Phát triển logistics thành ngành kinh tế mũi nhọn

Xác định logistics là một ngành kinh tế quan trọng, tác động mạnh mẽ đến nhiều ngành khác nhau, thành phố Hà Nội đã và đang thực hiện nhiều giải pháp đầu tư, phát triển nhằm khắc phục các “điểm nghẽn”.

Trong đó, chú trọng xây dựng hạ tầng logistics, đầu tư công nghệ, liên kết mạng lưới các doanh nghiệp… để nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp, thúc đẩy logistics phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn.

http://hanoimoi.com.vn/Uploads/images/phananh/2021/08/08/khohang.jpg

Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025 trở thành một trong 3 trung tâm logistics lớn của cả nước. Trong ảnh: Kiểm tra hàng hóa xuất, nhập khẩu tại Cảng cạn Long Biên (quận Long Biên). Ảnh: Nguyễn Quang

Thời gian qua, dịch vụ logistics (gồm các hoạt động như nhận hàng, vận chuyển, lưu kho bãi, làm thủ tục hải quan, giao hàng hoặc các dịch vụ khác có liên quan đến hàng hóa) tại Hà Nội đã phát triển nhanh chóng. Trên địa bàn thành phố hiện có khoảng 25.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động logistics. Trong số này, doanh nghiệp tư nhân chiếm đến 80%, song chỉ đáp ứng được khoảng 25% nhu cầu thị trường, do phần lớn đều có quy mô nhỏ, hạn chế về vốn, công nghệ và nhân lực. Trong khi đó, một số tập đoàn logistics lớn trên thế giới đã có mặt ở Việt Nam như Kunhe Nagel, Schenker, Bikar, APL Logistics..., lại chiếm khoảng 70% thị phần nhờ tính chuyên nghiệp, mạng lưới rộng và ứng dụng công nghệ hiện đại.

Dù đã có bước phát triển đáng kể nhưng hệ thống kho hàng, bến bãi trên địa bàn thành phố vẫn còn nhỏ lẻ, thiếu tính liên kết, chưa chuyên dụng; việc giải phóng mặt bằng để triển khai các dự án phát triển trung tâm logistics gặp khó khăn. Các cảng cạn mới chỉ sử dụng đường bộ, chưa nối liền được với đường sắt và đường sông. Cảng hàng không quốc tế Nội Bài tuy đạt hiệu quả trung chuyển hàng hóa cao nhưng chưa có điểm tập kết hàng ngoài sân bay nhằm giảm tải tại khu vực nội cảng… Đó là chưa kể những cản trở lớn như nạn ùn tắc giao thông, khổ đường hẹp, giới hạn tải trọng phương tiện… đã làm gia tăng các chi phí của doanh nghiệp.

Đánh giá về thực trạng này, Giám đốc Công ty Delta International (doanh nghiệp logistics) Trần Đức Nghĩa cho rằng: “Hà Nội cần nhiều trung tâm logistics, nhiều kho hàng, bến bãi hơn nữa. Nhưng quan trọng nhất là tính liên kết của các yếu tố trong chuỗi logistics, việc kết nối các phương thức vận tải, các chủ thể hoạt động để giảm chi phí logistics và giúp hoạt động này trở nên chuyên nghiệp, hiệu quả hơn”.

Còn theo Tổng Giám đốc Công ty Smartlog Việt Nam (doanh nghiệp logistics) Đỗ Huy Bình, bên cạnh giải pháp về công nghệ, giảm chi phí, đào tạo nguồn nhân lực…, vấn đề mấu chốt để phát triển ngành này là các doanh nghiệp logistics cần củng cố nội lực, liên kết để nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập với thế giới.

Từ góc độ quản lý nhà nước, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thanh Hải thông tin, Hà Nội đã ban hành Đề án “Quản lý và phát triển hoạt động logistics trên địa bàn đến năm 2025”. Mục tiêu là phát triển Hà Nội thành một trong ba trung tâm logistics lớn của cả nước và khu vực, đạt trình độ quốc tế, đóng góp ngày càng nhiều vào GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn), đáp ứng nhu cầu luân chuyển hàng hóa xuất, nhập khẩu, trung chuyển và nội địa.

Về cơ sở hạ tầng, Hà Nội sẽ xây dựng một trung tâm logistics hạng I (ở phía Bắc) và một trung tâm logistics hạng II (ở phía Nam), quy mô từ 20ha đến 50ha. Các trung tâm này kết nối các cảng cạn, cảng biển (như Hải Phòng, Hòn Gai, Cái Lân) và các cảng hàng không, bến xe, nhà ga, các khu công nghiệp... Đồng thời, xây dựng một trung tâm logistics chuyên dụng hàng không tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài hoặc có đường giao thông thuận tiện kết nối trực tiếp đến cảng hàng không.

Mục tiêu cụ thể, đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GRDP của thành phố đạt từ 9% đến 11%; tốc độ tăng trưởng dịch vụ đạt 17% đến 21%; tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 60% đến 65%; chi phí logistics giảm xuống tương đương 14% đến 17% GRDP của thành phố. Đến năm 2025, sẽ đưa vào khai thác một số hạ tầng dịch vụ logistics như 2 trung tâm logistics, 2 cảng cạn ICD, một cảng thủy công-ten-nơ (container) quốc tế, 5 trung tâm tiếp vận và một số hệ thống kho chuyên dụng.

Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng, kim ngạch xuất khẩu và thương mại nội địa liên tục tăng trưởng thì việc phát triển ngành logistics có vai trò hết sức quan trọng. Vì vậy, việc đầu tư công nghệ, phát triển hạ tầng, liên kết tạo thành mạng lưới các doanh nghiệp logistics lớn là vấn đề cần giải quyết trong thời gian tới để thúc đẩy lĩnh vực này trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Hà Nội cũng như cả nước.

QUANG MINH

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin.