Thực hiện Kế hoạch triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xử lý vi phạm hành chính ban hành kèm theo Quyết định số 126/QĐ-TTg ngày 26/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ, BCT được giao chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng Dự thảo “Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất và vật liệu nổ công nghiệp; điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; hoạt động dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí” (gọi tắt là Dự thảo).
Ngày 09/03/2021, Bộ trưởng BCT đã ban hành Quyết định số 811/QĐ-BCT về việc thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập nghị định. Ban soạn thảo, Tổ biên tập đã triển khai các hoạt động nghiên cứu, xây dựng Dự thảo Nghị định theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Sau khi tiếp thu ý kiến góp ý của các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, cá nhân và ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, Bộ Công Thương ban hành Dự thảo để kính trình Thủ tướng chính phủ và người dân xem xét, góp ý.
Dự thảo dự kiến sửa đổi, bổ sung 18 nhóm nội dung. Dự thảo chủ yếu tập trung vào sửa đổi, bổ sung thẩm quyền của các chức danh chủ tịch UBND các cấp, công an, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển, hải quan, thanh tra, quản lý thị trường, Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh quốc gia phù hợp với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Quy định về một số hành vi vi phạm trong lĩnh vực xúc tiến thương mại, thương mại điện tử, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng được sửa đổi để bảo đảm phù hợp với quy định quản lý nhà nước và xác định dễ dàng hơn trong xử phạt vi phạm hành chính.
Tăng mức xử phạt với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm
Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26 tháng 8 năm 2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Điều 3 như sau:
“Sửa đổi điểm a khoản 4 và bổ sung khoản 5 Điều 4 như sau:
a) Sửa đổi điểm a khoản 4 Điều 4 như sau:
“a) Mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực thương mại là 100.000.000 đồng đối với cá nhân và 200.000.000 đồng đối với tổ chức; mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là 200.000.000 đồng đối với cá nhân và 400.000.000 đồng đối với tổ chức;”
Như vậy, mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại là 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức; mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là 200 triệu đồng đối với cá nhân và 400 triệu đồng đối với tổ chức.
Thẩm quyền xử phạt của các cơ quan chức năng
Theo dự thảo, với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, thẩm quyền xử phạt của chủ tịch UBND các cấp như sau:
- Chủ tịch UBND cấp xã: có quyền phạt cảnh cáo; Phạt tiền đến 5 triệu đồng; và Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 02 lần mức tiền phạt;
- Chủ tịch UBND cấp huyện: có quyền phạt cảnh cáo; Phạt tiền đến 50-100 triệu đồng đối với các hành vi vi phạm; Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; và Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;
- Chủ tịch UBND cấp tỉnh: có quyền phạt đến mức tối đa theo quy định tại Nghị định này;
Về thẩm quyền xử phạt của Quản lý thị trường
Theo dự thảo, kiểm soát viên thị trường đang thi hành công vụ có quyền phạt cảnh cáo và phạt tiền đến 500.000 đồng.
Đội trưởng đội quản lý thị trường, trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục Nghiệp vụ quản lý thị trường: có quyền phạt cảnh cáo; Phạt tiền đến 25 triệu đồng; Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 02 lần mức tiền phạt.
Cục trưởng cục quản lý thị trường cấp tỉnh, Cục trưởng Cục Nghiệp vụ quản lý thị trường trực thuộc Tổng cục Quản lý thị trường: có quyền phạt cảnh cáo; Phạt tiền đến 50 triệu đồng; Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; và Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn…
Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường có quyền phạt đến mức tối đa quy định tại Nghị định này
Ngoài ra, dự thảo cũng đề xuất về thẩm quyền xử phạt của công an nhân dân, hải quan, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển, thanh tra, Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh quốc gia …
NGUYỄN LAN (tổng hợp)