TIKTOK – Vấn đề bản quyền âm nhạc, có xâm phạm hay không?

(PLBQ). Tiktok là nền tảng video âm nhạc và mạng xã hội của TRUNG QUỐC ra mắt từ năm 2017. Với sức hút mạnh mẽ, trong khoảng 1 năm sau khi ra mắt, TikTok đã được tải xuống hơn 80 triệu lần ở Hoa Kỳ và đã đạt 2 tỷ lượt tải xuống trên toàn thế giới.

Ứng dụng Tiktok dành cho thiết bị di động cho phép người dùng tạo một đoạn video ngắn thường có nhạc nền, có thể tăng tốc, làm chậm hoặc chỉnh sửa bằng bộ lọc. Họ cũng có thể thêm âm thanh của riêng mình trên nhạc nền. Cùng với đó là các hiệu ứng, trend hot, độc lạ lôi cuốn tất cả mọi người cùng tham gia.

Có thể nói, với tính năng hot, “viral” kết hợp với âm nhạc, chỉnh sửa cùng các hiệu ứng đặc biệt tạo nên video ngắn. Tiktok tạo nên một xu hướng lan truyền đến toàn thế giới, đặc biệt hơn là tất cả giới showbiz, nghệ sĩ đều tích cực tham gia vào xu thế Tiktok, bởi vậy sức lan tỏa của nó là cực kì “khủng”.

Nhưng mọi sự hiện hữu và được tồn tại, đều phải nhìn nhận về khía cạnh pháp lí, và vấn đề đặt ra là:

 Liệu việc lồng ghép, sử dụng các bản ghi âm vào các video ngắn là được tùy ý và sử dùng chùa?

Mới đây VNG đã khởi kiện Tiktok xâm phạm bản quyền sở hữu trí tuệ và đòi bồi thường thiệt hại hơn 221,5 tỉ đồng. Theo cáo buộc của phía VNG đối với TikTok, trên nền tảng của ứng dụng video ngắn này có nhiều clip lồng ghép nhạc nhưng lại không có đầy đủ bản quyền cho các bài hát được sử dụng.

 Nhiều bản ghi âm những bài hát được lồng ghép trong các clip ngắn đó lại do Zing – một công ty con của VNG – nắm giữa quyền sở hữu và khai thác. Trong một báo cáo phía Zing cho biết đã thống kê được có tổng cộng khoảng 150 bản ghi âm mà Zing giữ quyền sở hữu và khai thác được sử dụng trái phép trong hơn 11 triệu video trên ứng dụng và website của TikTok.

Thực ra, việc VNG đâm đơn khởi kiện Tiktok là có quyền vì họ nhận thấy rằng mình bị xâm phạm về bản quyền sở hữu trí tuệ, cụ thể ở đây là việc xâm phạm đến bản quyền ghi âm.

Về quyền sở hữu của Zing-công ty con của VNG đối với các bản ghi âm.

VNG kiện Tiktok xâm phạm trực tiếp đến bài nhạc-bản ghi âm mà Zing nắm giữ bản quyền.

Theo ông Lê Tấn Thanh Thịnh - CEO BrandBeats Music Marketing phân tích  quy trình sản xuất và phát hành nhạc ở Việt Nam hiện nay đi qua 6 bước: 1 - nhạc sĩ sáng tác, 2 - bài hát đưa cho ca sĩ thu âm, 3 - bản ghi âm, 4 - nhà phát hành, 5 - nền tảng streaming (Zing, NhacCuaTui, Spotify, Keeng...) và 6 - đến với người nghe.

Vấn đề là vai trò của nhà phát hành (số 4) ở Việt Nam khá yếu. Một số nền tảng streaming đóng vai trò là nhà phát hành để ký hợp đồng thẳng với bên sở hữu số 3. Còn TikTok là một nền tảng mới, có thể xếp vào nhóm số 5.

Nhưng hiện nay, nhiều nghệ sĩ có nhạc được sử dụng song song trên nhiều nền tảng, có cả Zing lẫn TikTok. Tình trạng này khiến vấn đề trở nên phức tạp. Dường như bài toán về bản quyền lại có thêm một giả thiết mới đó chính là nếu phía tiktok và zing đều chứng minh được về quyền phát hành của mình thì trách nhiệm có lẽ sẽ chuyển hướng qua phía ca sĩ (đồng thời là người dùng TikTok). Đây có lẽ sẽ là một bài toán khó có lời giải trong một sớm, một chiều.

VNG vừa đệ đơn kiện TikTok (ảnh: Today Online)

Tiktok nên đối diện thế nào với sự việc này?

Trên thực tế, nếu đặt vào tình thế của tiktok thì chúng ta lại thấy có điều vô lí. Vì quan điểm chỉ là một phần, còn trong tranh tụng việc dùng các chứng cứ, lí lẽ để  chứng minh mới là cốt yếu, bởi Tiktok bản chất chỉ là một ứng dụng giải trí, thương mại.

VNG khó mà xác định được Tiktok có xâm phạm đến bản quyền như thế nào, và hơn thế là việc đưa ra số tiền bồi thường hơn 221,5 tỉ có đúng với mức thiệt hại của chính VNG không? VNG căn cứ vào thống kê, số liệu nào để xác định thiệt hại để đưa ra được con số nói trên.

Về lỗi, ở đây không chỉ riêng về phía Tiktok, chúng ta cũng nên để ý đến khía cạnh của người sử dụng.Mọi người đã biết tính năng của Tiktok có sẵn nhạc nền cho người dùng khi quay video hoặc sử dụng video có sẵn trên điện thoại lên thì chỉ cần tìm và nhấn thêm nhạc vào là có.

Nhưng bên cạnh đó, Tiktok cho phép người dùng ghi âm và cài các đoạn nhạc ngắn vào video để đăng lên Tiktok, tính năng của Tiktok cho phép người dùng khác có thể sử dụng luôn nhạc mà của người đã dùng trước đó bằng cách chỉ cần ấn vào là có thể tạo một video mới có sẵn nhạc, hiệu ứng lan truyền thật sự là mạnh mẽ.

Cũng có thể thừa nhận rằng, Tiktok chủ yếu đáp ứng nhu cầu của người dùng, vì thực tế từ trước đến nay đại đa số người dùng không hề biết mình đang vi phạm bản quyền về âm nhạc, thậm chí có cả những người đang tham gia hoạt động nghệ thuật, âm nhạc. Bởi với nhiều người khi sử dụng chỉ đơn giản là "nhạc miễn phí nên dùng vậy".

Nhưng cũng không thể phủ nhận được rằng Tiktok không phụ thuộc đến các tác phẩm âm nhạc do bên thứ ba sở hữu. Vậy nên trước tình thế này, Tiktok cần giải bài toán về vấn đề bản quyền một cách chi tiết và rõ ràng. Phán quyết cuối cùng mang tính quyết định không ai có thể đoán được vì còn tùy vào việc 2 bên tranh tụng, cung cấp chứng cứ, luận điểm và quan trọng hơn quyết định là ở phía Tòa án.

Giống như mô hình kinh doanh trên các trang thương mại điện tử như Lazada, shopee. Việc vướng phải câu chuyện về hàng giả, hàng nhái là không thể tránh khỏi. Nhưng vấn đề đặt ra ở đây lỗi chủ chốt gây ra, phải nói đến là ở phía người bán, khi bị phát hiện cũng và bị khởi kiện thì trách nhiệm trước pháp luật trực tiếp hơn cả là việc vi phạm chính đến quyền sở hữu trí tuệ là bên cung cấp hàng hóa.Chuyệnđã vỡ lở dẫn đến tranh tụng thì nó là cả hệ lụy đằng sau vì có rất nhiều vấn đề liên quan không chỉ là việc đăng bán mà còn là một “dây chuyền” đằng sau để hàng giả, hàng nhái có thể xuất hiện trên thị trường.

Xâm phạm bản quyền âm nhạc...Câu đố chưa lời giải

Xâm phạm đến bản quyền âm nhạc ở Việt Nam trong thời đại công nghiệp 4.0 ngày càng trở nên phức tạp và nhức nhối. Các nền tảng như Facebook, youtube, Tiktok... là hiện thân tiêu biểu của những sự vụ này, công nghệ ngày càng phát triển hiển nhiên rằng con người sẽ phát triển hơn thế nữa. Nhiều vấn đề thực sự làm “khó” pháp Luật, việc bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan là một câu đố và thách thức.

Lời giải hợp lí nhất cho bài toán này có lẽ nằm ở ý thức và nhận thức, thực thi quyền sở hữu âm nhạc một cách chính xác, nghiêm túc đối với những người đã và đang thừa hưởng, sử dụng các nền tảng âm nhạc.

Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam đã có những quy định điều chỉnh về những trường hợp sử dụng quyền liên quan phải và không phải xin phép, phải trả tiền nhuận bút, thù lao. Đồng thời cũng có những quy định hướng dẫn về trường hợp liên quan bản quyền âm nhạc đối với người thứ ba.

Điều 33. Các trường hợp sử dụng quyền liên quan không phải xin phép nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao.

1. Tổ chức, cá nhân sử dụng trực tiếp hoặc gián tiếp bản ghi âm, ghi hình đã công bố nhằm mục đích thương mại để phát sóng có tài trợ, quảng cáo hoặc thu tiền dưới bất kỳ hình thức nào không phải xin phép, nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao theo thỏa thuận cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng kể từ khi sử dụng; trường hợp không thỏa thuận được thì thực hiện theo quy định của Chính phủ hoặc khởi kiện tại Tòa án theo quy định của pháp luật.

Tổ chức, cá nhân sử dụng trực tiếp hoặc gián tiếp bản ghi âm, ghi hình đã công bố nhằm mục đích thương mại để phát sóng không có tài trợ, quảng cáo hoặc không thu tiền dưới bất kỳ hình thức nào không phải xin phép, nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng kể từ khi sử dụng theo quy định của Chính phủ.

2. Tổ chức, cá nhân sử dụng bản ghi âm, ghi hình đã công bố trong hoạt động kinh doanh, thương mại không phải xin phép, nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao theo thỏa thuận cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng kể từ khi sử dụng; trường hợp không thỏa thuận được thì thực hiện theo quy định của Chính phủ hoặc khởi kiện tại Tòa án theo quy định của pháp luật.

3. Tổ chức, cá nhân sử dụng quyền quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này không được làm ảnh hưởng đến việc khai thác bình thường cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng và không gây phương hại đến quyền của người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng.

 

HỒNG VUI

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin.