Quyền sở hữu trí tuệ nói chung cũng như quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp nói riêng được xem là những công cụ hữu ích giúp phát huy sự sáng tạo, phát triển tư duy, nhận thức của mọi cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay với sự bùng nổ về công nghệ thông tin khiến cho việc bảo hộ, sử dụng quyền của người dân gặp nhiều khó khăn dẫn đến tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ diễn ra ngày càng nhiều, trở nên phức tạp khiến cho các cơ quan chức năng có thẩm quyền khó khăn trong việc kiểm soát, xử lý.
Chính vì vậy, bảo hộ sở hữu trí tuệ được coi là chìa khóa để ngăn chặn những hành vi cạnh tranh không lành mạnh, góp phần không nhỏ trong công cuộc phát triển kinh tế và phát huy các giá trị văn hóa, tinh thần của đất nước. Để thực hiện tốt hơn việc bảo vệ quyền về sở hữu trí tuệ chúng ta cần nắm rõ và hiểu về các quy định liên quan đến quyền tác giả và quyền sở hữu công nghiệp. Trên cơ cơ sở hiểu về các quyền liên quan đến quyền tác giả và quyền sở hữu công nghiệp để thấy được đặc điểm và sự giống nhau của các quyền này.
- Về khái niệm,quyền tác giả theo khoản 2 Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo hoặc sở hữu.
Quyền sở hữu công nghiệp theo khoản 4 Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ là quyền của tổ chức, cá nhân đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh.
- Về đối tượng bảo hộ của 02 quyền này có thể thấy, quyền tác giả được bảo hộ bao gồm: Tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học; đối tượng quyền liên quan đến quyền tác giả bao gồm cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hoá (khoản 1 Điều 3 Luật sở hữu trí tuệ). Trong khi đó đối tượng bảo hộ của quyền sở hữu công nghiệp được xác định bao gồm: Sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh (khoản 2 Điều 3 Luật sở hữu trí tuệ).
- Quyền tác giả có được tượng được bảo hộ theo quy định hiện hành bao gồm: Ccác đối tượng không được bảo hộ được quy định tại Điều 15 Luật sở hữu trí tuệ (Phụ lục số 1), Quyền sở hữu công nghiệp có các đối tượng không được bảo hộ được quy định tại các Điều 59, 64, 69, 77, 80 Luật sở hữu trí tuệ.
- Nội dung bảo hộ của quyền tác giả và quyền sở hữu công nghiệp được xác định, trong đó: Quyền tác giả có nội dung được bảo hộ là bảo hộ hình thức thể hiện của sự sáng tạo của tác phẩm không bảo hộ nội dung, ý tưởng; không cần phải được đánh giá và công nhận. Tác giả, chủ sở hữu tác phẩm có quyền nhân thân, quyền tài sản quy định tại Điều 19, 20 Luật sở hữu trí tuệ.
Quyền sở hữu công nghiệp có nội dung được bảo hộ là: Bảo hộ nội dung ý tưởng sáng tạo và uy tín thương mại; một số đối tượng phải được đánh giá và công nhận, một số đối tượng khác được xác định bảo hộ thông qua các vụ tranh chấp. Tác giả, chủ sở hữu có quyền tài sản, trường hợp sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí được bảo hộ cả quyền nhân thân quy định tại Điều 122, 123 Luật sở hữu trí tuệ.
- Về căn cứ phát sinh và xác lập đối với quyền tác giả được phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký (khoản 1 Điều 6 Luật Sở hữu trí tuệ). Trong khi đó Quyền sở hữu công nghiệp phát sinh tại từng thời điểm khác nhau tùy thuộc vào đối tượng được bảo hộ (khoản 3 Điều 6 Luật sở hữu tí tuệ), trong đó:
Quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý được xác lập trên cơ sở quyết định cấp văn bằng bảo hộ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo thủ tục đăng ký quy định tại Luật này hoặc công nhận đăng ký quốc tế theo quy định của điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; đối với nhãn hiệu nổi tiếng, quyền sở hữu được xác lập trên cơ sở sử dụng, không phụ thuộc vào thủ tục đăng ký;
Quyền sở hữu công nghiệp đối với tên thương mại được xác lập trên cơ sở sử dụng hợp pháp tên thương mại đó;
Quyền sở hữu công nghiệp đối với bí mật kinh doanh được xác lập trên cơ sở có được một cách hợp pháp bí mật kinh doanh và thực hiện việc bảo mật bí mật kinh doanh đó;
Quyền chống cạnh tranh không lành mạnh được xác lập trên cơ sở hoạt động cạnh tranh trong kinh doanh.
- Tìm hiểu về đặc điểm và sự khác, giống nhau giữa quyền tác giả và quyền sở hữu công nghiệp không thể không phân tích và nắm rõ các điều kiện bảo hộ đối với 02 loại quyền nào, cụ thể:
+ Quyền tác giả: Tác phẩm là kết quả sáng tạo trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật, khoa học; phải được thể hiện dưới hình thức vật chất nhất định (có ngoại lệ khoản 3 Điều 18 Nghị định 22/2018); không thuộc các trường hợp không được bảo hộ tại Điều 15 Luật sở hứu trí tuệ 2005.
+ Quyền sở hữu công nghiệp có điều kiện bảo hộ được quy định rõ đối với từng loại hình sở hữu, gồm:
Sáng chế: có tính mới, tính sáng tạo, khả năng áp dụng công nghiệp (Điều 58 Luật sở hữu trí tuệ)
Kiểu dáng công nghiệp: có tính mới, tính sáng tạo, khả năng áp dụng công nghiệp (Điều 63 Luật sở hữu trí tuệ)
Nhãn hiệu: Là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều mầu sắc; có khả năng phân biệt hàng hoá, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hoá, dịch vụ của chủ thể khác (Điều 72 Luật sở hữu trí tuệ)
Tên thương mại: có khả năng phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên thương mại đó với chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh (Điều 76 Luật sở hữu trí tuệ)
Chỉ dẫn địa lý: Sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý có nguồn gốc địa lý từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc nước tương ứng với chỉ dẫn địa lý; sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý có danh tiếng, chất lượng hoặc đặc tính chủ yếu do điều kiện địa lý của khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc nước tương ứng với chỉ dẫn địa lý đó quyết định (Điều 79 Luật sở hữu trí tuệ)
Thiết kế bố trí: có tính nguyên gốc, tính thương mại (Điều 68 Luật sở hữu trí tuệ)
Bí mật kinh doanh: Không phải là hiểu biết thông thường và không dễ dàng có được; khi được sử dụng trong kinh doanh sẽ tạo cho người nắm giữ bí mật kinh doanh lợi thế so với người không nắm giữ hoặc không sử dụng bí mật kinh doanh đó; được chủ sở hữu bảo mật bằng các biện pháp cần thiết để bí mật kinh doanh đó không bị bộc lộ và không dễ dàng tiếp cận được (Điều 84 Luật sở hữu trí tuệ).
Để làm rõ hơn về những quy định pháp luật hiện hành về quyền tác giả và quyền sở hữu công nghiệp đòi hỏi phải có sự nghiên cứu chuyên sâu về các quy định pháp luật đối với 02 quyền sở hữu này trong quyền sở hữu trí tuệ.
Thanh Vân – Hà Trung