DJ Hà Trang - đồng sáng lập Trạm Radio:
Người dùng chưa có thói quen trả tiền để nghe sách nói
Theo xu hướng thế giới, sách nói đang ngày một phát triển ở Việt Nam và bạn đọc cũng ngày càng cởi mở với hình thức này. Các nền tảng sách nói có bản quyền như Voiz FM, Fonos hay Waka đều có diện phủ sóng rộng rãi và được bạn đọc đón nhận. Các nền tảng này đều có thế mạnh là cung cấp nội dung có bản quyền, chất lượng âm thanh đạt chuẩn và kho sách lớn, tuy nhiên chưa đa dạng về thể loại và nội dung, phần lớn là sách cũ hoặc sách mới về các chủ đề thiền định, tâm lý, kinh doanh.
Theo tôi, tiềm năng phát triển của sách nói là rất lớn. Thị trường lớn và tiềm năng là vậy nhưng sách nói có bản quyền vấp phải sự cạnh tranh từ các kênh sách nói vi phạm bản quyền, cũng như sách giấy vướng phải nạn sách lậu. Hiện chưa có chế tài cụ thể đối với sách nói vi phạm bản quyền nên các kênh “tự đọc” vẫn xuất hiện nhan nhản trên mạng. Chúng ta cần phải giải quyết được vấn đề nan giải này và tạo thói quen trả tiền để nghe sách nói thì các đơn vị mới có thể phát triển lâu dài trong tương lai.
Sự phát triển của các nền tảng nghe podcast (Spotify, Apple, Google) khiến nhiều người có thói quen tiếp nhận thông tin qua đường nghe. Đó là một điều kiện thuận lợi của sách nói. Tuy nhiên, người dùng chưa có thói quen trả tiền để nghe nội dung có bản quyền khiến cho việc kinh doanh sách nói gặp khó khăn. Khi bắt tay xây dựng Trạm Radio, chúng tôi đã nhìn thấy tiềm năng của sách nói gắn với sự phát triển của các nền tảng công nghệ cũng như thói quen của con người trong tương lai. Trong nội dung của Trạm Radio, phần trích đọc luôn được thính giả yêu thích hơn phần thảo luận, chứng tỏ nhu cầu nghe đọc sách vẫn rất lớn. Có một lưu ý rằng, yếu tố vùng miền cũng ảnh hưởng ít nhiều đến thị hiếu của công chúng. Thính giả miền nào có xu hướng thích nghe giọng miền đó hơn. Vì thế, bên cạnh việc đa dạng các loại sách, dòng sách, nâng cao chất lượng âm thanh, việc tạo sự phong phú hơn về giọng đọc cũng là điều mà chúng tôi nghĩ tới.
Bà Nguyễn Thúy Hằng - Phó Giám đốc Nhà xuất bản Hội Nhà văn:
Không từ chối tham gia khi điều kiện cho phép
Audiobook (sách nói) không phải đến thời nay mới có. Từ xa xưa, sách nói đã từng xuất hiện dưới những dạng thức khác nhau. Ở Trung Hoa thời cổ đại đã có những người kể chuyện rong về “Tam Quốc diễn nghĩa” trên các đường phố. Ở ta, trong các làng xóm cũng đã từng có những người kể “Truyện Kiều” hay những áng cổ văn như “Tống Trân - Cúc Hoa”, truyện “Lục Vân Tiên”... Đến thời hiện đại, trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam có những tiết mục như “Kể chuyện cảnh giác” (tối thứ bảy hằng tuần) hay “Đọc truyện đêm khuya”, “Tiếng thơ” chính là một dạng sơ khai của audiobook...
Từ chỗ là một dạng phát thanh phục vụ người khiếm thị là chính, audiobook có tốc độ phát triển như vũ bão, có lẽ dựa trên một số điều kiện công nghệ, xã hội và khoa học hội tụ ở một điểm giao cắt: Có những thiết bị công nghệ hiện đại, mạng wifi tiện lợi, người sở hữu xe ô tô ngày càng nhiều, người đọc sách ngày càng bận rộn, có nhu cầu tiếp cận với sách báo nhiều hơn, lại phải trong một thời gian ngắn có thể vừa làm việc, vừa lái xe mà vẫn có thể đồng thời nắm bắt được nội dung của các cuốn sách hay tờ báo... Audiobook phục vụ những nhu cầu đó của con người. Một khi con người ngày càng bận rộn, công nghệ ngày càng tiên tiến và số người sở hữu ô tô ngày càng nhiều thì audiobook càng có tương lai.
Nhà xuất bản Hội Nhà văn là một đơn vị xuất bản đã cho ra đời các ấn phẩm thuộc nhiều dòng khác nhau. Khi điều kiện cho phép, chúng tôi không từ chối tham gia vào việc xây dựng, phát hành và sử dụng các “ấn bản” audiobook.
Bà Nguyễn Hoàng Diệu Thủy - Phó Trưởng phòng Tu thư, Công ty Văn hóa & Truyền thông Nhã Nam:
Khó khăn lớn nhất là vấn đề xử lý bản quyền
Tôi vẫn còn nhớ những tối muộn ngày xưa nghe chương trình “Đọc truyện đêm khuya” trên đài phát thanh, giọng đọc sâu hút truyền cảm của phát thanh viên khiến câu chuyện được đọc trở nên vô cùng hấp dẫn. Khi thời đại của ti vi và internet lấn át, tôi và nhiều người khác đã bỏ qua chương trình đó, thói quen đó, và tưởng chừng như không bao giờ gặp lại. Thế nhưng audiobook đang là một xu hướng của thế giới, đặc biệt nở rộ trong mấy năm gần đây. Việt Nam cũng bắt kịp xu hướng này, hai năm gần đây sách nói đã manh nha phát triển, cho thấy nhu cầu được nghe đọc sách đã trở lại trong chúng ta.
Sách nói là một hình thức phát hành, một hình thức “đọc” tốt, thú vị, nó có những ưu thế mà sách giấy hoặc sách điện tử không có. Nhà xuất bản và các đơn vị phát hành sẽ có thêm một kênh tiếp cận độc giả, tối ưu hóa việc khai thác nội dung, lại ít lo về nạn xâm phạm bản quyền do sách nói được phát trên các app của điện thoại thông minh. Người nghe sách không bị bó buộc ngồi một chỗ với cuốn sách hay ebook, vẫn có thể vừa nghe vừa pha cà phê, lái xe, nấu ăn, trong khi đôi mắt được thư giãn.
Tôi nghĩ sách nói phát triển là một nhu cầu tất yếu, làm đa dạng các hình thức phát hành, cá nhân hóa nhu cầu người đọc. Hạn chế của sách nói nằm ở chỗ nó áp đặt cách thức hấp thụ thông tin, ta không thể lật giở, lướt qua, hay chạy ngay đến trang nào ta muốn. Những người quen cầm cuốn sách và chủ động chiếm lĩnh nó có thể sẽ khó chịu với điều này.
Ở Việt Nam trong thời gian tới, nhu cầu sách nói vẫn sẽ còn mở rộng nữa, nên sách nói hiện cũng nằm trong kế hoạch phát triển của Công ty Văn hóa & Truyền thông Nhã Nam. Lượng đầu sách mà chúng tôi cộng tác với đơn vị phát hành sách nói ở năm trước và năm nay cũng tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất đối với sách nói có lẽ là vấn đề xử lý bản quyền, hợp đồng bản quyền phải ký kết giữa ba, bốn bên, với tác giả nước ngoài nữa thì quy trình càng rắc rối và mất thời gian.
LÊ PHONG