Bản quyền chương trình truyền hình trên internet: Thực trạng vi phạm và kinh nghiệm xử lý

(PLBQ). Tình trạng vi phạm quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả (bản quyền) của các chương trình truyền hình trên internet ngày càng xảy ra nhiều hơn. Nhiều vấn đề liên quan đến bản quyền đã nảy sinh trong môi trường số, trong khi lại thiếu cơ chế hay những quy định hướng dẫn cụ thể, đặc biệt là chế tài xử lý chưa nghiêm minh, dẫn đến vấn đề vi phạm bản quyền trên môi trường số ngày càng phức tạp.

(Nguồn: luatsu-vn.com)

Thực trạng vi phạm bản quyền chương trình truyền hình trên internet tại Việt Nam

Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng internet ở mức cao tại khu vực châu Á và trên thế giới. Theo trang wearesocial.com, đầu năm 2020, số người sử dụng internet ở Việt Nam chiếm tới 70% dân số (68,17 triệu người/tổng dân số 96,9 triệu người) và có đến 145,8 triệu di động kết nối internet. Số người sử dụng mạng xã hội lên đến 65 triệu người, nhiều nhất là Youtube và facebook. Từ khoá “Phim” đứng đầu trong top các từ khoá tìm kiếm trên Google năm 2019.

Với môi trường truy cập internet ngày càng thuận lợi như hiện nay (nhiều thiết bị di động đa dạng về chủng loại, giá cả) và sự bùng nổ của mạng xã hội trở thành mảnh đất “béo bở” để các đơn vị, tổ chức cá nhân khai thác một cách bất hợp pháp hoặc lách luật nhằm qua mặt tác giả, chủ sở hữu và các Cơ quan quản lý.

Một vài số liệu cơ bản về người dùng internet tại Việt Nam

Thay vì trả tiền để có thể thưởng thức các chương trình chất lượng, có bản quyền của các nhà đài hay qua các dịch vụ truyền hình trả tiền OTT, người dùng internet Việt Nam lại lựa chọn cách “xem chùa, xem lậu”. Điều này vô hình chung đã tiếp tay cho việc truyền, phát lại trái phép, vi phạm bản quyền nhiều nội dung như là các chương trình truyền hình, phim ảnh, nội dung video, ca nhạc, thể thao…

Báo Tuổi Trẻ online trong bài đăng Bi hài khi 85% chọn web phim lậu trong một cuộc trưng cầu ý kiến ngày 23/04/2019 đã đưa ra một số liệu thống kê đáng để suy ngẫm tại hội thảo chuyên đề về Bảo vệ tài sản sáng tạo do Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ, AnSinh Group và IPCom Vietnam phối hợp tổ chức tại Hà Nội. Khi được phát phiếu thăm dò ý kiến "khi xem phim trên mạng bạn chọn trang nào?” thì có đến 85% số người tham dự một hội thảo với chủ đề bảo vệ Sở hữu trí tuệ (SHTT), quyền tác giả đã chọn các trang web phim lậu!

Tình trạng vi phạm bản quyền trên không gian số nói chung và chương trình truyền hình nói riêng ngày càng có chiều hướng gia tăng tại Việt Nam đến mức báo động. Tại Diễn đàn “Bảo vệ bản quyền các tác phẩm báo chí” do Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT và TT) tổ chức ngày 5/11/2020 vừa qua, Ông Hoàng Vĩnh Bảo - Thứ trưởng Bộ TT và TT một lần nữa khẳng định về tầm quan trọng của vấn đề này. Trong giai đoạn hiện nay, báo chí phát triển và hội nhập cùng thế giới qua các loại hình truyền thông mới, do đó tình trạng vi phạm bản quyền thường xảy ra rất nhanh, thậm chí ngay sau khi đơn vị báo chí xuất bản. Vì vậy, các cơ quan báo chí phải xem bảo vệ tác quyền là cấp thiết, không chỉ vì vấn đề kinh tế mà còn liên quan đến chính trị.

Các hình thức vi phạm bản quyền chương trình truyền hình trên internet chủ yếu hiện nay tại Việt Nam

Như trên đã phân tích, tình trạng vi phạm bản quyền chương trình truyền hình trên internet tại Việt Nam muôn hình, vạn trạng và là một “cuộc chiến không có hồi kết” giữa chủ sở hữu bản quyền chương trình truyền hình hợp pháp và các tổ chức, cá nhân vi phạm để trục lợi.

Theo Ông Võ Thành Nhân – Phó Giám Đốc Đài Phát thanh và Truyền hình (PTTH) Vĩnh Long, có 03 hình thức vi phạm bản quyền chương trình truyền hình trên internet chủ yếu hiện nay tại Việt Nam là:

  • Vi phạm trên các trang Thông tin điện tử (website), các ứng dụng (app) OTT không phép, các nền tảng mạng xã hội như Youtube, facebook, dailymotion...
  • Vi phạm trên các website, các ứng dụng (app) OTT của một số doanh nghiệp có giấy phép cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền, chủ yếu là dịch vụ OTT.
  • Một số Đài PTTH sử dụng hình ảnh, tư liệu trong chương trình, kênh chương trình nhưng không xin phép chủ sở hữu bản quyền.
  •  

Có thể dẫn chứng về các trường hợp cụ thể như sau:

Vi phạm bản quyền phim chiếu rạp

Cuối tháng 6/2020 vừa qua, nhiều website vi phạm bản quyền như phimmoi.net, dongphim.net, motphim.net, vtv16.com … đã chính thức bị chặn tại Việt Nam theo yêu cầu của cơ quan chức năng. Riêng với trang web phimmoi.net, ở thời điểm trước khi bị chặn, trang web này từng lọt top 20 website có lượt truy cập lớn nhất Việt Nam với lưu lượng ước tính khoảng từ 60 đến 100 triệu lượt truy cập mỗi tháng. Kể từ thời điểm bị chặn, chủ các trang web này đã liên tục đối phó bằng cách thay đổi tên miền nhằm qua mặt phía cơ quan quản lý, Phimmoi.net đổi tên miền thành phimmoiz.net hoặc phimmoizz.net.

Dongphim.net đổi tên miền thành dongphym.net … tiếp tục duy trì hoạt động với nội dung vi phạm bản quyền nhiều bộ phim chiếu rạp, nhất là các phim đình đám Holywood của Mỹ, Hàn Quốc, Anh và nhiều quốc gia khác. Điển hình như bộ phim hành động Rogue - Biệt Đội Săn Mồi của hãng Lionsgate với nữ diễn viên Megan Fox ra rạp ngày 28/08/2020 trên toàn thế giới trong đó có Việt Nam với các hệ thống rạp CGV, BHD Star Cineplex thì không lâu sau đó đã được trang web này up trên website của mình, cho phép người xem tải về bản đầy đủ. Nhiều bộ phim chiếu rạp khác như Classic Again (Cơn Mưa Tình Đầu) của Thái Lan ra rạp ngày 11/06/2020, Mulan 48 (Hoa Mộc Lan) ra rạp ngày 27/03/2020, Pennisula của Hàn Quốc ra rạp ngày 15/07/2020 …. cũng bị sao chép và đăng tải trắng trợn.

Trang web phimmoizz.net với phim chiếu rạp Rogue

Vi phạm bản quyền chương trình truyền hình

Theo Cục Bản quyền – Bộ TT và TT, vi phạm bản quyền chương trình truyền hình là hình thức vi phạm phổ biến nhất, khó xử lý nhất. Các Đài truyền hình đầu tư sản xuất hoặc mua bản quyền các chương trình từ nước ngoài để phát trên sóng đơn vị mình thường có nội dung bị xâm phạm bản quyền nhiều nhất.

Điển hình như Đài truyền hình Việt Nam (VTV) với Gameshow Gặp nhau cuối năm - Táo quân do Trung tâm Sản xuất phim truyền hình (VFC), VTV thực hiện, phát sóng vào tối 30 Tết Nguyên đán hàng năm. Sau khi chương trình được phát sóng, rất nhiều khán giả có nhu cầu xem lại trên internet và các trang mạng xã hội. Lợi dụng tâm lý này, nhiều cá nhân ghi lại và đăng tải, thậm chí phát trực tiếp trên internet song song với VTV trên YouTube, facebook mà không được sự đồng ý của VTV.

Một dạng vi phạm điển hình các CTTH của VTV (Ảnh chụp youtube)

Cụ thể như chương trình Táo Quân 2018, ngay từ lúc được phát sóng trên VTV đến tối mùng 1 Tết 2018, đã có 260 ứng dụng, nền tảng vi phạm bản quyền chương trình Táo Quân 2018. Để tự bảo vệ mình, VTV đã đăng ký bản quyền tại Mỹ cho chương trình Táo quân 2019 (phát sóng tết âm lịch 2020). Nhiều bộ phim do VTV sản xuất và phát trên các kênh VTV1, VTV3 trong những năm gần đây với tỷ suất người xem (rating) rất cao như: Người phán xử, Sống chung với Mẹ chồng, Cả một đời ân oán, Quỳnh búp bê, Về nhà đi con, Nàng dâu order, Mê cung …cũng được sao chép up lậu với bản đẹp trên nhiều nền tảng mạng xã hội và website.

Vi phạm bản quyền chương trình truyền hình của các đơn vị công nghệ, viễn thông không làm nội dung

Báo Tuổi Trẻ số ra ngày 19/09/2020, đã có bài phản ánh Nhà sản xuất Rap ViệtNgười ấy là ai kiện Spotify AB, đòi bồi thường 9,5 tỷ đồng. Theo bài báo, Công ty cổ phần Vie Channel chính thức nộp đơn khởi kiện Công ty Spotify AB (Spotify AB, trụ sở tại Thụy Điển) đến Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh(TP.HCM) vì vi phạm nghiêm trọng bản quyền chương trình “Rap Việt” và  “Người ấy là ai” phát trên kênh Vie Channel. Nhiều bản ghi âm được cắt ra từ chương trình Rap Việt mà các tài khoản đăng ký miễn phí và tài khoản có thu phí của ứng dụng này đều có thể nghe được.

Một sự việc điển hình khác là vào cuối tháng 05/2019, POPS World Wide, một doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực nội dung số đã gửi hồ sơ khởi kiện Công ty CP Viễn thông FPT (FPT Telecom) tại Tòa án Nhân dân Quận 10 (TP.HCM) yêu cầu truyền hình FPT Telecom bồi thường thiệt hại 15 triệu USD (hơn 350 tỷ đồng Việt Nam) do có hành vi xâm phạm bản quyền nội dung số của POPS. Theo POPS, truyền hình FPT đã xâm phạm đặc biệt nghiêm trọng và thực hiện một cách cố ý nhằm khai thác và thu lợi trái phépnội dung thuộc sở hữu của mình, cũng như hơn 1.800 nội dung mà đối tác của công ty được cấp phép. Vụ việc này cho đến nay vẫn chưa ngã ngũ.

Cùng vào cuộc chiến bản quyền chương trình truyền hình trên internet còn là vụ kiện FPT của nhà sản xuất phim Gạo nếp gạo tẻ (Công ty Cổ phần DID TV) đến Tòa án nhân dân quận 3, TP.HCM. Theo đó, FPT đã sao chép lưu trữ và khai thác 76 tập của Gạo nếp gạo tẻ dưới hình thức xem phim theo yêu cầu trên hệ thống dịch vụ truyền hình trả tiền IPTV của mình mà không có bất kỳ thỏa thuận nào với nhà sản xuất.

Vi phạm bản quyền của chính các đơn vị làm nội dung chương trình truyền hình

Tại Diễn đàn “Bảo vệ bản quyền các tác phẩm báo chí” do Bộ Thông tin và Truyền thông vừa tổ chức ngày 5/11, Tiến sĩ Trịnh Tuấn Thành, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết rằng sự sao chép, đánh cắp bản quyền tác giả xuất hiện ngày càng nhiều hơn, tinh vi hơn, không chỉ đối với mạng xã hội mà còn phổ biến ở các cơ quan báo chí hiện nay. Tình trạng này đã ảnh hưởng tới môi trường sáng tạo, đầu tư, đặc biệt là đối với việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Trong đó, một trong những nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tác phẩm còn hạn chế, các chủ thể quyền chưa chủ động áp dụng các biện pháp theo quy định của pháp luật để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.

Còn nhớ, cách đây gần 5 năm, vào tháng 02/2016, cộng động mạng xã hội và truyền thông dậy sóng trước sự việc kênh Youtube chính thức của VTV bị cắm cờ vi phạm bản quyền từ khiếu kiện của ông Bùi Minh Tuấn, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị.

Ảnh cắt từ videoclip chương trình VTV và clip gốc (Nguồn: Zingnews.vn)

Theo ông Tuấn, từ năm 2015, các chương trình truyền hình được phát sóng của VTV đã nhiều lần vi phạm bản quyền các hình ảnh do ông quay bằng flycam tại các địa danh trên khắp cả nước và đăng tải trên kênh youtube Yamaha Trung Tá của mình. “Người của VTV không hề gọi điện hay liên lạc để xin tôi trước khi sử dụng những hình ảnh đó. Trong khi tôi đã cho chạy luôn logo ghi bản quyền tác giả và cả số điện thoại của mình dưới mỗi video. Tổng cộng tôi đã ghi lại được bằng hình ảnh là gần 20 lần.”, ông Tuấn cho biết.  Trong số các vụ việc này, có 3 vụ ông Tuấn khiếu nại lên Cục Bản quyền tác giả và VTV, 5 vụ gửi cảnh báo tới YouTube, đồng thời ông cũng tố cáo nhiều vụ khác trên trang Facebook cá nhân.

Kinh nghiệm xử lý của một số Đài truyền hình tại Việt Nam trong việc bảo vệ bản quyền chương trình truyền hình trên internet

Tại Việt Nam, để bảo vệ bản quyền chương trình truyền hình trên internet thường gồm bốn bước:

  • Áp dụng công nghệ ngăn chặn hoặc gửi thư cảnh báo.
  • Áp dụng biện pháp hành chính. Các website trực tuyến và đầu thu phát kỹ thuật số cung cấp nội dung nhưng chưa được sự cho phép của chủ sở hữu quyền, có thể áp dụng các biên pháp hành chính quy định tại Điều 15, Điều 17 và Điều 18 Nghị định số 131/2013/NĐ-CP.
  • Áp dụng biện pháp dân sự. Chủ thể có quyền khởi kiện để yêu cầu chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi, cải chính công khai, thực hiện nghĩa vụ dân sự, bồi thường thiệt hại, tiêu hủy tang vật.
  • Áp dụng biện pháp hình sự theo Điều 225 Bộ Luật hình sựnăm 2015.
  •  

Mặc dù khung pháp lý theo quy định pháp luật đã có nhưng vấn đề bảo vệ bản quyền lại rất nan giải, nhất là với các đơn vị sản xuất và nắm giữ bản quyền nhiều chương trình truyền hình thu hút đông đảo khán giả. Theo một báo cáo của Hiệp hội truyền hình trả tiền Việt Nam (PayTV), Việt Nam có khoảng 2 triệu lượt người xem trong một tháng trên các trang web hay ứng dụng có nội dung bản quyền. Con số này quá nhỏ bé khi lượng người xem ở những trang web, ứng dụng vi phạm bản quyền khoảng 105 triệu lượt người xem, cao gấp 50 lần!

 

Gần đây, một đơn vị sản xuất nội dung đã lên kế hoạch kiện các trang web sao chép, vi phạm bản quyền chương trình họ đã sản xuất và hợp tác cùng một đài truyền hình phát sóng. Tuy nhiên, kế hoạch này đã không được thực hiện do đơn vị sản xuất nội dung trên nhận thấy chặng đường đòi lại quyền công bằng cho mình quá gian nan.

Hiện nay, đa phần các đơn vị sản xuất nội dung, các đài truyền hình sử dụng biện pháp rà soát thủ công để phát hiện những trang web, ứng dụng có nội dung vi phạm bản quyền chương trình truyền hình, sau đó liên hệ các chủ thể này yêu cầu gỡ bỏ nội dung vi phạm. Đối với các nền tảng xuyên biên giới như Youtube, facebook thì dùng biện pháp khiếu nại bản quyền qua các bảng mẫu định sẵn. Tuy nhiên, ở cả hai trường hợp như vừa nêu, số videoclip vi phạm bản quyền bị gỡ bỏ là rất ít. Tại Việt Nam hiện nay không có quy định nào về việc chặn các địa chỉ giao thức internet (IP – Internet Protocol) vi phạm bản quyền. Hoạt động thu hồi tên miền của các trang web vi phạm tuy có quy định nhưng cũng không thể triển khai thực hiện hiệu quả.

Kinh nghiệm xử lý của VTV

Đài truyền hình Việt Nam (VTV), đơn vị sản xuất chương trình truyền hình nhiều nhất Việt Nam và cũng là đơn vị bị vi phạm bản quyền chương trình truyền hình nhiều nhất trên internet.

Phòng kinh doanh bản quyền, một trong chín phòng nghiệp vụ trực thuộc Trung tâm quảng cáo và dịch vụ truyền hình (TVAd) - Đài truyền hình Việt Nam là bộ phận chuyên trách xử lý các vụ việc liên quan đến bản quyền chương trình truyền hình của VTV. Đây là đầu mối tổ chức, thực hiện các nội dung về:

  • Mua bản quyền chương trình.
  • Đề xuất, tham mưu xây dựng các khung giờ phát sóng các chương trình mua bản quyền.
  • Kinh doanh khai thác, trao đổi bản quyền chương trình.
  • Khai thác giá trị gia tăng các chương trình truyền hình đã phát sóng trên các kênh và trên các nền tảng hạ tầng thuộc bản quyền của VTV và/hoặc các chương trình truyền hình do TVAd sở hữu, mua bản quyền.
  •  

Được sự góp sức của cộng đồng, thời gian qua VTV đã rất thành công trong việc ngăn chặn việc vi phạm bản quyền ở một số sự kiện thể thao lớn như:

  • Chặn kênh Youtube xoilac.tv vi phạm bản quyền các trận bóng đá tại ASIAD 2018.
  • Đăng ký bảo hộ bản quyền tại Mỹ đối với chương trình Táo quân - Gặp nhau cuối năm.

Tuy nhiên, kinh phí, thời gian, công sức, tiền bạc, nhân lực rất tốn kém. Ông Nguyễn Thanh Vân - Phó Trưởng ban kiểm tra VTV cho biết đã có hai công ty truyền thông phải bồi thường 500 triệu đồng vì tự ý khai thác phim “Bí thư tỉnh ủy”, “Chạy án” của VTV… Ngay đầu năm 2020, VTV cũng đã khiếu kiện một công ty truyền thông và đòi bồi thường thiệt hại gần 300 triệu đồng do tự ý khai thác một chương trình của VTV trên Youtube.

Kinh nghiệm xử lý của các kênh truyền hình khác tại Việt Nam

Truyền hình số vệ tinh K+, dịch vụ truyền hình trả tiền dựa trên hệ thống truyền hình vệ tinh do Công ty TNHH Truyền hình Số Vệ Tinh Việt Nam sở hữu (liên doanh của VTV và Tập đoàn Canal+/Canal Overseas) bị vi phạm nhiều nhất về nội dung bóng đá.

Mỗi trận bóng đá được phát trên kênh truyền hình này, bộ phận bảo vệ bản quyền của K+ phải khóa hàng nghìn link với hàng triệu lượt xem.Từ tháng 6/2020, K+ áp dụng chiến dịch chặn truy cập hơn 70 trang web. Đây là cách đã được nhiều đài truyền hình ở các nước thực hiện, chặn web vi phạm bản quyền nội dung chương trình, không cho người xem truy cập chính là ngăn chặn nguồn lợi nhuận, người dùng sẽ chuyển sang xem các web có bản quyền.

Với Tổng Công ty Truyền hình Cáp Việt Nam (VTVCab) các vi phạm bản quyền chương trình truyền hình trên các kênh truyền hình trả tiền của VTVCab chủ yếu ở các kênh thể thao, các nội dung bóng đá. VTVCab đã áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật, gỡ các link vi phạm, thậm chí khởi kiện cá nhân, đơn vị vi phạm. Mùa giải bóng đá 2016-2017, VTVCab khởi kiện bảy đơn vị, sáu đơn vị thừa nhận và xin hòa giải, đăng cải chính công khai liên tiếp bảy số báo liên tiếp, gỡ bỏ toàn bộ link vi phạm. VTVCab vẫn đang tiếp tục tự gỡ bỏ, tự chặn các trang web vi phạm.

Kênh HTV2 (Vie Channel), kênh truyền hình hợp tác giữa Công ty Cổ phần Vie Channel thuộc DatViet VAC Group Holdings và Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh (HTV) cho biết sự kiên trì chính là điều quan trọng nhất giúp HTV2 xử lý triệt để các vi phạm về bản quyền suốt thời gian qua. Theo Ban biên tập kênh HTV2, các cơ quan chức năng cần có biện pháp mạnh tay hơn nữa để xử lý vấn nạn vi phạm bản quyền. Các doanh nghiệp, khách hàng quảng cáo hãy kiên quyết “nói không” với những trang web vi phạm bản quyền. Việc quảng cáo trên môi trường trực tuyến cần được quản lý chặt chẽ để hạn chế tối đa thất thu thuế.

Thay lời kết

Trong thời đại công nghệ 4.0, với bối cảnh Việt Nam ngày càng hoà nhập sâu rộng với thế giới thì Việt Nam phải thực thi có hiệu quả các điều ước quốc tế cũng như các quy định pháp luật trong bảo hộ quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả nhằm đáp ứng những yêu cầu thực tiễn trong nước và quốc tế.

Kỳ Anh

 

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin.