Về làng nghề trồng và chế biến cau nổi tiếng của đồng bằng Bắc Bộ

Đinh Văn Chiến

Về xã Cao Nhân những tháng cuối năm, trên khắp các ngả đường, đâu đâu cũng thấy người đi xe máy chở những buồng cau trĩu quả về các xưởng chế biến….

Trồng cau cũng lắm công phu

Cây cau được trồng ở nhiều nơi trên khắp đất nước. Từ làng quê cho đến thành thị, ở đâu có đất, ở đó có cau. Tuy nhiên, nhắc đến “vựa” cau ở miền Bắc, không thể không kể đến xã Cao Nhân (huyện Thủy Nguyên, Tp.Hải Phòng).

Về xã Cao Nhân, những tháng cuối năm, trên khắp các ngả đường đều thấy người đi xe máy chở những buồng cau trĩu quả về các xưởng chế biến. Trên đường cũng xuất hiện những xe container chứa tới hàng chục tấn cau tươi kèm nhân công bốc dỡ, cân đong, ghi sổ sách.

Theo ông Nguyễn Văn Tiến, Chủ tịch UBND xã Cao Nhân, người dân địa phương đã trồng cau qua nhiều thế kỷ, và được coi là vùng trồng cau lớn của miền Bắc. Tuy nhiên, do việc xây dựng nhà cửa và các công trình khác nên diện tích trồng cau có bị giảm sút nhiều. Dẫu vậy, 20 năm trở lại đây, cau được coi là thứ hàng hóa thương phẩm và được người dân tập trung khai thác, phát triển kinh tế.

trong-va-che-bien-cau-hai-phong2-1643898325.jpg

Cau đang được thương lái chở về xã Cao Nhân để chế biến.

trong-va-che-bien-cau-hai-phong1-1643898325.jpg

Những buồng cau trĩu quả được chở về nơi thu mua.

Hiện nay, nhiều xã trong huyện Thủy Nguyên cũng chuyên canh loại cây mang lại giá trị kinh tế rất lớn này. Không chỉ ở Cao Nhân mới có những vườn cau rộng hàng mẫu bắc bộ mà nhiều xã như Gia Minh, Lưu Kỳ, Trung Hà… của huyện Thủy Nguyên cũng có những vườn cau mỗi năm thu về hàng tấn quả. Cây cau rất ưa đất mới nên năng suất ở những vùng trồng mới rất cao. Cùng với đó là kinh nghiệm trồng cau của người dân Cao Nhân cũng được nhiều hộ dân ở các xã lân cận học hỏi và canh tác có hiệu quả.

trong-va-che-bien-cau-hai-phong-1643898310.jpg

Xe container chở cau từ Thái Lan, Myanmar về xã Cao Nhân.

Anh Nguyễn Văn Sơn (37 tuổi, trú tại xã Gia Minh, huyện Thủy Nguyên) đang sở hữu vườn cau 10 năm tuổi rộng khoảng hơn 7.000m2. Vụ cau vừa qua, sau khi trừ tất cả chi phí, anh Sơn thu về hơn 500 triệu đồng.

Cây cau phụ thuộc nhiều vào thời tiết, khí hậu, nếu cau gặp sương muối thì quả cau rụng nhiều ảnh hưởng đến năng suất. Để đạt hiệu quả cao, người trồng cau cần áp dụng nhiều kỹ thuật cũng như kinh nghiệm.  

Ông Trần Văn Thâu, một người trồng cau lâu năm ở Thủy Nguyên cho biết: Trồng cau tưởng dễ nhưng không hề đơn giản. Trước tiên là khâu chọn cau giống, cây cau được chọn làm giống phải là là cây đã sinh trưởng từ 10 năm trở lên, cây phải thẳng, các đốt cau phải đều thể hiện sự sinh tốt của cây, các tàu lá phải dẻo và ôm lấy bẹ cau, không bị sâu bệnh. 

Buồng cau được chọn làm giống phải được theo dõi và chăm sóc kĩ càng. Các buồng đều quả thì được cho là cây cau “ngoan”. 

trong-va-che-bien-cau-hai-phong4-1643898506.jpg

Những cây cau non đang trong quá trình sinh trưởng.

Quả cau được chọn làm giống phải có tay dẻo, quả tròn đều, vỏ xanh bóng, kích thước thường bằng quả trứng gà ri. Buồng cau phải có “tóc” được trải đều trên các tay, không bị rụng. Khi quả cau già, người ta hái buồng xuống và để một thời gian cho quả cau khô tới một độ nhất định rồi đem đi ươm vào các bầu đất hoặc luống làm sẵn trong vườn. Đất ươm cau cũng là một bí kíp mà nhiều người không muốn tiết lộ vì ươm không cẩn thận, mầm cau ngọt dễ bị các loại sâu bệnh phá hoại.

Khi cau nhú mầm được khoảng 3 – 4 lá thì được đem trồng. Trước kia khi nguồn phân bón còn hạn chế, người dân thường phải hạ cau khi cây cau trồng được từ 3 – 4 năm tuổi, để cau không bén rễ lên trên mặt đất. Nhưng hiện nay công đoạn này đã không còn được sử dụng vì chi phí nhân công cao, vất vả, nguồn phân bón trên thị trường đã dồi dào.

Vựa chế biến cau nổi tiếng

Không chỉ nổi tiếng với nghề trồng cau, xã Cao Nhân cũng là địa phương có nghề chế biến, sơ chế cau có sản lượng của cả nước. Theo thống kê của UBND xã, sản lượng cau năm 2021 ước đạt 15.120 tấn, giá trị ước đạt trên 60.000 tỷ đồng cho thu nhập bình quân đầu người ước hơn 59 triệu đồng/người/năm. Cau ở xã Cao Nhân có đặc điểm khác biệt so với các vùng khác đó là vỏ cau bóng, xanh, ăn ngọt và rất bột.

Hiện nay, trên địa bàn toàn xã có 18 cơ sở sơ chế cau tươi thành cau khô. Thời điểm chính vụ chế biến là từ tháng 9 đến tháng 11 âm lịch. Do lượng cau ở xã Cao Nhân không đủ cung cấp cho các cơ sở chế biến, nên hàng năm, ngoài việc đi đến các tỉnh phía Bắc, người dân phải vào miền Trung, miền Nam để thu mua cau. Có một số hộ còn thuê nhiều ha đất ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên để trồng cau.

trong-va-che-bien-cau-hai-phong3-1643898325.jpg

Cau đang được sấy khô trong lò.

Hai năm trở lại đây, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc vận chuyển cau từ các khu vực trong cả nước gặp nhiều trở ngại nên các hộ kinh doanh phải nhập cau từ Thái Lan, Myanmar về để chế biến.

Ông Nguyễn Văn Quang (trú tại thôn 9, xã Cao Nhân) cho biết, ông đến với nghề sơ chế cau từ năm 1998, cơ sở của ông mỗi ngày trung bình sơ chế 30 tấn cau tươi, tạo công ăn việc làm cho 80 nhân công.

Để chế biến cau, trước tiên người ta đưa những trái cau tươi vào luộc từ 1,5 – 2 tiếng, mỗi mẻ luộc 2 tấn. Cau sau khi luộc xong được đưa vào lò sấy khô trong khoảng 4 – 5 ngày. Sấy xong, cau được đưa đi phân loại rồi xuất bán. Mỗi tấn cau tươi khi sấy xong cho ra từ 2,5 – 3 tạ cau khô. Trừ tất cả các khoản chi phí, mỗi tấn cau khô ông Quang thu về 10 triệu đồng.

trong-va-che-bien-cau-hai-phong6-1643898504.jpg

Ông Nguyễn Văn Quang đang phân loại cau sau khi sấy.

Khoảng 5 năm về trước, việc sấy cau rất vất vả, trải qua nhiều công đoạn hoàn toàn thủ công. Các lò sấy cau thường sấy bằng than tổ ong, vừa gây ô nhiễm môi trường lại ảnh hưởng đến chất lượng cau sấy nếu sử dụng loại than có nhiều hàm lượng lưu huỳnh.  Nhưng việc áp dụng kỹ thuật sấy cau bằng lò hơi với nguyên liệu củi khô, mẻ cau đảm bảo được sự nguyên chất, năng suất tăng và đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng.

Nơi lưu giữ hồn Việt

“5 năm trở lại đây, giá cau tương đối cao, là một tín hiệu tốt đối với người dân xã tôi. Giá cau tươi bán ra trung bình đạt 70 nghìn đồng/kg. Cau tươi chủ yếu phục vụ trong các đám cưới hỏi, giá 2 triệu đồng/buồng đã là có lãi. Tuy nhiên, cá biệt có những năm buồng cau đẹp, chất lượng tốt có giá lên tới 8 triệu đồng”, ông Tiến hồ hởi.

Cau sấy khô chủ yếu được xuất khẩu đi Đài Loan (Trung Quốc), một số quốc gia khu vực châu Á và Đông Âu để làm kẹo cau và các sản phẩm khác.

trong-va-che-bien-cau-hai-phong5-1643898325.jpg

trong-va-che-bien-cau-hai-phong7-1643898505.jpg

Ông Phạm Văn Xuân bên vườn trầu của gia đình

Ngoài việc trồng, sơ chế cau, người dân xã Cao Nhân còn nhân giống cau để bán đến các địa phương trong cả nước. Cau Cao Nhân đã có thương hiệu nên dễ bán với giá từ 50 – 100 nghìn/cây.

Ngoài cau, cây trầu cũng được trồng nhiều ở vùng đất này. Ông Phạm Văn Xuân, một người dân địa phương, sau khi về hưu khoảng 10 năm nay đã đến với nghề trồng trầu và cho thu nhập ổn định. 3 sào trầu của ông mỗi sào cho thu nhập 30 triệu đồng/năm.

Cây trầu, quả cau thực sự đã khiến đời sống của người Cao Nhân khởi sắc, là nơi gìn giữ nét văn hóa xa xưa của người Việt cho đến ngày nay và mai sau.

trong-va-che-bien-cau-hai-phong8-1643898505.jpg

Những cây cau non được bứng gốc để chờ bán.

Trong kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, có truyện Sự tích trầu cau. Câu chuyện này nhân cách hóa nguồn gốc của cây cau, cây trầu không và tảng đá vôi là những thứ được sử dụng để ăn trầu cũng như giải thích tục lệ sử dụng trầu cau trong các đám cưới. Cho đến ngày nay, trầu cau vẫn là thứ không thể thiếu trong các dịp lễ tết, cưới hỏi của người Việt như một nét văn hóa in đậm dấu ấn.

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin.