Sửa đổi, bổ sung Luật sở hữu trí tuệ tạo động lực sáng tạo (Kỳ 2)

Ky Anh

(PLBQ). Ủy ban thường vụ quốc hội (UBTVQH) đang cho ý kiến để tiến hành sửa đổi Luật sở hữu trí tuệ khi xuất hiện những bất cập trong thực tiễn nhằm thúc đẩy đổi mới, sáng tạo của các tổ chức, cá nhân

>> Những điểm mới nổi bật trong dự thảo sửa đổi luật sở hữu trí tuệ

>> Pháp luật một số quốc gia về xử hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu và tham khảo cho Việt Nam

>> Chặng đường xây dựng và phát triển chính sách, pháp luật về sở hữu trí tuệ

Một số bất cập của luật sở hữu trí tuệ hiện nay

Chưa cụ thể các quy định liên quan đến công nghệ

Nhiều quy định về thực thi quyền sở hữu trí tuệ trên nền tảng số hay xử lý vi phạm pháp luật sở hữu trí tuệ thuộc lĩnh vực này còn chưa được cụ thể, rõ ràng, gây khó khăn cho các cơ quan thực thi trong xử lý.

Thuật ngữ chưa được hài hòa với pháp luật quốc tế

Một số thuật ngữ luật gây ra những bất cập, có khác biệt với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Ví dụ như quy định về theo điều ước quốc tế mà chúng ta tham gia thì “người biểu diễn có các quyền nhân thân và các quyền tài sản đối với cuộc biểu diễn”, trong khi Điều 29 Luật Sở hữu trí tuệ lại quy định “… trong trường hợp người biểu diễn không đồng thời là chủ đầu tư thì người biểu diễn có các quyền nhân thân và chủ đầu tư có các quyền tài sản đối với cuộc biểu diễn”. Điều này dẫn đến việc hạn chế quyền của người biểu diễn, đồng thời gây nhầm lẫn giữa quyền của người biểu diễn và bên đầu tư.

Quy định về thủ tục, quy trình, xử lý khiếu nại rườm rà, chưa minh bạch

Hơn nữa, thủ tục và thời gian đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam từ lúc nộp hồ sơ đến khi được cấp văn bằng bảo hộ đang là 12 tháng, tuy nhiên, thực tế có thể kéo dài lên đến từ 18 – 24 tháng, thậm chí gần 36 tháng. Chủ yếu do số lượng đơn đăng ký nhãn hiệu quá nhiều dẫn đến việc xử lý và thẩm định đơn bị kéo dài thời gian. Hơn nữa, việc không kiểm tra trước khi đăng ký bảo hộ dẫn đến phải sửa đổi, bổ sung cũng khiến thời gian được chấp thuận kéo dài.

Quy trình đăng ký bảo hộ nhãn hiệu theo luật hiện hành

Điều này khiến các doanh nghiệp không muốn đăng ký, do dự, không dám phát triển, đưa vào sản xuất hàng loạt sản phẩm dập mang nhãn hiệu công ty vì không biết có được cấp văn bằng bảo hộ hay không. Nhiều trường hợp tạo được uy tín lại bị bên khác đăng ký bảo hộ trước, làm mất uy tín.

Thêm nữa, các quy định về thời hạn tiếp nhận và xử lý ý kiến của người thứ ba quá dài và không tách bạch giữa việc cung cấp thông tin về đơn và phản đối đơn.

Nguyên nhân cần thiết có sự thay đổi luật sở hữu trí tuệ

Nâng cao nhận thức, tạo hành lang pháp lý kích thích sáng tạo

Ngày càng nhiều sản phẩm sở hữu trí tuệ được phát minh bởi người Việt và được sử dụng rộng rãi trên toàn cầu. Việc sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ vào năm 2009 và 2019 không đáng kể, chưa đáp ứng được với tình hình thực tiễn. Sự thay đổi là cần thiết để đảm bảo tối đa quyền lợi cũng như khuyến khích việc nghiên cứu, đổi mới sáng tạo. Có những quy định rõ ràng, chính xác, đầy đủ trong bảo hộ, khai thác tài sản trí tuệ là bộ khiên vững chắc để bảo vệ sản phẩm trí tuệ không chỉ trong nước mà cả trên trường quốc tế.

Cha đẻ của máy ATM là người Việt Nam (Nguồn: Báo Lao động)

Bắt kịp xu hướng phát triển công nghệ

Cùng với tốc độ phát triển nhanh của nền kinh tế, việc chủ động tham gia đổi mới nhằm chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phát triển nhanh, bền vững dựa chủ yếu vào khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Chính vì vậy việc chú trọng về bảo hộ sở hữu trí tuệ trên nền tảng số cũng cần được hoàn thiện, trong đó có một số thủ tục đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp trực tuyến, tra cứu khả năng bảo hộ trực tuyến, tra cứu cơ sở dữ liệu nhãn hiệu hàng hóa, kiểu dáng công nghiệp trực tuyến cần được cập nhật nhanh, chính xác hơn.

Phù hợp với các hiệp định thương mại quốc tế

Hiện nay, Việt Nam đang tích cực hợp tác, hội nhập kinh tế sâu rộng thông qua việc tham gia vào nhiều cam kết quốc tế cả song phương và đa phương. Chính vì vậy mà về mặt pháp lý, chúng ta đang hướng đến việc nâng cao mức độ bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ nhằm hài hòa hóa với quy định đã thỏa thuận, nhất là các hiệp định với các cường quốc lớn, nơi mà pháp luật về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ luôn được đề cao, như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA). Những cam kết quốc tế này đòi hỏi việc nội luật hóa thông qua sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ.

Định hướng sửa đổi, bổ sung Luật sở hữu trí tuệ của UBTVQH

Tên luật sau sửa đổi được xác định là “Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ”

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 93 điều (trong đó bổ sung 12 điều, sửa đổi 81 điều) và bãi bỏ 01 điều, nâng tổng số điều của Luật Sở hữu trí tuệ sau khi sửa đổi lên 233 điều, thuộc 7 nhóm chính sách[1].

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định kết luận nội dung thảo luận (Ảnh: quochoi.vn)

Thay đổi quy định về quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí

Theo đó, tổ chức chủ trì nghiên cứu có quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí (là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước) và có quyền sở hữu sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí khi được cấp văn bằng bảo hộ, trừ các đối tượng thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh vẫn do các cơ quan nhà nước thực hiện đăng ký. Đồng thời yêu cầu tiếp thu, giải trình, làm rõ việc áp dụng cơ chế này đối với nhóm quyền tác giả, quyền liên quan, đối với giống cây trồng; làm rõ hơn cơ chế phân chia hợp lý lợi ích giữa Nhà nước, cơ quan chủ trì và tác giả theo tinh thần Nghị quyết 20 của Đảng và tiếp tục rà soát các luật có liên quan để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất.

Về hình thức xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Giữ nguyên quy định của pháp luật hiện hành (điểm a khoản 1 Điều 211 quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gây thiệt hại cho tác giả, chủ sở hữu, người tiêu dùng hoặc cho xã hội). Theo đó, áp dụng biện pháp xử phạt hành chính đối với tất cả các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Bổ sung các nội dung mới cho phù hợp với thực tiễn

Làm rõ thêm vấn đề tiếp tục cải cách thủ tục hành chính trong đăng ký quyền sở hữu công nghiệp; rà soát thêm các nội dung về chuyển đổi số, về tài sản trí tuệ, trí tuệ nhân tạo, kiểm soát an ninh khi chuyển giao công nghệ ra nước ngoài.

Những chỉnh sửa, bổ sung Luật sở hữu trí tuệ là rất cần thiết để tạo đà phát triển, hội nhập kinh tế toàn cầu cho Việt Nam. Khi có một hành lang pháp lý vững chắc thì việc xác lập, khai thác và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ sẽ được cải thiện từ đó thúc đẩy các cá nhân, tổ chức hoạt động sáng tạo, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, thu hút đầu tư nước ngoài, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Lưu ý: Bài viết dựa trên quan điểm khoa học và thực tiễn, không nhằm quảng bá cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào.

Ngọc Hà


[1] https://phapluatbanquyen.phaply.vn/nhung-diem-moi-noi-bat-trong-du-thao-sua-doi-luat-so-huu-tri-tue-bv570/

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin.