ừ nghi án những “ông lớn” ngành công nghiệp ô tô…có dấu hiệu vi phạm Luật Cạnh tranh….
Mới đây, theo hãng tin AutoNews, Ủy ban cạnh tranh Thổ Nhĩ Kỳ vừa mở cuộc điều tra liên quan đến Volkswagen, Porsche, Audi, BMW và Mercedes-Benz để xác định xem các hãng ô tô Đức có vi phạm luật cạnh tranh khi tham gia đầu tư, kinh doanh tại quốc gia này hay không?
Ủy ban cạnh tranh Thổ Nhĩ Kỳ đã phát hiện những vấn đề cho thấy các hãng xe Đức đã vi phạm nguyên tắc hợp tác môi trường và an ninh cũng như chia sẻ thông tin cạnh tranh nhạy cảm
Trước đó, Ủy ban cạnh tranh Thổ Nhĩ Kỳ đã phát hiện những vấn đề cho thấy các hãng xe Đức có khả năng vi phạm nguyên tắc hợp tác môi trường và an ninh cũng như chia sẻ thông tin cạnh tranh nhạy cảm.
Cuộc điều tra này được cơ quan chức năng Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành sau khi Tập đoàn Volkswagen tuyên bố huỷ kế hoạch xây dựng một nhà máy mới trị giá hàng chục triệu USD để sản xuất ô tô gồm nhiều thương hiệu con của Tập đoàn này.
Trước đó, Tập đoàn ô tô có trụ sở tại Wolfsburg (Đức) đã lên kế hoạch xây nhà máy sản xuất ô tô mới ở Manisa, cách bờ biển phía tây Thổ Nhĩ Kỳ khoảng 40 km. Nhà máy này dự kiến nhà máy này sẽ đạt công suất tối đa 300.000 xe/năm và sẽ sản xuất chủ yếu hai mẫu xe Passat, Skoda Superb thế hệ mới bắt đầu từ năm 2022. Tuy nhiên, mới đây Tập đoàn Volkswagen tuyên bố hủy kế hoạch xây dựng một nhà máy mới. Lý giải về quyết định khá bất ngờ này Volkswagen cho biết, doanh số xe tại Thổ Nhĩ Kỳ quá thấp vì vậy sau khi xem xét kỹ lưỡng Tập đoàn nhận thấy chưa thực sự cần thiết để xây dựng nhà máy mới.
Sau khi quyết định hủy kế hoạch xây dựng nhà máy mới, Volkswagen cùng các hãng ô tô Đức đang bị cơ quan chức năng Thổ Nhĩ Kỳ điều tra về khả năng vi phạm luật cạnh tranh. Nếu vi phạm, các hãng xe Đức nhiều khả năng sẽ phải gánh chịu án phạt về tài chính theo luật cạnh tranh tại Thổ Nhĩ Kỳ.
… đến các “đại gia” công nghệ từng phải chấp nhận trả hàng tỷ đô la dàn xếp những cáo buộc
Ngày 15/06/2020, Ủy ban Châu Âu đã mở một cuộc điều tra chống độc quyền nhằm xác định các điều khoản của Apple áp đặt đối với các nhà phát triển ứng dụng có vi phạm Luật Chống độc quyền hay không.
Cuộc điều tra chống độc quyền với Apple xuất phát từ một khiếu nại vào năm ngoái bởi Spotify- Công ty có ứng dụng phát nhạc trực tuyến cạnh tranh với ứng dụng Apple Music. Spotify và một số công ty khác đã khiếu nại Apple vì hành vi áp dụng các quy tắc và mức tính phí lên tới 30% đối với các dịch vụ kỹ thuật số được bán thông qua Apple Store. Vào tháng 3 năm 2020, Ủy ban Châu Âu cũng nhận được đơn khiếu nại tương tự từ một nhà phân phối sách điện tử và sách nói đối với Apple.
Hiện nay, các công ty muốn cung cấp sản phẩm của mình thông qua Apple Store phải đồng ý với các điều khoản và điều kiện của Apple, bao gồm chia sẽ dữ liệu với Apple và cho Apple phần trăm trong doanh thu được thực hiện thông qua các ứng dụng trên Iphone và Ipad.
Đáng chú ý, ngày 16/3, Cơ quan giám sát cạnh tranh của Pháp đã phạt Tập đoàn công nghệ Apple của Mỹ 1,1 tỷ Euro (1,23 tỷ USD) do có hành vi phi cạnh tranh đối với mạng lưới phân phối bán lẻ độc lập. Theo giới chức Pháp, Apple đã lợi dụng sự phụ thuộc kinh tế của các bên phân phối độc lập, áp đặt các điều kiện kinh tế không công bằng đối với họ so mạng lưới bán lẻ của công ty này. Vụ việc đã được điều tra từ năm 2012 đến nay, và đây là khoản tiền phạt lớn nhất từ trước tới nay của cơ quan chống độc quyền Pháp.
Trước đó, năm 2016, Apple đã phải trả khoản dàn xếp trị giá 450 triệu USD cho Bộ Tư pháp Mỹ trong một vụ kiện mà tập đoàn này bị cáo buộc thông đồng với các nhà xuất bản để tăng giá bán sách điện tử.
Apple của Mỹ vừa phải chịu án phạt 1,1 tỷ Euro (1,23 tỷ USD) do có hành vi phi cạnh tranh của Cơ quan giám sát cạnh tranh Pháp
Một công ty công nghệ lớn khác là Google cũng bị cáo buộc độc quyền trong hoạt động trên trang mạng tìm kiếm của mình. Năm 2013 Google đã phải dàn xếp một khoản bồi thường cho một cuộc điều tra của Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ. Google cũng đã từng bị EU phạt nhiều lần vì lạm dụng vị trí độc quyền, lần gần đây nhất là 1,5 tỉ Euro vào tháng 3/2019.
Ngoài ra, Bộ Tư pháp Mỹ cũng đang mở cuộc điều tra về việc Apple và một số công ty công nghệ lớn khác như Google, Facebook và Amazon sử dụng nhiều biện pháp để “thống trị thị trường”, khiến các doanh nghiệp khác không thể cạnh tranh lành mạnh. Nếu bị chứng minh có vi phạm thì chắc chắn các “đại gia” công nghệ này sẽ khó tránh khỏi những án phạt tỷ đô.
Bài học nào cho doanh nghiệp Việt?
Hiện nay, với xu thế hội nhập sâu, rộng với kinh tế quốc tế, Việt Nam đã ký kết và tham gia nhiều FTA thế hệ mới như CPTPP hay EVFTA…. Điều này sẽ có tác động lớn đến nền kinh tế Việt Nam thông qua việc mở rộng thị trường xuất nhập khẩu, khơi thông nhiều thị trường tiềm năng.
Theo luật pháp của các nước phát triển, các hành vi vi phạm pháp Luật Cạnh tranh bị coi là hành vi nghiêm trọng và bị xử phạt với mức tiền phạt rất cao (lên đến hàng trăm tỷ đô la), ngoài ra người đứng đầu của doanh nghiệp có thể phải chịu trách nhiệm hình sự.
Do đó, khi tham gia “cuộc chơi thương mại” trên thị trường quốc tế để tránh vướng phải những rắc rối pháp lý cũng như những án phạt tài chính liên quan đến những hành vi cạnh tranh không lành mạnh, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải nắm rõ các quy định của pháp luật của nước sở tại, trong đó cần quan tâm đến các quy định trong Luật Cạnh tranh (hoặc Luật chống độc quyền).
Ngoài ra, Các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý tìm hiểu, nắm rõ các cam kết về cạnh tranh trong các FTA để có thể bảo vệ lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khi phát sinh các tranh chấp liên quan đến pháp luât cạnh tranh tại các nước thành viên Hiệp định.
Theo Luật cạnh tranh tại Thổ Nhĩ Kỳ, nếu bị chứng minh vi phạm thì các hãng xe Đức có khả năng sẽ phải gánh chịu những án phạt về tài chính lên tới 100 triệu Lira tương đương với 14.5 triệu USD.
Nam Kiên- Bùi Lộc