c-about/c-auto.htm
THS. VŨ THỊ THANH TÚ – Học viên Khoa Luật – Đại học Tự do Brussels, Bỉ (Trong chương trình hợp tác nghiên cứu do Wallonie Bruxelles International tài trợ)