Một thương hiệu tỏi tại Lý Sơn (Vuatoilyson.com)
Ngày 29/06/2020 Cục Sở hữu trí tuệ ban hành Quyết định số 2421/QĐ-SHTT về việc cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00081 cho sản phẩm tỏi Lý Sơn. Mặc dù đã công bố rộng rãi sản phẩm tỏi Lý Sơn được bảo hộ chỉ dẫn địa lý và có nhiều giải pháp ngăn chặn, hạn chế tình trạng vận chuyển tỏi nơi khác về Lý Sơn. Tuy nhiên, tình trạng trà trộn giả danh tỏi Lý Sơn vẫn diễn ra ngày càng phức tạp, gây ảnh hướng xấu đến uy tín của thương hiệu. Đặc biệt, giá hành tỏi tại Lý Sơn trong thời gian gần đây đã giảm mạnh, không chỉ ảnh hưởng đến thu nhập của các nhà buôn “chính hiệu” mà còn ảnh hưởng đến nền kinh tế chung của huyện đảo Lý Sơn. Để kiểm soát tình hình này, ngày 8 tháng 3 năm 2021, Uỷ ban nhân dân (UBND) huyện Lý Sơn đã ban hành văn bản số 581 đề nghị Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam quan tâm hỗ trợ, phối hợp ngăn chặn tình trạng chuyển tỏi nơi khác về Lý Sơn. Trong văn bản này, UBND huyện Lý Sơn nêu rõ “ Vì mục tiêu bảo vệ và phát triển thương hiệu tỏi Lý Sơn, UBND huyện Lý Sơn kính đề nghị Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam quan tâm chỉ đạo Bưu điện tỉnh Quảng Ngãi, Bưu điện tỉnh Khánh Hoà hỗ trợ, giúp huyện Lý Sơn bảo vệ thương hiệu tỏi Lý Sơn bằng hình thức chỉ đạo các bưu cục trực thuộc không tiếp nhận chuyển phát mặt hàng tỏi nơi khác từ địa bàn Khánh Hoà và các huyện thành thuộc tỉnh Quảng Ngãi vận chuyển về Lý Sơn”.
Vậy việc UBND huyện Lý Sơn ban hành Quyết định này có phải là một giải pháp hay để bảo vệ thương hiệu hành tỏi Lý Sơn?
Trước hết, chúng ta cần hiểu chỉ dẫn địa lý là gì?
Khái niệm Chỉ dẫn địa lý (CDĐL) được ghi nhận lần đầu tiên tại Điều 2 của Hiệp ước Lisbon 1958 đã được sửa đổi năm 1967 và 1979, theo đó: “Chỉ dẫn địa lý là tên địa lý của một nước, vùng hoặc địa phương dùng để chỉ dẫn xuất xứ của sản phẩm, mà chất lượng và những đặc tính của nó dựa trên các điều kiện môi trường địa lý độc đáo, ưu việt, bao gồm yếu tố tự nhiên và con người”. Sau này, cùng với quá trình hội nhập, khái niệm CDĐL được pháp điển hóa thông qua các vòng đàm phán đa phương được ghi nhận trong Hiệp định về các khía cạnh thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (Hiệp định TRIPs): “Chỉ dẫn địa lý là những chỉ dẫn về hàng hóa được bắt nguồn từ lãnh thổ của một quốc gia thành viên hoặc từ khu vực hay địa lý của lãnh thổ đó có chất lượng, uy tín hoặc đặc tính nhất định chủ yếu do xuất xứ địa lý quyết định”. Phạm vi bảo hộ CDĐL đẫ được Hiệp định TRIPs xác định khá chặt chẽ. Theo đó, điều kiện để bảo họ CDĐL là chỉ dẫn đó phải chỉ dẫn nguồn gốc lãnh thổ của sản phẩm từ một quốc gia thành viên hoặc từ khu vực hay địa phương của lãnh thổ đó, và chất lượng uy tín hoặc đặc tính của sản phẩm phải gắn bó chủ yếu với xuất xứ địa lý của nó.
Tại Việt Nam, khái niệm CDĐL được đề cập tại Khoản 22 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ năm2005 sửa đổi bổ sung 2019: “CDĐL là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể”. Để cụ thể hơn khái niệm này, thì tại Điều 79 của Luật cũng đã chỉ ra những điều kiện chung đối với việc chỉ dẫn địa lý được bảo hộ:
“1. Sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý có nguồn gốc địa lý từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc nước tương ứng với chỉ dẫn địa lý;
2. Sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý có danh tiếng, chất lượng hoặc đặc tính chủ yếu do điều kiện địa lý của khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc nước tương ứng với chỉ dẫn địa lý đó quyết định.”
Thực tế cho thấy, bảo hộ CDĐL có vai trò và ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao giá trị và giá bán sản phẩm, hỗ trợ tổ chức sản xuất và thị trường bằng việc hình thành được các tổ chức tập thể tham gia vào sản xuất và quản lý thị trường. Thị trường sản phẩm cũng được quản lý tốt hơn, hạn chế tình trạng hàng giả, hàng nhái. Bên cạnh đó cũng từng bước mở rộng xuất khẩu với chuỗi giá trị toàn cầu. Nhận thấy tầm quan trọng của việc bảo hộ thương hiệu cũng như nguy cơ tiềm tàng ảnh hưởng đến uy tín, danh tiếng và chất lượng hành tỏi Lý Sơn, UBND huyện Lý Sơn đã tiến hành một số biện pháp để ngăn chặn tình trạng vận chuyển tỏi từ nơi khác về đảo. Tuy nhiên, việc lựa chọn cách thức ban hành văn bản quy phạm pháp luật đề nghị chỉ đạo VNPT 2 tỉnh Khánh Hòa và Quảng Ngãi không nhận, chuyển phát mặt hàng này về Lý Sơn không phải là một giải pháp hay bởi ngay từ khi ban hành, văn bản đã gặp phải sự phản đối khá gay gắt từ người dân tại đảo cũng như là sự “từ chối hợp tác” của VNPT 2 tỉnh Khánh Hòa và Quảng Ngãi.
Vây đâu mới là hướng đi hiệu quả mà chính quyền huyện Lý Sơn nên đi theo để bảo vệ thương hiệu của mình?
Theo tác giả, để bảo vệ thương hiệu, UBND huyện Lý Sơn nói chung, chủ các cửa hàng, cơ sở sản xuất hành tỏi Lý Sơn nói riêng, trước hết cần chủ động trang bị cho mình các cách thức phòng chống việc trà trộn hành tỏi kém chất lượng. Việc áp dụng các giải pháp công nghệ là việc làm thiết thực ngay lúc này. Sử dụng tem chống hàng giả, quét mã QR, hay là việc đóng gói gẵn nhãn mác của các cơ sở kinh doanh sẽ khiến người dân, khách du lịch dễ dàng biết được đâu là hàng giả, hàng nhái.
Bên cạnh đó, trách nhiệm của chính chính quyền huyện Lý Sơn trong việc quảng bá và giới thiệu CDĐL với người tiêu dùng, đưa CDĐL trở thành dấu hiệu nhận diện trên thị trường là vô cùng quan trọng. Tổ chức các buổi chia sẻ ý nghĩa của việc bảo hộ CDĐL với các cơ sở kinh doanh cũng cần đẩy mạnh, do, chúng ta phải thừa nhận rằng, việc trà trộn hành tỏi từ các khu vực khác về Lý Sơn là do các thương lái không nhận thức được vai trò, ý nghĩa của việc bảo hộ CDĐL đồng thời vì cái lợi nhỏ trước mắt mà sẵn sàng làm mất đi uy tín của thương hiệu hành tỏi Lý Sơn.
Cùng với đó đó, các hình thức xử lý vi phạm hành chính, hay hình sự là các công cụ hỗ trợ hữu hiệu cho việc kiểm soát và răn đe các hành vi vi phạm trên địa bàn huyện.Cụ thể, Nghị định 99/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp quy định mức phạt tối đa cho hành vi vi phạm đối với tổ chức vi phạm là 500 triệu đồng và đối với cá nhân là 250 triệu đồng, áp dụng hình phạt bổ sung là tich thu tang vật, phương tiện vi phạm đối với hành vi vi phạm và đình chỉ hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ vi phạm từ 01 tháng đến 03 tháng.
Ruộng tỏi tại Lý Sơn (Nguồn: Internet)
Với các hành vi xâm phạm CDĐL ở mức độ nghiêm trọng hơn pháp luật hình sự cụ thể là tại Điều 226 Bộ Luật Hình sư năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định:
“Điều 226. Tội xâm phạm quyền Sở hữu công nghiệp
1.Người nào cố ý xâm phạm quyền Sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ tại Việt Nam mà đối tượng là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý với quy mô thương mại hoặc thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ Sở hữu nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
......”
Mặc dù cùng với sự phát triển của xã hội cũng như những đòi hỏi thực tế của quá trình hội nhập kinh tế, pháp luật Việt Nam nói chung, Luật sở hữu trí tuệ nói riêng đã có những sửa đổi tích cực. Tuy nhiên, việc triển khai quy định của pháp luật trên thực tế lại là một bài toán nan giải cần sự quan tâm tâm sát sao và chỉ đạo chặt chẽ của các cơ quan chức năng.
THU HIỀN