Sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định về xử phạt VPHC trong lĩnh vực SHCN và chuyển giao công nghệ

Ky Anh

(PLBQ). Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp (SHCN); tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa; hoạt động khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ; năng lượng nguyên tử.

Thực hiện quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2020) và Quyết định số 126/QĐ-TTg ngày 26/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ KHCN được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định về xử phạt VPHC trong lĩnh vực SHCN; tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa; hoạt động KHCN, chuyển giao công nghệ; năng lượng nguyên tử.

Dự thảo đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điểm, khoản tại các điều của Nghị định số 99/2013/NĐ-CP ngày 29/8/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực SHCN và Nghị định số 51/2019/NĐ-CP ngày 13/6/2019 của Chính phủ quy định xử phạt VPHC trong hoạt động KHCN, chuyển giao công nghệ.

Đối với lĩnh vực SHCN

Qua thực tiễn tổ chức thực hiện Nghị định số 99/2013/NĐ-CP ban hành từ năm 2013, Bộ KHCN nhận thấy đã phát sinh một số khó khăn, vướng mắc. Cụ thể như sau:

- Nghị định số 99/2013/NĐ-CP chưa quy định xử phạt đối với hành vi xuất khẩu  tuy nhiên Luật Hải quan năm 2014 (Điều 74) quy định thủ tục đề nghị kiểm tra, giám sát, tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu.

Theo đó, Dự thảo Nghị định mới sẽ bổ sung thêm quy định xử phạt đối với hành vi “Nhập khẩu, xuất khẩu hàng hóa mang dấu hiệu xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại, kiểu dáng công nghiệp”.

- Quy định hiện hành tại Nghị định số 99/2013/NĐ-CP không phù hợp khi vừa áp dụng xử phạt bổ sung tịch thu tang vật và vừa áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc tiêu hủy hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý.

Vì thế, Dự thảo mới sửa đổi, bổ sung điểm b, c, d khoản 3 Nghị định 99/2013/NĐ - CP như sau:

“b) Buộc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại đối với hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý sau khi đã loại bỏ yếu tố vi phạm trên hàng hóa với điều kiện không làm ảnh hưởng đến khả năng khai thác quyền của chủ thể quyền SHCN và không gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường;

c) Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam đối với hàng hóa quá cảnh xâm phạm quyền SHCN hoặc buộc tái xuất đối với hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý nhập khẩu sau khi đã loại bỏ yếu tố vi phạm trên hàng hóa. Trong trường hợp không thể áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc tái xuất thì áp dụng biện pháp buộc tiêu hủy;

d) Buộc tiêu hủy hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý trong trường hợp hàng hóa vi phạm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường; tem, nhãn, vật phẩm mang nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý giả mạo; tem, nhãn, bao bì, vật phẩm khác mang yếu tố vi phạm; văn bằng bảo hộ, giấy chứng nhận hoặc tài liệu khác bị sửa chữa, tẩy xóa hoặc giả mạo;”.

- Quy định hiện hành tại Nghị định số 99/2013/NĐ-CP về hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện VPHC và đình chỉ hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ vi phạm không phù hợp khi áp dụng cho tất cả các hành vi vi phạm mà không quy định điều kiện, tiêu chí áp dụng.

Để sửa đổi lại, Dự thảo mới đã chỉ rõ trường hợp vi phạm nghiêm trọng được thực hiện do lỗi cố ý đối với các hành vi quy định tại Điều 12 của Nghị định 99/2013/ NĐ-CP thì bị áp dụng hình phạt các hình thức xử phạt là: Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, bao gồm hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý; nguyên liệu, vật liệu, phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh, hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý.

- Quy định hiện hành tại Nghị định số 99/2013/NĐ-CP về biện pháp xử phạt bổ sung và khắc phục hậu quả không phù hợp khi liệt kê tất cả các biện pháp tại các Điều 8, Điều 10, Điều 11, Điều 12, Điều 13, Điều 14. Do đó, dự thảo mới quy định rõ ràng và chi tiết hơn để thuận tiện hơn cho cơ quan chức năng cũng như người dân nắm rõ để tuân thủ và áp dụng.

Một số quy định tại Điều 6, Điều 27 của Nghị định 99/2013/NĐ-CP cũng cần sửa đổi, bổ sung để phù hợp tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, bản chất của quan hệ dân sự và thực tiễn áp dụng, thi hành.

Đối với lĩnh vực hoạt động KHCN, chuyển giao công nghệ

Tương tự, Dự thảo năm 2021 cũng thực hiện sửa đổi với Nghị định số 51/2019/NĐ-CP ngày 13/6/2019 của Chính phủ quy định xử phạt VPHC trong hoạt động KHCN, chuyển giao công nghệ.

Qua thực tiễn triển khai công tác thanh tra KHCN cho thấy, hầu hết các tổ chức KHCN và các nhiệm vụ KHCN được thanh tra đều chưa thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ việc công khai thông tin nhiệm vụ KHCN. Một trong những nguyên nhân của thực trạng này là chưa có chế tài xử phạt đối với việc thực hiện quy định về công khai thông tin nhiệm vụ KHCN.

Do đó, cần bổ sung hình thức xử phạt đối với hành vi không thực hiện công khai hoặc công khai thông tin nhiệm vụ KHCN sử dụng ngân sách Nhà nước không đúng quy định.

Đối với hành vi “Không thực hiện hoặc thực hiện công khai thông tin nhiệm vụ KHCN sử dụng Ngân sách Nhà nước không đúng quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”, dự thảo đề xuất bổ sung phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng.

Dự thảo Nghị định cũng bổ sung biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi chuyển giao công nghệ nhưng không có Giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ, nhằm phù hợp với quy định và xu hướng khuyến khích, thúc đẩy đầu tư, chuyển giao. Bên cạnh đó, theo yêu cầu của thực tiễn, quy định tổ chức KHCN báo cáo không đúng tình hình hoạt động cũng cần được sửa đổi theo hướng quy định rõ ràng.

Cụ thể, bổ sung khoản 3 Điều 25 Biện pháp khắc phục hậu quả là “Buộc đăng ký cấp giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ đối với hành vi chuyển giao công nghệ” từ nước ngoài vào Việt Nam nhưng không có giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ.

Dự thảo cũng bổ sung Khoản 11, Khoản 12 và Khoản 13 vào Điều 4 Biện pháp khắc phục của Nghị định số 51/2019/NĐ-CP.

NGUYỄN LAN (tổng hợp)

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin.