Một số hành vi xâm phạm chủ yếu đối với trò chơi điện tử
Theo quy định tại Điều 28 Luật sở hữu trí tuệ, những hành vi sau được coi là xâm phạm quyền tác giả (bản quyền) đối với trò chơi điện tử:
Sao chép tác phẩm mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả
Trong thời đại phát triển công nghệ như hiện nay, việc sao chép cũng như tạo bản sao một tác phẩm là hết sức dễ dàng. Để đáp ứng nhu cầu sử dụng của bản thân, ngày càng có nhiều người tự ý sao chép, tạo bản sao một tác phẩm bất chấp có được sự cho phép của tác giả hay không đang ngày càng phổ biến và có chiều hướng tiếp tục tăng. Đối với trò chơi điện tử cũng vậy, việc tự ý sao chép khi chưa được sự đồng ý của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả của người sử dụng đã dẫn đến tình trạng xâm phạm nghiêm trọng bản quyền đối với trò chơi điện tử.
Trò chơi điện tử là loại hình tác phẩm đặc biệt vì bản gốc và bản sao của nó gần như giống nhau cho nên khó có thể nhận biết một cách thông thường được. Do đó các cá nhân, tổ chức muốn sao chép trò chơi điện tử cũng dễ dàng hơn và khó bị tác giả sáng tạo, chủ sở hữu quyền tác giả phát hiện ra.
Ví dụ: A mua một đĩa CD game từ một cửa hàng về cài đặt lên máy tính của mình. Sau đó A giới thiệu cho nhiều người bạn khác của mình cùng sử dụng, do giá thành của đĩa CD game này là khá cao nên A đã cho các bạn của mình mượn để sao chép thành các bản khác nhau.
Tuy nhiên, không phải bất kỳ trường hợp nào sao chép trò chơi điện tử mà không được sự cho phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả cũng là hành vi xâm phạm bản quyền. Pháp luật Việt Nam loại trừ một số trường hợp mà người sử dụng có thể thực hiện sao chép tác phẩm. “Tổ chức, cá nhân có quyền sử dụng hợp pháp bản sao chương trình máy tính có thể làm không quá một bản sao dự phòng, để thay thế khi bản sao đó bị mất, bị hư hỏng hoặc không thể sử dụng được”.[1]
Như vậy, luật cũng đã dự liệu cho người sử dụng bản sao có thể sao chép một bản sao để dự phòng cho tình huống bị mất mát hoặc hư hỏng của trò chơi điện tử. Quy định này là phù hợp với tình hình thực tế, bởi lẽ đối với hầu hết các loại trò chơi điện tử hiện nay đều được lưu trữ trong các băng, đĩa, máy tính mà các thiết bị này rất dễ xảy ra sự cố, hư hại.
Ví dụ: A mua một đĩa CD từ một cửa hàng kinh doanh đĩa CD game bản quyền. Để đảm bảo được sử dụng lâu dài, A có thể tạo một bản sao khác của game này mà không vi phạm pháp luật về quyền tác giả.
Sử dụng tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả, không trả tiền thù lao, quyền lợi vật chất khác theo quy định của pháp luật
Theo quy định tại Khoản 8 Điều 28 Luật sở hữu trí tuệ thì việc sử dụng trò chơi điện tử mà không được sự cho phép của chủ sở hữu quyền tác giả, không trả tiền thù lao và quyền lợi vật chất khác thì bị xem là xâm phạm bản quyền đối với trò chơi điện tử.
Ví dụ: Hiện nay nhiều đối tượng tự ý việt hóa các game mobile như Plants vs, Zombies, Tankzors của các nhà sản xuất game nước ngoài rồi cung cấp lại cho người dùng trong nước, có tính phí tải về mà chưa được sự cho phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả của game đó. Hành vi của các đối tượng này là xâm phạm nghiêm trọng quyền tác giả.
Cũng giống như hành vi sao chép trái phép ở trên, người dùng có thể nhận biết được một cách rõ ràng đây là hành vi vi phạm pháp luật. Chính vì tâm lý không muốn mất một khoản tiền để mua bản quyền trò chơi điện tử nên đa số mọi người đều quyết định sử dụng trái phép. Điều này đã dẫn đến quyền lợi của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả bị xâm phạm, đồng thời cũng gây ra những tổn thất to lớn về vật chất cho những người sáng tạo trò chơi điện tử.
Cố ý hủy bỏ hoặc làm vô hiệu các biện pháp kỹ thuật do chủ sở hữu quyền tác giả thực hiện để bảo vệ quyền tác giả đối với tác phẩm của mình
Đây là hành vi xâm phạm quyền tác giả rất dễ xảy ra trong thời đại công nghệ thông tin như hiện nay. Chủ sở hữu tạo những mật mã cho trò chơi điện tử của mình để bảo vệ quyền tác giả.Tuy nhiên, những cá nhân, tổ chức vì các mục đích khác nhau đã cố tình tìm ra cách để bẻ khóa hay làm vô hiệu hóa mật mã do chủ sở hữu tạo ra để sử dụng mà không phải trả bất kì khoản chi phí nào liên quan đến việc mua bản quyền.
Cố ý xóa, thay đổi thông tin quản lý quyền dưới hình thức điện tử trong tác phẩm
Theo quy định tại Điều 43 Nghị định số 100/2006/NĐ-CP ngày 21 tháng 09 năm 2006 của Chính phủ về việc Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Dân sự, Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả và quyền liên quan thì việc đưa các thông tin quản lý quyền gắn với bản gốc hoặc bản sao tác phẩm, đưa thông tin quản lý quyền xuất hiện cùng với việc truyền đạt tác phẩm tới công chúng nhằm xác định tác phẩm, tác giả của tác phẩm, chủ sở hữu quyền, thông tin về thời hạn, điều kiện sử dụng tác phẩm và mọi số liệu hoặc mã, ký hiệu thể hiện thông tin đó để bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan. Như vậy, nếu tổ chức, cá nhân có hành vi cố ý xóa hoặc thay đổi một trong những thông tin trên có nghĩa là họ đã thay đổi những thông tin quản lý quyền dưới hình thức điện tử mà tác giả, chủ sở hữu đặt ra nhằm bảo vệ trò chơi điện tử.Hành vi này sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật.
Nhân bản, sản xuất bản sao, phân phối, trưng bày hoặc truyền đạt tác phẩm đến công chúng qua mạng truyền thông và các phương tiện kỹ thuật số mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả
Theo định nghĩa của pháp luật Việt Nam thì bản sao tác phẩm là bản sao chép trực tiếp hoặc gián tiếp một phần hoặc toàn bộ tác phẩm.
Bất kỳ một cá nhân, tổ chức nào muốn thực hiện một trong các hành vi nhân bản, sản xuất bản sao, phân phối, trưng bày hoặc truyền đạt trò chơi điện tử đến công chúng đều phải được sự cho phép của chủ sở hữu quyền tác giả. Việc tự ý thực hiện các hành vi trên mà chưa được sự cho phép của chủ sở hữu quyền tác giả đối với trò chơi điện tử đều được xem là hành vi xâm phạm bản quyền.
Ví dụ: Tình trạng tự ý sao chép và phân phối các game offline ra đĩa CD hoặc DVD để kinh doanh của các cửa hàng game hiện đang rất phổ biến. Đặc điểm của các đĩa game này là có giá cả rất thấp so với các đĩa game bản quyền và thu hút được nhiều người dùng.
Trên đây là những hành vi xâm phạm bản quyền trò chơi điện tử chủ yếu nhất trong giai đoạn phát triển công nghệ như hiện nay. Ngoài các hành vi xâm phạm quyền tác giả trên còn có một số hành vi khác có thể ảnh hưởng đến quyền lợi của chủ sở hữu quyền tác giả đối với trò chơi điện tử như hành vi chiếm đoạt quyền tác giả của trò chơi điện tử, hành vi xuất khẩu, nhập khẩu hoặc phân phối bản sao trò chơi điện tử mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả.
Một số vụ việc liên quan đến trò chơi điện tử ở Việt Nam
Vụ việc cung cấp server lậu game MU Online ở Hà Nội
Theo đó, chiều ngày 23 tháng 01 năm 2006, theo sự chỉ đạo của Giám đốc Công an thành phố Hà Nội, phòng An ninh văn hoá PA25 phối hợp với Ban Thanh tra Sở Văn hoá tiến hành kiểm tra trụ sở hoạt động của game MU Online ở Hà Nội (một server lậu của trò chơi MU Online do FPT Online phát hành, tại số 106 phố Ngọc Khánh, Hà Nội). Tại hiện trường, đoàn kiểm tra phát hiện một số lượng lớn “thẻ reset” để chơi MU Online lậu Hà Nội do Công ty Tin học Ngô tự ý phát hành.
Thẻ chơi game lậu MU Hà Nội tại văn phòng công ty Tin học Ngô. (Nguồn: vnexpress.net)
Trong thời gian làm việc với đoàn kiểm tra, Ngô Quang Thịnh - Giám đốc công ty Tin học Ngô, đơn vị cung cấp và kinh doanh game MU Online lậu, không trình được bất cứ một văn bản nào của cơ quan có thẩm quyền cho phép công ty này kinh doanh game online, cũng như giấy tờ chứng minh bản quyền của game MU Online đang sử dụng.
Dù vậy, ông Thịnh vẫn không thừa nhận sai phạm về việc cung cấp và kinh doanh MU lậu với lý do “những phần mềm như vậy có đầy trên mạng, chỉ cần tải về dùng”. Đoàn kiểm tra đã niêm phong 3 máy tính và một số giấy tờ liên quan làm tang chứng, đồng thời triệu tập Ngô Quang Thịnh về trụ sở Công an thành phố để tiếp tục giải trình.
MU Hà Nội là một trong những server MU Online lậu lớn nhất vẫn còn tồn tại sau khi nhà phát hành FPT Online công bố mua bản quyền game này tại Việt Nam. Bản thân phần mềm game MU Hà Nội là một bản mã nguồn chưa hoàn chỉnh, được cộng đồng những người chuyên lập trình sưu tầm và trao đổi để học tập. Ông Thịnh đã tự ý sử dụng bản mã này để xây dựng thành game MU Online để thu lợi bất chính mà không phải mất bất kỳ một khoản chi phí nào cho việc chi trả tiền bản quyền. Trong khi đó, giá bản quyền của game MU Online lên đến 3 triệu USD.
Có thể thấy vì mục đích lợi nhuận mà các đối tượng vi phạm đã không quan tâm đến vấn đề tôn trọng bản quyền. Việc xâm phạm bản quyền trước mắt đã ảnh hưởng đến doanh thu của các đơn vị kinh doanh hợp pháp. Khi có vi phạm xảy ra đã gây thiệt hại cho các đơn vị có bản quyền hợp pháp, ảnh hưởng đến uy tín của các đơn vị kinh doanh.
Sự phối hợp của nhà phát hành FPT Online với cơ quan chức năng của Nhà nước kịp thời truy bắt các đối tượng vi phạm là một bài học cho mỗi cá nhân tổ chức khác có ý thức hơn trong vấn đề bản quyền. Không vì lợi nhuận của mình mà thực hiện những hành vi xâm phạm đến quyền lợi ích của người khác. Qua đó cho thấy những quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ là vô cùng cần thiết trong công tác quản lý và thực thi quyền tác giả.
Vụ việc làm game lậu Con đường tơ lụa do VDC-Net2E phát hành
Trong nhiều tháng cuối năm 2013, trên các diễn đàn game online như gamevn.com, gamezone.vn, cộng đồng người chơi game Con đường tơ lụa nhận thấy game có chất lượng kém hẳn đi, bị sửa đổi nhiều tính năng so với các phiên bản chính thức đã từng phát hành từ năm 2006 đến nay. Khi gọi điện trực tiếp đến bộ phận chăm sóc khách hàng của VDC-Net2E, người chơi mới biết mình đang chơi ở các server game giả mạo của game này.
Nhiều người chơi không phân biệt được server thật, giả. (Nguồn:conduongtolua.com.vn)
Ngay sau đó, nhà phát hành VDC-Net2E đã tiến hành kết hợp với Sở Thông tin - Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh cùng Cục Cảnh sát, phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao C50 điều tra và phát hiện Phan Đức Hùng (sinh viên Trường đại học Điện lực Thành phố Hồ Chí Minh), là người đã có hành vi làm giả game Con đường tơ lụa bằng cách lập trang web c50.sytes.net, đưa trò chơi không được cấp phép, cũng lấy tên Con đường tơ lụa để thu hút người chơi trực tuyến.
Từ ngày 9 tháng 11 năm 2012 đến 7 tháng 01 năm 2013, Hùng đã thu lợi bất chính từ việc làm giả game online này với số tiền 11,776 triệu đồng. Hùng bị xử phạt 40 triệu đồng theo Điểm a, Khoản 3, Điều 17, Nghị định 28/2009/NĐ-CP ngày 20 tháng 3 năm 2009 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin điện tử trên internet.
Qua vụ việc trên ta thấy rằng hành vi sao chép làm giả và kinh doanh trái phép trò chơi trực tuyến của một bộ phận muốn trục lợi cá nhân đã ảnh hưởng xấu đến hoạt động phát triển và môi trường kinh doanh trò chơi trực tuyến của các nhà phát hành hợp pháp trò chơi trực tuyến trong nước, gây ảnh hưởng về mặt danh tiếng cũng như thiệt hại về doanh thu của họ.
Các đối tượng này thường thiết kế các website có giao diện đăng nhập giống hệt các sản phẩm game trực tuyến, cũng như dịch vụ của các nhà phát hành. Tuy nhiên, địa chỉ liên kết hoàn toàn không phải, gây nên sự nhầm lẫn không nhỏ trong cộng đồng người chơi vì không phải ai cũng có thể phân biệt được giữa thật và giả dẫn đến nhiều người chơi quay lưng lại với sản phẩm của nhà phát hành. Do đó, gây mất mát một lượng khách hàng lớn đối với các nhà phát hành trò chơi trực tuyến. Trong vụ việc này việc xử phạt và trừng trị của pháp luật đối với cá nhân người vi phạm là điều hết sức cần thiết, một mặt có thể giáo dục, chấn chỉnh lại hành vi của người vi phạm, mặt khác có thể răn đe đối với các cá nhân có ý định vi phạm khác.
Vụ việc cung cấp game Gunny lậu do VNG phát hành
Ngày 5 tháng 10 năm 2014, Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao C50 cho biết vừa phát hiện và bắt giữ đối tượng Nguyễn Trần Nhật Hào sinh năm 1996 trú tại TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng về tội kinh doanh trái phép trò chơi điện tử trực tuyến.
Theo đó, tại cơ quan điều tra, Nguyễn Trần Nhật Hào khai báo, khi tìm kiếm trên mạng internet đã phát hiện tại trang web gamezone.vn (hiện nay trang web đã đổi tên miền thành clbgamevn.com) có chia sẻ mã nguồn, cách cài đặt và hướng dẫn chỉnh sửa nội dung trò chơi Gunny thuộc quyền phát hành của VNG nên đã tải về làm thử.
(Trang web: clbgamevn.com)
Đầu tháng 9 năm 2013, Hào chính thức kinh doanh trò chơi trực tuyến Gunny trên mạng tại hai trang web gunnyfire.net và gbum.net. Trong đó, trang web gbum.net được dùng để quảng cáo và chuyển hướng đến tên miền chính là gunnyfire.net. Từ tháng 9 năm 2013 đến tháng 5 năm 2014, Hào đã tự nghĩ ra hai tên và địa chỉ không có thật để đăng ký thuê máy chủ phục vụ phát hành game lên internet.
Cùng với cung cấp game Gunny trái phép, Hào đăng ký mở dịch vụ thanh toán trực tuyến tại trang web knp.vn của Công ty cổ phần Đầu tư và kết nối thanh toán trực tuyến để thu tiền người chơi. Sau đó, lập hai tài khoản ngân hàng do chính Hào đứng tên để Công ty trên chuyển tiền vào tài khoản của mình. Tổng số tiền người dùng nạp thẻ để chơi trò chơi trực tuyến Gunny của Hào tính đến ngày 5 tháng 8 năm 2014 gần 500 triệu đồng.
Theo Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao C50 trong quá trình điều tra còn phát hiện mã nguồn hai trang web trên vẫn đang lưu trữ trong máy tính cá nhân của đối tượng này. Ngoài ra, trong máy tính cá nhân của Hào cũng chứa toàn bộ dữ liệu mã nguồn trò chơi, dữ liệu người dùng, dữ liệu nạp thẻ.
Hành vi sử dụng mã nguồn được cung cấp trên mạng internet để thực hiện cài đặt vận hành game lậu đang ngày càng phổ biến và thu hút ngày càng nhiều đối tượng tham gia. Một người bình thường có hiểu biết tương đối trong lĩnh vực công nghệ thông tin là đã có thể thiết lập một game lậu hay server lậu dựa trên việc sao chép từ game gốc hoặc cài đặt, chỉnh sửa lại mã nguồn được cung cấp trên mạng.
Một khi game lậu đi vào hoạt động, cả nhà phát hành game chính thống có giấy phép lẫn người chơi đều chịu những tổn thất nhất định. Về phía nhà phát hành là sự tổn thất về doanh thu, uy tín, sụt giảm khách hàng. Đối với người chơi là nguy cơ mất trắng tiền bạc và công sức vào game, khi mà các thông tin của game lậu và những người vận hành game đều hết sức ít ỏi.
Trong vụ việc này mặc dù đối tượng vi phạm có tuổi đời còn rất trẻ, có thể hoặc không thể nhận thức được hành vi của mình là vi phạm pháp luật nhưng vì yếu tố lợi nhuận được tạo ra từ việc thực hiện hành vi là rất lớn nên các đối tượng sẵn sàng thực hiện bất chấp hành vi của mình là có vi phạm pháp luật hay không.
Việc xâm phạm quyền tác giả đối với trò chơi điện tử hiện nay vẫn đang diễn ra phổ biến và ngày càng tinh vi bởi sự hỗ trợ và phát triển của công nghệ (đặc biệt là internet) đã ảnh hưởng đến hoạt động sáng tạo, đầu tư, kinh doanh, gây ra nhiều bức xúc, quan ngại cho các đối tác, nhà đầu tư. Song song với đó là công tác quản lý, thực thi bảo hộ quyền tác giả đối với trò chơi điện tử còn nhiều khó khăn, hạn chế. Do đó, làm cho tình hình xâm phạm diễn ra là điều khó tránh khỏi. Những giải pháp xử lý của cơ quan chức năng, nhà nước mặc dù đang được triển khai nhưng vẫn chưa đủ sức răn đe đến các đối tượng có hành vi xâm phạm quyền tác giả. Do vậy, cần có những giải pháp phù hợp để hoạt động sáng tạo, nghiên cứu giúp ích cho xã hội ngày một phát triển.
Trong bài viết tiếp theo, chuyên trang Pháp luật và bản quyền sẽ đề xuất một số giải pháp nhằm hạn chế hành vi xâm phạm quyền tác giả đối với trò chơi điện tử hiện nay.
Kỳ Anh