Tháo gỡ rào cản pháp lý còn tồn tại để tận dụng triệt để lợi thế mang lại từ việc gia nhập các FTA (bài 2)

Đinh Văn Chiến

Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và tự do hóa thương mại của Việt Nam diễn ra rất mạnh mẽ trong những năm qua, bắt đầu là gia nhập WTO và tiếp đó là ký kết hàng loạt các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA). Tuy nhiên lợi ích thực sự đạt được của chúng ta cho đến thời điểm này còn khiêm tốn (trong đó riêng các lợi ích từ ưu đãi thuế quan, chúng ta mới chỉ tận dụng được chưa đầy 40%). Những hạn chế đó xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có sự bất cập về hành lang pháp lý còn tồn tại và chậm tháo gỡ theo lộ trình cam kết…

Theo VCCI, tỷ lệ kim ngạch xuất khẩu sử dụng ưu đãi thuế quan trung bình theo các FTA của Việt Nam khá khiêm tốn, năm 2021 chỉ đạt 32,7%. Trong khi đó tỷ lệ kim ngạch xuất khẩu sử dụng ưu đãi thuế quan theo các FTA đặt ra cần đạt từ 40-45%. Các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã mở ra cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam. Một trong những nguyên nhân được xác định, các doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong việc chứng nhận quy tắc xuất xứ để có thể tận dụng tối đa các ưu đãi từ các Hiệp định này.

1-1667796719.jpg

Việc thiếu vắng quy định về định danh hàng hóa Made in Việt Nam khiến nhiều doanh nghiệp lúng túng khi muốn ghi chính xác nước xuất xứ trên nhãn sản phẩm theo quy định của Nghị định 43/CP để được hưởng ưu đãi thuế quan…

Thiếu vắng quy định về định danh hàng hóa Made in Việt Nam

Đến nay liên quan đến nhãn hiệu hàng hóa, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/04/ 2017 về nhãn hàng hóa quy định về cách ghi nhãn hàng hóa lưu thông tại Việt Nam và hàng hóa nhập khẩu nhưng chưa quy định tiêu chí để hàng hóa được ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam. Với sự ra đời của Nghị định số 31/2018/NĐ-CP ngày 08/03/2018 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa (thay thế Nghị định số 19/2006/NĐ-CP ngày 20 tháng 02 năm 2006 trước kia), Việt Nam đã có hành lang pháp lý về xuất xứ hàng hóa. Quy định hiện hành là căn cứ để xác định “hàng hóa có xuất xứ Việt Nam”, được cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) hoặc chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa của Việt Nam nhằm hưởng ưu đãi thuế quan hoặc phi thuế quan khi xuất khẩu sang thị trường mà Việt Nam có cam kết quốc tế.

Văn bản gần đây nhất là Thông tư số 05/2022/TT-BC ngày 18/02/2022 của Bộ Công thương quy định quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực. Tuy nhiên, các quy định của Thông tư cũng chỉ mới áp dụng cho hàng xuất khẩu và hàng nhập khẩu, giúp hàng hóa được hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu theo cam kết tại các Hiệp định thương mại tự do hoặc phục vụ các mục tiêu khác của quản lý ngoại thương. Với hàng hóa sản xuất, bao gồm cả sản xuất từ đầu vào nhập khẩu, và sau đó lưu thông trong nước, hiện chưa có quy định như thế nào thì được gắn nhãn “sản phẩm của Việt Nam” hay “sản xuất tại Việt Nam”…

Việc thiếu vắng quy định về định danh hàng hóa Madein Việt Nam không những khiến nhiều tổ chức và cá nhân lúng túng khi muốn ghi chính xác nước xuất xứ trên nhãn sản phẩm theo quy định của Nghị định 43/CP để được hưởng ưu đãi thuế quan; mà còn trở thành cơ hội làm gia tăng hiện tượng gian lận thương mại thông qua việc mạo danh ghi nhãn xuất xứ hàng hóa sản xuất tại Việt Nam (đối với nhiều sản phẩm, hàng hóa sản xuất tại Việt Nam đã khẳng định được chất lượng cao, ổn định, được người tiêu dụng tin cậy). Đó cũng là lý do, hàng hóa nước ngoài có xu hướng mượn xuất xứ Việt Nam để hưởng lợi “miễn phí” từ các FTA mà Việt Nam tham gia hoặc sử dụng xuất xứ hàng hóa làm phương tiện lẩn tránh các biện pháp PVTM của nước nhập khẩu, có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây…

Từ thực tiễn nêu trên, việc xây dựng bộ tiêu chí quy định về hàng hóa được ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam là cần thiết bởi không chỉ giúp doanh nghiệp tiếp cận được các ưu đãi về thuế quan khi hàng hóa xuất khẩu sang các nước mà Việt Nam đã ký kết các FTA mà sẽ tạo ra hành lang pháp lý với mục tiêu phòng chống gian lận thương mại về xuất xứ hàng hóa và bảo vệ người tiêu dùng. Theo chúng tôi, việc ghi nhãn hàng hóa sản xuất tại Việt Nam bắt buộc phải đáp ứng tiêu chí và phải chứng minh việc đáp ứng tiêu chí đó khi được yêu cầu. Trong trường hợp cá nhân, tổ chức ghi công đoạn sản xuất tại Việt Nam thì phải chứng minh được việc hàng hóa trải qua công đoạn sản xuất, gia công có phát sinh giá trị tại Việt Nam…

Rào cản từ Nghị định 111/CP về phát triển công nghiệp hỗ trợ

Càng tham gia sâu vào các FTA, ngành Công nghiệp hỗ trợ (CNHT) càng giữ vai trò quan trọng, góp phần tăng cường sự liên kết trong chuỗi cung ứng của các ngành công nghiệp chủ lực của nền kinh tế như dệt may, da giày, điện tử, nông nghiệp, thủy sản… với các thị trường lớn và khó tính như: Hàn Quốc, Nhật, Mỹ, Châu Âu, Trung Quốc…

2-1667796728.jpg

Tại Hội chợ Công nghiệp hỗ trợ TP. Hà Nội năm 2022, nhiều doanh nghiệp đã chia sẻ mối quan tâm chung về thực trạng, tiềm năng và nhu cầu phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ Hà Nội.

Từ năm 2018, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 23-NQ/TW, định hướng xây dựng tiêu chí ưu tiên trong lựa chọn phát triển CNHT, tập trung vào các khâu còn yếu của chuỗi giá trị sản phẩm. Theo đó ngày 6/8/2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 115/NQ-CP về các giải pháp thúc đẩy phát triển CNHT, đặt ra mục tiêu đến năm 2025, doanh nghiệp Việt Nam có khả năng sản xuất các sản phẩm CNHT có tính cạnh tranh cao. Đặc biệt Chính phủ đã ban hành Nghị định số 111/2015/NĐ-CP về phát triển CNHT với nhiều chính sách ưu đãi dành cho doanh nghiệp phát triển CNHT. Gần đây nhất, tháng 6/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 57/2021/NĐ-CP bổ sung điều khoản về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với dự án sản xuất sản phẩm CNHT…

Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, đến nay ngành CNHT cũng mới chỉ ở giai đoạn sơ khai và còn nhiều yếu kém, chưa đáp ứng được yêu cầu của ngành công nghiệp chế tạo, lắp ráp, đặc biệt là cung cấp linh kiện cho các doanh nghiệp, các tập đoàn có vốn đầu tư nước ngoài.

Nguyên nhân các chính sách khuyến khích ngành CNHT được thể hiện ở các văn bản chính sách pháp luật thì rất tốt, nhưng khi thực thi vào thực tế thì gặp phải rất nhiều hạn chế, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận. Cụ thể, tại Nghị định 111/2015/NĐ-CP nêu rõ, đối tượng ưu đãi là dự án sản xuất sản phẩm CNHT thuộc danh mục sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển, bao gồm: Dự án mới, dự án mở rộng và đổi mới công nghệ có ứng dụng thiết bị mới, quy trình sản xuất mới, sản xuất sản phẩm với năng lực sản xuất tăng ít nhất 20%.

Tuy nhiên để được hưởng ưu đãi, doanh nghiệp phải trải qua một quy trình đăng ký là doanh nghiệp CNHT, nhưng sau khi đăng ký xong thì các doanh nghiệp CNHT đã đầu tư từ trước khi Nghị định ra đời, đang tham gia vào lĩnh vực CNHT cần được khuyến khích thì lại không được ưu đãi, Nghị định quy định áp dụng đối với doanh nghiệp phải thành lập mới. Bên cạnh đó, những ưu đãi về miễn, giảm thuế đất cũng chỉ áp dụng cho doanh nghiệp thành lập mới. Như vậy, dù chính sách trên giấy tờ rất đẹp, nhưng trên thực tế vẫn ít doanh nghiệp CNHT được hưởng lợi từ chính sách miễn, giảm thuế, tiền thuê đất.

Một bất cập khác, một DN không chỉ hoạt động trong duy nhất lĩnh vực CNHT mà hoạt động trong nhiều mảng khác nhau, trong đó có sản xuất linh, phụ kiện để cung cấp cho nhà cung ứng đầu chuỗi (tức là có tham gia vào CNHT) nhưng những doanh nghiệp này lại không được đưa vào là đối tượng hưởng chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị định 111/2015/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn liên quan. Trong khi đó, để tồn tại trong bối cảnh kinh doanh khó khăn như hiện nay, DN không thể chỉ tập trung sản xuất, kinh doanh vào một lĩnh vực mà họ phải đa dạng hóa ngành nghề, tập trung vào nhiều lĩnh vực, miễn là được pháp luật cho phép…

Như vậy để thúc đẩy ngành CNHT phát triển bền vững cần phải xây dựng và ban hành Luật CNHT thì mới đủ mạnh, đủ quy mô, tầm vóc (vì ngành CNHT liên quan đến nhiều vấn đề như hỗ trợ về chính sách mặt bằng, vốn, ưu đãi đầu tư… nếu chỉ dừng lại ở cấp Nghị định sẽ không thể tháo gỡ được các rào cản). Trong khi chờ Luật, trước mắt là điều chỉnh, sửa đổi những quy định còn vướng mắc trong Nghị định số 111/2015/NĐ-CP theo hướng làm rõ tiêu chí xác định đối tượng ưu đãi; rà soát, cập nhật và điều chỉnh danh mục các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển phù hợp với nhu cầu thực tiễn.

Khi xem xét đánh giá một doanh nghiệp có phải là doanh nghiệp CNHT không, thì nên đi vào khâu hậu kiểm. Tức là, không xem xét, đánh giá tiêu chí doanh nghiệp CNHT như quy định tại Nghị định 111/2015 đã nêu, mà nên thực hiện ưu đãi về thuế, tiếp cận vốn vay, hỗ trợ đầu tư công nghệ... dựa trên hóa đơn thuế xuất hàng đầu ra của chính doanh nghiệp. Như thế, sẽ đảm bảo không bỏ sót những doanh nghiệp đang tham gia đóng góp 1 phần vào sản xuất CNHT, đồng thời đảm bảo tính chính xác cho từng phần cụ thể do doanh nghiệp đóng góp mà doanh nghiệp không bị đánh giá chỉ dựa trên những tiêu chí đầu vào.

Các SME khó tiếp cận tiêu chí về kim ngạch XNK hàng hoá

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu, nâng cao năng lực cạnh tranh của DN, nhất là DN nhỏ và vừa (SME) để tận dụng tốt các cơ hội từ FTA trở nên cấp thiết hơn. Vậy nên, việc thực thi hiệu quả các cam kết về SME trong các FTA được kỳ vọng sẽ giúp DN Việt Nam có được môi trường kinh doanh phù hợp hơn, tạo điều kiện thuận lợi hơn để các DN khai thác các cam kết FTA, qua đó tận dụng tốt hơn các cơ hội và chuẩn bị hiệu quả hơn trước các thách thức từ các FTA.

3-1667796728.jpg

Cần phải điều chỉnh tiêu chí về kim ngạch xuất nhập khẩu quy định tại Thông tư 72/2015/TT-BTC để giúp các SME tiếp cận được chính sách ưu tiên trong hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hoá…

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số DN đang hoạt động tại Việt Nam có đến 98% là SME. Hàng năm, các SME đóng góp khoảng 40% GDP, nộp ngân sách Nhà nước 30%, đóng góp giá trị sản lượng công nghiệp 33%, giá trị hàng hóa xuất khẩu 30% và thu hút gần 60% lao động trên cả nước. Tuy nhiên quy mô và năng lực cạnh tranh của SME hạn chế, nên dễ tổn thương trước các biến động thị trường, nhất là trong 2 năm qua chịu nhiều tác động kép do đại dịch COVID-19, nhiều SME đã không thể vượt qua “cú sốc”.

Từ thực trạng trên, các chính sách hỗ trợ SME cần nhanh chóng triển khai, nhằm giảm các rủi ro, giảm chi phí tuân thủ cho DN. Tuy nhiên nghiên cứu 11 chế định cam kết về SME trong các Hiệp định CPTPP, EVFTA, UKVFTA, RCEP (bao gồm trợ cấp, hỗ trợ dành cho SME; mua sắm công; DN nhà nước và DN độc quyền chỉ định; hải quan và tạo thuận lợi thương mại; thương mại điện tử; lao động…), cho thấy còn nhiều bất cập.

Qua rà soát 196 văn bản, các biện pháp trợ cấp (hỗ trợ tài chính) cho SME ghi nhận quyền dành trợ cấp ưu đãi chung cho SME, trong chừng mực nhất định, Việt Nam vẫn chưa tận dụng hết các ngoại lệ được phép. Đặc biệt là về hợp tác hỗ trợ SME trong lĩnh vực mua sắm công, CPTPP có cam kết giữa các nước thành viên để thúc đẩy sự tham gia của SME vào gói thầu mua sắm công, nhưng đến nay chỉ có 1 hoạt động hợp tác mua sắm công giữa Việt Nam và New Zealand được ghi nhận.

Để được hưởng các chế độ ưu tiên trong hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hoá, theo quy định tại Thông tư 72/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính, DN phải đáp ứng được một trong các tiêu chí, đó là phải đạt kim ngạch xuất nhập khẩu từ 100 triệu USD/năm trở lên hoặc đạt kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sản xuất tại Việt Nam từ 40 triệu USD/năm trở lên. Nếu hàng hóa là nông sản, thủy sản sản xuất hoặc nuôi, trồng tại Việt Nam thì phải đạt kim ngạch xuất khẩu từ 30 triệu USD/năm trở lên. Với quy định này, theo VCCI, không có SME nào đáp ứng được yêu cầu để được coi là DN ưu tiên. Ngày 12/5/2019, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 07/2019/TT-BTC về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 72/2015/TT-BTC. Song cũng chỉ điều chỉnh về áp dụng chế độ ưu tiên trong việc thực hiện thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của doanh nghiệp.

Hiện nay, cả nước đang bước vào chu kỳ phục hồi sản xuất kinh doanh. Chính sách tài khóa, tiền tệ được triển khai song hành, nhằm giảm bớt các thủ tục phiền hà cho DN, để DN nói chung, nhất là SME nói riêng tiếp cận nhanh các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế. Từ các bất cập nêu trên, theo chúng tôi, cùng với tăng cường ký kết hợp tác hỗ trợ SME trong lĩnh vực mua sắm công với các nước thành viên nhằm khai thông nguồn lực SME hai chiều, để các SME phục hồi bền vững thì chính sách hỗ trợ không những phải đủ lớn và kéo dài đến hết năm 2023 mà cần phải hỗ trợ đúng đối tượng. Trong đó, một trong những vướng mắc cần phải tháo gỡ đó là điều chỉnh tiêu chí về kim ngạch xuất nhập khẩu (được quy định tại Thông tư 72/2015/TT-BTC) nhằm tạo điều kiện cho các SME dễ dàng tiếp cận được chính sách ưu tiên trong hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hoá… (Còn nữa….)

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin.