Thực thi quy định mới về nhãn hiệu theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2022

Đinh Văn Chiến

Việc định nghĩa về nhãn hiệu là một vấn đề quan trọng, góp phần khoanh vùng, định danh loại dấu hiệu được bảo hộ và cơ chế bảo hộ. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2022 (Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi) đã có những sự thay đổi phù hợp với sự biến động của kinh tế, xã hội.

Tóm tắt: Bài viết phân tích quy định mới và đề xuất giải pháp thực thi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ được thông qua ngày 16/6/2022 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2023) về nhãn hiệu.
 
1. Quy định mới về nhãn hiệu theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2022
1.1. Sửa đổi khái niệm nhãn hiệu nổi tiếng
Việc định nghĩa về nhãn hiệu là một vấn đề quan trọng, góp phần khoanh vùng, định danh loại dấu hiệu được bảo hộ và cơ chế bảo hộ. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2022 (Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi) đã có những sự thay đổi phù hợp với sự biến động của kinh tế, xã hội.
Điểm c khoản 1 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi đã bỏ định nghĩa về nhãn hiệu liên kết. Đồng thời, xây dựng lại khái niệm về nhãn hiệu nổi tiếng, theo đó, nhãn hiệu nổi tiếng không còn là “nhãn hiệu được người tiêu dùng biết đến rộng rãi trên toàn lãnh thổ Việt Nam” mà chỉ cần được “bộ phận công chúng có liên quan biết đến rộng rãi trên lãnh thổ Việt Nam”. Việc thay từ “người tiêu dùng” thành “bộ phận công chúng” là phù hợp, bởi nó giới hạn lại phạm vi đánh giá về một dấu hiệu có được xem là nhãn hiệu nổi tiếng hay không. Do đó, theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi, việc đánh giá nhãn hiệu có nổi tiếng hay không sẽ xét trong phạm vi “bộ phận công chúng”, nhưng bộ phận này là như thế nào thì Luật Sở hữu trí tuệ chưa giải thích. Tác giả cho rằng, nó phụ thuộc vào từng trường hợp, từng loại nhãn hiệu với các phân khúc thị trường khác nhau. Ví dụ, đối với thời trang cho phái nữ, thì việc đánh giá mức độ nổi tiếng được khoanh vùng trong phạm vi “bộ phận công chúng” là phái nữ…
Vấn đề nhãn hiệu nổi tiếng cũng được đề cập trong các văn bản quốc tế, để tăng mức độ bảo hộ trên phạm vi đa quốc gia như Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (Hiệp định TRIPS) hay Công ước Paris về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp năm 1883. Điều 16 Hiệp định TRIPS quy định: Để xác định một nhãn hiệu hàng hóa có nổi tiếng hay không, phải xem xét danh tiếng của nhãn hiệu hàng hóa đó trong bộ phận công chúng có liên quan, kể cả danh tiếng tại nước thành viên tương ứng đạt được nhờ hoạt động quảng cáo nhãn hiệu hàng hóa đó. Như vậy, quy định của Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi đã tương thích với công ước quốc tế. Ưu điểm của cách quy định này là nhằm tạo sự linh hoạt nhưng vô hình chung nó tạo ra sự “thiếu cụ thể” hay “mập mờ” cho chính các doanh nghiệp khi chuẩn bị hồ sơ đăng ký nhãn hiệu, họ sẽ chứng minh như thế nào, cách thức và định hướng thẩm định ra sao để các doanh nghiệp có thể hoạch định chiến lược tăng trưởng và khẳng định thương hiệu của mình. Đó là những nội dung mà đòi hỏi cần thiết có sự hướng dẫn cụ thể bởi những văn bản dưới luật của cơ quan quản lý và thẩm định. Tác giả cho rằng, văn bản hướng dẫn Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi nên bổ sung cách thức đánh giá nội dung này như một cơ sở gợi mở cho cơ quan chức năng cũng như cho chính người đăng ký, người tiêu dùng trong lựa chọn sản phẩm “nổi tiếng”.
Bên cạnh đó, Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi còn bổ sung khái niệm “dấu hiệu” tại điểm b khoản 21 Điều 1, theo đó, dấu hiệu là hình dạng vốn có của hàng hóa hoặc do đặc tính kỹ thuật của hàng hóa bắt buộc phải có. Việc ghi nhận nội dung này góp phần làm rõ bản chất của “dấu hiệu” để khi xác định những loại nào có thể được xem xét là nhãn hiệu. Như vậy, từ khái niệm trên, có thể xác định, để nhận biết “dấu hiệu” trong pháp luật sở hữu trí tuệ, cần nhận diện nó có phải là “hình dạng vốn có” của hàng hóa đó hay không, nó là “vốn có” hay có được nhờ “đặc tính kỹ thuật” mà nó bắt buộc phải có. Khái niệm này được bổ sung là hợp lý, tuy nhiên, sự mô phỏng của nó vô hình chung định hình cho loại “dấu hiệu mới” mà Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi bổ sung, đó là “dấu hiệu âm thanh”. Âm thanh không thể là “hình dạng” hàng hóa, thế nên dựa vào đây, có thể thấy nó chính là âm thanh có được “do đặc tính kỹ thuật vốn có” mà hàng hóa mang lại. Thiết nghĩ, bản chất của dấu hiệu chính là “cái” để giúp người tiêu dùng nhận diện ra hàng hóa, dịch vụ, do đó, nó phải gắn liền với hàng hóa, dịch vụ đó để làm cơ sở “cầu nối” với người tiêu dùng.
1.2. Bổ sung dấu hiệu âm thanh có thể được bảo hộ dưới danh nghĩa nhãn hiệu
Để luật hóa cam kết trong Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) về nhãn hiệu cũng như thực hiện lộ trình theo Nghị quyết số 72/2018/QH14 ngày 12/11/2018 của Quốc hội phê chuẩn Hiệp định CPTPP cùng các văn kiện liên quan, khoản 1 Điều 72 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 được sửa đổi như sau: Nhãn hiệu là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc hoặc dấu hiệu âm thanh thể hiện được dưới dạng đồ họa.
Như vậy, dấu hiệu âm thanh được bổ sung vào những dấu hiệu mà pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam sẽ có thể công nhận là nhãn hiệu. Điều này hoàn toàn phù hợp với cam kết quốc tế của Việt Nam cũng như phù hợp với xu hướng phát triển chung của thế giới. Một trong những yêu cầu quan trọng của Hiệp định CPTPP đối với các thành viên là phải không được từ chối việc đăng ký nhãn hiệu âm thanh[1]. Thực tế cho thấy, với sự phát triển tối ưu của khoa học - công nghệ và nhu cầu xã hội, các dấu hiệu âm thanh thực tế đã ra đời với các nội dung đa dạng, phong phú, đảm nhận được chức năng giúp người tiêu dùng có thể nhận diện được các sản phẩm của những doanh nghiệp nào sản xuất. Tức là, dấu hiệu âm thanh có thể đáp ứng được các chức năng của một nhãn hiệu[2]. Điều kiện để được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu âm thanh là dấu hiệu đó phải được thể hiện dưới dạng đồ họa. Ở góc độ văn bản luật, việc yêu cầu chi tiết “bản đồ họa” này là không cần thiết, do đó, các cơ quan chuyên môn, cơ quan thẩm định cần liệt kê cũng như hướng dẫn sơ bộ để các chủ thể có thể dựa vào đó đăng ký một cách nhanh chóng và hợp pháp.
Nhãn hiệu âm thanh chỉ mới được ghi nhận trong văn bản pháp luật Việt Nam nhưng nhiều nước trên thế giới đã bảo hộ dấu hiệu này với khái niệm nhãn hiệu phi truyền thống[3]. Một số quốc gia như Hoa Kỳ, Australia đưa ra nhiều quy trình thẩm định đối với nhãn hiệu âm thanh[4]. Pháp luật Liên minh Châu Âu xác định nhãn hiệu âm thanh là “nhãn hiệu thương mại chỉ bao gồm âm thanh hoặc sự kết hợp của các âm thanh”[5], ghi nhận hai điều kiện với nhãn hiệu âm thanh, đó là tính phân biệt và tính phi chức năng. Tính phân biệt cũng tương tự như cách đánh giá của những dấu hiệu truyền thống khác, tuy nhiên, tính phi chức năng theo pháp luật Hoa Kỳ[6] yêu cầu dấu hiệu đó không phải là những âm thanh thông thường và không đảm nhận một chức năng nào của hàng hóa, dịch vụ hoặc không có được trong quá trình sản xuất, vận hành sản phẩm. Tác giả cho rằng, việc quy định tính phi chức năng trong pháp luật các quốc gia nhìn chung là phù hợp, bởi vì, nhãn hiệu là “cái” để giúp người tiêu dùng phân biệt nguồn gốc hàng hóa, dịch vụ, nếu nó tồn tại như một chức năng của hàng hóa, dịch vụ sẽ vô hình chung tạo sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cùng loại, làm cho tính phân biệt có thể không được bảo đảm. Việc ghi nhận hai điều kiện như Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam hiện hành không loại trừ nội dung này, bởi Điều 73 quy định các dấu hiệu không được bảo hộ dưới dạng nhãn hiệu và Điều 74 đánh giá về khả năng phân biệt của dấu hiệu cũng có các đề cập về loại trừ dấu hiệu làm tăng giá trị của hàng hóa.
Tuy nhiên, như đã nêu trên, Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi ghi nhận khái niệm dấu hiệu, trong đó, dấu hiệu âm thanh có thể hiểu là âm thanh có được “do đặc tính kỹ thuật của hàng hóa bắt buộc phải có”. Như vậy, “âm thanh” ở đây được định hình là âm thanh từ sản phẩm mà ra và loại trừ các âm thanh khác, bởi những âm thanh khác không được coi là “dấu hiệu” theo Luật Sở hữu trí tuệ. Việc bổ sung khái niệm dấu hiệu góp phần định hình “dấu hiệu” để xem xét là nhãn hiệu, tuy nhiên, dường như có sự khác biệt nhất định giữa khái niệm này với bản chất của điều kiện bảo hộ đối với một nhãn hiệu phi truyền thống điển hình là âm thanh. Do đó, tác giả cho rằng, cần có hướng dẫn cụ thể liên quan đến thẩm định, điều kiện bảo hộ các dấu hiệu là âm thanh dưới dạng nhãn hiệu.
Bên cạnh đó, đặc thù của dấu hiệu âm thanh chính là người tiêu dùng cảm nhận được bằng thính giác, vậy những quảng cáo của các doanh nghiệp trên chương trình truyền hình hay những đoạn nhạc xuất hiện trên các kênh thông tin đại chúng có thể được sử dụng để đăng ký nhãn hiệu hay không, trong khi người tiêu dùng “chưa coi âm thanh trong quảng cáo là một dấu hiệu để chỉ dẫn nguồn gốc thương mại của sản phẩm”[7] mà chỉ là cách thu hút sự chú ý của người tiêu dùng. Do đó, trong quá trình thẩm định, cơ quan chức năng cần thiết có sự lưu ý về nội dung này thay vì chú trọng sự mới lạ của âm thanh từ quảng cáo mang lại.
1.3. Sửa đổi, bổ sung các quy định về khả năng phân biệt của nhãn hiệu
Đối với điều kiện về khả năng phân biệt, ngoài việc giữ nguyên các quy định của Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành, Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi đã bổ sung một số nội dung. Cụ thể, điểm a khoản 21 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi ghi nhận dấu hiệu không được bảo hộ dưới danh nghĩa nhãn hiệu bao gồm cả quốc ca nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và của các nước, quốc tế ca. Quy định này là phù hợp với tình hình chung của bối cảnh xã hội và thực tiễn. Quốc ca cần được tôn trọng, phổ biến rộng rãi và được sử dụng trong toàn dân[8], việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ dù là quyền tác giả hay quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng đều không được đi ngược lại với lợi ích quốc gia, dân tộc, do đó, không được cản trở việc phổ biến quốc ca. Việc sửa đổi này góp phần hiện thực hóa quan điểm trên, đồng thời, pháp luật Việt Nam cũng tôn trọng quốc ca của các quốc gia khác và quốc tế ca. Ngoài ra, khả năng phân biệt của dấu hiệu được bảo hộ dưới danh nghĩa nhãn hiệu cũng được sửa đổi, bổ sung một số nội dung. Cụ thể:
(i) Bổ sung mô tả của các dấu hiệu không được xem là có khả năng phân biệt. Theo đó, điểm b khoản 2 Điều 74 ngoài giữ nguyên nội dung cũ còn bổ sung dấu hiệu mà “hình dạng thông thường của hàng hóa hoặc một phần của hàng hóa, hình dạng thông thường của bao bì hoặc vật chứa hàng hóa” được sử dụng “thường xuyên và thừa nhận” rộng rãi “trước ngày nộp đơn” không được coi là có khả năng phân biệt. Điều này đồng nghĩa, những dấu hiệu này không được bảo hộ dưới dạng nhãn hiệu. Tác giả cho rằng, đây là nội dung phù hợp, bởi bản chất của nhãn hiệu chính là “tránh sự nhầm lẫn của người tiêu dùng, điều này có hậu quả là ngăn chặn việc chiếm đoạt thiện chí của nhà sản xuất”[9]. Nếu chấp nhận các hình dạng thông thường của hàng hóa cũng được bảo hộ dưới dạng nhãn hiệu mà chúng lại được sử dụng thường xuyên hoặc thừa nhận rộng rãi trước ngày nộp đơn thì vô tình làm mất đi bản chất của tính phân biệt của nhãn hiệu, làm người dùng có thể nhầm lẫn hoặc gây nên tính cạnh tranh không lành mạnh giữa các chủ thể kinh doanh hàng hóa, dịch vụ tương tự. Hơn nữa, điểm c khoản 2 Điều 74 còn được bổ sung một nội dung khá đặc biệt, loại trừ dấu hiệu “làm tăng giá trị đáng kể cho hàng hóa” để bảo hộ dưới dạng nhãn hiệu. Tác giả nhận thấy, sự bổ sung này là hoàn toàn phù hợp, bởi nếu dấu hiệu có chức năng nhất định cho hàng hóa, dịch vụ thì nó không thể bảo đảm một cách trọn vẹn vai trò “mang lại hiệu quả kinh tế bằng cách giảm chi phí tìm kiếm của người tiêu dùng”[10].
(ii) Bổ sung ngoại lệ đối với các đơn đăng ký bảo hộ theo ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên theo pháp luật Việt Nam hoặc theo điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi đã bổ sung ngoại lệ rằng, nếu những dấu hiệu được nộp đơn đăng ký trùng hoặc tương tự với những nhãn hiệu đã được cá nhân, tổ chức khác bảo hộ hoặc trên cơ sở đăng ký, ngày ưu tiên nhưng những nhãn hiệu được bảo hộ đó “bị chấm dứt hiệu lực theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 95 hoặc bị hủy bỏ hiệu lực theo quy định tại Điều 96 theo thủ tục quy định tại điểm b khoản 3 Điều 117” Luật Sở hữu trí tuệ thì nó có thể được xem xét là có khả năng phân biệt. Nội dung bổ sung này là hợp lý, nhằm loại trừ các trường hợp từ chối đơn đăng ký nhãn hiệu khi mà những nhãn hiệu được bảo hộ hay được nộp đơn trước đó bị từ chối hoặc bị huỷ bỏ, thì dấu hiệu đăng ký sau vẫn có thể được xem xét, thẩm định và bảo hộ.
(iii) Thay đổi thời gian xem xét các nhãn hiệu trùng, tương tự đến mức gây nhầm lẫn: Điểm h khoản 2 Điều 74 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi thay đổi mốc thời gian xem xét các nhãn hiệu chấm dứt hiệu lực từ “05 năm” sang “03 năm”.
(iv) Bổ sung các trường hợp dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với tên giống cây trồng hoặc có yếu tố của quyền tác giả. Theo đó, khoản 2 Điều 74 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi đã bổ sung hai nội dung vô cùng quan trọng để khẳng định những dấu hiệu sau đây không được xem là có khả năng phân biệt:
- Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với tên giống cây trồng đã hoặc đang được bảo hộ tại Việt Nam nếu dấu hiệu đó đăng ký cho hàng hóa là giống cây trồng cùng loài hoặc thuộc loài tương tự hoặc sản phẩm thu hoạch từ giống cây trồng. Điều khoản này được xem xét khi mà dấu hiệu đó được đăng ký cho hàng hóa là giống cây trồng.
- Dấu hiệu chứa bản sao tác phẩm, dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với tên gọi, hình ảnh của nhân vật, hình tượng trong tác phẩm thuộc phạm vi bảo hộ quyền tác giả của người khác đã được biết đến một cách rộng rãi trước ngày nộp đơn, trừ trường hợp được phép của chủ sở hữu tác phẩm đó. Tác giả cho rằng, nội dung này phù hợp, bởi vì, chức năng chủ đạo của nhãn hiệu và cũng là giá trị kinh tế mà nhãn hiệu đem lại chính là giúp người tiêu dùng không mất thời gian để phân biệt hàng hóa, dịch vụ[11]. Do đó, nếu nó trùng hoặc tương tự hoặc chứa đựng các yếu tố của nội dung tác phẩm được bảo hộ dưới danh nghĩa quyền tác giả thì vô hình chung tạo sự nhầm lẫn cho chính người tiêu dùng, xâm phạm đến quyền tác giả, trừ khi tác giả đó đồng ý.
1.4. Sửa đổi, bổ sung một số quy định về đăng ký bảo hộ nhãn hiệu
Việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung về nhãn hiệu về cơ bản là phù hợp với tình hình kinh tế, xã hội và quá trình hội nhập quốc tế hiện nay của đất nước. Dựa trên cơ sở đó, các quy định về quy trình, nội dung đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cũng có những sự thay đổi nhất định cho phù hợp. Cụ thể:
(i) Bổ sung quy định về đăng ký quốc tế nhãn hiệu theo Thỏa ước Madrid về đăng ký quốc tế nhãn hiệu hàng hóa năm 1891 và Nghị định thư liên quan đến Thỏa ước Madrid về đăng ký quốc tế nhãn hiệu hàng hóa năm 1989. Nội dung này là phù hợp với tình hình hợp tác quốc tế về sở hữu trí tuệ nói chung và vấn đề về bảo hộ nhãn hiệu nói riêng, thể hiện việc nội luật hóa cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
 (ii) Bổ sung trường hợp chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ nhãn hiệu nếu:
- Việc sử dụng nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hóa, dịch vụ bởi chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc người được chủ sở hữu nhãn hiệu cho phép làm cho người tiêu dùng hiểu sai lệch về bản chất, chất lượng hoặc nguồn gốc địa lý của hàng hóa hoặc dịch vụ đó;
- Nhãn hiệu được bảo hộ trở thành tên gọi thông thường của hàng hóa, dịch vụ đăng ký cho chính nhãn hiệu đó.
Cả hai trường hợp đều rơi vào nội dung làm dấu hiệu đăng ký bảo hộ nhãn hiệu không còn tính phân biệt để giúp người tiêu dùng có thể nhận diện hàng hóa, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hóa, dịch vụ của các chủ sở hữu khác. Do đó, việc bổ sung này là hoàn toàn phù hợp với triết lý về bản chất của nhãn hiệu[12].
(iii) Bổ sung yêu cầu đối với đơn đăng ký nhãn hiệu âm thanh. Theo đó, khoản 2 Điều 105 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi đã bổ sung nội dung “nếu nhãn hiệu là âm thanh thì mẫu nhãn hiệu phải là tệp âm thanh và bản thể hiện dưới dạng đồ họa của âm thanh đó”. Sản phẩm cần nộp kèm đơn đăng ký nhãn hiệu đối với dấu hiệu âm thanh gồm hai loại là tệp âm thanh và bản đồ họa thể hiện âm thanh. Pháp luật châu Âu yêu cầu dấu hiệu âm thanh phải được thể hiện bằng cách gửi tệp âm thanh hoặc bản trình bày chính xác của âm thanh trong ký hiệu âm nhạc. Nếu người nộp đơn gửi cả tệp âm thanh và ký hiệu âm nhạc, họ sẽ được yêu cầu chọn cái nào trong số hai tệp mà họ muốn giữ lại. Nếu người nộp đơn nộp tệp âm thanh và bản trình bày của bản ghi âm, bản ghi âm đó sẽ bị Văn phòng đăng ký nhãn hiệu xóa khỏi tệp tin[13].
Theo pháp luật Hoa Kỳ, chủ đơn đối với dấu hiệu âm thanh đăng ký nhãn hiệu không phải nộp bản vẽ hay bản đồ họa. Chủ đơn có thể nộp đơn trực tiếp tại văn phòng đăng ký nhãn hiệu hoặc thông qua hệ thống điện tử đăng ký nhãn hiệu TEAS. Trong trường hợp nộp trực tiếp, người nộp đơn phải ghi rõ, đó là dấu hiệu “phi thị giác” (non-visual mark) và nộp kèm đĩa CD hoặc đĩa video kỹ thuật số DVD hoặc băng video âm thanh. Nếu nộp thông qua hệ thống điện tử, người nộp đơn cần chọn mục “Nhãn hiệu âm thanh” (Sound mark) và nộp kèm theo bản sao tệp âm thanh. Bản sao phải ở dạng tệp điện tử ở định dạng .wav, .wmv, .wma, .mp3, .mpg hoặc .avi và không được vượt quá kích thước 5 MB và mô tả dấu hiệu âm thanh đó[14].
Như vậy, những kinh nghiệm từ việc hướng dẫn nộp đơn đăng ký nhãn hiệu âm thanh từ Hoa Kỳ hay Liên minh châu Âu có thể trở thành những gợi mở cho Việt Nam trong quá trình đưa pháp luật vào thực tiễn khi mà lần đầu tiên ghi nhận việc bảo hộ nhãn hiệu âm thanh. Đặc thù của nhãn hiệu âm thanh chính là việc người tiêu dùng cảm nhận được thông qua giác quan là thính giác. Do đó, yêu cầu nộp đơn phải bảo đảm được các nội dung làm cơ sở thẩm định của cơ quan chức năng về âm thanh, các tệp âm thanh hay bản mô tả phải thực sự trùng khớp, mô tả được hết dấu hiệu và bảo đảm được chức năng giúp người dùng phân biệt được hàng hóa, dịch vụ chứ không phải chỉ là yếu tố mới lạ. Do đó, việc quy định càng chi tiết các nội dung này góp phần tạo thuận lợi cho quá trình thẩm định cũng như công bố đơn đăng ký.
(iv) Bổ sung quy định về công khai đơn đăng ký nhãn hiệu. Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi đã bổ sung khoản 1a vào Điều 110, theo đó, “đơn đăng ký nhãn hiệu chưa được cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp chấp nhận hợp lệ được công khai ngay sau khi được tiếp nhận”. Điều này vừa bảo vệ cơ chế nộp đơn đăng ký đầu tiên, đồng thời tạo điều kiện cho các chủ thể khác có thể phản đối hợp pháp việc bảo hộ dấu hiệu đã đăng ký đó. Ngoài ra, kể từ ngày công khai đơn đăng ký nhãn hiệu, chủ thể thứ ba được quyền phản đối việc cấp văn bằng bảo hộ trong thời hạn 05 tháng, nội dung này cũng mới được bổ sung tại Điều 112a Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi.
2. Một số đề xuất trong việc thực thi quy định mới về nhãn hiệu của Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi
Để thực thi có hiệu quả quy định mới về nhãn hiệu theo Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi, tác giả đề xuất một số nội dung sau đây:
Thứ nhất, bổ sung quy định hướng dẫn về đánh giá “bộ phận công chúng” khi xác định nhãn hiệu nổi tiếng. Việc quy hoạch phạm vi đánh giá nhãn hiệu nổi tiếng theo Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi là hợp lý, tuy nhiên, việc chưa làm rõ hay hướng dẫn cách thức cụ thể để xác định “bộ phận công chúng” nên sẽ gây khó khăn cho các chủ thể kinh doanh nắm bắt để chứng minh cho nhãn hiệu của mình là nổi tiếng. Chẳng hạn, xác định dựa trên số lượng bao nhiêu khách hàng và ở những khu vực như thế nào, hay yêu cầu định danh loại đối tượng “công chúng” tương ứng từng lĩnh vực… Đây cũng là cơ sở cho chính các chủ thể thẩm định có căn cứ đánh giá nhãn hiệu nổi tiếng.
Thứ hai, ghi nhận hồ sơ đăng ký nhãn hiệu âm thanh và các điều kiện chi tiết bảo hộ nhãn hiệu âm thanh. Việc Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi bổ sung dấu hiệu âm thanh được bảo hộ dưới danh nghĩa nhãn hiệu đã đánh dấu sự phát triển của pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam, dần tiệm cận với nền pháp luật sở hữu trí tuệ thế giới. Tuy nhiên, đặc trưng của loại dấu hiệu âm thanh khác biệt so với những dấu hiệu nhìn thấy được bởi khả năng được cảm nhận của nó là bằng thính giác của con người. Do đó, việc áp dụng các quy định về điều kiện chung của những dấu hiệu khác để đánh giá vào nhãn hiệu âm thanh là chưa thực sự hoàn toàn phù hợp. Dựa vào kinh nghiệm của một số quốc gia có nền pháp luật sở hữu trí tuệ tiên tiến trên thế giới như Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu, theo tác giả, cần chi tiết hóa điều kiện để được xem là một nhãn hiệu âm thanh, theo đó, quy định tính phi chức năng của dấu hiệu âm thanh, đồng thời giải thích cụ thể dấu hiệu âm thanh phải gắn liền với hàng hóa, dịch vụ và bảo đảm tính phân biệt như thế nào để tránh việc cơ quan thẩm định đánh đồng với các âm thanh quảng cáo hàng hóa, dịch vụ trong khi chúng không bảo đảm yếu tố chỉ dẫn nguồn gốc hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng.
Thứ ba, về quy trình đăng ký nhãn hiệu, đối với nhãn hiệu âm thanh, do được quy định bởi tính đặc biệt của loại dấu hiệu này, nên hồ sơ đăng ký nhãn hiệu cần phải được đầu tư chuẩn bị, pháp luật cần có những hướng dẫn cụ thể về quy trình đăng ký (chẳng hạn, file âm thanh được định dạng như thế nào, dung lượng tối đa là bao nhiêu, bản đồ họa yêu cầu thể hiện các nốt nhạc ra sao, có cần thiết được mô phỏng cụ thể bằng một văn bản hay không…). Đồng thời, hình thức nộp đơn trực tuyến cũng nên được mở rộng và phát triển, tạo điều kiện cho quá trình nộp cũng như thẩm định được nhanh và chính xác hơn.

TS. Nguyễn Xuân Quang
Lê Nhật Hồng
Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh

 
 
[1]. Điều 18.18 Hiệp định CPTPP, https://trungtamwto.vn/upload/files/fta/174-da-ky-ket/175-cptpp-tpp11/177-noi-dung-hiep-dinh/18_Chuong%2018_So_huu_tri_tue_-_VIE.pdf, truy cập ngày 01/7/2022.
[2]. Các chức năng cơ bản của nhãn hiệu bao gồm: Chức năng phân biệt, chức năng xác định chất lượng, chức năng quảng cáo, đầu tư, chức năng biểu đạt… (Xem thêm tại: Trần Kiên (chủ biên), Sự xung đột giữa quyền con người và quyền sở hữu trí tuệ, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, tr. 128 - 145).
[3]. “Standing committee on the law of trademarks, Industrial designs and Geographical indications”, https://www.wipo.int/edocs/pubdocs/en/general/399/wipo_pub_399.pdf, truy cập ngày 01/7/2022.
[4]. Nguyễn Thị Hoàng Hạnh (2021), “Bảo hộ nhãn hiệu âm thanh, kinh nghiệm quốc tế và một số đề xuất cho Việt Nam”, Tạp chí Khoa học pháp lý, Số 9 (148)/2021, tr. 6.
[5]. https://guidelines.euipo.europa.eu/1803468/1789732/trade-mark-guidelines/9-7—————-9-3-7-sound-marks, truy cập ngày 01/7/2022.
[6]. https://tmep.uspto.gov/RDMS/TMEP/current#/current/TMEP-1200d1e2927.html, truy cập ngày 01/7/2022.
[7]. Phùng Thị Yến, Lê Hồng Anh (2021), “Bảo hộ nhãn hiệu âm thanh không có tính phân biệt cố hữu: Quy định của một số nước và đề xuất cho Việt Nam”, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, Số 5, tr. 61.
[8]. https://vtc.vn/quyen-so-huu-tri-tue-khong-duoc-can-tro-viec-su-dung-quoc-ky-quoc-ca-ar668293.html, truy cập ngày 01/7/2022.
[9]. Stacey L. Dogan and Mark A. Lemley (2008), “A search – cost theory of limiting doctrines in trademark law”, Trademark Law and Theory – A handbook of Contemporary Research, Edward Elgar, p. 66.
[10]. Nicholas S. Economides (1988), The Economics of Trademarks, 78 TRADEMARK REP. 523, 525-7.
[11]. Stacey L. Dogan and Mark A. Lemley (2008), “A search – cost theory of limiting doctrines in trademark law”, Trademark Law and Theory – A handbook of Contemporary Research, Edward Elgar, p.69.
[12]. Sury Frankel (2008), “Trademarks and traditional knowledge and cultural intellectual property rights”, Trademark Law and Theory – A handbook of Contemporary Research, Edward Elgar, p.433.
[13]. https://guidelines.euipo.europa.eu/1803468/1789732/trade-mark-guidelines/9-7-9-3-7-sound-marks, truy cập ngày 01/7/2022.
[14]. https://tmep.uspto.gov/RDMS/TMEP/current#/current/TMEP-900d1e763.html, truy cập ngày 01/7/2022.

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin.