Ảnh minh họa
Luật Tiêu chuẩn & qui chuẩn kĩ thuật chưa phát huy được tính dẫn dắt
Qua hơn 15 năm thực hiện Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật (TC&QCKT) năm 2006, hoạt động tiêu chuẩn hóa đã được nâng lên cả chất và lượng, góp phần thúc đẩy nâng cao năng suất chất lượng, năng lực sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa chủ lực của Việt Nam. Tuy nhiên, từ thực tiễn thi hành, cùng với việc hội nhập quốc tế sâu rộng của Việt Nam thời gian qua cho thấy, Luật TC&QCKT đã bộc lộ nhiều bất cập cần được sửa đổi, bổ sung đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đặc biệt là để bảo đảm thi hành các cam kết về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong các FTA mà Việt Nam đã và đang đàm phán hoặc đã ký kết.
Nghiên cứu các quy định từ Hiệp định WTO và các Hiệp định thương mại thế hệ mới như: CPTPP, EVFTA, RCEP… trong đó luôn có một Chương quy định về hàng rào kỹ thuật trong thương mại, quy định về cam kết minh bạch hóa liên quan đến TC&QCKT, quy trình đánh giá sự phù hợp. Cụ thể: Điều 8.7 của Chương 8 Hàng rào kỹ thuật đối với thương mại của Hiệp định CPTPP; Điều 5.7 của Chương 5 Hàng rào kỹ thuật đối với thương mại của Hiệp định EVFTA; Điều 6.11 của Chương 6 Hàng rào kỹ thuật đối với thương mại của Hiệp định RCEP… Nội dung điều chỉnh của các Hiệp định đều yêu cầu các bên thừa nhận tầm quan trọng của tính minh bạch liên quan đến việc xây dựng, ban hành và áp dụng TC&QCKT và quy trình đánh giá sự phù hợp.
Tuy nhiên, Luật TC&QCKT năm 2018 chỉ đưa ra được các nguyên tắc chung và phù hợp với thời điểm năm 2007 khi Việt Nam mới gia nhập WTO, chưa đáp ứng hoàn toàn với yêu cầu hội nhập quốc tế khi chúng ta đã ký kết, tham gia các FTA thế hệ mới, với các cam kết mở hơn, sâu hơn, cho phép các tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia sâu vào hoạt động xây dựng, áp dụng TC&QCKT; đồng thời, phải tuân thủ các yêu cầu cao hơn về minh bạch hóa. Trong khi đó tại Điều 6 Luật TC&QCKT quy định về nguyên tắc, chính sách cơ bản của hoạt động tiêu chuẩn và lĩnh vực quy chuẩn kỹ thuật “dựa trên tiến bộ khoa học và công nghệ, kinh nghiệm thực tiễn, nhu cầu hiện tại và xu hướng phát triển kinh tế - xã hội”, chưa thể hiện được tính chủ đạo của TC và QCKT vào hoạt động phát triển kinh tế - xã hội.
Thực tế cũng cho thấy, hoạt động xây dựng TC, QCKT của Việt Nam thời gian qua chưa được hoạch định và thực hiện một cách tổng thể đủ tầm chiến lược. Các bộ ngành hiện nay xây dựng TCVN, QCVN theo kiểu thiếu đâu thì bù đó, hoặc nếu có yêu cầu của Chính phủ thì đưa vào kế hoạch xây dựng TCVN. Hiện nay, ngoài Bộ KH&CN đã xây dựng Quy hoạch xây dựng TCVN, chưa có bộ, ngành nào xây dựng kế hoạch TCVN, QCVN trong thời gian 5 năm, chưa nói đến là kế hoạch dài hạn 10, 20 năm. Việc thiếu vắng TC, QCKT mang tầm chiến lược là đồng nghĩa với chưa đáp ứng cơ sở dữ liệu đầy đủ về tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn nước ngoài, tiêu chuẩn cơ sở khiến việc tra cứu, áp dụng tiêu chuẩn đối với các đối tượng có nhu cầu như doanh nghiệp, người dân gặp rất nhiều khó khăn. Để nắm được thông tin về các TC, QCKT cho các sản phẩm, hàng hóa, quy trình, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân phải lệ thuộc vào cơ quan nhà nước có thẩm quyền…
Điều đó có nghĩa, hoạt động TC, QCKT hiện nay của Việt Nam chưa phát huy được tính dẫn dắt, chủ đạo trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội do phần lớn việc xây dựng tiêu chuẩn căn cứ theo nhu cầu thực tại. Trong khi đó nhìn từ kinh nghiệm quốc tế, các tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế như Tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO), Ủy ban Kỹ thuật Điện Quốc tế (IEC), Liên minh viễn thông quốc tế (ITU), Ủy ban Tiêu chuẩn Châu Âu CEN/CENELIC hoặc các quốc gia như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Đức, Hàn Quốc… thì việc ban hành chiến lược tiêu chuẩn hóa sẽ xác định rõ các nguyên tắc, định hướng cơ bản, thiết lập chương trình hành động tổng thể, phát triển hệ thống tiêu chuẩn trung và dài hạn trên phạm vi toàn cầu hoặc quốc gia.
Như vậy, để phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước về mục tiêu, định hướng của các ngành, lĩnh vực phải phù hợp với quy định của các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, công nghiệp 4.0 (đặc biệt là phù hợp với Nghị quyết 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045) và đáp ứng tuân thủ cam kết hội nhập quốc tế, phù hợp xu thế phát triển tiêu chuẩn quốc tế nhu cầu hội nhập, đòi hỏi cần phải sửa đổi bổ sung hoặc nâng tầm Luật TC&QCKT thành Luật Chiến lược hóa tiêu chuẩn quốc gia, để tạo ra nền tảng mang tính chủ đạo, định hướng phát triển lĩnh vực tiêu chuẩn, thể hiện vai trò chủ động, tích cực của Việt Nam tham gia vào hoạt động tiêu chuẩn quốc tế.
Được biết Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đang dự thảo và xin ý kiến góp ý cho Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TC&QCKT. Từ kinh nghiệm của các tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế, các quốc gia phát triển và thực tiễn của Việt Nam, chúng tôi cho rằng, việc luật hóa tiêu chuẩn phải tôn trọng, ưu tiên nhu cầu thị trường, như vậy mới đáp ứng được yêu cầu về quản lý, sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Bởi nếu không tập trung vào thị trường, thì các tiêu chuẩn được công bố, áp dụng sẽ không hiệu quả, gây lãng phí nguồn lực của nhà nước và doanh nghiệp. Đồng thời phải lấy doanh nghiệp làm hạt nhân của hoạt động tiêu chuẩn hoá, trực tiếp sản xuất kinh doanh, thấu hiểu nhu cầu thị trường, và mong muốn của khách hàng…
Nghị định 35 chưa khai thông hết rào cản vào các khu công nghiệp
Những năm gần đây, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các khu công nghiệp (KCN) và khu kinh tế (KKT) trung bình hằng năm chiếm khoảng 35 - 40% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam. Nếu tính riêng trong lĩnh vực chế biến, chế tạo, vốn đầu tư nước ngoài vào KCN, KKT chiếm 70 - 80% tổng vốn đăng ký của cả nước. Có thể khẳng định, việc hình thành và phát triển KCN, KKT là hướng đi chiến lược, quan trọng của Việt Nam trong việc kêu gọi, thu hút vốn FDI. Các doanh nghiệp trong KCN, KKT ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc thu ngân sách, tạo công ăn việc làm, góp phần nâng cao sức cạnh tranh, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Nghị định 35/2022/NĐ-CP về quản lý KCN, KKT vừa được ban hành vào ngày 28/5/2022 (thay thế Nghị định 82/2018/NĐ-CP), đã mở ra một hành lang pháp lý thông thoáng với nhiều điều chỉnh mang tính đột phá, như quy định về phân loại cụ thể các loại quy hoạch xây dựng KCN; cho phép các trường hợp không cần lập nhiệm vụ quy hoạch như: lập quy hoạch phân khu xây dựng KCN tại khu vực đã có quy hoạch chung xây dựng hoặc quy hoạch chung xây dựng KKT đã được phê duyệt, lập quy hoạch chi tiết xây dựng KCN tại khu vực đã có quy hoạch phân khu xây dựng được phê duyệt. Nghị định đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho chính quyền các cấp và cơ sở, tiếp cận cơ chế “một cửa, tại chỗ” và định hình phát triển hệ thống các KCN chuyên sâu trong điều kiện nước ta; công nhân, người lao động được quan tâm về nhà ở và các công trình dịch vụ, tiện ích tại KCN.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia và doanh nghiệp đối với Nghị định trên, việc thu hút đầu tư FDI vào các KCN hiện nay vẫn đối diện với những thách thức và rào cản pháp lý. Tại diễn đàn “Triển khai Nghị định 35/2022/NĐ-CP về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức hồi cuối tháng 8/2022, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Hoàng Quang Phòng cho hay, Nghị định 35 mặc dù lược bỏ tương đối các thủ tục hành chính rườm rà nhưng việc thực hiện, triển khai Nghị định này vẫn có nhiều điểm cần được giải đáp, tháo gỡ…
Theo đó tại khoản 4 Điều 8 Nghị định 35/CP quy định: “Khu công nghiệp thuộc trường hợp phân kỳ đầu tư theo quy định tại khoản 2 Điều 9 (có quy mô diện tích đầu tư – PV) của Nghị định này thực hiện trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với từng giai đoạn. Có nghĩa, không chỉ chủ đầu tư phân kỳ trong dự án của mình, mà phân kỳ đầu tư phải phân kỳ cả quá trình từ chủ trương đầu tư cho đến chấp thuận đầu tư và phân kỳ đầu tư thật trên thực địa. Làm một KCN (theo quy định tại điểm d, khoản 2 Điều 9) mà KCN đó có quy mô diện tích đất trồng lúa 2 vụ trên 100 ha, nhà đầu tư cũng phải xin chủ trương phân kỳ đầu tư làm 2 lần, 2 lần lựa chọn nhà đầu tư, 2 lần giải phóng mặt bằng, 2 lần chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa (vì mỗi lần cho phép chuyển đổi không vượt quá 100 ha).
Việc thu hút đầu tư FDI vào các KCN vẫn đối diện với những thách thức
Nhiều doanh nghiệp cho rằng quy định trên, không khéo sẽ làm cho tính tích cực trở thành tiêu cực. Bởi nếu phân kỳ như vậy, tính khớp nối sẽ rất khó với ngay cả một chủ đầu tư. Cũng theo Điều 8, “trường hợp KCN sử dụng vốn đầu tư công hoặc giai đoạn tiếp theo có cùng nhà đầu tư với giai đoạn trước thì được quyết định chủ trương đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư sau khi giai đoạn trước đạt tỷ lệ lấp đầy tối thiểu 60% hoặc đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng theo quy hoạch xây dựng khu công nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt”. Được hiểu là, nếu phân kỳ đầu tư lần 1 mà nhà đầu tư có tỷ lệ lấp đầy chưa đạt 60%, thì phân kỳ đầu tư lần 2 sẽ là chủ đầu tư khác…
Ông Nguyễn Đình Nam – CEO AP Việt Nam đặt câu hỏi: “Tại sao Nghị định 35/CP không bao hàm câu chuyện quy định liên quan đến xúc tiến đầu tư vào KCN như thế nào để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư, để có định hướng ban đầu, hình thành KCN của mình theo đúng tiêu chí để thu hút tốt hơn”.
Những bất cập đó, không những rất dễ dẫn tới tình trạng thực hiện tùy tiện mà còn gây lúng túng cho cơ quan quản lý Nhà nước trong việc kiểm tra, giám sát, gây khó khăn cho các nhà đầu tư trong quá trình triển khai và thực hiện dự án. Vì vậy mặc dù Nghị định mới ban hành chưa ráo mực nhưng nhiều chuyên gia và doanh nghiệp cho rằng, để đưa chính sách vào thực tiễn, cần tiếp tục có những điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện; hoặc khẩn trương ban hành Thông tư hướng dẫn theo hướng không bắt buộc phải phân kỳ đầu tư đối với những dự án có quy mô diện tích không quá 500 ha; và tạo ra sự phối hợp đồng bộ của các bộ ngành, địa phương. Có như vậy mới tạo được sự hấp dẫn thu hút nhiều nhà đầu tư FDI và các KCN phát triển bền vững, nhất là trong bối cảnh, làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng vào Việt Nam mang lại nhiều kỳ vọng.
Thay lời kết
Thế giới đang trải qua những thay đổi to lớn. Hậu đại dịch Covid-19 chứng kiến sự lên ngôi của chủ nghĩa dân tộc và ở chiều ngược lại là bước thụt lùi của quản trị toàn cầu. Chuyên gia nước ngoài nhận định, thế giới hậu đại dịch là một thế giới bớt cởi mở, kém thịnh vượng và ít tự do hơn. Khi vai trò của các quốc gia được đề cao, thì điều này cũng đồng nghĩa với vai trò và ảnh hưởng của các thiết chế đa phương trong quản trị toàn cầu như UN, WTO, WB, IMF, WHO... lại giảm đi một cách tương ứng và ngược lại. Xu hướng chung là không từ bỏ, nhưng liên kết và hội nhập sẽ được các quốc gia tiến hành một cách thận trọng và có kiểm soát.
Để thực thi các FTA có hiệu quả, đáp ứng nhu cầu hội nhập, giúp các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào các chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị toàn cầu, tận dụng triệt để các lợi thế từ các FTA mang lại; thì việc đổi mới thể chế kinh tế, tháo gỡ những rào cản pháp lý còn tồn tại, thực thi các cam kết theo lộ trình là ưu tiên hàng đầu. Bởi hội nhập đòi hỏi phải chấp nhận luật chơi và cách chơi khi tham gia thị trường quốc tế. Không có hệ thống pháp luật phù hợp, không có môi trường kinh doanh tương thích thì không thể khai thác được lợi thế của các FTA.