Xây dựng thương hiệu quốc gia – Bàn đạp vươn tầm quốc tế

Lợi Trần

(PLBQ). Thương hiệu quốc gia mang tính biểu tượng đặc trưng cho một dân tộc, không chỉ vậy nó còn là đặc điểm để nhận diện hàng hóa, sản phẩm của quốc gia đó trên trường quốc tế. Do đó, việc xây dựng thương hiệu quốc gia là vấn đề được các nước rất quan tâm và chú trọng phát triển.

Thương hiệu quốc gia là gì?

Thương hiệu quốc gia là một khái niệm khá trừu tượng, chưa có một văn bản pháp lý nào đưa ra định nghĩa. Việc xây dựng thương hiệu quốc gia được nhiều nước triển khai, trong đó có Việt Nam. Trong chương trình xây dựng thương hiệu quốc gia Việt Nam đã đưa ra khái niệm như sau “thương hiệu quốc gia là tập hợp các liên tưởng của cộng đồng về bản sắc và hình ảnh của quốc gia thông qua các đối tượng mà quốc gia đó sở hữu như lịch sử, sự phát triển về kinh tế – xã hội, con người, điều kiện địa lý đặc thù, điểm đến, môi trường kinh doanh, sự vận động và năng động của quốc gia, các giá trị như thân thiện, chất lượng, sáng tạo.”

Chương trình Thương hiệu quốc gia mang lại tác động tích cực (Nguồn: VOV.VN)

Theo đó, có thể hiểu thương hiệu quốc gia là tên gọi, biểu tượng, khẩu hiệu, hình ảnh thiết kế hoặc là tổng hợp những yếu tố trên gắn với các bản sắc dân tộc với mục đích xác định hàng hóa hay dịch vụ của một hay một nhóm nhà cung cấp nhằm nhận diện nguồn gốc sản phẩm và để phân biệt với những đối thủ cạnh tranh khác trong và ngoài nước. Các yếu tố xác định thương hiệu quốc gia thường gắn với những tiêu chí nhất định, tuỳ thuộc vào từng quốc gia, từng giai đoạn khác nhau để phù hợp với thực tiễn.

Xây dựng thương hiệu quốc gia mang lại nhiều giá trị

Nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt trên trường quốc tế

Thương hiệu của sản phẩm, thương hiệu của doanh nghiệp và thương hiệu quốc gia có mối quan hệ ràng buộc chặt chẽ với nhau, do đó việc xây dựng bất kỳ mắt xích nào cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến phần còn lại. Một quốc gia có nhiều thương hiệu lớn, uy tín và có sức ảnh hưởng trên thị trường sẽ góp phần không nhỏ tạo nên một ấn tượng tốt cho khách hàng, tạo chỗ đứng trên thương trường cũng như nâng tầm thương hiệu quốc gia.

Ở chiều ngược lại, nếu xây dựng được thương hiệu quốc gia có tiềm lực sẽ là bước đà cho sự bật lên của các doanh nghiệp trong nước với quốc tế. Có thể nói thương hiệu quốc gia là sự bảo đảm cho người dùng về chất lượng cho sản phẩm, hàng hóa được sản xuất tại nước đó. Xây dựng thương hiệu quốc gia cũng chính là xây dựng lớp bảo hộ cho các thương hiệu sản phẩm có chỗ đứng vững vàng trên thị trường trong nước, đẩy mạnh phát triển thương hiệu của mình ra thế giới.

Thương hiệu quốc gia mạnh là đòn bẩy phát triển thị trường quốc tế (Nguồn: BrandVietnam)

Mang bản sắc văn hóa, hình ảnh dân tộc ra thế giới

Thông qua việc xây dựng thương hiệu quốc gia, các doanh nghiệp hoàn toàn có thể tận dụng những chính sách hỗ trợ của nhà nước để xây dựng, phát triển các thương hiệu, từ đó quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam là một quốc gia có hàng hóa, dịch vụ chất lượng cao, môi trường kinh doanh thuận lợi, nhiều tiềm năng phát triển.

Càng nhiều thương hiệu sản phẩm của quốc gia chiếm lĩnh thị trường quốc tế thì tiềm lực  quốc gia đó càng được khẳng định. Xây dựng thương hiệu quốc gia luôn gắn liền với công tác tuyên truyền, quảng bá các chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể mang tính đặc trưng dân tộc của Việt Nam tại thị trường nước ngoài.

Thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa, mở rộng thị trường

Xây dựng thương hiệu là điều cần thiết để đáp ứng với thực tiễn hội nhập toàn cầu hiện nay. Có thể coi đây là tấm vé thông hành giúp doanh nghiệp phát triển mạnh hơn trong hoạt động xuất khẩu, đủ động lực cạnh tranh trực tiếp với các doanh nghiệp. Với việc rất nhiều hiệp định thương mại song phương, đa phương được ký kết thì việc có được thương hiệu quốc gia mạnh là điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp nội địa xâm nhập được vào thị trường mới, đặc biệt là những thị trường khó tính với nhiều tiêu chuẩn khắt khe.

Việt Nam đang nỗ lực không ngừng để nâng cao thương hiệu quốc gia

Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định phê duyệt Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam vào ngày 25/11/2003. Theo đó, Bộ Công Thương là cơ quan thường trực, chịu trách nhiệm phối hợp với các bộ, ngành thực hiện. Đây là chương trình xúc tiến thương mại đặc thù, dài hạn và duy nhất của Chính phủ nhằm xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia thông qua thương hiệu sản phẩm. Qua nhiều năm xây dựng và phát triển, Chương trình này đã đạt được những thành quả tích cực, thu hút được sự quan tâm đặc biệt và tạo được uy tín đối với các doanh nghiệp, cơ quan quản lý, cũng như người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Trong 3 năm trở lại đây, thứ hạng của Thương hiệu quốc gia Việt Nam liên tục được cải thiện và nằm trong nhóm thương hiệu mạnh. Theo báo cáo đánh giá từ Brand Finance, thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2020 đã tăng 29% giá trị lên 319 tỷ USD. Đây là mức tăng kỷ lục của thế giới.

Việt Nam có cải thiện lớn về thứ hạng Giá trị thương hiệu quốc gia (Nguồn: Brand Finance)

Thứ hạng của Việt Nam cũng cải thiện từ vị trí 42 lên 33 trong danh sách 100 THQG có giá trị nhất của Brand Finance. Trong khi các quốc gia có giá trị thương hiệu hàng đầu thế giới đều bị sụt giảm do ảnh hưởng nặng nề từ Covid-19 thì việc Việt Nam nổi tiếng là quốc gia an toàn đã giúp thu hút dễ dàng hơn các nguồn lực của thế giới, đặc biệt là thu hút đầu tư, sự kiện, khách du lịch quốc tế. Nhờ đó mà Việt Nam vẫn duy trì tăng trưởng dương ở mức khá và tạo động lực rất lớn để tăng hạng cho sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trên bảng xếp hạng thế giới.

Ngoài ra, Việt Nam cũng là quốc gia duy nhất trong khối ASEAN được nâng hạng trong bảng xếp hạng quyền lực mềm toàn cầu tư 50/60 lên 47/105 quốc gia được xếp hạng (theo Báo cáo chỉ số quyền lực mềm toàn cầu 2021).

Việt Nam luôn chú trọng xây dựng thương hiệu quốc gia với những chiến lược và kế hoạch cụ thể. Tại thị trường nội địa, công tác tuyên truyền quảng bá xây dựng thương hiệu quốc gia được thực hiện rất đa dạng và có độ phủ sóng rất cao với việc thực hiện phát sóng các chuyên đề về Thương hiệu quốc gia trên 4 Đài Truyền hình gồm Đài truyền hình Việt Nam, Truyền hình Thông tấn và Truyền hình SCTV, Truyền hình VTC, Truyền hình Đài tiếng nói Việt Nam VOV1. Việc phủ sóng rộng rãi trên các nền tảng có ảnh hưởng lớn với dư luận đã mang nhiều thương hiệu sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng trong nước, tăng tần suất phủ sóng và nâng cao độ nhận diện thương hiệu. Bên cạnh việc thực hiện quảng bá trên Đài truyền hình thì các phương tiện truyền thông khác như Đài tiếng nói Việt Nam, báo giấy, báo điện tử cũng sẽ được Bộ Công Thương triển khai các chuyên đề về Thương hiệu quốc gia cũng tập trung vào thương hiệu ngành, quảng bá hàng hóa, dịch vụ gắn với đăng ký bảo hộ thương hiệu tại các thị trường, quảng bá hàng hóa, dịch vụ gắn với văn hóa, du lịch...

Xây dựng thương hiệu quốc gia là phương pháp hữu hiệu để khẳng định chất lượng và nâng cao năng lực cạnh tranh của một quốc gia trên thị trường quốc tế. Để làm được điều này sẽ cần có sự tham gia và phối hợp của các ngành, các doanh nghiệp, các thương hiệu nhằm tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, mang lại ấn tượng về một đất nước đầy tiềm năng phát triển kinh tế với bản sắc dân tộc đặc trưng.

Ngọc Hà

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin.