Thế nào là “Sử dụng hợp lý” (Fair use) trong pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam?

Ky Anh

(PLBQ). “Sử dụng hợp lý” là điều kiện mọi người có thể sao chép một cách hợp pháp mà không cần có sự cho phép của tác giả hay chủ sở hữu quyền tác giả như: trích dẫn, bình luận, nghiên cứu ...

Tác giả là người có độc quyền, tự mình thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện quyền đối với tác phẩm. Thế nhưng đây không phải là sự độc quyền tuyệt đối. “Sử dụng hợp lý” (tiếng anh: Fair use) là một nguyên tắc cơ bản trong pháp luật sở hữu trí tuệ, cho phép mọi người sử dụng tác phẩm không cần sự cho phép của tác giả hay chủ sở hữu tác phẩm mà vẫn có quyền sử dụng tác phẩm trong trong một số trường hợp nhất định. Đây được xem như ngoại lệ của quyền tác giả.

Trong pháp luật Việt Nam hiện nay, không có quy định mức độ cụ thể được xem là sử dụng hợp lý. Tuy nhiên, có những trường hợp sau đây được coi là ngoại lệ:

  • Những trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép, không phải trả tiền (Khoản 1 Điều 25 Luật Sở hữu trí tuệ).
  • Những trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không xin phép nhưng phải trả tiền (Điều 26 Luật Sở hữu trí tuệ).

Học sinh, sinh viên, học viên có được sao chép một bản nhằm mục đích học tập?

Nghiên cứu khoa học được hiểu “là hoạt động khám phá, phát hiện, tìm hiểu bản chất, quy luật của sự vật, hiện tượng tự nhiên, xã hội và tư duy; sáng tạo giải pháp nhằm ứng dụng vào thực tiễn” (Khoản 4, Điều 3 của Luật Khoa học và Công nghệ số 29/2013/QH13). Theo quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 25 của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005: Các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao bao gồm: Tự sao chép một bản nhằm mục đích nghiên cứu khoa học, giảng dạy của cá nhân;… Như vậy, nếu với mục đích học tập của học sinh/sinh viên/học viên thì hành vi sao chép một bản có khả năng bị loại trừ khỏi quy định này.

Trích dẫn như thế nào là hợp lý?

Để hiểu rõ về vấn đề này, vụ tranh chấp giữa hai học giả nghiên cứu về Truyện Kiều là Nguyễn Quảng Tuân và Đào Thái Tôn đã cho chúng ta cách nhìn nhận rõ ràng hơn về vấn đề này. Cụ thể, tác giả Nguyễn Quảng Tuân đã khởi kiện nhà nghiên cứu Đào Thái Tôn về việc sử dụng nguyên văn không xin phép bốn bài báo của ông Nguyễn Quảng Tuân trong cuốn Văn bản Truyện Kiều - nghiên cứu và thảo luận. Mặc dù ở cấp sơ thẩm, tòa án đã tuyên rằng hành vi in nguyên văn 04 bài báo của nguyên đơn mà không có sự cho phép là hành vi xâm phạm quyền tác giả, nhưng ở cấp phúc thẩm, Tòa án đã hủy bỏ bản án sơ thẩm đó.

Bìa cuốn sách bình luận về Truyện Kiều của tác giả Nguyễn Quảng Tuân và tác giả Đào Thái Tôn

Trong bản án số 127/2007/DSPT ngày 14/6/2007 của Tòa án phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao, thẩm phán đã lập luận rằng:

  1. Ông Tôn tái hiện lại toàn bộ cuộc tranh luận nhằm mục đích nghiên cứu, phổ biến thông tin dẫn đến ông Tôn buộc phải đưa nguyên văn 4 bài viết của ông Tuân vào sách của mình là để giúp độc giả nắm bắt được toàn bộ tranh luận. Cụ thể là bị đơn buộc phải trích dẫn toàn văn 4 bài viết của nguyên đơn để chỉ ra 82 lỗi (tổng có 16.545 từ) để phê bình nguyên đơn yếu kém về chuyên môn.
  2. Các bài của ông Tuân không bị cắt xén, nối ghép, xuyên tạc, và tên tác giả vẫn được đề vào cuốn sách rõ ràng thể hiện nguồn gốc tác phẩm, tác giả. Và tuy là “in toàn văn” nhưng thực chất ông Tôn trích dẫn, bởi ông Tôn đã xen vào các đoạn trong các bài viết của ông Tuân những lời bình chú của mình, mục đích là để người đọc dễ đối chiếu và nhận ra những sai sót trong các bài của ông Tuân. Như vậy, cần phải khẳng định đây là một tác phẩm nghiên cứu khoa học, một chỉnh thể sáng tạo của ông Tôn, chứ ông Tôn không phải đơn thuần chỉ là hợp tuyển các bài của nhiều tác giả để in thành sách với mục đích thương mại. 
  3. Thực tế ông Tôn nhận 7.000.000 đồng tiền nhuận bút là nhận tiền của tác phẩm “Văn bản Truyện Kiều – Nghiên cứu và Thảo luận” theo quy định của pháp luật về chế độ nhuận bút, ông Tôn cũng không được chia sẻ lợi nhuận từ việc in tác phẩm trên của các nhà xuất bán sách, theo đó ông Tôn không phải nhận tiền 4 bài của ông Tuân.
  4. Toà án cấp sơ thẩm đã có sai lầm ở chỗ cho rằng hình thức sử dụng tác phẩm không phải xin phép, không phải trả thù lao chỉ là trích dẫn tác phẩm, chứ không phải in toàn bộ bài của tác giả.

Nhưng theo Điều 9(2) Công ước Berne, việc sao chép tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả sẽ không bị coi là hành vi xâm phạm quyền độc quyền sao chép của tác giả nếu hành vi đó cùng lúc thỏa mãn 3 bước hoặc 3 điều kiện của phép thử sau:

  1. Việc sao chép đó chỉ được phép trong các trường hợp ngoại lệ đặc biệt mà được quy định bởi pháp luật quốc gia;
  2. Việc sao chép đó không xung đột với việc khai thác bình thường tác phẩm;
  3. Việc sao chép đó không gây tổn hại một cách bất hợp lý đến lợi ích hợp pháp của tác giả.

Theo một số chuyên gia, việc tòa án bỏ quên phép thử 3 bước là nguyên nhân chính dẫn đến tòa phúc thẩm ban hành bản án không thỏa đáng và cũng bị giới học thuật bình luận là thiếu logic. Như vậy, trích dẫn không thể là sao chép toàn bộ hoặc in nguyên văn toàn bộ tác phẩm của người khác, mà trích dẫn có nguyên là trích nguyên văn “một câu hoặc cụm từ được lấy từ một cuốn sách, bài thơ hoặc vở kịch, được nhắc lại bởi người khác” (Theo từ điển tiếng Anh Collin).

Trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép, nhưng phải trả tiền

Tổ chức phát sóng sử dụng tác phẩm đã công bố để phát sóng dù có tài trợ hay không có tài trợ, có quảng cáo hay không có quảng cáo, dù có thu tiền hay không thu tiền dưới bất kỳ hình thức nào thì không phải xin phép, nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao cho chủ sở hữu quyền tác giả kể từ khi sử dụng. Việc sử dụng tác phẩm này không được làm ảnh hưởng đến việc khai thác bình thường tác phẩm, không gây phương hại đến các quyền của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả; phải thông tin về tên tác giả và nguồn gốc, xuất xứ của tác phẩm.

Như vậy, nguyên tắc “Sử dụng hợp lý” là nguyên tắc dung hòa lợi ích và quyền lợi giữa các bên, tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển của văn học, khoa học và kỹ thuật, không ngăn cản sự sáng tạo hay ngăn cản người khác tạo tác phẩm gốc một cách không phù hợp. Tuy nhiên, việc sử dụng như thế nào là hợp lý phụ thuộc rất lớn vào quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ.

Đặng Quỳnh

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin.