Từ tháng 12.2020, nhiều quy định mới liên quan tới chính sách thuế, các doanh nghiệp cần lưu ý

Kỹ thuật Web

(Pháp lý) – Chính phủ vừa ban hành Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế. Theo đó có nhiều qui định mới liên quan tới chính sách thuế mà các DN và cá nhân cần đặc biệt quan tâm như: Sẽ phạt chậm nộp nếu thuế TNDN tạm nộp 3 quý đầu năm dưới 75% thuế TNDN cả năm; Ngân hàng thương mại phải cung cấp các thông tin tài khoản thanh toán của người nộp thuế cho cơ quan thuế ….

Doanh nghiệp bị phạt chậm nộp nếu thuế tạm nộp 3 quý đầu năm dưới 75% tổng thuế cả năm

Quy định rõ trách nhiệm của nhiều cơ quan quản lý nhà nước cung cấp thông tin cho cơ quan thuế

Theo Điều 26 của Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế, cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm cung cấp thông tin cho cơ quan quản lý thuế, trong đó, cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan đăng ký hợp tác xã phải gửi thông tin cấp mới; thay đổi; tạm ngừng kinh doanh; tiếp tục hoạt động sau tạm ngừng kinh doanh; thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp… cho cơ quan quản lý thuế.

Nghị định cũng quy định trách nhiệm cụ thể trong việc cung cấp thông tin của Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội…

Đáng chú ý, Nghị định 126 quy định Bộ Công Thương và cơ quan quản lý nhà nước về thương mại có trách nhiệm cung cấp thông tin về chính sách quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh của Việt Nam và nước ngoài, chuyển khẩu, tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập, tình hình xử lý vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý chuyên ngành.

Ngoài ra, Bộ Công Thương và cơ quan quản lý nhà nước về thương mại cũng phải cung cấp thông tin quản lý thị trường về phòng, chống, xử lý các hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu; sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ; hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; hành vi vi phạm pháp luật về chất lượng, đo lường, giá, an toàn thực phẩm và gian lận thương mại; hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Đặc biệt, để quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, Bộ Công Thương phải có trách nhiệm cung cấp thông tin liên quan đến hoạt động thương mại điện tử, nhượng quyền thương mại, nội dung thông tin giấy phép hoạt động thương mại điện tử, nhượng quyền thương mại, thông tin liên quan trong quản lý thuế đối với tổ chức, cá nhân có hoạt động thương mại điện tử, nhượng quyền thương mại; thông tin về các hoạt động chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ, chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, cung cấp thông tin khác theo quy định tại Luật Quản lý thuế và pháp luật có liên quan.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng phải có trách nhiệm phối hợp Bộ Tài chính chỉ đạo, hướng dẫn ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán được Ngân hàng Nhà nước cấp phép trong việc kết nối, cung cấp thông tin với cơ quan quản lý thuế liên quan đến giao dịch qua ngân hàng của tổ chức, cá nhân và phối hợp với cơ quan quản lý thuế trong thực hiện biện pháp cưỡng chế thuế; phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành có liên quan trong việc thiết lập cơ chế quản lý, giám sát các giao dịch thanh toán xuyên biên giới trong thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác với tổ chức, cá nhân ở Việt Nam; cung cấp thông tin về việc thực hiện khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế đối với nhà cung cấp ở nước ngoài khi có giao dịch thanh toán giữa nhà cung cấp ở nước ngoài với người mua hàng hóa, dịch vụ ở Việt Nam và cung cấp thông tin khác theo quy định tại Luật Quản lý thuế và pháp luật có liên quan…

Thêm công cụ hiệu quả chống thất thu thuế thương mại điện tử

Để phục vụ cho mục đích thanh tra, kiểm tra xác định nghĩa vụ thuế phải nộp… theo đề nghị của thủ trưởng cơ quan quản lý thuế, ngân hàng thương mại có trách nhiệm cung cấp các thông tin như: thông tin tài khoản thanh toán của từng người nộp thuế; số dư; số liệu giao dịch… Cơ quan thuế có trách nhiệm bảo mật thông tin và hoàn toàn chịu trách nhiệm về sự an toàn của thông tin.

Không chỉ vậy, hằng tháng, ngân hàng thương mại phải cung cấp thông tin tài khoản thanh toán của từng người nộp thuế gồm: tên chủ tài khoản, số hiệu tài khoản theo mã số thuế đã được cơ quan quản lý thuế cấp, ngày mở tài khoản, ngày đóng tài khoản.

Ngân hàng thương mại có trách nhiệm cung cấp các thông tin về tài khoản thanh toán của người nộp thuế mở tại ngân hàng cho cơ quan quản lý thuế.

Bên cạnh đó, các ngân hàng phải khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế của nhà cung cấp ở nước ngoài có cơ sở thường trú ở Việt Nam kinh doanh thương mại điện tử, trên các nền tảng số với tổ chức, cá nhân trong nước.

Cụ thể, sau khi xác định nhà cung cấp ở nước ngoài chưa đăng ký, kê khai, nộp thuế, Tổng cục Thuế sẽ thông báo cho ngân hàng thương mại, trung gian thanh toán để các đơn vị này xác định tài khoản giao dịch và khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế.

Nếu cá nhân mua hàng hóa, dịch vụ bằng thẻ hoặc các hình thức ngân hàng, trung gian thanh toán không thể khấu trừ, nộp thay, các đơn vị này có trách nhiệm theo dõi số tiền chuyển cho các nhà cung cấp ở nước ngoài gửi về Tổng cục Thuế hàng tháng.

Ngoài ra, ngân hàng phải trích tiền để nộp thuế từ tài khoản của người nộp thuế, phong tỏa tài khoản của người nộp thuế bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế theo đề nghị của cơ quan quản lý thuế…

Trong thời gian tạm dừng kinh doanh người nộp thuế không phải nộp hồ sơ kê khai thuế

Điều 4 Nghị định 126 cũng quy định rõ về quản lý thuế đối với người nộp thuế trong thời gian tạm ngừng hoạt động, kinh doanh. Theo đó, Khi tạm ngừng hoạt động kinh doanh người nộp thuế phải thực hiện thông báo tạm ngừng hoạt động, kinh doanh theo quy định tại Điều 37 Luật Quản lý thuế.

Trong thời gian người nộp thuế tạm ngừng hoạt động, kinh doanh thì người nộp thuế không phải nộp hồ sơ khai thuế, trừ trường hợp người nộp thuế tạm ngừng hoạt động, kinh doanh không trọn tháng, quý, năm dương lịch hoặc năm tài chính thì vẫn phải nộp hồ sơ khai thuế tháng, quý; hồ sơ quyết toán năm.

Đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán tạm ngừng hoạt động, kinh doanh sẽ được cơ quan Thuế xác định lại nghĩa vụ thuế khoán theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Nghị định 126 nêu rõ, người nộp thuế không được sử dụng hóa đơn và không phải nộp báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn. Trường hợp người nộp thuế được cơ quan Thuế chấp thuận sử dụng hoá đơn theo quy định của pháp luật về hoá đơn thì phải nộp hồ sơ khai thuế, nộp báo cáo tình hình sử dụng hoá đơn theo quy định.

Theo quy định, người nộp thuế phải chấp hành các quyết định, thông báo của cơ quan quản lý thuế về đôn đốc thu nợ, cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế, thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật thuế và xử lý hành vi vi phạm hành chính về quản lý thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế.

Ngoài ra, khi người nộp thuế tiếp tục hoạt động, kinh doanh trở lại đúng thời hạn đã đăng ký thì không phải thông báo với cơ quan nơi đã đăng ký tạm ngừng hoạt động, kinh doanh theo quy định. Trường hợp người nộp thuế hoạt động, kinh doanh trở lại trước thời hạn thì phải thông báo với cơ quan nơi đã đăng ký tạm ngừng hoạt động, kinh doanh và phải thực hiện đầy đủ các quy định về thuế, nộp hồ sơ khai thuế, nộp báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn theo quy định.

Doanh nghiệp bị phạt nộp chậm nếu thuế TNDN tạm nộp 3 quý đầu năm dưới 75% thuế TNDN cả năm

Theo đó, tại khoản 6 Điều 8 Nghị định 126 quy định, Thuế thu nhập doanh nghiệp (trừ thuế thu nhập doanh nghiệp từ chuyển nhượng vốn của nhà thầu nước ngoài; thuế thu nhập doanh nghiệp kê khai theo phương pháp tỷ lệ trên doanh thu theo từng lần phát sinh hoặc theo tháng …). Người nộp thuế phải tự xác định số thuế thu nhập doanh nghiệp tạm nộp quý (bao gồm cả tạm phân bổ số thuế thu nhập doanh nghiệp cho địa bàn cấp tỉnh nơi có đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh, nơi có bất động sản chuyển nhượng khác với nơi người nộp thuế đóng trụ sở chính) Và được trừ số thuế đã tạm nộp với số phải nộp theo quyết toán thuế năm.

Nghị định 126 sẽ buộc doanh nghiệp phải chủ động trong việc xác định, ước tính kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh trong năm để thực hiện quy định tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định.

Người nộp thuế thuộc diện lập báo cáo tài chính quý theo quy định của pháp luật về kế toán căn cứ vào báo cáo tài chính quý và các quy định của pháp luật về thuế để xác định số thuế thu nhập doanh nghiệp tạm nộp quý.

Tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp đã tạm nộp của 03 quý đầu năm tính thuế không được thấp hơn 75% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp theo quyết toán năm. Trường hợp người nộp thuế nộp thiếu so với số thuế phải tạm nộp 03 quý đầu năm thì phải nộp tiền chậm nộp tính trên số thuế nộp thiếu kể từ ngày tiếp sau ngày cuối cùng của thời hạn tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp quý 03 đến ngày nộp số thuế còn thiếu vào ngân sách nhà nước…

Theo quy định này, doanh nghiệp sẽ buộc phải chủ động trong phương án và kế hoạch sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, quy định này buộc doanh nghiệp phải chủ động trong việc xác định, ước tính kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh trong năm để thực hiện quy định tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định.

Theo Tổng cục Thuế, quy định này nhằm hạn chế tình trạng chiếm dụng thuế nộp vào ngân sách, gây ảnh hưởng đến cân đối ngân sách nhà nước hàng năm. Đồng thời, đảm bảo sự công bằng trong việc thực thi pháp luật thuế giữa các doanh nghiệp tuân thủ tốt và các doanh nghiệp không tuân thủ.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lo ngại quy định sẽ làm khó doanh nghiệp bởi nếu doanh nghiệp nộp thuế thu nhập quý 1, 2, 3 thấp nhưng quý 4 nộp mức cao, đặc biệt tăng đột biến, khiến tỷ lệ nộp thuế 3 quý đầu năm thấp hơn 75% tổng số thuế TNDN phải nộp, sẽ bị coi là chậm nộp và sẽ phải nộp thêm tiền chậm nộp theo quy định là 0,03%/ngày tính từ ngày tiếp sau ngày cuối cùng của thời hạn tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp quý 3 đến ngày nộp số thuế còn thiếu…

Nghị định 126/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 05/12/2020.

Đinh Chiến (t/h)

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin.