Xâm phạm quyền tác giả trong môi trường kỹ thuật số đang diễn ra tràn lan, chuyên gia bình luận gì?

(PLBQ). Vi phạm bản quyền (quyền tác giả) là chuyện không mới nhưng chưa bao giờ mất đi tính thời sự ở nước ta. Nhất là khi môi trường kỹ thuật số ngày càng phát triển, mở ra nhiều cơ hội và cũng đầy những thách thức, khó khăn trong vấn đề bảo vệ bản quyền.

Phóng viên Pháp luật và Bản quyền đã có cuộc trao đổi với Luật sư Đỗ Chiến Thắng (Chuyên gia Sở hữu trí tuệ, Giám đốc Trung tâm quyền tác giả Việt Nam – VCOP) xung quanh vấn đề xâm phạm quyền tác giả trong môi trường kỹ thuật số thời gian qua. Chuyên trang Pháp luật và Bản quyền xin trân trọng giới thiệu tới độc giả.

Luật sư Đỗ Chiến Thắng – Giám đốc Trung tâm quyền tác giả Việt Nam (VCOP)

 

Phóng viên: Ông có đánh giá như thế nào về việc xâm phạm quyền tác giả nói chung trong môi trường kỹ thuật số thời gian qua?

Chuyên gia Đỗ Chiến Thắng: Theo đánh giá của tôi thì là rất nghiêm trọng và phổ biến. Chỉ cần làm một phép thử đơn giản, lên Google, search (tìm kiếm) một tác phẩm thơ truyện nhạc nào đó, chúng ta dễ dàng thấy hàng nghìn kết quả, đăng lên hàng mấy trăm các website khác nhau.

Hay trên mạng xã hội Youtube, phải có đến trăm kênh người ta tải lên những bản nhạc, rồi những cuốn sách, truyện được đọc lại rồi đăng mà làm gì có bản quyền hay sự cho phép của tác giả.

Nguyên nhân xâm phạm quyền tác giả trong môi trường số?

Phóng viên: Như ông cho biết, tình trạng này đang diễn ra phổ biến và rất nghiêm trọng, vậy theo ông đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này?

Chuyên gia Đỗ Chiến Thắng: Theo tôi, nguyên nhân thì rất nhiều nhưng có một số nguyên nhân cơ bản như sau:

Thứ nhất, phải kể đến là do khoa học công nghệ phát triển thuận lợi cho việc chuyển đổi, lưu trữ và sao chép.

Ví dụ: những năm trước đây, ở những thập niên 80 của thế kỷ 20, ta thấy rằng việc xâm phạm rất ít vì công nghệ đang ở mức thấp. Nhưng hiện nay, do công nghệ phát triển, có thể sao chép được rất nhanh và gọn nhẹ, chúng ta có thể đưa một cuốn sách, thậm chí cả thư viện của một trường đại học vào trong một cái USB (thiết bị lưu trữ dữ liệu). Từ một file text (một dạng tập tin văn bản) ta có thể dễ dàng chuyển sang bản âm thanh hay từ một video không khó để chuyển sang một bản text.

Thứ hai, cơ quan quản lý đăng ký, bảo hộ và xử lý đối với hoạt động xâm phạm quyền tác giả hiện nay thì hoạt động thực sự chưa hiệu quả. Luật của chúng ta điều chỉnh rất tốt, nhưng tính khả thi của nó còn hạn chế. Việc phân quyền cho các cơ quan đôi khi nó còn chồng chéo, rời rạc.

Có cơ quan được trao thẩm quyền xử phạt hành chính nhưng thực tế không có điều kiện để tổ chức thực hiện (Ủy ban nhân dân cấp huyện). Có cơ quan không xác định được trách nhiệm giữa thẩm quyền được trao thêm (thẩm quyền xử phạt hành chính) với nhiệm vụ theo chức năng thường xuyên (nhiệm vụ điều tra, xác minh của cơ quan công an).

Ví dụ:

  • Các hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp liên quan đến hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý quy định tại Điều 12 và 13 của Nghị định số 99/2013/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp (Nghị định số 99/2013/NĐ-CP) thuộc thẩm quyền xử phạt của cả 04 cơ quan là Thanh tra Khoa học và Công nghệ, Quản lý thị trường, Hải quan, Công an.
  • Hay hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp nêu tại Điều 14 của Nghị định số 99/2013/NĐ-CP thuộc thẩm quyền xử phạt của 03 cơ quan là Thanh tra Khoa học và Công nghệ, Quản lý thị trường, Hải quan.

Thứ ba, nhận thức xã hội của người dân còn chưa cao. Nguyên nhân một phần là do thực tế điều kiện kinh tế xã hội của chúng ta, ở những giai đoạn kinh tế khó khăn, điều kiện kinh tế xã hội của từng người dân thấp, nhưng nhu cầu về văn hóa, xã hội vẫn có. Tuy nhiên, điều kiện về tài chính lại không thể đáp ứng được.

Ví dụ: mua phần mềm có bản quyền của máy tính (Windows). Chúng ta có thể mất 100 đến 200 đô la Mỹ. Nhưng xét về điều kiện kinh tế xã hội của đa số người dân Việt Nam làm sao mà mua được, chưa kể đến những người ở vùng sâu vùng xa. Thế nên, buộc mọi người nghĩ đến việc dùng làm sao miễn phí, không được chủ sở hữu cho phép thì sẽ tìm đến các bản copy (sao chép).

Thứ tư, đôi khi chúng ta muốn sử dụng một cách hợp pháp, muốn xin phép nhưng lại không biết phải xin phép ai, không tìm được chủ sở hữu quyền tác giả là ai?

Ví dụ: Muốn dùng một bản nhạc nào đó để biểu diễn tại một chương trình âm nhạc, nhưng tìm tác giả ở đâu thì rất khó. Mặc dù, có một số trung tâm quản lý về quyền tác giả cho tác phẩm âm nhạc, nhưng không phải bài hát nào cũng có. Việc tranh chấp ai là tác giả bài hát “Hòn đá cô đơn” mà VCOP đang tiếp nhận xử lý gần đây là một ví dụ điển hình.

Thứ năm, quy định về mức phí và cách đàm phán trong luật của chúng ta hiện nay còn đang hở. Tùy thuộc vào mức độ uy tín của tác giả, có thể phí rất thấp hoặc rất cao. Điều này làm cho việc xâm phạm xảy ra rất nhiều.

Bên cạnh đó, việc thu chi của Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCMPC) hàng năm đều có báo cáo nhưng rất chung chung. Các nhạc sĩ hầu như có gì biết nấy chứ không hiểu, cũng không được công khai cụ thể về việc thu tiền tác quyền các tác phẩm âm nhạc đã được mình ủy quyền cho trung tâm như thế nào.

Phải hiểu rõ rằng, trong việc ủy quyền tác phẩm, tác giả vẫn là chủ sở hữu, VCPMC chỉ là đại diện trung gian. Vì vậy, việc ký kết của VCPMC cho phép sử dụng tác phẩm phải được thỏa thuận trước với tác giả chứ không phải họ được giữ độc quyền cho phép.

Ý thức bảo vệ tác phẩm của chính tác giả còn chưa cao?

Phóng viên: Ông cho biết rằng, cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp muốn sử dụng tác phẩm đó nhưng không biết tìm được tác giả ở đâu để xin phép. Phải chăng một phần lỗi cũng là do tác giả chưa chú trọng và ý thức được việc đăng ký quyền tác giả cho tác phẩm của mình quan trọng như thế nào?

Chuyên gia Đỗ Chiến Thắng: Chính xác! Lỗi này một phần là do tác giả.

Thứ nhất, theo quy định của luật sở hữu trí tuệ, quyền tác giả phát sinh tự động khi tác phẩm được định hình dưới dạng vật chất nhất định mà không cần đăng ký. Tuy nhiên, nếu bản thân tác giả không đăng ký bảo hộ, tức là không đưa lên hệ thống quản lý và đăng ký quyền sở hữu của nhà nước hoặc của tổ chức nào đó thì sẽ không ai biết tác giả là ai, việc xâm phạm vì thế tất yếu sẽ xảy ra.

Thứ hai, nhiều tác giả biết nhiều người đang xâm phạm tác phẩm của mình nhưng họ không đủ điều kiện, không quyết liệt hoặc không muốn phiền phức trong việc xử lý.

Quy định đã có nhưng chưa theo kịp sự phát triển của công nghệ

Phóng viên: Theo ông, quy định của pháp luật về việc xử lý hành vi xâm phạm quyền tác giả đã đủ quyết liệt và răn đe chưa hay còn quá nhẹ để các cá nhân, tổ chức vẫn cố tình vi phạm?

Chuyên gia Đỗ Chiến Thắng: Làm khá lâu trong lĩnh vực Pháp luật và Bản quyền, chúng tôi nhận thấy rằng, hành lang pháp lý của Việt Nam đều đã có những quy định tương đối đầy đủ để xử lý các hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan.

Ví dụ: Nghị định số 131/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan, Nghị định số 99/2013/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp,… đều chặt chẽ, bám sát, xử phạt từng hành vi. Ngoài ra còn có Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 xử phạt ở mức độ cao hơn.

Tuy nhiên, luật pháp của chúng ta chưa bắt kịp với các công nghệ sao chép lậu tinh vi trên môi trường số.

Ví dụ: một trang web dẫn một đường link đến một bộ phim bị sao chép lậu nhưng được lưu tại một trang web khác có phải là hành vi xâm phạm quyền tác giả đối với bộ phim đó hay không?

Hiện nay, rất nhiều các trang web xem phim lậu ở Việt Nam thường chỉ dẫn một đường link vào trang web của mình để người dùng xem, trong khi bộ phim thực chất được lưu tại máy chủ của một bên thứ ba ở nước ngoài. Trong khi đó, mức xử phạt với các đơn vị vi phạm bản quyền cao nhất cũng chỉ là 60 triệu đồng theo Nghị định 131/2013/NĐ-CP, quá thấp so với lợi nhuận các website này thu được.

Giải pháp hạn chế tình trạng xâm phạm quyền tác giả trong môi trường số

Phóng viên: Từ những vấn đề vừa phân tích ở trên, ông có thể đề xuất một số giải pháp để khắc phục, cũng như hạn chế tình trạng xâm phạm quyền SHTT trong môi trường số hiện nay?

Chuyên gia Đỗ Chiến Thắng: để khắc phục, cũng như hạn chế tình trạng xâm phạm quyền SHTT trong môi trường số hiện nay, theo tôi có một số giải pháp như sau:

Thứ nhất, để nâng cao hiệu quả hoạt động bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, cần thiết phải thực hiện rà soát, đánh giá hiệu quả và sự phù hợp của hệ thống tổ chức và cơ cấu bộ máy bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ hiện có để làm căn cứ xây dựng và thực hiện phương án sắp xếp, phân công lại trong bộ máy.

Khi xây dựng pháp luật, cần tham khảo những người trực tiếp đang làm việc đó để luật đưa vào đời sống có tính khả thi cao. Tránh trường hợp luật ban hành ra phải chờ hướng dẫn, một năm sau mới có Nghị định. Như vậy thì độ trễ của pháp luật luôn theo sau quan hệ pháp luật cần điều chỉnh.

Phải phân quyền – tức là giao cách trách nhiệm cho cơ quan chức năng phải cụ thể, rõ ràng. Ủy ban xã (phường), huyện (quận), tỉnh (thành phố), cơ quan hải quan, quản lý thị trường có trách nhiệm tới đâu, phải có phân quyền rõ ràng, tránh tình trạng chung chung. Bên cạnh đó, cần công khai quá trình tiếp nhận và xử lý đơn của người dân để họ có quyền giám sát, đôn đốc, phản hồi khi cần thiết.

Thứ hai, nhà nước cần có chính sách hỗ trợ để người dân có thể sử dụng ở một mức phí vừa phải, ưu đãi, miễn phí vì với điều kiện kinh tế xã hội nước ta thời điểm hiện tại, chúng ta chưa thể đạt được tới mức mà tất cả các sản phẩm sở hữu trí tuệ đều bỏ tiền ra mua hoặc là thuê.

Ví dụ: Phần mềm Office của Windows nếu được sử dụng ở một mức phí thấp hơn thì tình trạng vi phạm sẽ giảm đáng kể.

Thứ ba, có luật tốt rồi thì cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về sở hữu trí tuệ nói chung và Luật Sở hữu trí tuệ nói riêng cho các cơ quan, tổ chức.

Về phía tác giả: cần tư vấn, tuyên truyền luật sao cho ai cũng có thể đăng ký được các sản phẩm SHTT. Vì những người nhạc sĩ sáng tác theo phong trào hoặc những người nông dân cả đời mới có một sáng chế, họ không nắm rõ được luật là phải đăng ký để bảo vệ “đứa con tinh thần” của mình.

Về phía doanh nghiệp: tăng cường hơn nữa tuyên truyền về tác dụng và hiệu quả của việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cũng như vai trò của tài sản trí tuệ đối với cả doanh nghiệp và khách hàng của doanh nghiệp trong phát triển bền vững, nhất là trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

Thứ tư, cần áp dụng biện pháp công nghệ để bảo vệ quyền tác giả trong môi trường số. Nếu có thể sử dụng công nghệ để xâm phạm quyền tác giả thì ngược lại, cũng cần sử dụng công nghệ để ngăn chặn hành vi xâm phạm quyền và bảo vệ quyền.

Có nhiều giải pháp công nghệ đã được triển khai như Hệ thống quản lý sao chép lậu. Hệ thống này có thể bằng biện pháp kỹ thuật nhận ra những điểm đặc biệt và giám sát, tìm kiếm các nội dung bị sao chép trên Internet và tự động yêu cầu làm giám đoạn quá trình copy.

Ngoài ra, gần đây công nghệ điện toán đám mây cũng một trong những lựa chọn tốt góp phần bảo vệ các tác phẩm trên Internet một cách an toàn hơn. Trước đây, phần lớn chỉ các doanh nghiệp lớn mới có đủ ngân sách để đầu tư hạ tầng và triển khai giải pháp Công nghệ thông tin bảo vệ bản quyền nội dung số. Ngày nay, với công nghệ điện toán đám mây, doanh nghiệp có thể thuê hạ tầng và các phần mềm hệ thống để triển khai giải pháp bảo vệ bản quyền nội dung số với chi phí đầu tư và công nghệ tốt hơn, hiệu quả hơn.

Thứ năm, cần tăng cường hợp tác quốc tế cho việc quản lý, đăng ký và sử dụng tài sản SHTT, vì trong một thế giới phẳng, một sáng chế có thể được sử dụng tại Việt nam nhưng đồng thời cũng có thể được sử dụng ở nước ngoài và ngược lại.

Phóng viên: trân trọng cảm ơn chuyên gia Đỗ Chiến Thắng về cuộc trao đổi.

Kỳ Anh

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin.