Bài học rút ra cho các doanh nghiệp từ vụ tranh chấp bản quyền giữa Taylor Swift và công ty chủ quản

Ky Anh

(PLBQ). Vụ tranh chấp của nữ ca sĩ Taylor Swift với công ty chủ quản về bản quyền bài hát đã đưa ra nhiều bài học về tầm quan trọng của quyền sở hữu trí tuệ mà mọi doanh nghiệp cần lưu ý.

Taylor Swift và công ty chủ quản cũ xảy ra tranh chấp về bản quyền. (Ảnh: Daily Mail)

>> Bài học cho doanh nghiệp nhìn từ vụ việc tranh chấp nhãn hiệu Hảo Hảo – Hảo Hạng

>> Bài học cho doanh nghiệp từ phương thức sử dụng song song nhãn hiệu Pierre Cardin của An Phước

>> Cạnh tranh không lành mạnh và sở hữu trí tuệ nhìn từ câu chuyện của Cộng cà phê

Diễn biến tranh chấp

Đầu tháng tư vừa qua, người hâm mộ của Taylor Swift ở khắp nơi trên thế giới đang vui mừng khôn xiết vì được thưởng thức lại những ca khúc đã tạo nên tên tuổi của nữ ca sĩ ngay từ những ngày mới vào nghề. Album Fearless (phiên bản Taylor Swift) bao gồm hai mươi bài hát từng được cho ra mắt vào năm 2008 trong album cùng tên và sáu bài hát hoàn toàn mới. Tuy nhiên, để cho ra mắt thành công album lần này, nữ ca sĩ đã phải đối mặt với một vụ lùm xùm với công ty chủ quản cũ liên quan tới quyền sở hữu các bản thu âm gốc.

Khi bắt đầu sự nghiệp ca sĩ vào năm 2005, Taylor Swift đã ký hợp đồng thu âm với Big Machine Records - công ty chủ quản của cô lúc bấy giờ. Và trong các điều khoản của hợp đồng đó có một điều khoản quy định rằng Big Machine sẽ sở hữu quyền đối với các bản thu âm do Taylor Swift thực hiện.

Vì vậy, khi hợp đồng giữa hai bên kết thúc vào năm 2018, nữ ca sĩ đã ký hợp đồng cùng một công ty chủ quản khác và không được sở hữu các bản ghi của mình. Đến tháng 6 năm 2019, Braun Scooter mua lại Big Machine Records với giá hơn 300 triệu USD và chính thức trở thành “chủ nhân mới” của các bản ghi của cô, cụ thể là sáu album phòng thu đầu tiên của nữ ca sĩ, bao gồm cả album Fearless vào năm 2008.

Braun Scooter được toàn quyền tiếp tục kiếm lợi nhuận trên các bản ghi đó và việc khai thác hoàn toàn nằm ngoài sự kiểm soát của Taylor Swift. Hay nói một cách khác, Taylor Swift không hề nhận được bất kỳ lợi nhuận nào từ việc Braun Scooter khai thác các bản ghi của mình.

“Soi” vụ tranh chấp dưới góc độ pháp lý

Vụ tranh chấp về bản quyền giữa Taylor Swift và chủ quản cũ đã tạo nên một làn sóng phẫn nộ đối với tất cả những người yêu thích nữ ca sĩ. Tuy nhiên, đứng từ góc nhìn pháp lý thì vụ tranh chấp của Taylor Swift và công ty chủ quản cũ có một số vấn đề cần làm rõ như sau.

Khi vụ tranh chấp này được đem ra mổ xẻ, nhiều người đã phản ứng gay gắt vì cho rằng Taylor Swift đã thực hiện tất cả các công đoạn để cho ra đời bài hát, bao gồm viết lời bài hát, chơi nhạc cụ và cả trình bày ca khúc. Chính vì vậy nên hành động của Braun Scooter được xem là không công bằng. Tuy nhiên, trên thực tế, Taylor Swift đã tự nguyện cấp quyền các bản ghi của mình cho công ty chủ quan thông qua việc ký kết hợp đồng. Điều này đồng nghĩa với việc Big Machine hoàn toàn có quyền khai thác các bản ghi này và chuyển nhượng chúng cho một bên thứ ba khác chính là Braun Scooter.

Xét về tính pháp lý, bản quyền là một quyền tự động, tức là quyền được phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo ra mà không cần phân biệt là đã được công bố hay chưa công bố hoặc đã được đăng ký bản quyền hay là chưa. Khi một bản nhạc gốc được ra đời, người tạo ra bản nhạc sẽ tự động sở hữu các quyền của bản nhạc này. Và với trường hợp của Taylor Swift, căn cứ theo Đạo luật Bản quyền, Kiểu dáng và Sáng chế năm 1988 của Anh, có một số yếu tố liên quan tới bản quyền cần lưu ý như sau:

  • Bản quyền về giai điệu, bao gồm các nốt và các thành phần nhạc cụ tạo nên bài hát (nội dung này được bảo vệ theo Mục 3 (1)).
  • Bản quyền của lời bài hát (nội dung này được bảo vệ như một tác phẩm văn học theo Mục 3 (1))
  • Bản quyền bản ghi âm của bài hát (nội dung này được bảo vệ theo mục 5A (1))

Taylor Swift với tư cách là người sáng tạo ra bài hát sẽ tiếp tục giữ quyền sở hữu đối với giai điệu và lời bài hát, còn bản ghi đã được tự nguyện chuyển nhượng trong hợp đồng với Big Machine, nên tất nhiên cô không còn quyền khai thác chúng.

Bài học rút ra cho các doanh nghiệp

Khi ký kết hợp đồng với Big Machine, Taylor Swift vẫn chỉ là một “con cá nhỏ” trong một “cái ao” khổng lồ. Và cô cũng chỉ là một cô gái nhỏ mười lăm tuổi phải đối đầu với một “cỗ máy lớn” theo đúng nghĩa đen. Và có lẽ vào thời điểm đó, nữ ca sĩ vẫn còn quá non trẻ để hiểu hết mọi chuyện về tương lai. Sự đầu tư của Big Machine để giúp cô cho ra đời các tác phẩm của mình đã mang lại cho nữ ca sĩ đủ những thứ mình cần để theo đuổi sự nghiệp.

Có khả năng rằng Taylor Swift đã không thể lường trước được sự nổi tiếng của mình trong tương lai và cả những giá trị mà các bản ghi âm mang lại. Cũng có thể cô nghĩ mình không thể thương lượng về quyền sở hữu trí tuệ đối với các bản ghi âm của mình khi ký kết hợp đồng với một công ty lớn như vậy.

Tình huống của Taylor Swift có thể khá tương đồng với nhiều công ty khởi nghiệp hay những doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chính vì vậy nên ngay từ đầu, quyền sở hữu trí tuệ nên được các doanh nghiệp coi trọng và bảo vệ, dù cho mình đang ở thế yếu đi chăng nữa hay bản thân sản phẩm đó chưa có giá trị ở thời điểm hiện tại. Không ai có thể nói trước được điều gì về tương lai và cũng không có mối quan hệ nào có thể bền vững lâu dài.

Đây cũng chính là chìa khóa để các doanh nghiệp có chiến lược bảo vệ thương hiệu của mình tốt hơn, không để nó rơi vào tay người khác giống như trường hợp của Taylor Swift. Các doanh nghiệp nên khẳng định quyền sở hữu trí tuệ của mình cho dù đó là trong thiết kế logo ban đầu, tên thương mại, nhãn hiệu, kiểu dáng hay là sáng chế …Và cũng nên nhớ rằng không phải tất cả các quyền sở hữu trí tuệ đều yêu cầu phải đăng ký thì mới trở thành chủ sở thành chủ sở hữu chính thức và trường hợp của Taylor Swift chính là một minh họa rõ ràng nhất cho điều này.

Lưu ý: Bài viết dựa trên quan điểm khoa học và thực tiễn, không nhằm quảng bá cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào.

Bảo Trân

 

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin.