Theo đơn khởi kiện, ngày 30/6/2008, ông Ninh được Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch) cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả tác phẩm Phương án in và phát hành xổ số sử dụng hiệu quả, tiết kiệm chi phí in vé xổ số kèm theo nhiều bản vẽ minh họa, trong đó có bản vẽ hai chiếc vé xổ số mở.
Ngày 2/7/2008, ông Ninh mang bản quyền xổ số đến Bộ Tài chính để mời hợp tác nhằm cứu vãn xổ số truyền thống nhưng không có kết quả.
Trong các năm 2015, 2016, ông Ninh phát hiện Công ty Vietlott đã phát hành vé xổ số điện toán có những điểm trùng khớp với vé số ông sáng chế. Ông Ninh gửi thông báo, nhưng công ty không hồi đáp. Năm 2018, ông Ninh đã khởi kiện ra tòa án.
Ông Ninh cho biết, chiếc vé ông thiết kế để trống các thông tin cần thiết, đủ yếu tố dự thưởng, khi nào có khách hàng tham gia dự thưởng đại lý mới đánh vào máy (vé số in ở thiết bị đầu cuối ra). Do đó, không còn tình trạng hủy vé số không bán hết hàng ngày, tránh lãng phí tiền in. Vì vé chưa ghi số nên người mua được chọn số dự thưởng theo ý mình. Mặt khác, chiếc vé có ưu điểm là có yếu tố dự thưởng, giúp các đại lý bán vé số không tốn công sức, tiết kiệm số lượng vé in ra nhiều với khách hàng mua nhiều vé, nhiều số.
Theo ông Ninh, Công ty Vietlott đã sao chép “nội dung cốt lõi của bản quyền” để thay tên, cắt xén, bố cục lại chiếc vé và đổi tên thành xổ số tự chọn. Hành vi này vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ 2005 vì thêm vào dãy số dự thưởng để ra đời sản phẩm phái sinh từ bản gốc.
Ông Ninh đưa ra 3 yêu cầu là buộc công ty tạm dừng hoạt động kinh doanh; xin lỗi công khai trên phương tiện truyền thông và trả thù lao theo luật định. Trường hợp công ty vẫn tiếp tục hoạt động thì cần phải xin phép tác quyền.
Số tiền ông Ninh yêu cầu đòi thù lao quyền tác giả là 3% lợi nhuận công ty đạt được. Theo báo cáo thuế, 6 tháng đầu năm 2019, Công ty Vietlot ước đạt doanh thu 1.000 tỷ đồng. Vì vậy, ông Ninh yêu cầu buộc công ty phải trả số tiền 30 tỷ đồng.
Giấy đăng ký quyền tác giả do ông Nguyễn Văn Ninh cung cấp
Đại diện Công ty Vietlott không chấp nhận các yêu cầu trên. Công ty cho biết, hoạt động kinh doanh xổ số ở Việt Nam bắt đầu từ năm 1962 để kiến thiết đất nước. Từ đó đến nay, loại hình này do Nhà nước độc quyền kinh doanh, tư nhân không được tham gia. Việc quản lý từ Trung ương đến địa phương bằng các văn bản pháp quy. Còn trên thế giới, hoạt động kinh doanh xổ số điện toán phát triển từ năm 1980. Mẫu vé xổ số công ty phát hành được theo Điều 12, Thông tư 136/2013/TT-BTC Hướng dẫn hoạt động kinh doanh xổ số tự chọn số điện toán và theo quy chuẩn quốc tế.
“Chúng tôi hoàn toàn không liên quan đền bản quyền tác giả của ông Ninh. Cái này là công nghệ, không phải sao chép, copy hay cắt xén. Một số thông tin trên vé số được điều chỉnh phù hợp cho từng công ty trên thế giới”, đại diện công ty cho biết.
Tòa án nhận định mẫu vé số do ông Ninh sáng chế và Công ty Vietlott phát hành không trùng khớp với nhau. Theo Điều 28, Luật Sở hữu trí tuệ, không có hành vi xâm phạm quyền tác giả. Vì vậy, tòa án quyết định bác bỏ đơn khởi kiện của ông Ninh.
Sau phiên tòa, ông Ninh cho biết sẽ tiếp tục kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm.
Ngoài vụ kiện với Vietlott, ông Ninh còn khởi kiện Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Thủ đô về hành vi tương tự. Trong vụ kiện đó, ông Ninh yêu cầu công ty trả thù lao tác giả trong thời gian vi phạm từ năm 2009-2019 là 58,3 tỷ đồng. Đầu tháng 6/2019, TAND TP. Hà Nội cũng không chấp nhận đơn khởi kiện này của ông Ninh.
Công ty Vietlott được thành lập năm 2011 theo Quyết định số 1109/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và được quản lý trực tiếp bởi Bộ Tài chính theo Quyết định số 2933/QĐ-BTC. Công ty tổ chức kinh doanh các loại hình sản phẩm xổ số tự chọn số điện toán và trò chơi giải trí có thưởng khác.
ĐỖ MẾN - Đầu tư chứng khoán