ST25 VÀ CÂU CHUYỆN XÂY DỰNG, BẢO HỘ THƯƠNG HIỆU

(PLBQ). Xây dựng thương hiệu và bảo vệ thương hiệu, bảo vệ thành quả sáng tạo xoay quanh câu chuyện gạo ST25 là bài học rất mới cho nhiều thương hiệu đã và đang trên đường khẳng định giá trị trên thị trường.

Bảo vệ thành quả sáng tạo

Gạo ST25 – hay còn được gọi là gạo thơm Sóc Trăng, thu được từ giống lúa ST25 – là thành quả nghiên cứu và sáng tạo của kỹ sư Hồ Quang Cua cùng nhóm nghiên cứu trong suốt 12 năm ròng rã. Giống ST25 là thế hệ mới nhất của dòng lúa thơm lừng danh với nhiều phẩm chất được xếp vào hàng "thượng hạng". Chất lượng của gạo ST25 đã được công nhận trên trường quốc tế khi xuất sắc đạt danh hiệu "Gạo ngon nhất thế giới" tại cuộc thi World's Best Rice năm 2019 được tổ chức tại Manila, Philippines và giành giải nhì cũng tại cuộc thi nêu trên vào năm 2020 khi tổ chức tại Hoa Kỳ, điều này đã khẳng định phẩm cấp thượng hạng của hạt gạo Việt Nam. Giống lúa mới ST25 do nhóm tác giả là Kỹ sư Hồ Quang Cua và nhóm nghiên cứu tạo ra đã được đăng ký bảo hộ là Giống cây trồng mới theo Quyết định số 45/QĐ-TT-VPBH do Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNN cấp ngày 06/3/2020.

(bản sao Văn bằng bảo hộ giống cây trồng ST25 của Kỹ sư Hồ Quang Trí, sưu tầm trên mạng internet)

Gần đây, báo chí đồng loạt đưa tin gạo ST25 của ông Hồ Quang Cua bị đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Hoa Kỳ bởi một số doanh nghiệp Mỹ, tin tức này nhanh chóng được lan truyền rộng rãi và nhận được vô vàn sự quan tâm từ phía dư luận. Nhiều người lo sợ rằng, đây là nguy cơ hiện hữu của việc mất “thương hiệu” “gạo ST25”, được coi là thương hiệu quốc gia, vào tay các doanh nghiệp Mỹ, dẫn đến việc doanh nghiệp Việt Nam không xuất khẩu được loại gạo này vào thị trường Hoa Kỳ. Qua kiểm tra sơ bộ tại cơ sở dữ liệu nhãn hiệu của Cục Sở hữu trí tuệ cho thấy hiện có khoảng 10 đơn đăng ký nhãn hiệu có chứa dấu hiệu ST25 đã được nộp tại Cục Sở hữu trí tuệ cho sản phẩm gạo (nhóm 30). Trong số các đơn nhãn hiệu chứa dấu hiệu “ST25” này không có đơn nào đứng tên chủ đơn là ông Hồ Quang Cua, tác giả của giống gạo ST25 theo Bằng bảo hộ giống cây trồng số 21.VN.2020 do Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNN cấp ngày 06/3/2020. Các đơn này đều đang trong quá trình thẩm định tại Cục SHTT, chưa đơn nào được cấp văn bằng bảo hộ.

Đồng thời, qua tra cứu sơ bộ tại cơ sở dữ liệu nhãn liệu của Cơ quan Sáng chế và Nhãn hiệu Hoa Kỳ (USPTO) cho thấy hiện có 05 đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu có chứa dấu hiệu “ST25” đã được nộp tại Hoa Kỳ xin bảo hộ cho sản phẩm gạo (nhóm 30) trong năm 2020.

(kết quả tra cứu các đơn đăng ký nhãn hiệu chứa “ST25” tại Cơ quan đăng ký sáng chế và nhãn hiệu Hoa Kỳ)

Hiện nay, tất cả các đơn nộp tại Việt Nam và Hoa Kỳ trên đều đang được Cục Sở hữu trí tuệ và USPTO thẩm định, tức là vẫn chưa có một nhãn hiệu nào được cấp văn bằng bảo hộ. Vậy vấn đề pháp lý được đặt ra là, liệu nhãn hiệu gạo ST25 có thể được đăng ký bảo hộ ở Mỹ, ở Việt Nam hay ở các quốc gia khác hay không? Liệu “thương hiệu” “gạo ST25” có khả năng bị mất vào tay các cá nhân, doanh nghiệp nước ngoài hay không?

Vấn đề pháp lý

Hiện nay, giống gạo ST25 mới chỉ được cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng tại Việt Nam cho tác giả Hồ Quang Cua và đồng tác giả Trần Tấn Phương, Nguyễn Thị Thu Hương do Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí làm chủ sở hữu. Ngoài Bằng bảo hộ giống cây trồng tại Việt Nam, chưa có bất kỳ văn bằng bảo hộ nhãn hiệu nào được cấp đối với các nhãn hiệu chứa dấu hiệu “ST25” là tên của giống cây trồng mới cho cây lúa (gạo) ở Việt Nam.

Do Luật SHTT Việt Nam (Điều 163) đã quy định nghĩa vụ sử dụng tên giống cây trồng được ghi trong Văn bằng bảo hộ, nên các cá nhân, tổ chức sử dụng giống lúa ST25 để trồng cấy, các cá nhân, tổ chức kinh doanh gạo được trồng từ giống lúa ST25 đều phải sử dụng tên gọi “gạo ST25”. Vì thế, gạo ST25 được coi là tên gọi thông thường của hàng hóa, cũng giống như tên gọi của “gạo nếp”, “gạo bắc hương”, “gạo tám” v.v., đều không thể đăng ký bảo hộ dưới dạng nhãn hiệu theo quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 72 Luật SHTT. Do vậy, trong trường hợp cụ thể này, bất kỳ ai, kể cả Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí là chủ sở hữu giống giống gạo ST25, đều không thể được bảo hộ nhãn hiệu độc quyền đối với dấu hiệu là tên gọi “ST25” cho sản phẩm gạo (thuộc nhóm 30) tại Việt Nam.

Tương tự như Việt Nam, pháp luật Hoa Kỳ và các quốc gia khác cũng có quy định tên gọi thông thường của sản phẩm/dịch vụ sẽ không được bảo hộ làm nhãn hiệu vì nó không có chức năng phân biệt của nhãn hiệu. Theo đó, USPTO đã có thông báo dự định từ chối ngày 20/11/2020 đối với nhãn hiệu “VIETNAM'S ST25 RICE, DAC SAN SOC TRANG” theo đơn đăng ký số 90151727 nộp ngày 1/9/2020 của Công ty Transword Foods, Inc tại Hoa Kỳ với lý do: chữ “RICE” (có nghĩa là “gạo”) chỉ đơn thuần thể hiện tên gọi chung của sản phẩm hàng hóa và “ST25” là tên gọi riêng một loại gạo cụ thể, do đó “ST25 RICE” bị coi là dấu hiệu mô tả sản phẩm (gạo, nhóm 30) đăng ký bảo hộ theo nhãn hiệu này.

Như vậy, tại Hoa Kỳ, dấu hiệu “gạo ST25” cũng không đáp ứng quy định về bảo hộ nhãn hiệu độc quyền vì nó không có chức năng của nhãn hiệu (là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ cùng loại của các nhà sản xuất khác nhau). Do đó, về nguyên tắc, nếu muốn bảo hộ nhãn hiệu thì chủ sở hữu giống lúa ST25 và các doanh nghiệp khác kinh doanh sản phẩm này cần thiết kế nhãn hiệu mới, có thể bằng cách bổ sung thêm dấu hiệu chữ hoặc dấu hiệu hình hoặc dấu hiệu kết hợp chữ và hình có tính phân biệt cùng với tên gọi giống lúa ST25 hiện nay, ví dụ như “ST25 Hồ Quang Cua”, “ST25 Hồ Quang Trí” hoặc “Quang Minh ST25”, v.v..

Qua câu chuyện trên, có thể thấy rằng mặc dù gạo ST25 đã đoạt giải tại cuộc thi World's Best Rice trong 2 năm liên tiếp, tuy nhiên việc thiết kế, đăng ký bảo hộ và quảng bá cho nhãn hiệu gắn trên sản phẩm gạo này chưa có chiến lược cụ thể và rõ ràng.

Thông điệp cho các doanh nghiệp thông qua vụ việc này

Qua vụ việc trên, các doanh nghiệp Việt có thể rút ra một số thông điệp và bải học có thể hữu ích sau:

Thứ nhất, vì nhãn hiệu cũng như các đối tượng khác của quyền sở hữu trí tuệ như giống cây trồng, là tài sản trí tuệ của cá nhân và doanh nghiệp tạo ra nó và chỉ có thể được xác lập quyền trên cơ sở đăng ký, nên việc đăng ký bảo hộ càng sớm càng tốt là vô cùng quan trọng.

Thứ hai, việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ với mục đích là xác lâp quyền sở hữu, là bước quan trọng nhất trong việc xây dựng thương hiệu, bảo vệ tài sản trí tuệ (tài sản vô hình) cho chính nên nó phải là trách nhiệm, công việc của chính doanh nghiệp, chứ không phải ai khác. Do đó, các các doanh nghiệp, cá nhân cần chủ động thực hiện việc đăng ký, không ỷ lại, trông chờ vào bất kỳ cơ quan, tổ chức nào khác.

Thứ ba, để tránh việc bị đánh cắp hoặc chiếm đoạt nhãn hiệu hay các tài sản trí tuệ khác, doanh nghiệp cần tiến hành thủ tục tra cứu và đăng ký bảo hộ trước khi đưa sản phẩm ra thị trường trong nước và nước ngoài. Việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu (thương hiệu) chỉ có hiệu lực theo lãnh thổ và theo pháp luật của từng quốc gia đăng ký, nghĩa là, nhãn hiệu đăng ký bảo hộ tại nước nào thì quyền độc quyền nhãn hiệu chỉ có hiệu lực ở quốc gia đó. Do đó, các doanh nghiệp cần có chiến lược đăng ký bảo hộ nhãn hiệu ở nước ngoài trước khi xuất khẩu hoặc tiến hành kinh doanh tại nước đó để tránh việc nhãn hiệu bị bên thứ ba chiếm đoạt, đăng ký trước dẫn đến mất nhãn hiệu ở nước đó ở thị trường nước ngoài.

Thứ tư, thời gian và chi phí đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trước khi xảy ra tranh chấp luôn ít và tiết kiệm hơn thời gian và chi phí cho việc giải quyết tranh chấp để lấy lại quyền sở hữu trí tuệ.

Cuối cùng, đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là việc tạo dựng quyền sở hữu đối với tài sản vô hình (tài sản trí tuệ), tạo dụng công cụ bảo vệ thị phần và là công cụ marketing hữu hiệu để cạnh tranh trên thị trường, đặc biệt là thị trường nước ngoài. Sự thật hiển nhiên là, trong thời đại này, không có công ty nào thành công mà không gắn liền với một thương hiệu nổi tiếng và các quyền sở hữu trí tuệ có giá trị.

Nguyễn Trần Tuyên, Giám đốc Công ty Luật TNHH ELITE

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin.