Bảo vệ tài sản vô hình của doanh nghiệp, những bài học đắt giá nhìn từ vụ tranh chấp nhãn hiệu “HANSICO” với “HANSHIN”

(PLBQ). Có một thực tế, những câu chuyện và bài học thấm thía xung quanh vấn đề nhãn hiệu ngày càng nhiều hơn, đặc biệt trong thế giới phẳng, hội nhập ngày càng sâu rộng hiện nay.

Nhiều doanh nghiệp hoạt động lâu năm, gây dựng được tên tuổi trên thị trường nhưng chưa đăng ký bảo hộ có thể sẽ bị buộc phải đổi tên, hoặc đánh mất nhãn hiệu nhiều năm gây dựng khi có một doanh nghiệp trùng tên, thành lập sau, nhưng có đăng ký bảo hộ.

Vụ việc tranh chấp nhãn hiệu “HANSICO” với “HANSHIN” là một ví dụ điển hình và để lại những bài học đắt giá không chỉ cho Công ty Hán Sinh nói riêng và các doanh nghiệp nói chung

 

Nhãn hiệu lưu thông trên thị trường (nguồn: internet)

Nhãn hiệu hàng hóa là một tài sản trí tuệ có giá trị đối với hoạt động kinh doanh. Mục đích của việc sử dụng nhãn hiệu là để phân biệt sản phẩm, dịch vụ của các nhà sản xuất, kinh doanh khác nhau. Chính vì lý do này mà nhãn hiệu có vai trò vô cùng quan trọng trong hoạt động kinh doanh, cạnh tranh và phát triển thị trường của một doanh nghiệp, dù doanh nghiệp đó thực hiện sản xuất hàng hóa hay cung cấp dịch vụ ra thị trường.

Gần đây, trên các phương tiện truyền thông thông tin về câu chuyện  tranh chấp nhãn hiệu giữa Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Cơ điện và Điện tử Hán Sinh (Công ty Hán Sinh) với Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Cơ điện và Điện tử Hàn Sinh (Công ty Hàn Sinh) trong việc sở hữu những nhãn hiệu ổn áp, điện tử HASHIN hay HANSICO.

“Tình ngay lý gian” .

Công ty Hàn Sinh hiện đang là Chủ sở hữu nhãn hiệu "HANSICO và hình" theo Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 133980 do Cục sở hữu trí tuệ Việt Nam (NOIP) cấp ngày 1/10/2009, danh mục dịch vụ mang nhãn hiệu được bảo hộ gồm: ổn áp, ổ cắm điện, dây điện, dây ăng ten, tăng phô (dụng cụ ổn định dòng điện), công tắc điện.

Ông Phạm Văn Tuyến - người đại diện Công ty Hàn Sinh - trước đó đã từng giữ chức Phó giám đốc kinh doanh tại Công ty Hán Sinh. Thời điểm ông Tuyến đang giữ chức Phó giám đốc, Công ty Hán Sinh đang sử dụng nhãn hiệu HANSHIN nhưng chưa được cấp văn bằng bảo hộ tại Việt Nam.Theo tìm hiểu của phóng viên Pháp luật và Bản quyền, ông Mạch Tuyển Quyền (con trai ông Mạch Bội Cang, Giám đốc Công ty Hán Sinh) cho rằng, ông Phạm Văn Tuyến đã có "ý" ngay từ khi còn làm việc tại Hán Sinh, bởi đã không đăng ký bảo hộ nhãn hiệu "HANSHINvà hình"  cho Hán Sinh tại thị trường Việt Nam, mà mang tận sang Campuchia để đăng ký với lý do chống hàng giả.

Sau gần 10 năm làm việc tại Hán Sinh, năm 2008 ông Phạm Văn Tuyến quyết định ra làm riêng và thành lập Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Cơ điện và Điện tử Hàn Sinh. Ngay khi vừa thành lập và đi vào hoạt động, Công ty Hàn Sinh đã nộp đơn tới NOIP đề nghị cấp văn bằng bảo hộ cho nhãn hiệu HANSICO và Hình”  tại Việt Nam.

(Thông tin tra cứu tại website Cục sở hữu trí tuệ)

Mọi việc đã quá muộn.

Khi Công ty Hán Sinh biết không thể sử dụng nhãn hiệu "HANSHIN và Hình" tại Việt Nam do chứa dấu hiệu tương tự, gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đã được bảo hộ của Công ty Hàn Sinh thì mọi việc đã muộn và vượt tầm kiểm soát của Công ty Hán Sinh.

Ngày 07/03/2011, Công ty Hán Sinh có đơn tới NOIP đề nghị cấp văn bằng bảo hộ cho nhãn hiệu HANSHIN và Hình”  cho dịch vụ: ổ cắm điện, ổn áp điện, bộ chỉnh lưu dòng điện (tăng phô điện), máy biến thế, bộ tích trữ điện (bình sạc).

 

Tuy nhiên, đơn này đã không được chấp thuận do có chứa các dấu hiệu không có khả năng phân biệt (theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ) với nhãn hiệu "HANSICO và hình"  của Công ty Hàn sinh đã được cấp văn bằng bảo hộ trước đó.

 

Luật sở hữu trí tuệ Việt Nam quy định về nhãn hiệu không có khả năng phân biệt như sau:

Điều 74. Khả năng phân biệt của nhãn hiệu

2. Nhãn hiệu bị coi là không có khả năng phân biệt nếu nhãn hiệu đó là dấu hiệu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

g) Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của người khác đã được sử dụng và thừa nhận rộng rãi cho hàng hóa, dịch vụ trùng hoặc tương tự từ trước ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên trong trường hợp đơn được hưởng quyền ưu tiên”

 

(Thông tin tra cứu tại website Cục sở hữu trí tuệ)

Không thể đăng ký bảo hộ cho nhãn hiệu HANSHIN và Hình”, Công ty Hán Sinh đã có văn bản đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh đổi tên Công ty Hàn Sinh. Lý do công ty đưa ra là hai cái tên chỉ khác nhau ở dấu sắc, dấu huyền, khi dịch sang tiếng Anh sẽ tạo nên sự nhầm lẫn.

Liệu rằng đề nghị của Công ty Hán Sinh có được chấp nhận?

Lịch sử các quy định của pháp luật về đặt tên doanh nghiệp?

Luật Doanh nghiệp 2005 quy định chi tiết về việc đặt tên doanh nghiệp và những điều cấm trong đặt tên doạn nghiêp. Điều 24 Luật này quy định: “Tên của doanh nghiệp phải bằng tiếng Việt và có đăng ký; không được trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên doanh nghiệp đã đăng ký kinh doanh”. 

Sau đó, Nghị định 88/2006/NĐ-CP của Thủ tướng Chính Phủ về Đăng ký kinh doanh đã có quy định cụ thể về vấn đề này. Điều 11 Nghị định yêu cầu “Không được đặt tên trùng hoặc tên gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp khác đã đăng ký trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương”. Tuy nhiên, điều này vô hình chung đã dẫn tới việc một doanh nghiệp ở tỉnh A có thể trùng tên với một doanh nghiệp ở tỉnh B và dẫn tới những hậu quả bất lợi cho doanh nghiệp vì hoạt động của một doanh nghiệp không chỉ gói gọn trong phạm vi một tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương. Hệ lụy là đã làm phát sinh các tranh chấp giữa các doanh nghiệp có liên quan đến việc trùng hoặc gây nhầm lẫn tên.

Nhận thấy điểm hạn chế của nghị định 88/2006/NĐ-CP, năm 2010 Chính phủ đã ban hành Nghị định 43/2010/NĐ-CP về Đăng ký doanh nghiệp để thay thế nghị định 88/2006 nói trên. Nghị định số 43/2010/NĐ-CP đã có những điều chỉnh nằm hạn chế và khắc phục, bổ sung những điểm mới phù hợp hơn về thực tiễn thi hành Luật doanh nghiệp 2005 trong việc đặt tên doanh nghiệp. Điều 14 Nghị định này quy định: Không được đặt tên trùng hoặc tên gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp khác đã đăng ký trong phạm vi toàn quốc”. Như vậy phạm vi điều chỉnh về việc đặt tên doanh nghiệp đã được mở rộng và Nghị định cũng đã quy định cơ chế giải quyết những trường hợp doanh nghiệp thành lập, hoạt động phù hợp với Nghị định 88/2006/NĐ-CP.

Tuy nhiên, vẫn còn một bất cập là khoản 1 Điều 16 Nghị định 43/2010/NĐ-CP quy định:

Các doanh nghiệp đã đăng ký tên doanh nghiệp phù hợp với quy định tại Nghị định số 88/2006/NĐ-CP nhưng không phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 14 Nghị định này không bắt buộc phải đăng ký đổi tên. Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp có tên trùng và tên gây nhầm lẫn tự thương lượng với nhau để đăng ký đổi tên doanh nghiệp hoặc bổ sung tên địa danh để làm yếu tố phân biệt tên doanh nghiệp.”

Chính quy định nhằm hướng tới sự thỏa thuận và thương lượng giữa các doanh nghiệp có sự trùng lặp, gây nhầm lẫn về tên trong nghị định 43/2010/NĐ-CP này đã đá quả bóng tranh chấp sang cho các doanh nghiệp đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp ra đời sau, thành lập sau theo nghị định số 88/2006/NĐ-CP được quyền từ quyết trong tranh chấp với các doanh nghiệp có sự trùng lặp, nhầm lẫn về tên. Trên thực tế, các doanh nghiệp rất khó thương lượng, thỏa thuận với nhau nếu không đáp ứng các yêu cầu về kinh tế, từ đó dẫn đến phát sinh hàng loạt các vụ tranh chấp liên quan đến tên doanh nghiệp.

Luật doanh nghiệp 2014 ra đời và Nghị định số: 78/2015/NĐ-CP về Đăng ký doanh nghiệp đã giải quyết cơ bản được các vấn đề trên. Cụ thể, khoản 2 Điều 42 Luật doanh nghiệp 2014 và Điều 17 Nghị định số: 78/2015/NĐ-CP quy định:

Điều 42. Tên trùng và tên gây nhầm lẫn

2. Các trường hợp sau đây được coi là tên gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp đã đăng ký:

a) Tên tiếng Việt của doanh nghiệp đề nghị đăng ký được đọc giống như tên doanh nghiệp đã đăng ký;

b) Tên viết tắt của doanh nghiệp đề nghị đăng ký trùng với tên viết tắt của doanh nghiệp đã đăng ký;

c) Tên bằng tiếng nước ngoài của doanh nghiệp đề nghị đăng ký trùng với tên bằng tiếng nước ngoài của doanh nghiệp đã đăng ký;

d) Tên riêng của doanh nghiệp đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi một số tự nhiên, số thứ tự hoặc các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt và các chữ cái F, J, Z, W ngay sau tên riêng của doanh nghiệp đó;

đ) Tên riêng của doanh nghiệp đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi ký hiệu “&”, “.”, “+”, “-”, “_”;

e) Tên riêng của doanh nghiệp đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi từ “tân” ngay trước hoặc “mới” ngay sau hoặc trước tên riêng của doanh nghiệp đã đăng ký;

g) Tên riêng của doanh nghiệp đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi từ “miền Bắc”, “miền Nam”, “miền Trung”, “miền Tây”, “miền Đông” hoặc từ có ý nghĩa tương tự.

Các trường hợp quy định tại các điểm d, đ, e và g của khoản này không áp dụng đối với trường hợp công ty con của công ty đã đăng ký.”

 

Điều 17. Tên trùng và tên gây nhầm lẫn

2. Các trường hợp sau đây được coi là gây nhầm lẫn với tên của các doanh nghiệp đã đăng ký:

a) Các trường hợp theo quy định tại Khoản 2 Điều 42 Luật Doanh nghiệp,

b) Tên riêng của doanh nghiệp trùng với tên riêng của doanh nghiệp đã đăng ký.”

Cơ quan chức năng sẽ căn cứ vào qui định nào để giải quyết tranh chấp giữa hai Công ty trên ?

Điều 17 Nghị đinh 43/2010/NĐ-CP quy định “Không được sử dụng tên thương mại, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý của tổ chức, cá nhân đã được bảo hộ để cấu thành tên riêng của doanh nghiệp, trừ trường hợp được sự chấp thuận của chủ sở hữu tên thương mại, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đó”, và “Doanh nghiệp phải tự chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu đặt tên doanh nghiệp vi phạm các quy định về sở hữu trí tuệ. Trường hợp tên của doanh nghiệp vi phạm các quy định về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp thì doanh nghiệp có tên vi phạm phải đăng ký đổi tênChủ sở hữu công nghiệp có quyền đề nghị Cơ quan đăng ký kinh doanh yêu cầu doanh nghiệp có tên xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp của mình phải thay đổi tên gọi cho phù hợp.” 

Như vậy, các doanh nghiệp có thể đòi lại tên chỉ khi đã đăng ký bảo hộ. Do đó, nhiều trường hợp doanh nghiệp hoạt động lâu năm, gây dựng được tên tuổi trên thị trường nhưng chưa đăng ký bảo hộ có thể sẽ bị buộc phải đổi tên, hoặc đánh mất nhãn hiệu nhiều năm gây dựng khi có một doanh nghiệp trùng tên, thành lập sau, nhưng có đăng ký bảo hộ.

Công ty TNHH Sản xuất – Thương mại cơ điện và điện tử Hán Sinh đi vào hoạt động từ năm 2003, tuy nhiên công ty đã không đăng ký bảo hộ nhãn hiệu HANSHIN ở Việt Nam mà chỉ đăng ký ở Campuchia. Do vậy, tại Việt Nam nhãn hiệu trên chưa được bảo hộ. Trong khi đó, Công ty Hàn Sinh là Chủ sở hữu nhãn hiệu "HANSICO và hình”  từ năm 2009.

Hơn nữa, qua tra cứu cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp cho thấy Công ty Hán Sinh đến thời điểm xảy ra tranh chấp chưa có tên viết bằng tiếng nước ngoài. Trong khi đó, Công ty Hàn Sinh do được thành lập sau và có thể đã có sự chuẩn bị khi lựa chọn lĩnh vực kinh doanh, lựa chọn nhãn hiệu và tên doanh nghiệp nên đã đăng ký tên viết bằng tiếng nước ngoài là: HAN SINH ELECTRONICS AND ELECTROMECHANICS TRADING MANUFACTURING COMPANY LIMITED.

Từ đó, có thể thấy lý do công ty Hán Sinh đưa ra là hai cái tên chỉ khác nhau ở dấu sắc, dấu huyền, khi dịch sang tiếng Anh sẽ tạo nên sự nhầm lẫn là không có căn cứ pháp lý. Bởi theo điểm c khoản 2 Điều 42 Luật doanh nghiệp 2014 thì tên doanh nghiệp chỉ được coi là trùng, gây nhầm lẫn khi trùng với tên nước ngoài của doanh nghiệp đã đăng ký. Trong khi Công ty Hán sinh lại chưa đăng ký tên viết bằng tiếng nước ngoài.

Từ các phân tích trên, việc cấp đăng lý kinh doanh cho Công ty Hàn Sinh không thuộc trường hợp tên trùng và tên gây nhầm lẫn theo quy định tại Luật Doanh nghiệp 2014 và Nghị định 88/2006/NĐ-CP của Chính phủ về đăng ký kinh doanh (nay được thay thế bằng Nghị định 43/2010/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp). Do đó, đề nghị của Công ty Hán Sinh sẽ không được chấp thuận.

 

Các doanh nghiệp có thể đòi lại tên chỉ khi đã đăng ký bảo hộ. Do đó, nhiều trường hợp doanh nghiệp hoạt động lâu năm, gây dựng được tên tuổi trên thị trường nhưng chưa đăng ký bảo hộ có thể sẽ bị buộc phải đổi tên, hoặc đánh mất nhãn hiệu nhiều năm gây dựng khi có một doanh nghiệp trùng tên, thành lập sau, nhưng có đăng ký bảo hộ.

 

Bài học cho các doanh nghiệp trong việc bảo vệ "tài sản vô hình".

Từ sự vụ và những phân tích trên, chúng ta nhận thấy rằng, pháp luật hiện nay đã có tương đối đầy đủ các quy định về bảo hộ nhãn hiệu và tranh chấp nhãn hiệu, tranh chấp tên doanh nghiệp. Tuy nhiên, có một thực tế tồn tại nhiều năm nay, đó là nhiều doanh nghiệp một phần do thiếu kiến thức pháp luật, một phần ngại tốn kém cho việc đăng ký bảo hộ, mà tự bản thân các doanh nghiệp đã đánh mất đi nhãn hiệu nhiều năm gây dựng - tài sản vô hình của chính mình. Đây là điều hết sức đáng tiếc vì thực tế chi phí cho việc đăng ký bảo hộ tên thương mại hay nhãn hiệu ở Việt Nam là rất nhỏ so với những gì mà doanh nghiệp có thể đánh mất hoặc so với chi phí doanh nghiệp bỏ ra để xây dựng nhãn hiêu, thương hiệu của mình trên thị trường.

 

Trong vụ tranh chấp giữa Hàn Sinh và Hán Sinh, sẽ rất khó phân định ai đúng ai sai, ai là người có “ý đồ" và sự thật như thế nào... Nhưng đây là bài học lớn cho Công ty Hán Sinh nói riêng và các doanh nghiệp nói chung đã không chú trọng đến việc bảo vệ "tài sản vô hình" của mình. Khi thị phần bị chia cho doanh nghiệp khác mới vỡ lẽ thì đã quá muộn. Việc không am hiểu những quy định pháp luật sẽ rất dễ dẫn đến nhữngtrường hợp chỉ biết tự trách bản thân hay "kêu trời".

Kỳ Anh

 

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin.