Trách nhiệm pháp lý của cơ sở in ấn trong việc sử dụng tên sách không đúng tác phẩm gốc

(PLBQ). "Uống lầm một ánh mắt/ Cơn say theo nửa đời" là hai câu thơ mở đầu trong bài thơ “Treo tình” của nhà thơ Thục Linh đăng trên báo Tuổi trẻ năm 2004. Tuy nhiên, gần đây nhà thơ Thục Linh cho rằng một dịch giả đã tự ý sử dụng hai câu thơ này làm nhan đề cho bộ truyện ngôn tình Trung Quốc mà chưa được sự đồng ý của tác giả.

Sau đây, Phóng viên cùng Luật sư sẽ phân tích sự việc dưới góc độ pháp luật về bản quyền và đưa ra một số khuyến cáo quan trọng.

Theo tìm hiểu của Phóng viên Pháp luật và Bản quyền, dịch giả Thu Ngân cho biết tác phẩm gốc của tác giả Lạc Vi Gian Mỗ Mỗ được dịch sang tên tiếng việt là “Ý tại ngôn ngoại – nghĩa là ý ở ngoài lời; chỉ những điều hàm ý, không nói ra trực tiếp, người nghe phải tự suy ra mà hiểu lấy”. Việc tác phẩm được đặt tên như hiện tại hoàn toàn do đơn vị phát hành.

 

Hình ảnh Cuốn sách sử dụng 2 câu thơ làm tựa đề (Nguồn tiki.vn)

Công ty cổ phần sách Amun và Nhà xuất bản (NXB) Văn học là đơn vị chịu trách nhiệm sách xuất bản hai cuốn sách trên. Về sự việc trên, đại diện Công ty cổ phần sách Amun đã thừa nhận “Chúng tôi đã không tìm hiểu tận gốc vấn đề bản quyền của tứ thơ trên trong quá trình đặt tên cho tác phẩm

Soi vụ việc dưới góc độ pháp luật bản quyền

Soi xét sự việc dưới góc độ pháp luật bản quyền, Luật sư Võ Đình Đức phân tích:  rất có thể Công ty cổ phần sách Amun đã đặt in từ NXB Văn học. Nhưng việc thay nhan đề của cuốn sách thông thường là do Công ty cổ phần sách Amun - Công ty đặt in. Ở trường hợp này thậm chí có thể họ không tham khảo ý kiến tác giả, dịch giả và không tôn trọng tác phẩm nguyên tác.

Nếu giả định là đúng thì Công ty cổ phần sách Amun nói chung, đặc biệt người đứng đầu cơ sở in xuất bản phẩm nói trên phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động in xuất bản phẩm của cơ sở in. Cũng cần lưu ý thêm, hành vi làm thay đổi, làm sai lệch nội dung bản thảo đã được ký duyệt là một trong những hành vi cấm được quy định tại Luật xuất bản năm 2012.

 

Điều 10. Những nội dung và hành vi bị cấm trong hoạt động xuất bản

2. Nghiêm cấm thực hiện các hành vi sau đây:

a) Xuất bản mà không đăng ký, không có quyết định xuất bản hoặc không có giấy phép xuất bản;

b) Thay đổi, làm sai lệch nội dung bản thảo đã được ký duyệt hoặc bản thảo tài liệu không kinh doanh có dấu của cơ quan cấp giấy phép xuất bản”

 

Điều đáng chú ý hơn trong vụ việc trên, Công ty cổ phần sách Amun sử dụng hai câu thơ của nhà thơ Thục linh làm nhan đề nhưng tại trang 4 của sách lại chú thích với nội dung: “Tên sách mượn ý thơ từ câu thơ: Uống nhầm một ánh mắt, cơn say theo nửa đời/ Thương thầm một nụ cười, cả một đời phiêu lãng (sưu tầm). Đây là câu “ngôn tình” nổi tiếng rất được các bạn trẻ yêu thích”.

Nội dung trong cuốn sách “Uống nhầm một ánh mắt, cơn say theo nữa đời”

 

Không những thế còn không ghi rõ tên tác giả. Sau khi biết sự việc, nhà thơ Thục Linh đã khẳng định mình là tác giả của hai câu thơ trên và đã được đăng trên báo Tuổi trẻ năm 2004. Do vậy, nhà thơ hoàn toàn có đầy đủ Quyền tác giả với hai câu thơ trên.

Việc sử dụng tác phẩm của người khác mà không ghi rõ nguồn hay tác giả sáng tạo ra còn có thể gọi là “Đạo văn”. Tình trạng “Đạo văn” cũng đang là một vấn đề nhức nhối trong vi phạm quyền tác giả ở Việt Nam hiện nay. Trong từ điển tiếng Việt “Đạo văn” có nghĩa là “Lấy sáng tác của người khác làm của mình”. Đạo văn là một trong những hình thức phổ biến nhất của xâm phạm quyền tác giả. Bên vi phạm tự ý sao chép lại tác phẩm của người khác mà không xin phép, thậm chí công bố tác phẩm đó là của mình sáng tạo ra.

Đạo văn còn được định nghĩa là sử dụng ý tưởng hay câu văn của người khác một cách không thích hợp (tức không ghi rõ nguồn gốc), đặc biệt là việc trình bày những ý tưởng và câu chữ của người khác trước công chúng như là ý tưởng và câu chữ của chính mình. Ở đây, ý tưởng và câu chữ của người khác được hiểu là sử dụng tác phẩm của người khác, lấy ý tưởng của người khác, sao chép nguyên bản câu chữ của người khác mà không ghi nguồn, sử dụng cấu trúc và cách giải thích của người khác mà không ghi nhận họ, và lấy những thông tin chuyên ngành mà không đề rõ nguồn gốc.

Theo các quy định của pháp luật về Sở hữu trí tuệ, khi chúng ta sử dụng lại tác phẩm văn học, nghệ thuật, thơ ca nào đó ở bất kì hình thức nào nhằm tạo ra một sản phẩm mới thì nó trở thành tác phẩm phái sinh. Tác phẩm phái sinh là tác phẩm dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, tác phẩm phóng tác, cải biên, chuyển thể, biên soạn, chú giải, tuyển chọn. Do đó, chúng ta cần xin phép tác giả sáng tạo ra tác phẩm hoặc bên đang sở hữu các quyền tác giả của tác phẩm, đoạn thơ đó dù mục đích chúng ta đang làm là thương mại hay phi thương mại.

 

Điều 12 Nghị định 131/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan. Đối với các hành vi chưa được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả mà tự ý thực hiện thì sẽ bị xử phạt như sau:

Thứ nhất, xử phạt từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi làm tác phẩm phái sinh khi không được sự cho phép của tác giả. Thứ hai, Các hình thức xử phạt bổ sung như:

– Cải chính công khai, sửa lại các nội dung sai lệch khi công bố.

– Dỡ bỏ các bản sao, bản gốc tác phẩm nếu công khai dưới hình thức đăng tải điện tử, trên môi trường mạng Internet, kỹ thuật số.

Thứ ba, Bồi thường thiệt hại vật chất hoặc tinh thần đối với tác gỉa.

 

Dù nhìn dưới bất cứ góc độ nào, hành vi xâm phạm quyền tác giả của người khác vẫn là không thể chấp nhận được. Những cá nhân, tổ chức tham gia vào hoạt động xuất bản sách (một sản phẩm kết tính trí tuệ của loài người) hơn ai hết phải nắm rõ những hành vi này.

 

Ảnh chụp trên facebook nhà thơ Thục Linh

 

Vậy quyền tác giả là gì và những hành vi như thế nào bị coi là xâm phạm quyền tác giả?

Quyền tác giả là một nhóm các quyền, gồm các quyền nhân thân và các quyền tài sản. Quyền được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng và bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén là một trong những Quyền nhân thân được quy định tại Điều 19 Luật sở hữu trí tuệ. Quyền nhân thân là những quyền chỉ thuộc về riêng cá nhân tác giả, không thể tách rời, không thể chuyển giao cho bất kì ai dưới bất kì hình thức nào thậm chí ngay cả trong trường hợp tác giả của tác phẩm đó chết.Vì vậy khi cá nhân, tổ chức sử dụng tác phẩm nào đó thì có nghĩa vụ, trách nhiệm phải ghi rõ tên tác giả và các đồng tác giả (nếu tác phẩm đó có đồng tác giả).

Theo quy định tại Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ, nếu các tổ chức, cá nhân có một trong các hành vi sau đây thì bị coi là xâm phậm bản quyền tác giả:

– Cá nhân, tổ chức giả danh tác giả của tác phẩm;

– Chiếm đoạt quyền tác giả của người khác đối với các tác phẩm khoa học, văn học, nghệ thuật;

– Khi không được phép của tác giả hoặc đồng tác giả mà thực hiện các hành vi sau: công bố, phân phối, sao chép tác phẩm; làm tác phẩm phái sinh; sử dụng tác phẩm, cho thuê tác phẩm mà khi sử dụng, cho thuê không trả tiền nhuận bút, tiền thù lao hay các lợi ích vật chất khác cho tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả; có hành vi nhân bản hoặc sản xuất bản sao, trưng bày, phân phối, truyền đạt tác phẩm đến mọi người thông qua mạng truyền thông và các phương tiện kỹ thuật số khác; xuất bản hoặc xuất khẩu, nhập khẩu và phân phối các bản sao tác phẩm của tác giả;

– Tiến hành thay đổi, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ một hình thức nào ảnh hưởng đến danh dự và uy tín của tác giả;

– Cố ý huỷ bỏ hoặc vô hiệu hóa các biện pháp kỹ thuật bảo vệ quyền tác giả đối với tác phẩm của tác giả, chủ sở hữu tác phẩm hoặc cố ý thay đổi, xóa thông tin quản lý ở hình thức điện tử có trong tác phẩm của tác giả;

– Giả mạo chữ ký của tác giả khi sản xuất, phân phối sản phẩm ra thị trường để hợp pháp hóa hoặc gây nhầm lẫn cho mọi người nhằm thực hiện hành vi, ý đồ của mình;

– Khi tác giả sử dụng các biện pháp kỹ thuật để bảo vệ quyền tác giả của mình mà cá nhân, tổ chức có hành vi sản xuất, biến đổi, lắp ráp, phân phối, nhập khẩu, xuất khẩu, bán hoặc cho thuê các loại trang thiết bị có thể làm vô hiệu các biện pháp bảo vệ quyền tác giả nêu trên.

 

Thay lời kết

Quyền sở hữu trí tuệ là kết quả của quá trình sáng tạo, đầu tư trí tuệ, công sức, tiền bạc của cá nhân, tổ chức. Nếu mỗi cá nhân đều kiên quyết đứng lên bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình sẽ góp phần không nhỏ giảm thiểu tình trạng xâm phạm quyền tác giả đang diễn ra tràn lan hiện nay, góp phần thúc đẩy sáng tạo ngày càng nhiều hơn các sản phẩm trí tuệ.

Tình trạng vi phạm bản quyền trong lĩnh vực xuất bản ở nước ta hiện nay diễn ra ngày càng phổ biến. Nguyên nhân phần lớn là do nhiều đơn vị xuất bản không có người phụ trách tác quyền hay là thành lập phòng bản quyền (Phụ trách các vấn đề liên quan đến quyền tác giả). Bên cạnh đó, đa số giao dịch liên quan đến Sở hữu trí tuệ lại do các đơn vị làm sách tư nhân thực hiện. Thực sự cuộc chạy đua của các nhà sách tư nhân trong cuộc săn lùng bản thảo “hot” cũng như mua tác quyền của các tổ chức, cá nhân nước ngoài đang ngày càng trở nên sôi động và trong cuộc chạy đua đó không ít các nhà xuất bản đã xâm phạm quyền tác giả.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, rất nhiều cuốn sách của các nhà xuất bảnViệt Nam cũng đang bước ra thị trường thế giới, do đó độc giả trong và ngoài nước có nhiều cơ hội để tìm hiểu, giao lưu văn hóa giữa các nước với nhau. Tuy nhiên, muốn hoà nhập vào thị trường sách thế giới nghĩa là Việt Nam phải đáp ứng những yêu cầu pháp lý quốc tế gắt gao mà trước hết là phải tuân thủ quyền tác giả.

Ta có thể thấy, hậu quả pháp lý mà tổ chức, cá nhân phải gánh chịu là không hề nhỏ, không những thế còn là uy tín mà mất bao nhiêu công sức để gây dựng cũng bị ảnh hưởng. Đây là bài học lớn cho các doanh nghiệp trong giai đoạn hội nhập (giai đoạn các nước đang tiến hành các hoạt động tăng cường sự gắn kết với nhau). 

KỲ ANH

 

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin.