Trợ lý giọng nói “Siri” của Apple bị vướng vào tranh chấp liên quan đến bằng sáng chế

Ky Anh

(PLBQ). Iphone 13 ra mắt trên toàn thế giới là thông tin vui mừng của các tín đồ “Apple”. Tuy nhiên, sự tiêu thụ của Iphone 13 tại Trung Quốc đang gặp những khó khăn nhất định do vấn đề tranh chấp về bằng sáng chế liên quan trợ lý giọng nói “Siri” của Apple.

>> Sử dụng chung nhãn hiệu - Bài học từ tranh chấp của Apple

>> APPLE BẠI TRẬN TRONG VỤ KIỆN VỚI NHÀ SẢN XUẤT “iPHONE ẢO”

>> Năm điều vĩ đại đã làm lên thương hiệu Apple

Lý do gã khổng lồ Apple bị vướng vào nghi vấn vi phạm bằng sáng chế là do công ty TNHH Công nghệ Robot Xiaoi Thượng Hải đã đệ đơn kiện lên Toà án nhân dân cấp cao Thượng Hải đối với công ty Apple vì đã sử dụng Siri trong các dòng sản phẩm của mình.

Vậy “Little I Robot” – “Siri” là gì?

Bằng sáng chế “Little i Robot” (hướng đến một chatbot) có giá trị kinh doanh rất lớn và được sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực. Chẳng hạn như “Little i Robot” có thể thực hiện một số chức năng AI như đàm thoại bằng giọng nói, truy vấn bản đồ và truy vấn vé máy bay một cách thông minh.

“Siri” là trợ lý kỹ thuật số được tích hợp sẵn trên các thiết bị của Apple được điều khiển bằng giọng nói trực tiếp để tìm kiếm hoặc thực hiện công việc trên thiết bị theo yêu cầu của người dùng. Bạn có thể đặt câu hỏi, yêu cầu Siri chỉ cho bạn điều gì đó hoặc làm việc thay khi không rảnh tay.

Có thể thấy rằng, các tính năng giữa “Little I Robot” và Siri khá tương đồng, đây chính là lý do công ty TNHH Công nghệ Robot Xiaoi Thượng Hải đã đệ đơn kiện công ty Apple vi phạm bằng sáng chế của mình

Diễn biến sự việc

  • Đơn xin cấp bằng sáng chế “Little i Robot” được nộp vào năm 2004 và được cấp bởi SIPO (tiền thân của CNIPA) vào năm 2009.
  • Xiaoi đã đệ đơn kiện Apple vi phạm bằng sáng chế đối với ứng dụng Siri của Apple vào tháng 6/2012.
  • Apple đã đệ đơn yêu cầu hủy bỏ hiệu lực lên Ban tái thẩm định bằng sáng chế (“PRB”) của SIPO chống lại bằng sáng chế vào tháng 11 năm 2012 và PRB đã đưa ra quyết định về hiệu lực có lợi cho bằng sáng chế vào tháng 9 năm 2013.
  • Apple đã đệ đơn kiện hành chính lên Tòa án Trung cấp Thứ nhất Bắc Kinh chống lại quyết định có hiệu lực của PRB và Tòa án Trung cấp Thứ nhất Bắc Kinh khẳng định ủng hộ PRB. 
  • Apple đã đệ đơn kháng cáo lên Tòa án Cấp cao Bắc Kinh chống lại quyết định có hiệu lực của Tòa án Trung cấp Thứ nhất Bắc Kinh vào tháng 7 năm 2014. Tòa án Cấp cao Bắc Kinh đã hủy bỏ quyết định có hiệu lực của Tòa án Trung cấp Thứ nhất Bắc Kinh về việc vô hiệu bằng sáng chế vào tháng 4 năm 2015.
  • Xiaoi đã đệ đơn kháng cáo quyết định vô hiệu của Tòa án cấp cao Bắc Kinh lên Tòa án nhân dân tối cao vào tháng 5/2015, và Tòa án nhân dân tối cao đã quyết định chấp nhận đơn kháng cáo này vào tháng 12/2016.
  • Tòa án Nhân dân Tối cao đã hủy bỏ quyết định vô hiệu của Tòa án Cấp cao Bắc Kinh, phán quyết về hiệu lực của bằng sáng chế vào ngày 29 tháng 6 năm 2020.
  • CNIPA tuyên bố rằng vụ kiện hành chính về bằng sáng chế này đã được kết thúc và kết luận rằng bằng sáng chế vẫn có giá trị vào ngày 2 tháng 7 năm 2020.

Bản án hành chính của Tào án nhân dân tối cao Trung Quốc về việc giữa nguyên phán quyết của Toà án Trung cấp thứ nhất Bắc Kinh và huỷ bỏ phán quyết của Toà án Cấp cao Bắc Kinh. Hiệu lực của văn bằng sáng chế số ZL200410053749.9 của Công ty Xiaoi có hiệu lực pháp luật (Ảnh: Sưu tầm.)

Hiệu lực bằng sáng chế số ZL200410053749.9 của Công ty Xiaoi?

Tranh chấp gần 1 thập kỷ giữa hai công ty xoay quanh 1 vấn đề chính, đó là liệu rằng Công ty TNHH Công nghệ Robot Xiaoi Thượng Hải (Công ty Xiaoi) có phải mô tả chi tiết cách thức máy chủ trò chơi hoạt động trong bằng sáng chế của mình hay không? Bởi nếu như xác định được việc mô tả này là cần thiết thì bằng sáng chế số ZL200410053749.9 của Công ty Xiaoi sẽ bị huỷ bỏ do vi phạm quy định tại  Khoản 3 Điều 26 Luật sáng chế của Trung Quốc năm 2008: "The written description shall contain a clear and comprehensive description of the invention or utility model so that a technician in the field of the relevant technology can carry it out; when necessary, pictures shall be attached to it. The abstract shall contain a brief introduction to the main technical points of the invention or utility model.” ( Tạm dịch “Bản mô tả bằng văn bản phải có sự mô tả rõ ràng và toàn diện về sáng chế hoặc mô hình tiện ích để một kỹ thuật viên trong lĩnh vực công nghệ liên quan có thể thực hiện nó; khi nào cần thiết, hình ảnh sẽ được đính kèm với nó. Phần tóm tắt phải chứa một phần giới thiệu ngắn gọn về phần kỹ thuật chính của sáng chế hoặc mô hình hữu ích”)

Toà án cấp cao Bắc Kinh đã huỷ bỏ hiệu lực văn bằng sáng chế của công ty Xiaoi với lý do công ty Xiaoi đã không mô tả về cách máy chủ trò chơi giao tiếp với các thành phần khác của robot trò chuyện, ví dụ: loại đầu vào của người dùng sẽ được gửi đến máy chủ trò chơi và cách chuyển tiếp lệnh của người dùng từ mô-đun giao tiếp đến máy chủ trò chơi. Bởi công nghệ này không phải đơn giản hay nói cách khác không phải bất cứ kỹ thuật viên trong lĩnh vực này đều có thể làm được.

Tuy nhiên, Ban tái thẩm định bằng sáng chế (PRB), Toà án Trung cấp thứ nhất Bắc Kinh và Toà án nhân dân tối cao Bắc Kinh có cùng quan điểm khi cho rằng, bằng sáng chế của công ty Xiaoi có hiệu lực do:

Thứ nhất, máy chủ trò chơi là công nghệ thông thường chứ không phải là một tính năng sáng tạo, Toà án nhân dân tối cao cho rằng cách máy chủ trò chơi giao tiếp với các thành phần khác của robot không cần được mô tả do nó thuộc trong phạm vi hiểu biết của những kỹ thuật viên.

Thứ hai, Toà án nhân dân tối cao khẳng định, lý do công ty Xiaoi được cấp bằng sáng chế là do công ty Xiaoi đã thêm các tính năng sáng tạo với máy chủ trò chơi. Bởi vậy, bằng sáng chế “Little I Robot” của công ty Xiaoi hoàn toàn có hiệu lực. Đây là cơ sở để Công ty Xiaoi đệ đơn kiện lên Tòa án Nhân dân Cấp cao Thượng Hải vào tháng 8 năm 2020, yêu cầu Apple dừng hành vi vi phạm bằng sáng chế của mình và yêu cầu bồi thường 10 tỷ nhân dân tệ (1,55 tỷ USD), đồng thời tìm kiếm lệnh của tòa án để ngừng sản xuất iPhone tại Trung Quốc.

Liệu rằng, yêu cầu bồi thường và lệnh cấm sản xuất Iphone tại trung Quốc có được chấp nhận?

Có thể thấy rằng, không phải mới gần đây, công ty Xiaoi mới khởi kiện công ty Apple, mà nó đã diễn ra gần 10 năm nay. Các tranh chấp liên quan đến việc vi phạm bằng sáng chế khá phức tạp, việc xác định rõ hành vi vi phạm phụ thuộc vào nhiều yếu tố như hiệu lực của văn bằng bảo hộ, các hành vi thực tiễn,… Bởi vậy, rất khó xác định Apple có vi phạm bằng sáng chế “little I Robot” hay không nếu như không có đầy đủ các mô tả cũng như tài liệu chứng minh liên quan đến nội dung này.

Tuy nhiên, có một vấn đề cần làm rõ, “Siri” của Apple cũng đã được cấp bằng sáng chế tại Mỹ. Mã số bằng sáng chế là US20120016678A1, đây là Hệ thống trợ lý tự động thông minh tương tác với người dùng theo cách tích hợp, đàm thoại bằng cách sử dụng hộp thoại ngôn ngữ tự nhiên và gọi các dịch vụ bên ngoài khi thích hợp để lấy thông tin hoặc thực hiện các hành động khác nhau. Hệ thống có thể được triển khai bằng cách sử dụng bất kỳ nền tảng nào trong số các nền tảng khác nhau, chẳng hạn như web, email, điện thoại thông minh, v.v. hoặc bất kỳ sự kết hợp nào của chúng. Theo một phương án, hệ thống dựa trên tập hợp các miền và nhiệm vụ có liên quan với nhau và sử dụng các dịch vụ bên ngoài được cung cấp chức năng bổ sung mà hệ thống có thể tương tác. Sáng chế được sáng tạo bởi Thomas Robert Gruber, Adam John Cheyer, Dag Kittlaus, Didier Rene Guzzoni, Christopher Dean Brigham, Richard Donald Giuli, Marcello Bastea-Forte, Harry Joseph Saddler và được cáp bằng sáng chế vào ngày 29 tháng 5 năm 2017.

Vậy tại sao, khi Apple tích hợp “Siri” vào Iphone lại bị khởi kiện? Mỹ và Trung Quốc đều là thành viên của Công ước Paris 1883 về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp. Tuy nhiên, bằng sáng chế số US20120016678A1 của công ty Apple muốn có hiệu lực tại Trung Quốc thì Apple phải đăng ký bảo hộ tại Trung Quốc.

Điều 4bisPatent: Sự độc lập của các patent cấp cho cùng một sáng chế  tại các nước khác nhau

(1) Các patent do công dân của các nước thành viên của Liên minh xin cấp tại các nước thành viên khác nhau của Liên minh sẽ độc lập với những patent cấp cho cùng một sáng chế ở những nước khác bất kể nước đó có hay không là thành viên của Liên minh.

Tranh chấp về sở hữu trí tuệ là các tranh chấp phức tạp và khó xác minh cũng như tốn rất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến sự phát triển của cá nhân và tổ chức liên quan. Đặc biệt, khi mà sáng chế, phát minh lại là chìa khoá then chốt cho sự phát triển của các công ty, thì tranh chấp sẽ ảnh hưởng đến doanh thu của công ty. Các vấn đề rút ra từ vụ việc này là bài học đối với tất cả các cá nhân, công ty, doanh nghiệp, dù lớn hay nhỏ thì đều nên đặc biệt chú ý đến việc đăng ký bằng sáng chế ngay khi có thể cũng như nội dung sáng chế khi nộp đơn với cơ quan có thẩm quyền. Chính việc khẩn trương xin cấp bằng sáng chế của Công ty Xiaoi là chìa khoá để công ty có thể khởi kiện Apple – một gã khổng lồ trong ngành điện tử.

Lưu ý: Bài viết dựa trên thông tin thực tiễn và quan điểm khao học, không nhằm quảng bá cho bất kỳ, cá nhân tổ chức nào.

Thu Hiền

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin.