Tái thiết đời sống người lao động hậu COVID-19: Đừng để thuế trở thành một gánh nặng

Thúy Nguyễn

Việt Nam đang có một vài ý kiến đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với một số mặt hàng chịu thuế TTĐB. Tuy nhiên, trong bối cảnh hậu COVID-19 và những tác động mới nhất của xung đột chính trị Nga - Ukraine tới nền kinh tế nước ta, việc tăng thuế TTĐB vào thời điểm này nếu không cân nhắc kỹ càng có thể gây ra lợi bất cập hại, sẽ chỉ làm cho cuộc sống người lao động, công nhân, nông dân… thêm khó khăn chồng chất.

Theo Bộ Công thương, nhiều hàng hóa thiết yếu phục vụ sản xuất, kinh doanh và đời sống đã bị ảnh hưởng trực tiếp do dịch bệnh, xung đột vũ trang tại Ukraine. Vì thế Bộ Công Thương đã yêu cầu các cơ quan quản lý thị trường phải định kỳ báo cáo 2 lần/tuần để Bộ cập nhật tình hình.

Khó khăn tứ phía

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, trong tháng 2/2022, giá xăng dầu đã tăng thêm 5,8%; giá thực phẩm, lương thực tăng thêm 0,35% so với tháng 1. Đây là những nhân tố chính khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 1%, và có thể còn tăng cao hơn nữa trong những tháng sắp tới do những bất ổn kinh tế, chính trị, đặc biệt khi giá dầu thô trên thị trường thế giới vượt 120 USD/thùng, gây áp lực rất lớn lên lạm phát của Việt Nam. Giá xăng dầu đang đánh trực tiếp vào chi phí sản xuất trong nước và túi tiền vốn đã eo hẹp của nhiều gia đình, bởi hàng ngày, ai cũng phải bươn bả đi làm, đưa con đi học…, đâu thể vì xăng dầu tăng giá phi mã mà tiết kiệm ngồi nhà. 

anh-1646899964.jpg
Nhiều doanh nghiệp lao đao hậu COVID-19 khiến đời sống công nhân ngày càng trở nên khó khăn

Dịch ập đến, các doanh nghiệp, nhà máy lao đao trong suốt hai năm qua, không đủ đơn hàng khiến họ phải cắt giảm nhân sự, giảm lương, giảm giờ tăng ca… khiến bức tranh đời sống của người công nhân thêm ảm đạm. Nhiều gia đình đã theo dòng người cuồn cuộn hồi hương, nhưng cũng có người quyết ở lại bám trụ các thành phố lớn để chờ các doanh nghiệp hồi phục, nhưng càng chờ càng… khó khăn khi những con số lạnh lùng về số lượng doanh nghiệp đóng cửa ngày càng tăng. Việc đưa các doanh nghiệp mạnh mẽ trở lại đường đua vẫn còn là thách thức lớn và Chính phủ đã liên tục yêu cầu các bộ ngành có những gói giải pháp thiết thực để đồng hành cùng doanh nghiệp vượt sóng 2022.

Tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến khó lường, phức tạp với những chủng mới, các triệu chứng hậu Covid kéo dài và số ca mắc tăng mạnh trong thời gian gần đây với một số hạn chế đang được cân nhắc để áp dụng. Thêm nữa, lạm phát toàn cầu tăng cao, một số đồng tiền chủ chốt của kinh tế thế giới như đô la Mỹ, Euro đang mất giá có thể cho thấy sự hồi phục của các doanh nghiệp cũng như nền kinh tế sẽ còn diễn ra rất chậm chạp với nhiều khó khăn, thách thức trong một vài năm tới. 

Nông dân lao đao

Anh Nông Văn Cánh (buôn Kơnia, xã Iatrok, huyện Iapa, Gia Lai) là nông dân tham gia trồng thuốc lá đã gần 10 năm. Suốt thời gian ấy, anh cho biết diễn biến giá cả và sản lượng thu mua thuốc lá ít biến động đã mang lại thu nhập ổn định và đủ sống cho gia đình anh gồm 4 nhân khẩu. 
 
 

a2-1646987414.jpg
Anh Nông Văn Cánh chia sẻ hy vọng “được mùa, được giá" trên cánh đồng lá của gia đình

Năm 2020, dịch Covid-19 xuất hiện làm gián đoạn nhiều kế hoạch trồng trọt bởi anh không thể thuê được công hoặc nếu có thì giá cũng rất cao, từ đó làm chẳng còn có lời. Giãn cách xã hội lại khiến anh không thể ra đồng ruộng để chăm sóc và tưới nước. Kết quả là sản lượng sụt giảm, gia đình anh chỉ có thể hòa vốn, cuộc sống trở nên khó khăn. Sự bấp bênh khiến anh Cánh phải thu hẹp diện tích trồng. “Năm nay tôi mong các công ty hồi phục, hỗ trợ thu mua lá thuốc như thời kì trước dịch cho bà con nông dân được nhờ,” anh Cánh chia sẻ.

Ở một vùng kế bên, chị Siu H Iêm (Buôn Jứ, xã Iabroai, huyện Iapa, Gia Lai) là một trong những hộ nông dân trồng thuốc lá lâu năm của vùng. Với 1,8 ha, mỗi năm gia đình chị thu được khoảng 120 triệu đồng, trang trải cho 4 miệng ăn... Tuy nhiên, từ năm ngoái, khi dịch Covid–19 bùng phát, gia đình chị tuy đã nỗ lực về công lao động nhưng vật tư bị gián đoạn. Vài mảnh ruộng bị sâu hại tàn phá và chị Siu H Iêm đành bất lực chứ không thể xử lý được. “Chúng tôi không mong ước gì hơn là hết giãn cách, trở lại cuộc sống bình thường thì có điều kiện chăm sóc cây trồng tốt hơn để phục hồi sản lượng và thu nhập”, chị Siu H Iêm bộc bạch. Tuy nhiên, giá dầu tưới, phân bón, công lao động tăng khiến mong đợi này của chị và nhiều nông dân khó thành sự thật. Cùng đó, các đơn vị thu mua cũng đang đứng trước nỗi lo tăng thêm chi phí nếu đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá được khởi động và thông qua. 

Theo các chuyên gia, để cân đối chi phí đầu ra - đầu vào khi doanh thu giảm bởi nhu cầu thị trường có sự dịch chuyển về xu hướng sử dụng của người tiêu dùng mỗi khi thuế tăng cao từ thuốc lá hợp pháp sang thuốc lá bất hợp pháp, các doanh nghiệp có thể phải giảm sản lượng và buộc phải hạ giá thu mua nguyên liệu. “Thực tế tất yếu nhiều năm nay là thuế nội địa tăng thì chính là cơ hội cho hàng lậu leo thang, làm các doanh nghiệp chân chính lao đao, doanh thu và lợi nhuận giảm, từ đó thu nhập và đời sống công nhân đương nhiên sẽ bị tác động mạnh nhất. Còn về phía chuỗi cung ứng, nông dân sẽ là đối tượng bị ảnh hưởng nặng nhất do nhà đầu tư sẽ mua ít hơn với mức giá thấp hơn. Và như thế, người nông dân sẽ khó có động lực để duy trì vùng trồng lá, lại phải quay về với những sản phẩm nông nghiệp có giá trị thấp, chi phí tái đầu tư cao, cả năm tiếp tục loay hoay với trồng cây gì nuôi con gì… Bất ổn hậu Covid-19 như thế này làm sao nói đến việc tái thiết cuộc sống, chuyển đổi đời sống vùng nông thôn”, một chuyên gia phân tích.

Vùng trồng bị đe dọa

Huyện Lapa là một trong những địa phương có diện tích cây thuốc lá lớn nhất của tỉnh Gia Lai. Vụ 2020-2021, trên địa bàn huyện có khoảng 700 hộ nông dân trồng thuốc lá với diện tích 1.119ha. Đây là diện tích đất trồng được chuyển đổi từ đất trồng cây lâu năm và đất lúa kém hiệu quả, trong đó tập trung chủ yếu là đất trồng cây ngô, đậu đỗ, sắn. 

Với thu nhập ổn định từ cây thuốc lá và được bao tiêu sản phẩm nên nhiều hộ nông dân mạnh dạn kí kết hợp đồng với các doanh nghiệp để duy trì diện tích sản xuất và coi đó là nguồn thu nhập chính của gia đình. Các doanh nghiệp đầu tư thu mua thuốc lá tại địa phương cũng đã góp phần không nhỏ trong việc giúp người dân chuyển đổi cây trồng, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo từ cây thuốc lá. Theo Phòng Nông nghiệp Lapa, một số công ty còn tích cực tham gia ủng hộ các chương trình, chính sách an sinh xã hội trên địa bàn huyện.

Hiện tại, trên các vùng trồng lá, trong điều kiện thuận lợi, không gặp sâu bệnh, năng suất bình quân có thể đạt trên 3 tấn/ha, sản lượng 3.360 tấn/ha. Năng suất sản lượng này sẽ được các công ty bao tiêu theo hợp đồng đã ký ở mức giá bình quân 55.000 đồng/kg đối với thuốc lá đạt chất lượng và 55.000-60.000 đồng/kg với những hộ nông dân thu hoạch đúng chất, chất lượng sản phẩm tốt.

a1-1646987414.jpg
Thuế tiêu thụ đặc biệt lại có thể ảnh hưởng sâu rộng đến công việc và thu nhập của gia đình chị Siu H Iêm cũng như nhiều nông dân khác

Như vậy sau khi trừ chi phí, mỗi hộ trồng thuốc lá có thể lãi từ 60 - 80 triệu đồng/ha thuốc lá. Nếu tính thêm công lao động thì tổng thu nhập có thể là 80 - 120 triệu đồng/ha. Mức giá này được các đơn vị đầu tư và người nông dân tính toán và duy trì ổn định qua nhiều năm, chủ động nguồn vật tư đầu vào và sâu sát hướng dẫn kỹ thuật để đảm bảo nông dân sản xuất hiệu quả nhất. Đây cũng là động lực giúp bà con nông dân chủ động chuyển đổi cây trồng, đem lại giá trị cao và góp phần phát triển vung nông thôn tại Việt nam.

Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 xuất hiện đã khiến nhiều vùng bị phong tỏa, giá phân bón, xăng dầu, vật tư đều tăng cao nên từ đồng ruộng đến nguồn công lao động gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, thời tiết trở nên thất thường trong những năm gần đây cũng gây ra bất lợi cho mùa vụ. Ở Iapa, một số giống thuốc lá có biểu hiện nhiễm sâu bệnh, có xu hướng giảm năng suất, giảm chất lượng đã khiến ngành trồng thuốc lá đối mặt với không ít khó khăn. Vì thế, Phòng Nông nghiệp Iapa ước tính, trong vụ Đông Xuân 2021-2022, diện tích thuốc lá toàn huyện có thể giảm, và như thế, mục tiêu phát triển kinh tế toàn huyện cũng sẽ bị ảnh hưởng theo. Đây là ước tính trong tình hình chưa áp dụng tăng thuế TTĐB lên thuốc lá. Nếu áp dụng, kịch bản có thể xấu hơn rất nhiều. 

Ước tính có hơn 100.000 nông dân, khoảng 10.000 công nhân viên trong các công ty, và khoảng 1 triệu nhân viên bán lẻ trong ngành đang bị lao đao vì dịch bệnh, thuốc lá lậu, bất ổn kinh tế chính trị… Vòng xoáy tăng thuế TTĐB, đặc biệt là tăng cao và ngay trong khi khi nguy cơ dịch bệnh và lạm phát vẫn còn treo lơ lửng trong vài năm sắp tới sẽ khiến thị trường thuốc lá sẽ vào tay những đầu nậu buôn lậu hay những đường dây vận chuyển thuốc bất hợp pháp xuyên biên giới. Đời sống người lao động sẽ thêm khó khăn chồng chất và nguy hiểm nhất là nhiều người thất nghiệp sẽ lại bị cuốn vào các đường dây buôn lậu, từ đó phát sinh thêm các tệ nạn xã hội cũng như những rủi ro về an toàn, an sinh xã hội và cuộc sống.

Giải pháp nào hài hòa?

Nhằm duy trì và chuyển đổi vùng nông thôn bền vững, giúp nông dân yên tâm sản xuất, Phòng Nông nghiệp Iapa đã đề xuất các doanh nghiệp đầu tư, thu mua nên chủ động tìm hiểu, nghiên cứu, đưa vào sản xuất một số giống mới có năng suất, chất lượng cao và có khả năng kháng sâu bệnh để nông dân đầu tư thâm canh, tăng năng suất, chất lượng.  Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần tăng cường đầu tư hỗ trợ vốn, kỹ thuật cho người sản xuất thuốc lá. UBND huyện cũng đã và sẽ tiếp tục phối hợp với các bên để tổ chức thu mua kịp thời, đảm bảo hài hòa lợi ích doanh nghiệp lẫn người trồng thuốc lá, xây dựng mối liên kết bền vững với nông dân. 

Trong bối cảnh đó, các đề xuất tăng thuế TTĐB với thuốc lá có thể phá vỡ thế ổn định này. Chính vì vậy, đã có một số kiến nghị Chính phủ chưa nên bàn đến việc tăng thuế thuốc lá vào thời điểm này vì các địa phương, đặc biệt vùng sâu vùng xa đang trong kế hoạch xóa đói giảm nghèo của Nhà nước sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ. Trong trường hợp Nhà nước thấy cần phải tiến hành tăng thuế TTĐB với một số hàng hóa thì theo các chuyên gia, một lộ trình tăng thuế hợp lý và thời điểm thực hiện cũng vô cùng quan trọng để các bên có thời gian phục hồi sau đại dịch. 
 

PV

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin.