Doanh nhân Lê Bích Thắng |
Người phụ nữ làm nên những điều vĩ đại
Căn nhà không quá đồ sộ của doanh nhân Lê Bích Thắng nằm ngay bên cổng làng quê hương mộc mạc, giản dị với khung cảnh đồng ruộng bao la. Trong căn biệt thự nhỏ do chính tay người phụ nữ tài ba doanh nhân Lê Bích Thắng thiết kế cho tổ ấm của mình, hình ảnh trước mắt chúng tôi về đôi vợ chồng ở cái tuổi “ngoại thất thập” vẫn cần mẫn, đằm thắm với danh xưng anh anh em em trên những luống rau, dưới những gốc bưởi đương thì trổ hoa tỏa hương ngào ngạt.
Tạm gác công việc, doanh nhân Lê Bích Thắng cởi mở câu chuyện cuộc đời bà bên bàn trà nhỏ nằm giữa khu vườn hoa bưởi. Sự phi thường của người phụ nữ tài ba, doanh nhân Lê Bích Thắng phải kể từ khi mới tuổi 15, bà đã vác những thùng đạn nặng hơn trọng lượng bản thân tới 58kg, giải nguy cho kho vũ khí tại ga Nghĩa Trang và cứu thương các chiến sỹ bị thương trên chiến trường khi Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc. Năm mới 17 tuổi, bà được kết nạp Đảng Cộng sản Việt Nam (3/02/1967).
Là người có tài học giỏi, sau khi tốt nghiệp xong lớp 10, bà được cử đi tu nghiệp tại Liên bang Xô Viết. Tháng 7/1974, bà tốt nghiệp về nước, được phân công công tác tại Ủy ban Khoa học Nhà nước, nay là Bộ Khoa học và Công nghệ. Cũng từ đó, người dân Việt Nam biết đến bà qua những cuộc chiến bảo vệ môi trường không biết ngừng nghỉ.
Doanh nhân Lê Bích Thắng nói, làm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường thì những cuộc chiến về môi trường là liên tục, không kể xiết. Tuy nhiên, để mà nhớ thì có vụ đấu tranh bắt Mỹ phải bồi thường chiến tranh hóa học ở miền Nam và Tây Nguyên, để lại nỗi đau kéo dài. Bản thân bà đã tham gia nhiều cuộc hội thảo đấu tranh dưới nhiều hình thức, với những tham luận sắc bén tại nhiều quốc gia như Mỹ, Canada, Hàn Quốc, Thụy Sỹ… Đề án này về sau đã bắt Mỹ phải đền 600 tỷ. Đó được xem là mốc son trong cuộc đời của doanh nhân Lê Bích Thắng.
Ngoài thắng lợi từ đề án Dioxin 600, với cương vị là Trưởng phòng Kiểm soát ô nhiễm môi trường, doanh nhân Lê Bích Thắng không thể nào quên vụ khui Công ty bột ngọt VEDAN của Đài Loan đổ thải ra sông Thị Vải ở Đồng Nai ra ánh sáng. Theo số liệu tính toán được khi đó, đơn vị này mỗi ngày thải ra sông mấy trăm tấn chất thải. Vụ việc nhờ sự đấu tranh quyết liệt, phía công ty này sau đó phải thừa nhận hỗ trợ cho người dân 16 tỷ đồng.
Rồi vụ xử lý 5.035 tấn rác thải của Công ty Gang thép Thái Nguyên đã nhập, bắt quay trả lại nước xuất khẩu… Đặc biệt, trong quá trình công tác, doanh nhân Lê Bích Thắng đã xây dựng nhiều dự án được các nước và các tổ chức quốc tế tài trợ nhằm chuyển giao công nghệ và nâng cao năng lực xử lý các vấn đề về môi trường phức tạp ở Việt Nam như: Xử lý các chất thải gây hại; xử lý ô nhiễm môi trường sông; xử lý môi trường và các bãi rác thải…
Gói trọn một tình yêu quê hương
Sau những năm tháng chiến đấu vì môi trường Việt Nam, những tưởng khi về nghỉ chế độ là những năm tháng an nhàn, thảnh thơi. Tuy nhiên, bản lĩnh của người phụ nữ đã làm nên những điều vĩ đại như Lê Bích Thắng không cho bà cái quyền được nghỉ. Gói trọn tất cả tài sản có được ở đất Hà Thành, bà cùng với chồng là Tiến sỹ Lê Xuân Thảo về đầu tư cho quê hương Hải Tiến.
Một bước rẽ từ một cán bộ ngành khoa học sang lĩnh vực kinh doanh ở cái “ngoại lục tuần” khi đó tưởng chừng khó ai tin sẽ thành công. Ấy vậy mà lại thành công đến kỳ lạ, được nhân dân xem là người giữ vai trò “khởi xướng, đặt gạch” cho sự phát triển của quê hương - vùng biển Hải Tiến (huyện Hoằng Hóa) ngày nay? Điều gì tạo nên sự thành công đó thưa tiến sỹ Lê Thị Bích Thắng?
Nụ cười hồn hậu đến từ người phụ nữ phi thường với câu trả lời không chút suy nghĩ: “Thành công đến từ tình yêu quê hương, sự nỗ lực vượt qua những khó khăn”. Đúng vậy, để có những thành công hôm nay, sự khởi đầu của vợ chồng bà cũng gặp không ít những trở ngại. Với 27ha đất mặt biển được tỉnh phê duyệt để thực hiện dự án du lịch. Cơn bão số 7 năm 2005 mạnh cấp 13 ập vào ven biển Thanh Hóa, khiến đất liền bị xâm thực, lúc ấy 3,6ha đất và đường mới làm cùng hàng ngàn cây dừa tại khu du lịch mới đầu tư bị bão cuốn trôi.
Quyết vượt qua giông bão, quyết tâm làm cho cho vùng đất nghèo quê hương khởi sắc, đổi thay, hai vợ chồng bà quyết làm lại từ đầu để biến ước mơ thành hiện thực. Năm 2012-2014, khách sạn Ánh Phương trên diện tích 20.000m2 được khánh thành đưa vào sử dụng hơn 500 phòng. Sự xuất hiện đầu tiên của khách sạn Ánh Phương đã kéo theo nhiều nhà đầu tư vào với khu du lịch biển Hải Tiến.
Năm 2012-2014, khách sạn Ánh Phương trên diện tích 20.000m2 được khánh thành đưa vào sử dụng hơn 500 phòng |
Doanh nhân Lê Bích Thắng nhẩm tính, tính đến cuối năm 2021, đầu năm 2022 đã có trên 50 công ty du lịch “đổ bộ” đầu tư về biển Hải Tiến với dung lượng gần 7.000 phòng đón khách. Từ đó, kéo theo nhiều lao động có việc làm và thu nhập ổn định. Mỗi năm đón trên 1,3 triệu lượt khách đến với khu dịch vụ Hải Tiến, doanh thu ước là 1.200 tỷ đồng. Riêng khách sạn Ánh Phương của gia đình ông bà có hơn 300 nghìn lượt khách tới nghỉ.
Ngoài những thành công về sự nghiệp, kinh doanh, doanh nhân Lê Bích Thắng cùng chồng còn là người “thắp lửa” cho Quỹ khuyến học Lê Xuân Lan. Hơn 10 năm thành lập Quỹ khuyến học Lê Xuân Lan, vợ chồng ông bà đã ủng hộ hàng tỷ đồng vào quỹ. Ngoài ra, ông bà tích cực tham gia đóng góp, ủng hộ cho các hoạt động của Hội Khuyến học tỉnh, của huyện, hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các hội khuyến học thuộc các xã trên địa bàn huyện Hoằng Hóa...
Trước khi chia tay những con người vĩ đại giữa đời thực, tôi nhớ đâu đó trong một cuốn sách có nói về vợ chồng Tiến sỹ Lê Xuân Thảo và Tiến sỹ Lê Bích Thắng, một người bạn của vợ chồng doanh nhân từng nhận xét: “Ngẫm trong muôn vạn kiếp người, mấy ai có được một đời giống gia đình chị và anh. Doanh nhân xuất sắc Lê Xuân Thảo - Lê Bích Thắng cả cuộc đời bình dị một chữ Nhân”.
“Tiến sỹ Lê Bích Thắng nhiều lần được Đảng, Nhà nước, cán bộ, ngành Trung uơng, tỉnh Thanh Hóa tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen. Đặc biệt, Chính phủ tặng bằng khen về thành tích cấm đốt pháo, Bộ Khoa học và Công nghệ tặng danh hiệu Chiến sỹ thi đua. Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa tặng danh hiệu “Vì sự phát triển Thanh Hóa” nhân dịp 990 năm Danh xưng Thanh Hóa”.