Tính giới hạn của quyền sử dụng sáng chế trong quyền sở hữu công nghiệp theo Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam

(PLBQ). Theo Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019) quy định Sáng chế là giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình nhằm giải quyết một vấn đề xác định bằng việc ứng dụng các quy luật tự nhiên.

Quyền sử dụng sáng chế nhân danh Nhà nước Bộ, cơ quan ngang Bộ có quyền nhân danh Nhà nước sử dụng hoặc cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng sáng chế thuộc lĩnh vực quản lý của mình nhằm mục đích công cộng, phi thương mại, phục vụ quốc phòng, an ninh, phòng bệnh, chữa bệnh, dinh dưỡng cho nhân dân và đáp ứng các nhu cầu cấp thiết khác của xã hội mà không cần sự đồng ý của chủ sở hữu sáng chế hoặc người được chuyển giao quyền sử dụng sáng chế theo hợp đồng độc quyền. Quyền này được xác định trên cơ sở yếu tố: Chuyển giao quyền sử dụng sáng chế theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

1. Về thẩm quyền: Thẩm quyền xác định căn cứ và quyết định chuyển giao bắt buộc quyền sử dụng sáng chế thuộc về các Bộ, cơ quan ngang Bộ.

2. Về phạm vi: Các Bộ, cơ quan ngang bộ có thẩm quyền bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng sáng chế đối với các sáng chế thuộc phạm vi lĩnh vực các Bộ, cơ quang ngang Bộ quản lý.

- Quyền sử dụng sáng chế được chuyển giao theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải phù hợp với các điều kiện sau đây:

+ Quyền sử dụng được chuyển giao thuộc dạng không độc quyền;

+ Người được chuyển giao quyền sử dụng không được chuyển nhượng quyền đó cho người khác, trừ trường hợp chuyển nhượng cùng với cơ sở kinh doanh của mình và không được chuyển giao quyền sử dụng thứ cấp cho người khác. Người được chuyển giao quyền sử dụng phải trả cho người nắm độc quyền sử dụng sáng chế một khoản tiền đền bù thoả đáng tuỳ thuộc vào giá trị kinh tế của quyền sử dụng đó trong từng trường hợp cụ thể phù hợp với khung giá đền bù do Chính phủ quy định.

3. Căn cứ bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng đối với sáng chế:

- Việc sử dụng sáng chế nhằm mục đích công cộng, phi thương mại, phục vụ quốc phòng, an ninh, phòng bệnh, chữa bệnh, dinh dưỡng cho nhân dân hoặc đáp ứng các nhu cầu cấp thiết của xã hội.

Ví dụ 1: Ông Nguyễn Văn A được cấp bằng sáng chế về vaccine phòng bệnh cúm H5N1. Dịch cúm H5N1 đang bùng phát. Bệnh viện C có nhu cầu sử dụng sáng chế của ông A để phòng bệnh cho nhân dân nhưng ông A không đồng ý. Lúc này, Bộ Y tế có quyền ban hành quyết định buộc ông A chuyển giao quyền sử dụng sáng chế cho Bệnh viện C.

Ví dụ 2: Nếu kỹ sư A sáng chế ra tấm nền màn hình cho điện thoại di động có khả năng hiện thị tốt hơn các sản phẩm trước, công ty điện tử S muốn mua lại sáng chế này để sản xuất các dòng điện thoại thông minh. A có thể bán cho công ty S hoặc công ty khác. Và cơ quan nhà nước không có quyền buộc A phải chuyển giao quyền sử dụng sáng chế cho công ty S. Tải bản đầy đủ 22/11/2017 các trường hợp giới hạn quyền sở hữu công nghiệp.Ví dụ: Giáo sư A có thể sử dụng phát minh, sáng chế về máy hơi nước trong giảng dạy , nghiên cứu mà không cần xin phép chủ sở hữu sáng chế.

- Người nắm độc quyền sử dụng sáng chế không thực hiện nghĩa vụ sử dụng sáng chế quy định tại khoản 1 Điều 136 và khoản 1 Điều 142 của Luật Sở hữu trí tuệ sau khi kết thúc bốn năm kể từ ngày nộp đơn đăng ký sáng chế và kết thúc ba năm kể từ ngày cấp Bằng độc quyền sáng chế.

Ví dụ 3: Ông A sáng chế ra thiết bị định vị máy bay khi mất tích, nhưng kết thúc bốn năm kể từ ngày nộp đơn đăng ký sáng chế và kết thúc ba năm kể từ ngày cấp Bằng độc quyền sáng chế, ông A vẫn chưa tiến hành sản xuất thiết bị định vị máy bay khi mất tích. Trong khi nạn không tặc và thời tiết xấu liên tục uy hiếp an toàn hàng không. Lúc này, ông A bị buộc phải chuyển giao quyền sử dụng sáng chế nói trên cho tổ chức có khả năng sản xuất đại trà các thiết bị trên.

- Người có nhu cầu sử dụng sáng chế không đạt được thoả thuận với người nắm độc quyền sử dụng sáng chế về việc ký kết hợp đồng sử dụng sáng chế mặc dù trong một thời gian hợp lý đã cố gắng thương lượng với mức giá và các điều kiện thương mại thoả đáng. Trong ví dụ 1: Bệnh viện C đã thỏa thuận sẽ trả ông A một khoản thù lao hợp lý bù đắp phần trí tuệ, công sức ông A bỏ ra để nghiên cứu, phát minh và một khoản tiền hợp lý khác để ông A chuyển giao quyền sử dụng sáng chế nhưng ông A quyết không chuyển giao. Lúc này ông A bị buộc phải chuyển giao. Tuy nhiên thế nào là thỏa đáng , thế nào là thời gian hợp lý thì không có quy định cụ thể. Thực tế, rất khó có thể bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng trong trường hợp này. Việc chứng mình thời gian hợp lý, mức giá và các điều kiện thương mại thỏa đáng là khó khăn. Ở Việt Nam cũng chưa có thông lệ hay quy tắc xử sự chung liên quan đến việc xác định tính hợp lý và thỏa đáng.

- Người nắm độc quyền sử dụng sáng chế bị coi là thực hiện hành vị hạn chế cạnh tranh bị cấm theo quy định của pháp luật về cạnh tranh.

Ví dụ 4: Hai nhà mạng A và B đồng sở hữu sáng chế cách thức một thiết bị nhận được quyền ưu tiên truy cập mạng viễn thông trong trường hợp khẩn cấp, ngay cả khi mạng đang bị nghẽn hoặc chậm. Hai nhà mạng này đã tiến hành áp dụng công nghệ này cho các cuộc gọi nội mạng và giữa hai nhà mạng với nhau, điều chỉnh giá cước tăng 20%. Hai nhà mạng này chiếm 45% thị phần viễn thông. Như vậy, hai nhà mạng có dấu hiệu cạnh tranh không lành mạnh và hạn chế cạnh tranh.

4. Căn cứ chấm dứt việc chuyển giao bắt buộc:

Người nắm độc quyền sử dụng sáng chế có quyền yêu cầu chấm dứt quyền sử dụng khi căn cứ bắt buộc chuyển giao không còn tồn tại và không có khả năng tái xuất hiện với điều kiện việc chấm dứt quyền sử dụng đó không gây thiệt hại cho người được chuyển giao quyền sử dụng sáng chế.

Pháp luật quy định giới hạn quyền sở hữu công nghiệp nhưng việc chuyển giao quyền sử dụng bắt buộc không phải là vĩnh viễn. Tuy nhiên, xác định thiệt hại ở đây như thế nào. Thế nào thì được coi là chấm dứt quyền sử dụng gây thiệt hại cho người được chuyển giao quyền sử dụng sáng chế.

NGUYỄN HOÀI NAM

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin.