Khác với nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý có chức năng chỉ dẫn nguồn gốc địa lý của sản phẩm có chất lượng đặc biệt so với sản phẩm cùng loại đến từ những vùng khác, những khu vực này thường là nơi có điều kiện thổ nhưỡng, tự nhiên hay yếu tố con người độc đáo. Bởi vậy, việc bảo hộ pháp lý hiệu quả các chỉ dẫn địa lý này sẽ góp phần nâng cao giá trị thương mại của hàng hóa Việt Nam trên thị trường thế giới.
Thời gian qua, Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập một số điều ước quốc tế, gần đây nhất là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EVFTA), trong đó có các quy định nhấn mạnh về vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với chỉ dẫn địa lý nói chung cũng như giải quyết vấn đề liên quan đến bảo hộ chỉ dẫn địa lý đồng âm. EVFTA được phê chuẩn buộc Việt Nam phải thay đổi một số nội dung pháp luật về sở hữu trí tuệ nhằm tương thích với EVFTA, trong đó EVFTA đặc biệt chú trọng đến các thỏa thuận về chỉ dẫn địa lý. Một trong những thỏa thuận này có quy định về vấn đề bảo hộ chỉ dẫn địa lý đồng âm. Bởi vậy, trong bài viết này, tác giả đưa ra một số phân tích và bình luận về pháp luật Việt Nam liên quan đến chỉ dẫn địa lý đồng âm.
1. Khái niệm và cơ sở cho việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý đồng âm
Nếu hiểu theo nghĩa phổ thông, thuật ngữ đồng âm (homonym) được định nghĩa là một trong hai hoặc nhiều từ được đánh vần và phát âm giống nhau nhưng khác nhau về nghĩa[1]. Định nghĩa này giúp ta hiểu rằng, chỉ dẫn địa lý đồng âm là những chỉ dẫn địa lý được viết và phát âm giống nhau được dùng để chỉ dẫn nguồn gốc địa lý của sản phẩm xuất phát từ các vùng lãnh thổ, các quốc gia khác nhau.
Trong Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (TRIPs) lần đầu tiên đề cập đến chỉ dẫn địa lý đồng âm[2] và việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý đồng âm cho sản phẩm rượu vang nhưng không đưa ra khái niệm thế nào là chỉ dẫn địa lý đồng âm. Tuy nhiên, theo cách hiểu trong Hiệp định TRIPs, các chỉ dẫn địa lý đồng âm là các dấu hiệu để chỉ các vùng lãnh thổ có tên gọi giống nhau về nghĩa đen được sử dụng để chỉ nguồn gốc địa lý của các sản phẩm đến từ các quốc gia khác nhau.
Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi, bổ sung các năm 2009 và 2019 (sau đây gọi là Luật Sở hữu trí tuệ) không quy định về khái niệm chỉ dẫn địa lý đồng âm, tuy nhiên, trong Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ[3] (Dự thảo Luật) có bổ sung khái niệm này trong khoản 22 Điều 4, cụ thể: Chỉ dẫn địa lý đồng âm được hiểu là các chỉ dẫn địa lý có cách phát âm hoặc cách viết trùng nhau. Việc pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam đưa ra định nghĩa về chỉ dẫn địa lý đồng âm là hợp lý, bởi khi có một định nghĩa chính xác và đầy đủ về chỉ dẫn địa lý đồng âm sẽ là cơ sở quan trọng để xác định đối tượng được bảo hộ và các điều kiện cho phép các chỉ dẫn địa lý này đồng thời tồn tại.
Định nghĩa trong Dự thảo Luật đã chỉ ra các đặc điểm của chỉ dẫn địa lý đồng âm, đó là: (i) Chỉ dẫn địa lý đồng âm chỉ có thể là các dấu hiệu từ ngữ. Theo quy định hiện hành, dấu hiệu được công nhận là chỉ dẫn địa lý là các dấu hiệu bất kỳ, có thể là từ ngữ, hình ảnh hay biểu tượng có chức năng thông tin về nguồn gốc địa lý của sản phẩm. Tuy nhiên, theo cách định nghĩa về chỉ dẫn địa lý đồng âm thì chỉ có các dấu hiệu từ ngữ mới được xem xét là các chỉ dẫn địa lý đồng âm. (ii) Là các dấu hiệu chỉ dẫn nguồn gốc của sản phẩm từ các vùng lãnh thổ, các quốc gia được viết hoặc phát âm giống hệt nhau. Tuy nhiên, định nghĩa này chưa làm rõ được một số vấn đề như pháp luật bảo hộ chỉ dẫn địa lý đồng âm đối với các loại sản phẩm nào, các chỉ dẫn địa lý được coi là đồng âm khi nó chỉ dẫn đến nguồn gốc của các sản phẩm bất kỳ hay là các sản phẩm cùng loại.
Như vậy, mỗi hệ thống pháp luật khác nhau có cách hiểu về chỉ dẫn địa lý đồng âm theo nghĩa rộng, nghĩa hẹp khác nhau, tuy nhiên đều có cùng quan điểm cho rằng, chỉ dẫn địa lý đồng âm là các chỉ dẫn được phát âm và viết giống nhau nhưng chỉ dẫn nguồn gốc sản phẩm được sản xuất ở các vùng địa lý khác nhau.
Việc pháp luật sở hữu trí tuệ của Việt Nam bảo hộ cho chỉ dẫn địa lý đồng âm theo Dự thảo Luật đồng nghĩa với việc công nhận sự tồn tại đồng thời của các chỉ dẫn địa lý giống nhau nhưng chỉ dẫn đến các vùng lãnh thổ, các quốc gia khác nhau. Một số cơ sở bảo đảm tính hợp pháp và hợp lý cho việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý đồng âm bao gồm:
Thứ nhất, xuất phát từ đặc điểm của chỉ dẫn địa lý là dù các dấu hiệu chỉ dẫn nguồn gốc sản phẩm được viết hoặc phát âm giống nhau nhưng không làm mất đi tính phân biệt giữa các chỉ dẫn địa lý đồng âm.
Thứ hai, xuất phát từ vai trò của chỉ dẫn địa lý: Bảo hộ một chỉ dẫn địa lý là chống lại việc sử dụng các chỉ dẫn thương mại trùng hoặc tương tự với chỉ dẫn địa lý đó cho sản phẩm không đạt các chỉ tiêu pháp lý (không có nguồn gốc từ khu vực địa lý tương ứng, không đạt các chỉ tiêu về sản phẩm hoặc các chỉ tiêu về quy trình sản xuất sản phẩm).
Thứ ba, xét về cơ sở pháp lý: Quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ Việt Nam không đề cập đến chỉ dẫn địa lý đồng âm nhưng cũng không nhắc đến việc không bảo hộ cho chỉ dẫn địa lý đồng âm. Một chỉ dẫn địa lý chỉ không được bảo hộ nếu chỉ dẫn địa lý đó khiến cho người tiêu dùng nhầm lẫn về nguồn gốc thật sự của sản phẩm[4].
Đến nay, Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia các Điều ước quốc tế về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ như Thỏa ước Madrit, Hiệp định TRIPs, Hiệp định EVFTA... Các điều ước quốc tế này đều có một điểm chung là công nhận việc bảo hộ cho các chỉ dẫn địa lý đồng âm. Nên pháp luật về sở hữu trí tuệ Việt Nam công nhận và bổ sung các quy định về bảo hộ các chỉ dẫn địa lý đồng âm là cần thiết.
2. Điều kiện bảo hộ chỉ dẫn địa lý đồng âm theo pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam
Trong Dự thảo Luật, bên cạnh việc đưa ra khái niệm về chỉ dẫn địa lý đồng âm còn bổ sung điều kiện cho việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý đồng âm, cụ thể: Các chỉ dẫn địa lý đồng âm đáp ứng điều kiện được bảo hộ nếu việc sử dụng thực tế các chỉ dẫn địa lý đó không gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về nguồn gốc địa lý của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý.
Như vậy, để được bảo hộ, chỉ dẫn địa lý đồng âm phải thỏa mãn các điều kiện tương tự như các chỉ dẫn địa lý thông thường khác: (i) Sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý có nguồn gốc địa lý từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc nước tương ứng với chỉ dẫn địa lý; (ii) Sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý có danh tiếng, chất lượng hoặc đặc tính chủ yếu do điều kiện địa lý của khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc nước tương ứng với chỉ dẫn địa lý đó quyết định. Bên cạnh đó, chỉ dẫn địa lý đồng âm còn phải thỏa mãn thêm điều kiện không gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về nguồn gốc địa lý của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý. Có thể hiểu, điều kiện này được đặt ra nhằm hạn chế nguy cơ gây nhầm lẫn về nguồn gốc thực sự của sản phẩm của người tiêu dùng, nếu chỉ dẫn địa lý đang được đăng ký khiến cho người tiêu dùng nhầm lẫn là sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý đó có xuất xứ từ một địa phương khác thì chỉ dẫn địa lý đó sẽ không được bảo hộ.
Có quan điểm cho rằng, không cần thiết phải quy định thêm về chỉ dẫn địa lý đồng âm vào trong luật. Bởi vì, trên cơ sở quy định tại Điều 79, Điều 80 Luật Sở hữu trí tuệ về điều kiện bảo hộ chỉ dẫn địa lý và các trường hợp loại trừ không bảo hộ chỉ dẫn địa lý, pháp luật không loại trừ việc bảo hộ đồng thời các chỉ dẫn địa lý đồng âm. Pháp luật Việt Nam không căn cứ vào nguyên tắc nộp đơn trước mà vẫn công nhận cho sự tồn tại của các chỉ dẫn địa lý nếu chỉ dẫn đúng về nguồn gốc địa lý và không gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về nguồn gốc địa lý thực của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý đó.
Tuy nhiên, có quan điểm cho rằng, cần quy định cụ thể hơn về chỉ dẫn địa lý đồng âm bởi sự tồn tại nguy cơ xung đột giữa các chỉ dẫn địa lý đồng âm khi được sử dụng trên cùng một thị trường. Hiện nay, trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam gia nhập hoặc ký kết đều có đề cập đến hiện tượng chỉ dẫn địa lý đồng âm và có quy định riêng cho chỉ dẫn địa lý đồng âm như trong Hiệp định TRIPs và gần đây nhất trong Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EVFTA) đã có những thỏa thuận cụ thể để xử lý các vấn đề liên quan đến bảo hộ chỉ dẫn địa lý đồng âm.
Bên cạnh đó, dù ở Việt Nam chưa có trường hợp chỉ dẫn địa lý đồng âm nào được bảo hộ, nhưng có thể nhìn thấy rõ nhu cầu về bảo hộ chỉ dẫn địa lý đồng âm trong tương lai. Năm 2006, Việt Nam đã chấp nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý Pisco của Peru. Năm 2011, Việt Nam đã công nhận Pisco của Chile là chỉ dẫn địa lý theo định nghĩa của Điều 22 Hiệp định TRIPs trong Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Chile. Mới đây, Chile đã nộp đơn yêu cầu bảo hộ chỉ dẫn địa lý Pisco ở Việt Nam… Do đó, pháp luật sở hữu trí tuệ của Việt Nam cần có các điều kiện riêng cho bảo hộ chỉ dẫn địa lý đồng âm.
Tuy nhiên, tác giả chưa hoàn toàn đồng ý với cách quy định như ở trong nội dung sửa đổi khoản 2 Điều 79 của Dự thảo Luật. Ở đây, Dự thảo Luật đang xác định điều kiện để chỉ dẫn địa lý đồng âm được bảo hộ, tuy nhiên, điều kiện bổ sung cho chỉ dẫn địa lý đồng âm có sự trùng lặp giữa khoản 2 Điều 79 và khoản 4 Điều 80. Ở hai quy định này đều đề cập đến việc không bảo hộ đối với chỉ dẫn địa lý gây hiểu sai lệch cho người tiêu dùng về nguồn gốc địa lý thực của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý đó.
Hiệp định TRIPs hay Hiệp định EVFTA đều không đưa ra điều kiện cụ thể cho việc bảo hộ đối với chỉ dẫn địa lý đồng âm mà làm rõ nghĩa vụ của các quốc gia thành viên cần đưa ra các quy định cụ thể về tính phân biệt giữa các chỉ dẫn địa lý đồng âm. Theo Hiệp định TRIPs, thì chỉ dẫn địa lý đồng âm đối với sản phẩm rượu vang sẽ cùng tồn tại: Mỗi chỉ dẫn địa lý trong số các chỉ dẫn địa lý đồng âm dùng cho rượu vang đều được bảo hộ phù hợp với quy định tại khoản 4 Điều 22. Mỗi thành viên phải xác định các điều kiện thực tế để các chỉ dẫn đồng âm được phân biệt với nhau, trong đó phải bảo đảm đối xử công bằng với các nhà sản xuất và bảo đảm để người tiêu dùng không bị lừa dối (Điều 23.3).
Tương tự Hiệp định TRIPs, EVFTA cũng quy định nghĩa vụ của các quốc gia thành viên về bổ sung điều kiện cho việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý đồng âm, theo đó, các bên sẽ cùng nhau quyết định điều kiện thực tế cho việc sử dụng các chỉ dẫn địa lý đồng âm để các chỉ dẫn địa lý này có thể phân biệt với nhau, có tính đến sự cần thiết phải bảo đảm sự đối xử công bằng giữa các nhà sản xuất liên quan và người tiêu dùng không bị nhầm lẫn. Một tên gọi đồng âm làm cho người tiêu dùng bị nhầm lẫn rằng một sản phẩm đến từ một lãnh thổ khác sẽ không được đăng ký cho dù tên gọi đó chính là tên của một lãnh thổ, khu vực hoặc địa điểm xuất xứ có thật của hàng hóa liên quan. Điều này có nghĩa là, các quốc gia thành viên phải cung cấp các điều kiện thực tế cần thiết để các chỉ dẫn địa lý đồng âm đó có thể cùng tồn tại một cách hiệu quả. Điều kiện bắt buộc là chúng phải có khả năng phân biệt với nhau, đồng thời đảm bảo rằng người tiêu dùng không bị lừa dối. Việc sử dụng chỉ dẫn địa lý đồng âm trong Hiệp định TRIPs chỉ liên quan đến rượu vang và được bán trên cùng một thị trường. Khi người tiêu dùng vô tình mua phải hàng hóa ngoài ý muốn, họ được coi là bị lừa. Hiệp định EVFTA cũng đưa ra điều kiện tương tự nhưng mở rộng đối với các sản phẩm khác bên cạnh rượu vang.
Như vậy, Dự thảo Luật mới chỉ nhắc lại nguyên tắc cần có sự phân biệt tránh gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về xuất xứ địa lý của sản phẩm mà chưa chỉ ra các điều kiện cụ thể để tạo ra sự phân biệt giữa các chỉ dẫn địa lý đồng âm.
3. Kiến nghị
Từ những phân tích trên, tác giả xin đưa ra một số kiến nghị cụ thể liên quan đến vấn đề bảo hộ các chỉ dẫn địa lý đồng âm:
Thứ nhất, cần sửa đổi khái niệm chỉ dẫn địa lý đồng âm trong khoản 22 Điều 4 Dự thảo Luật. Trong đó, cần làm rõ phạm vi bảo hộ chỉ dẫn đồng âm đối với tất cả các sản phẩm hay chỉ một số sản phẩm và các chỉ dẫn địa lý được coi là đồng âm khi nó chỉ dẫn đến nguồn gốc của các sản phẩm bất kỳ hay là các sản phẩm cùng loại. Hiện nay, việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý đồng âm cho nhiều sản phẩm bên cạnh sản phẩm rượu vang đã được một số quốc gia thừa nhận. Hơn nữa, trong Hiệp định EVFTA, Việt Nam đã cam kết thừa nhận việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý đồng âm dùng cho rượu vang, rượu mạnh, sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm. Như vậy, theo tác giả, chỉ dẫn địa lý đồng âm không nên bị giới hạn trong một, một số sản phẩm cụ thể mà nên mở rộng bảo hộ chỉ dẫn địa lý đồng âm cho tất cả các sản phẩm.
Theo tác giả, nên xem xét chỉ dẫn địa lý đồng âm đối với các dấu hiệu được chỉ dẫn nguồn gốc của các sản phẩm cùng loại. Việc tồn tại đồng thời các chỉ dẫn địa lý đồng âm hoàn toàn hợp lý, bởi vì các chỉ dẫn chỉ ra nguồn gốc địa lý thực sự của các sản phẩm mà chúng được sử dụng. Tuy nhiên, xung đột thường nảy sinh khi các sản phẩm sử dụng chỉ dẫn địa lý đồng âm được bán vào cùng một thị trường và chỉ dẫn đến nguồn gốc của các sản phẩm giống hệt nhau. Việc sử dụng đồng thời các chỉ dẫn địa lý đồng âm trong cùng một lãnh thổ có thể gây ra vấn đề khi sản phẩm sử dụng chỉ dẫn địa lý có những phẩm chất và đặc điểm riêng biệt mà không có sản phẩm sử dụng từ đồng âm của chỉ dẫn địa lý đó. Trong trường hợp này, việc sử dụng chỉ dẫn địa lý đồng âm sẽ gây hiểu lầm, vì các kỳ vọng liên quan đến chất lượng của sản phẩm mà chỉ dẫn địa lý đồng âm được sử dụng không được đáp ứng. Đối với các chỉ dẫn thương mại khác như nhãn hiệu, khi xét nhãn hiệu đăng ký sau có trùng hay tương tự với nhãn hiệu đã được đăng ký trước hay không, pháp luật cũng chỉ xem xét nhãn hiệu được gắn lên các sản phẩm cùng loại[5].
Trong Hiệp định TRIPs, chỉ dẫn địa lý đồng âm cũng chỉ được xác định đối với các chỉ dẫn đến xuất xứ của các loại rượu vang, nói cách khác, Hiệp định TRIP chỉ công nhận sự tồn tại đồng thời của các chỉ dẫn địa lý đồng âm được gắn với các sản phẩm cùng loại. Bởi vậy, tác giả cho rằng, chỉ xác định là chỉ dẫn địa lý đồng âm để chỉ dẫn nguồn gốc của các sản phẩm cùng loại.
Như vậy, khoản 22 Điều 4 Dự thảo Luật nên được sửa lại như sau: “Chỉ dẫn địa lý đồng âm là các chỉ dẫn địa lý có cách phát âm hoặc cách viết trùng nhau để chỉ dẫn nguồn gốc của các sản phẩm cùng loại”.
Thứ hai, bổ sung các yêu cầu cụ thể trong Điều 79 Dự thảo Luật để đảm bảo tính phân biệt giữa các chỉ dẫn địa lý đồng âm. Theo tác giả, Điều 79 Dự thảo Luật nên quy định thêm về các yêu cầu để đảm bảo hạn chế nhầm lẫn của người tiêu dùng về các chỉ dẫn địa lý đồng âm cùng tồn tại trên thị trường như: Tầm quan trọng của việc trình bày các nhãn đồng âm, đề cập đầy đủ thông tin để phân biệt tránh sự nhầm lẫn của người tiêu dùng…
Thứ ba, cần bổ sung quy định về quyền được thông báo và được góp ý của chủ sở hữu chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ trước khi chỉ dẫn địa lý đồng âm được xem xét bảo hộ. Đây là nội dung mà Việt Nam đã cam kết trong Hiệp định EVFTA, bởi vậy, pháp luật sở hữu trí tuệ cần đưa quy định về nội dung này nhằm bảo đảm quyền được thông báo và quyền được góp ý trước khi bảo hộ một chỉ dẫn địa lý đồng âm với chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ của chủ sở hữu chỉ dẫn địa lý đó.
ThS. Nguyễn Thị Nguyệt
Đại học Thương mại
[1]. Theo Merriam Webster’s Collegiate Dictionary.
[2]. Xem quy định Điều 23.3 Hiệp định TRIPs.
[3]. Dự thảo 2.0 ngày 17/11/2020, xem tại http://www.noip.gov.vn/thong-bao/-/asset_publisher/ vTLYJq8Ak7Gm/content/du-thao-luat-sua-oi-bo-sung-mot-so-ieu-cua-luat-so-huu-tri-tue, truy cập ngày 25/02/2021.
[4]. Xem khoản 4 Điều 80 Luật Sở hữu trí tuệ.
[5]. Xem điểm e khoản 2 Điều 74 Luật Sở hữu trí tuệ.