Biến thể Omicron có thể gây nên làn sóng dịch bệnh mới trên toàn cầu
>> Chỉ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu mà bỏ qua tên miền, tranh chấp phát sinh giải quyết như thế nào?
>> Bảo vệ tên miền - Thách thức cho các doanh nghiệp trong thời đại 4.0
Biến thể Omicron được Tổ chức y tế thế giới (WHO) chính thức đặt tên vào ngày 26.11, theo thứ tự bảng chữ cái Hy Lạp. Khi mới phát hiện nó có tên gọi khác là biến thể B.1.1.529, được ghi nhận lần đầu trong các báo cáo y tế từ Nam Phi. Bên cạnh việc đặt tên mới, WHO cũng xếp loại biến thể này vào loại ‘biến thể đáng lo ngại’ - mức độ cao thứ hai trong thang phân loại.
Được biết, người đệ đơn khởi kiện WHO là một doanh nhân người Nga, giữ chức Tổng giám đốc điều hành mạng lưới của Công ty Omicron. Về lý do khởi kiện, ông cho rằng tên của Công ty là ‘Omicron’ đã được đăng ký bảo hộ đối với tên thương mại. Và hơn nữa ngành nghề kinh doanh của Công ty chủ yếu trong lĩnh vực y khoa và chăm sóc sức khỏe. Do đó, việc WHO đặt tên ‘Omicron’ cho biến chủng mới làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh và danh tiếng của Công ty.
Cách WHO đặt tên cho biến thể mới của virus Covid-19
WHO là một cơ quan chuyên môn thuộc tổ chức Liên Hợp quốc. Với sứ mệnh giải quyết vấn đề về sức khỏe, dịch bệnh, WHO đã và đang phối hợp với các quốc gia nhằm kiểm soát dịch bệnh Covid-19 trên toàn cầu. Bên cạnh đó, với tư cách là tổ chức y tế lớn nhất thế giới, WHO có quyền đặt ra quy tắc, tên gọi chung đối với các dịch bệnh mới xuất hiện mà lần đầu được ghi nhận [1].
Đối với các nhà nghiên cứu, việc đặt tên để thống nhất cách gọi và trao đổi thông tin mang ý nghĩa to lớn. Tuy nhiên, việc đặt tên như thế nào để có tính phân biệt nhưng không gây cảm giác kì thị lại là một bài toán khó. Một thách thức lớn nữa của hệ thống đặt tên của WHO, là việc đặt tên phải sao cho kể cả người không có chuyên môn y khoa cũng dễ đọc, dễ nhớ hơn những tên gọi chứa các nhãn địa lý như ‘dịch tả Ấn Độ’, ‘virus Vũ Hán’ ...
WHO cũng phải cân bằng giữa việc đặt tên cẩn thận để tránh các rắc rối về pháp lý có thể xảy ra và việc phải thực hiện đủ nhanh để qua mặt các tên gọi chứa nhãn địa lý đã được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Lý giải về việc đặt tên cho các biến thể được xếp vào loại “biến thể đáng lo ngại”, hiện nay có 05 biến thể được đặt theo thứ tự bảng chữ cái Hy Lạp: Alpha, Beta, Gamma, Delta và Omicron. Đối với trường hợp đặt tên Omicron cho biến thể siêu lây nhiễm mang mã B.1.1.529, nhiều người đã tỏ ra ngạc nhiên. Bởi vì, theo thứ tự thì tên của biến thể này tiếp theo phải là biến thể ‘Nu’ hoặc biến thể ‘Xi’.
Theo người phát ngôn WHO, điều này là vì cái tên ‘Nu’ có thể khiến mọi người không phân biệt được đang nói về biến thể mới hay một cái tên nào đó. Và ‘Xi’ là một họ được dùng phổ biến cho nên với thông lệ đặt tên tránh sử dụng nhãn địa lý hay tên người để tránh sự kỳ thị thì ‘Xi’ cũng không dược đặt cho biến thể mới. Ngoài ra, đối với giới chính trị, ‘Xi’ là họ của Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình theo tiếng Latin, ‘Xi Jinping’. Do đó, việc đặt tên ‘Xi’ có thể gây nhiều yếu tố nhạy cảm trên phương diện chính trị.
Bởi lý do như vậy, WHO đã bỏ qua cách hai chữ cái thứ 13 là ‘Nu’ và 14 là ‘Xi’ trong bảng chữ cái Hy Lạp mà chọn cái tên tiếp theo là ‘Omicron’.
Bảng chữ cái Hy lạp
Khởi kiện về việc đặt tên “Omicron” có khả thi?
Đơn khởi kiện của Tổng giám đốc điều hành mạng lưới của Công ty Omicron được gửi đến Tòa án trọng tài Matxcơva. Tuy chưa có thông tin về việc thụ lý đơn khởi kiện từ Tóa án trọng tài nhưng có thể thấy việc khởi kiện WHO mang mục đích truyền thông nhiều hơn là theo đuổi thắng kiện. Điều này là có một số lý do sau:
Thứ nhất, về việc đặt tên của Tổ chức Y tế thế giới đã lưu ý nhằm tránh hậu quả tiêu cực. Trước khi WHO ban hành thông lệ về cách đặt tên cho bệnh truyền nhiễm vào năm 2015, các bệnh thường đặt tên theo nơi xuất phát của chúng, ví dụ như bệnh cúm Tây Ban Nha, MERS, Zika và Ebola, hoặc các loài động vật được cho là nguồn gốc của dịch bệnh như cúm lợn, cúm gà. Tuy nhiên, sau đó, việc đặt tên các dịch bênh được WHO chú ý để giảm thiểu tác động tiêu cực của tên bệnh với tên thương mại, du lịch, hành khách và tránh gây xúc phạm đến bất kỳ nhóm văn hóa, xã hội, quốc gia, khu vực, nghề nghiệp hoặc dân tộc nào.
Mặc dù vậy, WHO cũng phải cân đối để làm sao cái tên được đặt đủ dễ nhớ, dễ đọc, do đó không tránh khỏi việc đặt trùng tên với một số doanh nghiệp có tên thương mại trùng với tên được đặt.
Thứ hai, về việc khởi kiện WHO. Đây cũng không phải là vấn đề dễ dàng, bởi về căn cứ pháp lý, pháp luật sở hữu trí tuệ bảo hộ tên thương mại nhằm ngăn chặn các tổ chức khác sử dụng với mục đích thương mại. Tuy nhiên, việc WHO đặt tên ‘Omicron’ cho biến thể là không mang mục đích thương mại, cho nên không có căn cứ để cho rằng WHO có hành vi xâm phạm đối với tên thương mại.
Thứ ba, hiện nay một số quốc gia có quy định về giới hạn quyền sở hữu trí tuệ. Ví dụ tại Việt Nam, theo Luật sở hữu trí tuệ 2005, trong trường hợp nhằm đảm bảo an ninh, dân sinh và các lợi ích khác Nhà nước có quyền cấm hoặc hạn chế quyền sở hữu trí tuệ và cho phép tổ chức khác sử dụng trong điều kiện phù hợp [2]. Như vậy, trong trường hợp pháp luật Nga quy định về giới hạn quyền vì mục đích cấp bách phòng chống dịch bệnh, hoàn toàn có căn cứ để không chấp nhận yêu cầu của Công ty Omicron.
Ba giải pháp cho Công ty Omicron để sống sót qua đại dịch
Để giải quyết vấn đề này, Công ty Omicron có thể chọn một giải pháp trong số các giải pháp sau: (i) đổi tên thương mại; (ii) đối đầu trực diện vấn đề; hoặc (iii) tạm thời đóng cửa chờ đại dịch qua đi. Các cách tiếp cận của các công ty trong các tình huống tương tự trước đây cũng rất đa dạng, kết quả cũng vậy.
Trường hợp tồi tệ nhất có lẽ là của Ayds Diet Candy, một loại thuốc ức chế sự thèm ăn lần đầu tiên được tiếp thị cho công chúng vào những năm 1930. Đến những năm 1980, doanh số bán hàng của họ bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch AIDS đến nỗi công ty đã cố gắng cứu vãn danh tiếng sản phẩm của mình bằng cách đổi tên thành Diet Ayds, nhưng không mang lại hiệu quả như mong muốn và sản phẩm cuối cùng đã bị ngừng sản xuất.
Trong trường hợp hiện tại, Công ty Omicron có vẻ không ở trong tình trạng khó khăn giống Ayds Diet Candy. Một yếu tố chính góp phần vào sự sụp đổ của Kẹo ăn kiêng Ayds là sự liên quan giữa bản chất của sản phẩm, nhằm mục đích giảm cân với triệu chứng giảm cân của bệnh AIDS, có thể khiến người tiêu dùng nhầm lẫn. Tuy nhiên, không giống như Kẹo ăn kiêng Ayds, không có mối tương quan trực tiếp giữa bản chất của Công ty chuyên về nhãn khoa Omicron và biến thể Omicron. Do đó, tình hình hiện tại dường như sẽ không cần một biện pháp khắc phục quyết liệt như thay đổi tên thương mại đối với Công ty.
Lựa chọn thứ hai là để công ty giải quyết vấn đề một cách trực tiếp, nhưng điều này có vẻ không phù hợp vì đây không phải khủng hoảng truyền thông do bình luận về vấn đề xã hội. Lấy ví dụ như Gillette, công ty đã ủng hộ phong trào MeToo thông qua một quảng cáo đề cập đến sự ‘nam tính độc hại’ khiến cho nhiều người xem cho là quảng cáo đang quy kết tất cả đàn ông đều có xu hướng bạo lực và quấy rối tình dục. Đối với dạng khủng hoảng truyền thông này, các công ty có thể đăng bài xin lỗi, xóa quảng cáo, thu thập ý kiến người dùng... để xoa dịu dư luận. Tuy nhiên, dạng khủng hoảng của Công ty Omicron là khác so với Gillette, cho nên việc giải quyết theo hướng trực tiếp này cũng không phù hợp.
Quảng cáo Gillette đề cập sự ‘nam tính độc hại’ gây khó chịu cho bộ phận người xem (ảnh cắt từ video)
Phương án cuối cùng, ‘im lặng là vàng’. Với việc không thể đoán trước về phản ứng của công chúng đối với cái tên ‘Omicron’, việc công ty giữ im lặng có vẻ như là cách tiếp cận hợp lý nhất mà công ty có thể lựa chọn.
Cũng phải nói thêm, việc công ty khởi kiện có thể được xem là phương thức giải quyết khủng hoảng tạm thời. Nó có tác dụng như việc đánh dấu trong tâm trí khách hàng về sự khác biệt giữa tên công ty và biến thể mới. Điều này nhằm phần nào xoa dịu sự lo lắng của khách hàng khi lựa chọn dịch vụ, vả lại, vụ việc của công ty được lợi khi khách hàng đã có sự phân biệt nhất định từ sự việc bia Corona với virus corona.
Bài học từ việc đặt tên thương mại
Bài học số 1: Thật cẩn trọng đối với tên thương mại
Trong trường hợp trên, công ty Omicron sử dụng chữ cái Hy Lạp để đặt tên thương mại cho công ty. Điều này vừa đem lại lợi ích nhưng cũng đi kèm với đó là rủi ro. Lợi ích là ở chỗ nó gây thiện cảm cho người nghe, tạo cảm giác chuyên nghiệp và đặc biệt là dễ đọc, dễ nhớ. Không chỉ riêng ‘Omicron’, các chữ cái Hy Lạp khác thậm chí phổ biến hơn như ‘Alpha’, ‘Beta’,’Gamma’ cũng được sử dụng nhiều trong nhiều ngành nghề cho nên điểm mạnh là nó được người tiêu dùng dễ tiếp nhận. Tuy nhiên, giống như trong vụ việc, bởi những lợi ích trên nên cũng có nhiều tổ chức chọn sử dụng và có thể gây nhầm lẫn cho khách hàng. Do đó, đối với tên thương mại, chủ doanh nghiệp nên tránh đặt tên hay được sử dụng để tạo quy tắc, hay có độ phổ biến trong nhiều ngành nghề. Tên các nhân vật trong tiểu thuyết, sử thi cũng có thể là một ví dụ khác.
Bài học số 2. Tên thương mại nên tạo liên tưởng đến sản phẩm, dịch vụ
Đương nhiên, việc đặt tên là phụ thuộc vào sự sáng tạo của chủ doanh nghiệp hoặc nhóm tư vấn. Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp thành công thường cung cấp tên thương mại để giúp người đọc liên tưởng sản phẩm và dịch vụ. Ví dụ, thương hiệu Walkman của Sony là một thương hiệu nổi tiếng về máy nghe nhạc. Từ Walkman khiến khách hàng liên tưởng nó với một thiết bị cầm tay nhỏ được sử dụng khi đi bộ. Thậm chí, Walkman bây giờ đã phổ biến đến mức nó đang trở thành một từ tiếng Anh mới cho người chơi nhạc.
Việc đặt tên cho thương mại không chỉ nhằm phân biệt với các doanh nghiệp khác, nó sẽ mang giá trị lớn nếu doanh nghiệp có tầm nhìn dài hạn. Do đó, khi thành lập một doanh nghiệp, từng khâu nhỏ nhất từ việc đặt tên cũng cần được lựa chọn tỉ mỉ để tránh gặp phải các vấn đề pháp lý và truyền thông sau này.
Lưu ý: Bài viết dựa trên quan điểm khoa học và thực tiễn, không nhằm quảng bá cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào.
Khắc Vinh
[1]https://vi.wikipedia.org/wiki/T%E1%BB%95_ch%E1%BB%A9c_Y_t%E1%BA%BF_Th%E1%BA%BF_gi%E1%BB%9Bi#Nhi%E1%BB%87m_v%E1%BB%A5
[2] Khoản 3 Điều 7 Luật SHTT 2005