Bài học về Quản trị tài sản trí tuệ rút ra từ vụ án ly hôn của vua café Trung Nguyên

Ky Anh

(PLBQ). Liên quan đến vụ án ly hôn của vua café Trung Nguyên, vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau về quyền sở hữu nhãn hiệu “Trung Nguyên” và “G7 Coffee” có được xác định là tài sản chung của Công ty cổ phần đầu tư Trung Nguyên?

Vụ án ly hôn của vợ chồng vua café trung nguyên đã để lại bài học liên quan đến nhãn hiệu cho các doanh nghiệp.

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo có quan hệ hôn nhân và đều là cổ đông của Công ty CP đầu tư Trung Nguyên. Quyền sở hữu các giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, bảo hộ nhãn hiệu có phần chữ “Trung Nguyên” và “G7” được nhiều cơ quan đánh giá là thuộc phạm vi tranh chấp về quyền sở hữu đối với các tài sản của Công ty CP đầu tư Trung Nguyên vẫn đang được tòa án xem xét, giải quyết và chưa có quyết định cuối cùng.

Khái quát về nhãn hiệu

Khi nhìn vào nhãn hiệu, người tiêu dùng có thể phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau. Bên cạnh đó, nhãn hiệu còn góp phần quyết định khả năng cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ. Chính vì thế nhãn hiệu có tầm quan trọng vô cùng lớn.

Nhãn hiệu được bảo hộ khi đạt các điều kiện theo Điều 72 Luật Sở hữu trí tuệ như sau:

Là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dáng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình 3 chiều hoặc kết hợp giữa các yêu tố này được thể hiện bằng một màu sắc hoặc nhiều màu

Có khả năng phân biệt hàng hóa, dịch vụ của chủ sở hữu khác nhau.”

Quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu là gì?

Theo pháp luật Việt Nam, tại Khoản 4 Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ có quy định về quyền sở hữu công nghiệp như sau: “Quyền sở hữu công nghiệp là quyền của tổ chức, cá nhân đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh do mình sáng tạo ra hoặc là sở hữu và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh”. Như vậy, quyền sở hữu công nghiệp là quyền sở hữu các giá trị sáng tạo trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại. Quyền sở hữu công nghiệp có thể hiểu là một chế định pháp luật bao gồm tổng hợp các quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình xác lập, sử dụng và bảo vệ các thành quả sáng tạo trí tuệ được coi là đối tượng sở hữu công nghiệp, nhằm mục đích bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các chủ thể tham gia vào các quan hệ đó.

Quyền định đoạt nhãn hiệu

Nhãn hiệu được coi là một loại tài sản đặc biệt và là một trong những đối tượng sở hữu công nghiệp có giá trị và khả năng khai thác thương mại rất lớn, quyền định đoạt tài sản này sẽ thuộc về chủ sở hữu và được quy định cụ thể tại phần chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp. Trong đó bao gồm chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp (là việc chủ sở hữu quyền sở hữu công nghiệp chuyển giao quyền sở hữu của mình cho tổ chức, cá nhân khác) và chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp (là việc chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp thuộc phạm vi quyền sử dụng của mình).

Chuyển nhượng quyền sở hữu đối với nhãn hiệu phải được thực hiện thông qua hợp đồng bằng văn bản. Hợp đồng này chỉ có hiệu lực khi đã được đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp.

Vụ tranh chấp tại Trung Nguyên, 5 bộ cùng vào cuộc vẫn bế tắc. Đồ hoạ: LĐO

Tranh chấp về quyền sở hữu nhãn hiệu “ Trung nguyên”, “ G7 coffee”

Công ty cổ phần đầu tư Trung Nguyên hiện là chủ thể quyền của nhãn hiệu “Coffee G7 Instant Coffee” và các nhãn hiệu khác của sản phẩm cà phê hòa tan được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp Giấy chứng nhận Đăng ký nhãn hiệu từ năm 2009. Công ty cổ phần đầu tư Trung Nguyên đã cho phép công ty cổ phần cà phê Hòa tan Trung Nguyên được phép sử dụng các nhãn hiệu này cho các sản phẩm do công ty cổ phần cà phê Hòa tan Trung Nguyên sản xuất ra.

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo có quan hệ vợ chồng và đều là cổ đông của Công ty CP đầu tư Trung Nguyên. Ngày 22/11/2017, Tòa án nhân dân TP.HCM có công văn số 4451/TATP-TLĐ, thông báo: “Hiện nay giữa bà Lê Hoàng Diệp Thảo và ông Đặng Lê Nguyên Vũ đang có tranh chấp và yêu cầu Tòa án phân chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân là các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Trung Nguyên (bao gồm cả tài sản hữu hình và vô hình là quyền sở hữu trí tuệ đối với các thương hiệu Trung Nguyên và G7)”.

Tranh chấp hôn nhân gia đình, trong đó có phần nội dung liên quan đến phân chia tài sản khi ly hôn, đã được Tòa án nhân dân cấp cao tại TP.HCM giải quyết bằng Bản án hôn nhân gia đình phúc thẩm số 39/2019/HNGĐ-PT ngày 5/12/2019.

Cho đến ngày 31/3/2020 Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã có Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm đối với bản án này. Hiện nay, Tòa án nhân dân tối cao đang tiếp tục giải quyết vụ việc tranh chấp hôn nhân gia đình giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo theo quy định của pháp luật.

Chính vì thế, quyền sở hữu các nhãn hiệu có phần chữ “Trung Nguyên” và “G7” được nhiều cơ quan đánh giá là thuộc phạm vi tranh chấp về quyền sở hữu đối với các tài sản của Công ty CP đầu tư Trung Nguyên vẫn đang được tòa án xem xét, giải quyết và chưa có quyết định cuối cùng.

Trong khi đó từ cuối năm 2017, khi làm thủ tục xuất khẩu cho các lô hàng sản phẩm cà phê mang nhãn hiệu "Coffee G7 Instant Coffee" và các nhãn hiệu khác, Hải quan TP.HCM nhận được yêu cầu tạm dừng xuất khẩu các lô hàng cà phê hòa tan mang các thương hiệu của Công ty cổ phần đầu tư Trung Nguyên (Trung Nguyên) do Công ty cổ phần cà phê Hòa tan Trung Nguyên và các chi nhánh của mình sản xuất vì cho rằng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với các nhãn hiệu của công ty cổ phần đầu tư Trung Nguyên.

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ, với tư cách đại diện của Trung Nguyên, chủ quyền sở hữu các thương hiệu Trung Nguyên và G7 có quyền ngăn cấm các hành vi bị coi là xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu tại Khoản 1 Điều 129 Luật sở hữu trí tuệ 2005 trong đó bao gồm gồm các hành vi sau:

•        Gắn nhãn hiệu được bảo hộ lên hàng hóa, bao bì hàng hóa, phương tiện kinh doanh, phương tiện dịch vụ, giấy tờ giao dịch trong hoạt động kinh doanh;

•        Lưu thông, chào bán, quảng cáo để bán, tàng trữ để bán hàng hóa mang nhãn hiệu được bảo hộ;

•        Nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu được bảo hộ.,

Do đó Ông Đặng Lê Nguyên Vũ đã yêu cầu Tổng cục Hải quan ngăn chặn việc xuất khẩu hàng hóa do chi nhánh Công ty cổ phần Cà phê hòa tan Trung Nguyên tại Bắc Giang sản xuất. Đây là chi nhánh do bà Lê Hoàng Diệp Thảo, vợ ông Đặng Lê Nguyên Vũ, quản lý điều hành. Ngay lập tức, Tổng cục Hải quan đã có chỉ đạo tại công văn số 788/TCHQ-GSQL ngày 07/02/2018. Theo đó, trong khi chờ quyết định cuối cùng của cơ quan có thẩm quyền, yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, thành phố thực hiện thực hiện thủ tục hải quan xuất khẩu tạm dừng toàn bộ các lô hàng cà phê hòa tan mang nhãn hiệu G7, Trung Nguyên bị tranh chấp đang làm thủ tục xuất khẩu. Tuy nhiên, bà Thảo cho rằng các nhãn hiệu đã được bảo hộ cho công ty cổ phần đầu tư Trung Nguyên là tài sản chung của vợ chồng, nên ông Vũ không có quyền ngăn cấm sử dụng.

Công ty cổ phần đầu tư Trung Nguyên vẫn tiếp tục yêu cầu cơ quan Hải quan tạm dừng làm thủ tục xuất khẩu cho các lô hàng sản phẩm cà phê hòa tan với lý do các sản phẩm này có nhãn hiệu vi phạm quyền sở hữu trí tuệ với bằng chứng là kết quả giám định của Viện khoa học Sở hữu trí tuệ kết luận rằng các sản phẩm này giả mạo các nhãn hiệu đã được đăng ký bảo hộ. Hiện nay chưa có tài liệu xác minh thiệt hại trong vụ việc này và Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ làm rõ về tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ.

Cho đến nay việc giải quyết kiến nghị của ông Đặng Lê Nguyên Vũ đối với quyền sở hữu nhãn hiệu “Trung Nguyên” và “G7 Coffee” chưa đi đến hồi kết.

Bài học cho doanh nghiệp

Rõ ràng, dựa trên tài liệu thông tin có được cho thấy Công ty cổ phần đầu tư Trung Nguyên là chủ sở hữu nhãn hiệu nên có quyền cho hoặc không cho tổ chức cá nhân khác sử dụng nhãn hiệu, trường hợp này là Công ty cổ phần Cà phê hòa tan Trung Nguyên. Bà Thảo ông Vũ đang ly hôn nhưng Công ty cổ phần đầu tư Trung Nguyên là một pháp nhân độc lập nên quyết định, yêu cầu nhân danh Công ty của người đại diện theo pháp luật là không trái pháp luật. Đương nhiên, rủi ro sẽ đổ về phía Công ty cổ phần Cà phê hòa tan Trung Nguyên do sử dụng nhãn hiệu không được phép của chủ sở hữu.

Vụ việc đang được giải quyết theo đúng quy định của pháp luật, nhưng bài học pháp lý mà nó mang lại là vô cùng có giá trị. Có thể thấy, việc sử dụng nhãn hiệu của các doanh nghiệp, nếu không nghiên cứu kĩ và tuân thủ pháp luật, rất có thể sẽ dễ dàng vướng vào tranh chấp. Các doanh nghiệp cần cảnh giác hơn, tự chuẩn bị cho mình những hiểu biết và hành động nhất định nếu tranh chấp xảy ra.

Thứ nhất, xin cấp văn bằng bảo hộ đối với nhãn hiệu, tên thương mại … để bảo vệ “tài sản sở hữu trí tuệ” là điều vô cùng cần thiết đối với mỗi doanh nghiệp. Ở Việt Nam hiện nay vẫn còn rất nhiều doanh nghiệp còn xem nhẹ việc đăng ký sở hữu trí tuệ, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ hay các doanh nghiệp mới thành lập.

Thứ hai, doanh nghiệp cần tự trang bị kiến thức pháp luật về sở hữu trí tuệ nói chung và quyền sở hữu nhãn hiệu nói riêng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Đa số các doanh nghiệp nước ta khi vướng đến tranh chấp liên quan đến sở hữu trí tuệ không biết phải làm gì, cơ quan nào có thẩm quyền giải quyết, quy trình thủ tục và giải quyết như thế nào. Sự thiếu hiểu biết này vừa khiến sự việc mất thời gian vừa dẫn đến các thiệt hại về kinh tế, uy tín và danh tiếng của doanh nghiệp.

Thứ ba, doanh nghiệp cần chuẩn bị kĩ càng trước khi tiến hành yêu cầu cơ quan chức năng giải quyết khi cảm thấy “tài sản” sở hữu trí tuệ của mình bị xâm phạm.

Thứ tư, mỗi doanh nghiệp nên sở hữu hoặc được quyền sử dụng hợp pháp nhãn hiệu cho chính sản phảm hàng hóa mình sản xuất kinh doanh, tránh hiện tượng “lệ thuộc” vào quyền sở hữu của tổ chức, cá nhân khác.

Nhãn hiệu là tài sản của doanh nghiệp, do vậy thông qua tranh chấp về quyền sở hữu thương hiệu của “vua café” Trung Nguyên, các doanh nghiệp Việt Nam cần nhận định sớm và đúng đắn tầm quan trọng của việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu phòng những hậu quả đáng tiếc về sau.

Lưu ý: Bài viết dựa trên quan điểm khoa học và thực tiễn, không nhằm quảng bá cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào.

Linh Trang

 

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin.